Puskin từng viết: "Linh hồn là ấn tượng của một tác phẩm. Cây có sống được là nhờ ánh sáng, chim muông sống được là nhờ tiếng ca, một tác phẩm sống được là nhờ tiếng lòng của người cầm bút". Thật vậy, từ bao giờ thơ ca luôn là nơi dừng chân của bao thi sĩ, là tiếng hát của bao trái tim, là nơi trú ẩn của bao tâm hồn đang khát khao tìm kiếm và mang đến cho đời những giá trị vĩnh hằng của cuộc sống. Khi cuộc sống với bao bộn bề, lo toan, khi những cảm xúc không thể thốt lên thành lời và chẳng thể diễn tả thành tiếng, ta lại tìm đến thơ ca, văn chương. Có lẽ cũng bởi thế mà khi đọc được một câu thơ ta bắt gặp được một con người, một nhân cách, một tâm hồn. Quay ngược bánh xe thời gian, ta tìm về những vần thơ mà nơi đó, ta bắt gặp được những vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của người nghệ sĩ qua "Nhàn" – Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) quê ở Hải Phòng. Ông từng làm quan dưới trều nhà Mạc, dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám quang lộng thần nhưng vua không nghe, ông bèn cáo quan về ở ẩn. Ở quê nhà, ông dạy học vì học trò của ông có rất nhiều người tài giỏi nên ông được mệnh danh là Tuyết Giang phu tử. Tuy về quê ở ẩn, nhưng ông vẫn tham vấn cho triều đình và về sau được gọi là Trạng Trình. Ông là người có học vấn uyên thâm, là nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ của ông mang đậm chất triết lí giáo huấn, ngợi ca chí khí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, đồng thời cũng phê phán những điều sống trong xã hội. Khi mất ông để lại tập thơ chữ Hán Bạch Vân thi tập và tập thơ chữ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi tập. Tiêu biểu là bài thơ "Nhàn" trích trong tập thơ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi, được viết bằng thể thất ngôn bát cú đường luật. "Nhàn" đối với ta chỉ đơn thuần là những quãng thời gian nhàn rỗi, không phải làm việc gì, nhưng trong mắt của Nguyễn Bỉnh Khiêm – một người đã từng sống ẩn dật trong suốt bốn mươi năm, trải qua nhiều biến cố và khủng hoảng đã suy nghĩ theo chiều hướng khác về chữ nhàn ấy. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn cuộc sống bằng con mắt thấu hiểu, sâu sắc. Ông nhìn thấy cuộc sống nơi làng quê thật yên bình, tươi đẹp, tâm hồn mình được thanh cao, trong sạch, không vướng bận những bụi bẩn của công danh, quyền quý. Bởi lẽ, đối với ông, ông vốn dĩ nhìn vào danh lợi, cuộc sống xa hoa, bon chen bằng con mắt khinh thường, căm ghét và lên án. Để rồi, từ cách nhìn cuộc sống đó ông mới thể hiện được quan niệm sống "Nhàn" của mình. Đó là lối sống hòa hợp với thiên nhiên, với những gì thanh đạm, chân chất nhất, lánh đục tìm trong và coi thường vinh hoa phú quý, vượt lên trên danh lợi. Trước hết, hai câu đầu, tác giả đã hướng ngòi bút để tô đậm cho người đọc cảm nhận được về một cuộc sống bình dị, dân dã, đậm chất quê hương: "Một mai, một cuốc, một cần câu Thơ thẩn dầu ai vui thú nào." Với nhịp thơ biến hóa đã gợi nên tâm thế đủng đỉnh khoan thai của một lão nông sống ung dung thanh thản nơi vùng quê thân thuộc. Nhà thơ thật tinh tế khi sử dụng cách điệp số từ "một" kết hợp với phép liệt kê "mai, cuốc, cần câu" để diễn tả một tư thế sẵn sàng lao động và sự gắn bó gần gũi của những vật dụng ấy với đời sống của người nông dân thiện lành. Rời quan trường, nhà nho tri thức uyên thâm tìm về lối sống lao động thuần hậu, chất phát của một "lão nông chi điền" ngày ngày đào đất, cày ruộng, câu cá, tìm niềm vui trong