Phân tích bài thơ nhàn - Nguyễn bỉnh khiêm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp, 19 Tháng sáu 2020.

  1. Diệp Tình yêu tính là thứ gì, ta chỉ thích độc thân.

    Bài viết:
    343
    Đề bài: Phân tích bài thơ "Nhàn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm để thông qua đó thấy được quan niệm sống của tác giả.

    -oOo-

    Tránh xa chốn quan trường đầy đen bạc, cạm bẫy, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lui về ở ẩn. Ông chọn nơi làng quê thanh bình, dân dã để thưởng thức cuộc sống, quên đi những nỗi ưu tư sầu muộn. Chính vì vậy, ông có cách nhìn cuộc sống thật sâu sắc, thấu hiểu tận tâm can để rồi để thể hiện quan niệm sống nhàn, lánh đục tìm trong, vượt lên trên danh lợi của bản thân.

    Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) quê ở Hải Phòng. Ông từng làm quan dưới trều nhà Mạc, dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám quang lộng thần nhưng vua không nghe, ông bèn cáo quan về ở ẩn. Ở quê nhà, ông dạy học và học trò của ông có rất nhiều người tài giỏi nên ông được mệnh danh là Tuyết Giang phu tử. Tuy về quê ở ẩn, nhưng ông vẫn tham vấn cho triều đình và về sau được gọi là Trạng Trình. Bài thơ "Nhàn" được ông sáng tác khi về ở ẩn. Ông chọn lối sống "Nhàn" cốt để giữ cho tâm hồn được thanh cao, trong sạch, không vướng vụi trần nơi quan quyền, danh lợi. Vì vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn cuộc sống bằng con mắt thấu hiểu, sâu sắc. Ông nhìn thấy cuộc sống nơi làng quê thật yên bình, tươi đẹp, tâm hồn mình được thanh cao, trong sạch, không vướng bận những bụi bẩn của công danh, quyền quý. Bởi lẽ, đối với ông, ông vốn dĩ nhìn vào danh lợi, cuộc sống xa hoa, bon chen bằng con mắt khinh thường, căm ghét và lên án. Để rồi, từ cách nhìn cuộc sống đó ông mới thể hiện được quan niệm sống "Nhàn" của mình. Đó là lối sống hòa hợp với thiên nhiên, với những gì thanh đạm, chân chất nhất và lánh đục tìm trong, coi thường vinh hoa phú quý, vượt lên trên danh lợi.

    Trước hết, người đọc thấy được cách nhìn cuộc sống tự nhiên thật bình dị, dân dã, thể hiện quan niệm sống hòa hợp với thiên nhiên, với những thức ăn đạm bạc, đậm chất quê hương:

    "Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

    Xuan tắm hồ sen, hạ tắm ao."

    Ở nơi quê hương mộc mạc, dân dã, nhà thơ hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng hết những gì đơn sơ, bình dị, thanh đạm của từng món ăn. Lối sống "Nhàn" giản dị ấy được thể hiện qua bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Tác giả đã tạo nên bức tranh tứ bình về thiên nhiên thật đẹp, thể hiện được hoàn chỉnh cuộc sống ở ẩn của mình. "Măng trúc" và "Giá" là những thức ăn rất quen thuộc, đạm bạc, sẵn có, chẳng khổ công tìm kiếm. Tưởng chừng những món ăn đó quá tầm thường, tự nhiên nhưng không chỉ với tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm mà ngay cả với chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam cũng rất tâm đắc với món ăn "quê mùa" này:

    "Sáng ra bờ suối, tối vào hang

    Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng."


    Không những thế, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng cuộc sống tươi đẹp, thanh bình. Với lối sống đạm bạc, thanh cao này, Nguyễn Bỉnh Khiêm có sự gặp gỡ với thi hào Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV:

    "Ao cạn vớt bèo cấy muống

    Đìa thanh, phát cỏ, ươm sen."

    Lối sống thanh nhàn, hòa hợp với thiên nhiên là xu hướng cuộc sống đúng đắn, khoa học mà biết bao bậc Nho sĩ ước mơ hướng đến. Qua đây, ta cảm nhận được một tâm hồn yêu thiên nhiên sâu sắc, muốn được tỏa hết lòng mình tận hưởng những gì chân chất, mộc mạc với miền quê thanh bình. Tình yêu và và say đắm với thiên nhiên thanh bình ấy toát ra bởi cái nhìn yêu cuộc sống, cái nhìn thân thiện, gần gũi với một trái tim rộng mở.

    Cuộc sống hòa mình với thiên nhiên là thế nhưng có lẽ, khi nghĩ về công danh, phú quý ông lại thay đổi cách nhìn và sự thể hiện quan niệm sống cũng khác. Ông nhìn vinh hóa phú quý bằng con mắt căm ghét, phẫn nộ với thái độ phê phán, coi thường và thể hiện quan niệm sống lánh đục tìm trong, coi thường danh lợi:

    "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

    Người khôn người đến chốn lao xao."


    "Rượu đến cội cây ta sẽ uống

    Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao."

