Phân tích bài thơ Nói với con - Y Phương, Ngữ văn 9

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Hắc Tiểu Yên, 20 Tháng mười hai 2022.

  1. Hắc Tiểu Yên

    Bài viết:
    2
    Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày được đánh giá là một trong những nhà thơ dân tộc thiểu số tiêu biểu trên thi đàn văn học Việt Nam hiện đại. Thơ ông luôn mang phong cách riêng biệt, độc đáo, mạnh mẽ chân thực mà trong sáng, mang đậm bản sắc văn hóa, con người vùng cao. "Nói với con" là bài thơ tiêu biểu nhất của ông, là một bông hoa rực rỡ đầy hương sắc của núi rừng biên giới.

    "Chân phải bước tới cha

    Chân trái bước tới mẹ

    Một bước chạm tiếng nói

    Hai bước chạm tiếng cười."

    [​IMG]

    Bằng những từ ngữ giàu hình ảnh, giàu chất tạo hình "chân phải, chân trái, một bước, hai bước", nhà thơ đã khắc họa bước chân trẻ thơ chập chững non nớt, đang bước những bước đi đầu tiên trong đời. Cùng với ánh mắt ấm áp của cha mẹ luôn dõi theo và vòng tay đón đợi của gia đình đã được thể hiện qua thủ pháp liệt kê, điệp ngữ "tới cha, tới mẹ, tiếng nói, tiếng cười". Tất cả đã tạo nên một bức tranh gia đình đầm ấm luôn ngập tràn niềm vui.

    "Người đồng mình yêu lắm con ơi

    Đan lờ cài nan hoa

    Vách nhà ken câu hát

    Rừng cho hoa

    Con đường cho những tấm lòng."

    [​IMG]

    "Người đồng mình" - nghe thật ngọt ngào tha thiết. "Người đồng mình" là đồng bào quê hương mình, là bà con dân tộc Tày nơi "nước non Cao Bằng", nơi "gạo trắng nước trong". Sao không yêu? Phải yêu nhiều, yêu lắm chứ! "Người đồng mình" rất đẹp với những phẩm chất trắng trong. Hơn nữa, chữ "hoa", chữ "câu hát", chữ "tấm lòng" trong thơ Y Phương lại rất ý vị. "Đan lờ" để bắt cá. Dưới bàn tay khéo léo của người Tày, những nan lứa, nan tre dần trở thành "nan hoa". Vách nhà chẳng những được ken bằng gỗ mà còn được ken bằng cả "câu hát". Rừng "cho hoa", con đường không những chỉ đi ngược về xuôi, lên núi xuống biển mà còn cho "những tấm lòng" bao dung nhân hậu.

    "Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

    Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời."

    Đó là một kỉ niệm đẹp, con được lớn lên trong cuộc sống lao động, trong tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ, trong sự nâng đỡ của quê hương đất mẹ.

    "Người đồng mình thương lắm con ơi."

    [​IMG]

    Nếu ở phần đầu, Y Phương đã viết "Người đồng mình yêu lắm con ơi" thì ở khổ 2, câu thơ được lặp lại như khổ một nhưng "yêu" được thay bằng "thương" nên sắc thái bài thơ có sự thay đổi. Nếu "yêu" là yêu cuộc sống bình dị, yêu bản làng thơ mộng, yêu tấm lòng chân thật nghĩa tình, thì "thương" ở đây là những vất vả, những gian khó của quê hương. Để rồi bộc lộ tình yêu thương chân thành nhất.

    Qua lời tâm tình của người cha, phẩm chất cao quý của "người đồng mình" cứ dần được khắc họa vô cùng rõ nét, tràn đầy niềm vui và lạc quan:


    "Cao đo nỗi buồn

    Xa nuôi chí lớn."

    Bút pháp đảo ngữ của tác giả đã thành công khiến nhịp thơ trở nên thanh thoát, cao vời. "Người đồng mình" tuy khó khăn là vậy nhưng vẫn "nuôi chí lớn". Họ mạnh mẽ, không bao giờ lùi bước trước gian khó, trước mọi thử thách.

    "Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

    Sống trong thung không chê thung nghèo đói."


    [​IMG]

    Cha muốn nói với con rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cha vẫn mong con có thể ngẩng cao đầu không chùn bước. Tuy cuộc sống còn "nghèo đói", còn thiếu thốn khó khăn thì con cũng phải nhớ "không chê.. không chê", vì đó là quê hương, là nơi chôn rau cắt rốn.

    "Sống như sông như suối

    Lên thác xuống ghềnh

    Không lo cực nhọc."

    Cha muốn con sông hồn nhiên "như sông như suối". Cho dù cuộc sống đó còn vất vả, nhọc nhằn nhưng con không bao giờ được quay mặt lại với quên hương. Cha mong con hãy sống tình nghĩa thủy chung bằng cả ý chí, nghị lực và niềm tin.

    "Người đồng mình tuy thô sơ da thịt

    Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

    Người đồng mình tự đập đá kê cao quê hương

    Còn quê hương thì làm phong tục."


    [​IMG]

    Điệp ngữ "người đồng mình" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đã bộc lộ niềm tự hào về quê hương, tự hào về "người đồng mình" mộc mạc giản dị, chịu thương chịu khó nhưng tâm hồn cao đẹp giàu ý chí nghị lực, giàu bản sắc văn hóa. Qua đó, cha mong con luôn tự hào, giữ gìn truyền thống của quê hương.

    "Con ơi tuy thô sơ da thịt

    Lên đường

    Không bao giờ nhỏ bé được

    Nghe con."

    Ở đoạn cuối, lời thơ càng tha thiết trìu mến, ý thơ được lặp lại làm câu thơ càng trở nên da diết, khắc sâu trong lòng con ề những phẩm chất cao quý của "người đồng mình". Người con giờ đây đã khôn lớn trưởng thành, đã tạm biệt gia đình, quê hương thân yêu để bước vào trang đời mới, đã "lên đường" để bước vào cuộc đời của riêng mình. Trong hành trang gian nan ấy, người con luôn mang theo bên mình những thứ quý giá. Đó là ý chí, nghị lực và hơn hết là tấm lá chắn yêu thương mạnh mẽ mang tên quê hương. Con tuy rằng "thô sơ da thịt" nhưng tuyệt đối không được sống tầm thường, không bao giờ được "nhỏ bé" trước thiên hạ. Hai tiếng nghe con khép lại bài thơ là cả một tấm lòng bao la mà người cha dành tặng con. Hãy luôn lấy niềm tin, bản lĩnh của "người đồng mình" làm thành trì vững chắc để vững bước trên đường đời.

    [​IMG]

    Bằng thể thơ tự do cùng cách nói giàu hình ảnh, vừa mộc mạc vừa giàu chất thơ, bài thơ phần nào đã giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của người dân vùng cao, gợi nhắc về tình cảm gắn bó với quê hương và sức sống mạnh mẽ. Y Phương - cánh chim đại bàng của khắp miền rẻo cao phía Bắc Tổ quốc đã mang đến cho nền thơ văn hiện đại một gáo nước Cao Bằng để làm trong, làm mát tâm hồn con người.

    20-12-2022
     
    LieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng mười hai 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...