công việc lao động chân tay vốn dành cho nhà nông. Không cho rằng đó cuộc sống vất vả, khổ cực, Nguyễn Bỉnh Khiêm thấy tâm hồn mình thanh thản, bình yên khi cầm những công cụ lao động mộc mạc, thô sơ để "cày mây cuốc nguyệt gánh yên hà". Phong thái ung dung của nhà thơ còn được thể hiện thật rõ nét qua cách ngắt nhịp 2/2/3 của câu thơ. Chỉ bằng vài nét chấm phá mở đầu của bài thơ, đã mở ra một không gian nơi chốn thôn quê thật thanh bình với những vật dụng lao động gắn liền với công việc nặng nhọc, vất vả và lam lũ của một lão canh điền Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây có thể nói là cuộc sống đáng mơ ước của rất nhiều người ở thời kỳ phòng kiến ngày xưa nhưng không phải ai cũng có thể dứt bỏ được chốn quan trường về với đồng quê như thế này. Tìm về cuộc sống "ngư, tiều, canh, mục" như cách đối lập hoàn toàn với những thú vui ở nơi xa hoa phù phiếm nhằm khẳng định ý nghĩa cùng lựa chọn của tác giả, đồng thời bộc lộ tâm trạng, khí chất thanh cao của ông. Câu thơ thứ hai với từ "thơ thẩn" được đặt ở đầu câu đã thể hiện phong cách ung dung và tâm trạng thảnh thơi của con người khi tâm tĩnh tại không vướng bận chuyện trần thế. Hơn thế nữa cụm từ "dầu ai vui thú nào" cũng thể hiện tâm thế vô cùng ngạo nghễ và quyết đoán khi lựa chọn cho mình một con đường riêng. Cuộc sống thật gần gũi với tự nhiên, đơn giản mà thanh sạch, vô tư, dường như không mảy may vướng bận những lo toan của cuộc sống bon chen nơi đông đúc. Cuộc sống đơn giản, với những sinh hoạt đạm bạc, mùa nào thức ấy, không phải lo lắng gì nhiều. Những sinh hoạt của người ẩn sĩ thật giản dị và thanh cao, giống như một tiên khách chốn trần gian. Bằng lòng với cuộc sống ẩn dật, người ẩn sĩ tự hào với sự lựa chọn của chính mình. Từ đó cho ta thấy triết lý sống nhàn: Là tận hưởng niềm vui trong lối sống, cách sinh hoạt, lao động nhẹ nhàng nơi thôn quê, tuy bình dị mà thanh cao hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Đến với hai câu thực, tác giả tiếp tục gửi gắm quan niệm sống nhàn và suy nghĩ sâu sắc về việc lựa chọn cách sống: "Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ Người khôn, người đến chốn lao xao." Sự tài hoa của thi nhân được thể hiện qua việc sử dụng phép đối giữa "dại" – "khôn" và "nơi vắng vẻ" – "chốn lao xao". "Nơi vắng vẻ" là cuộc sống với làng quê yên bình, thư thái, không mưu cầu, bon chen. Còn "chốn lao xao" là nơi quan trường đầy đen bạc, cạm bẫy, nơi đầy rẫy những âm mưu, vòng xoáy của danh lợi. Cái "dại" của "ta" là cái dại của một bậc đại trí, thấu triệt lẽ thịnh suy, vong tồn của thời cuộc, biết chọn đến cuộc sống thanh bình, mộc mạc, nâng tâm hồn "ta" thanh cao, đẹp đẽ. Cái "khôn" của "người" là chấp nhận rơi vào cạm bẫy, danh lợi, công danh xoay chuyển điên cuồng, nơi mà con người chỉ biết bon chen, giẫm đạp lên nhau mà sống. Ở đây, theo tác giả "dại" và "khôn" được hiểu theo nghĩa ngược lại. "Dại" thực chất là "khôn" mà "khôn" thực chất là "dại". Cách nói ngược hóm hỉnh, tự nhiên thể hiện thái độ mỉa mai đồng thời cũng là sự răn đe mình và dạy đời về việc chọn cách sống. Điều này ông cũng đã từng nói trong thơ của mình: "Khôn mà hiểm độc là khôn dại Dại vốn hiền lành ấy dại khôn" Cũng là vì người đời lấy vẻ dại - khôn để tính toán, so đo nên thực chất đây là thói thực dụng, ích kỉ tầm thường của con người. Nhà thơ tự coi mình là "dại" khi coi thường vinh hoa, phú quý trước mắt, tìm về "nơi vắng vẻ" để thanh lọc tâm hồn trong khi người đời "khôn", tranh