    Tác giả đã rất khéo léo khi sử dụng phép đối lập giữa "dại" – "khôn" và "nơi vắng vẻ" – "chốn lao xao". "Nơi vắng vẻ" là cuộc sống với làng quê yên bình, thư thái, không mưu cầu, bon chen. Còn "chốn lao xao" là nơi quan trường đầy đen bạc, cạm bẫy, nơi đầy rẫy những âm mưu, vòng xoáy của danh lợi. Cái "dại" của "ta" là cái dại của một bậc đại trí, thấu triệt lẽ thịnh suy, vong tồn của thời cuộc, biết chọn đến cuộc sống thanh bình, mộc mạc, nâng tâm hồn "ta" thanh cao, đẹp đẽ. Cái "khôn" của "người" là chấp nhận rơi vào cạm bẫy, danh lợi, công danh xoay chuyển điên cuồng, nơi mà con người chỉ biết bon chen, giẫm đạp lên nhau mà sống. Ở đây, theo tác giả "dại" và "khôn" được hiểu theo nghĩa ngược lại. "Dại" thực chất là "khôn" mà "khôn" thực chất là "dại". Cách nói ngược hóm hỉnh, tự nhiên thể hiện thái độ mỉa mai đồng thời cũng là sự răn đe mình và dạy đời về việc chọn cách sống. Điều này ông cũng đã từng nói trong thơ của mình:

    "Khôn mà hiểm độc là khôn dại

    Dại vốn hiền lành ấy dại khôn."

    Sau khi phân biệt giữa cách sống của "dại" và "khôn" Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện thái độ của mình với danh lợi, phú quý. Sử dụng điển tích Thuần Vu Phần uống rượu dưới cây hòe rồi mơ đến giấc mộng công danh. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa ra một triết lý vô cùng sâu sắc. Ông tìm đến rượu không phải để uống xong rồi mơ về vinh hoa phú quý mà là để tỉnh táo, nhận ra chân lý: Danh lợi cũng chỉ là một giấc mộng chiêm bao. Cái nhìn về cuộc sống ấy của ông thật đúng đắn, uyên thâm. Với ông, cuộc sống công danh, phú quý ông vốn rất căm ghét và lên án trong nhiều bài thơ về nhân tình thế thái của mình:

    "Ở thế mới hay người bạc áo

    Giàu thì tìm đến, khó thì lui."

    Mặc kệ bọn người chạy ngược chạy xuôi, bon chen, mưu cầu, tham muốn về danh lợi, "ta vẫn" ung dung, thư thái tận hưởng cuộc sống tươi đẹp. Ta bắt gặp lối sống của nhà Nho Cao Bá Quát cũng đồng điệu với Nguyễn Bỉnh Khiêm:

    "Xưa nay phường danh lợi

    Tất cả trên đường đời

    Đầu gió hơi men thơm quán rượu

    Người say vô số, tỉnh bao người."

    "Bả" vinh hoa mà bao kẻ ham danh hám lợi đều tìm đến. Một khi đã rơi vào vóng xoáy của danh lợi thì khó có thể thoát ra. Cũng như rượu ngon, bao kẻ nhậu đều đổ xô tìm đến, nhưng có mấy ai tỉnh táo, thoát khỏi sự cám dỗ của nó. Vì vậy, danh lợi cũng chỉ là một thứ rượu làm thay đổi lòng người. Chính vì vậy, cách nhìn cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm rất thiết thực và sâu sắc. Ông nhìn bằng con mắt khinh rẻ, căm phẫn về công danh, ông không ham muốn danh lợi, vinh hoa phú quý của chốn quan quyền "ra luồn vào cúi" bon chen hay chốn "ngươi chết ta sống" huyên náo. Qua đây cũng thể hiện quan niệm sống của tác giả: Sống bình dị, tự nhiên, tránh xa những đen bạc, cạm bẫy và không màng danh lợi.

    [​IMG]

    Quả thật, Nguyễn Bỉnh Khiêm có cái nhìn về cuộc sống thật đa chiều nhưng lại vô cùng uyên thâm, sâu sắc. Bằng nghệ thuật đối, cách sử dụng điển tích, điển cố, ông đã khiến cho độc giả thấy được cách nhìn về cuộc sống cũng như quan niệm sống của mình. Câu thơ giản dị, ngắn gọn, không cần gọt giũa nhưng chính nhờ sự khéo léo và tinh tế của ông đã trở nên ý vị, đầy tính triết lý. Bài thơ là lời tâm sự thâm trầm sâu sắc mang đến cho độc giả nhiều cảm nhận thú vị. Thông qua từng câu thơ mộc mạc, chân thật, ta có thể cảm nhận được những triết lý sâu sắc và cả con người của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong những câu thơ đó. Khi nhìn về cuộc sống làng quê bình dị thì gần gũi, cảm xúc dâng trào, thể hiện lối sống hòa hợp, gắn bó với thiên nhiên. Ngược lại, khi nhìn về danh lợi thì lại vô cùng căm phẫn và lên án đồng thời thể hiện quan niệm sống lánh đục tìm trong, vượt lên trên danh lợi, không màng vinh hoa phú quý.

    Tóm lại, qua bài thơ "Nhàn", hình ảnh Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên là một nhà thơ có tình yêu thiên nhiên sâu sắc và là một người thấu triệt lẽ đời. Bằng cái nhìn đa chiều về cuộc sống cùng quan niệm sống" Nhàn"thanh cao, ông đã để lại trong lòng độc giả bao khó ấn khó quên.

    -oOo-
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...