giành, tính toán thiệt hơn với nhau khi đã sa phải vòng xoáy đáng sợ bởi ma lực của địa vị, của danh lợi. Từ đó, tác giả lên tiếng phê phán xã hội đồng tiền, phê phán những con người chạy theo thứ phù phiếm. Qua đó, nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm lại được nâng lên một tầng cao mới: Một người thanh cao, thoát tục, trí tuệ sáng suốt khi nói không với những mưu đồ, làm tham vinh hoa phú quý. Nếu như những câu thơ trên tác giả chủ yếu cho ta thấy được suy nghĩ, quan niệm sống thì đến hai câu luận này chính là minh chứng chân thực nhất cho bức tranh về cuôc sống nhàn: "Thu ăn măng trúc, đông ăn giá Xuan tắm hồ sen, hạ tắm ao." Nguyễn Bỉnh Khiêm mô tả cuộc sống của mình khi về ở ẩn, tìm niềm vui nơi thôn quê qua chuyện ăn uống, sinh hoạt. Khác với lối sống hưởng thụ vật chất đắm mình trong vinh hoa phú quý, ở nơi quê hương mộc mạc, dân dã, nhà thơ hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng hết những gì đơn sơ, bình dị, thanh đạm của từng món ăn. Lối sống "Nhàn" giản dị ấy được thể hiện qua bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Tác giả đã tạo nên bức tranh tứ bình về thiên nhiên thật đẹp, thể hiện được hoàn chỉnh cuộc sống ở ẩn của mình. Thay vì yêu cầu cao lương mĩ vị bữa ăn của ông bốn mùa chỉ có "măng trúc" và "giá", là những thức ăn rất quen thuộc, đạm bạc, sẵn có, chẳng khổ công tìm kiếm. Tưởng chừng những món ăn đó quá tầm thường, tự nhiên nhưng không chỉ với tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm mà ngay cả với chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam cũng rất tâm đắc với món ăn "quê mùa" này: "Sáng ra bờ suối, tối vào hang Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng." Bên cạnh đó, lối sinh hoạt của thi nhân vừa giản dị, vừa vô cùng thi vị. "Hồ sen", "ao" là những nơi gắn liền với thôn quê, hòa hợp với thiên nhiên, không chỉ giúp cho tâm hồn của nhà thơ được thanh bình, thoải mái mà còn bộc lộ tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương của tác giả. Suốt bốn mùa, thú vui của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chỉ có vậy. Mặc dù "người khôn" có thể cho rằng cuộc sống đó nhàm chán, quê mùa nhưng ông luôn kiên định với lựa chọn của mình. Nhịp thơ 1/3/1/2 và các từ chỉ mùa nhấn mạnh vào bức tranh tứ bình giản dị mà thanh cao ấy, lại tạo ra nhịp điệu chậm rãi, thư thái, góp phần thể hiện tâm trạng nhà thơ. Lối sống thanh nhàn, hòa hợp với thiên nhiên là xu hướng cuộc sống đúng đắn, khoa học mà biết bao bậc Nho sĩ ước mơ hướng đến. Dù chỉ là những thói quen sinh hoạt hay cách ăn uống vô cùng giản dị nhưng lại gợi lên một cảm giác thật thoải mái, tâm hồn khoáng đạt của nhà thơ bởi lối sống thảnh thơi được thả hồn vào mọi thứ xung quanh, mà không cần luồn cúi, e sợ một kẻ nào. Hai câu thực đã vẽ nên một bức tranh cuộc sống bốn mùa đầy màu sắc tươi đẹp nhưng thật tươi mát và bình dị bởi trong đó có cảnh đẹp hồ sen và cả cảnh sinh hoạt của con người được tác giả tái hiện thật sống động ở am Bạch Vân. Đâu đó cũng toát lên một tâm thế yêu đời và rất lạc quan về một cuộc sống rất đỗi đạm bạc, giản dị mà vẫn thanh cao, tự do của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Qua đây, ta lại thấy rõ hơn quan niệm sống "nhàn" của thi nhân: Là tận hưởng niềm vui từ sự hòa hợp với thiên nhiên, tận hưởng những vẻ đẹp vốn có của đất trời, không bon chen, tranh giành, coi nhẹ vật chất. Đến hai câu thơ kết dường như đúc kết được tinh thần, cốt cách cũng như suy nghĩ của Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Rượu đến cội cây ta sẽ uống Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao." Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mượn điển tích về một nhân vật mang tên Thuần Vu Phần, một viên tướng đời Đường, vì chán công danh, xin từ chức. Một lần say ngủ bên gốc cây hòe, chiêm bao được làm phò mã, có cuộc đời rất phú quý. Khi bừng tỉnh giấc mộng, chợt nhận ra dưới cành hòe chỉ có một tổ kiến mà thôi. Từ đây, tác giả ám chỉ tiền bạc, danh lợi chỉ là phù du, hão huyền. Câu thơ cuối có cách ngắt nhịp khác hẳn với các câu thơ còn lại, nhà thơ đã thể hiện một cách dứt khoát thái độ của mình đối với chuyện công danh phú quý. Động từ "nhìn xem" đã thể hiện sự thức tỉnh một cách đúng lúc của thi nhân trong tư thế làm chủ hiên ngang của cuộc đời mình. Bởi thế, có thể hiểu thái độ nhìn phú quý như giấc mông chiêm bao cũng như nhà thơ chọn quay về "nơi vắng vẻ" sống gần gũi với thiên nhiên. Cuộc sống giản gị đơn sơ nhưng lại thanh cao, đáng quý, quý ở cái tâm trạng thảnh thơi, không khí thanh bình và những thú vui dân dã mà chốn cửa quyền bon chen vụ lợi kia không có. Hơn nữa, đó là cách giữa cho tâm hồn không bị hoen ố, vẩn đục trong xã hội chạy theo thế lực kim tiền. Hai câu thơ kết đã truyền đạt thật trọn vẹn ý nghĩa của quan niệm sống Nhàn đó là: Biết từ bỏ những thứ xa xỉ như vinh hoa, không đắm chìm công danh, bổng lộc; giữ cho tâm hồn luôn thoải mái, nhẹ nhõm bởi vì đó chỉ như một giấc chiêm bao mà thôi. Ông khuyên con người biết từ bỏ những thứ xa hoa, phù phiếm vì đó chỉ là một giấc mộng và nên nhớ rằng chỉ có vẻ đẹp về nhân cách, tâm hồn trong sạch mới là vẻ đẹp đáng trân trọng và lưu giữ mãi về sau. Qua đó cũng toát lên vẻ đẹp nhân cách đạo đức của một bậc Nho sĩ đại tài Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ông đã cởi mũ quan để về chốn thanh tịnh sống phần đời của chính mình, để giữ lại một nhân cách đáng trân quý. Quan điểm coi khinh danh lợi, xem đó là phù phiếm, hão huyền. Hướng dương chẳng thể rực rỡ nếu thiếu ánh mặt trời, ngôi sao chẳng thể tỏa sáng nếu chẳng có bóng đêm, bài hát không được viết bằng cả trái tim chỉ là những lời ca sáo rỗng. Và nếu như vậy thì tác phẩm "Nhàn" của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là một khu vườn ngôn từ được chăm chút bằng cả tâm huyết của ông. Bài thơ rất thành công với thể thơ thất ngôn bát cú đường luật, ngôn ngữ thơ gần gũi, mộc mạc mà giàu triết lí, cách vận dụng điển tích linh hoạt, sáng tạo với các biện pháp tu từ như liệt kê cùng với nghệ thuật đối đã góp phần tạo nên một thi phẩm xuất sắc. "Nhàn" là lời tâm sự thâm trầm sâu sắc mang đến cho độc giả nhiều cảm nhận thú vị. Thông qua từng câu thơ mộc mạc, chân thật, ta có thể cảm nhận được những triết lý sâu sắc và cả con người của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong những câu thơ đó. Khi nhìn về cuộc sống làng quê bình dị thì gần gũi, cảm xúc dâng trào, thể hiện lối sống hòa hợp, gắn bó với thiên nhiên. Ngược lại, khi nhìn về danh lợi thì lại vô cùng căm phẫn và lên án đồng thời thể hiện quan niệm sống lánh đục tìm trong, vượt lên trên danh lợi, không màng vinh hoa phú quý. Bằng những vần thơ giản dị, cùng những điển tích thấm đẫm sự uyên bác, sâu sắc của hồn thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gửi gắm vào bài thơ Nhàn quan niệm sâu sắc về triết lý sống Nhàn. Nhàn đấy là sống giản dị, thanh cao lánh xa chốn lao xao, vòng danh lợi; nhàn ấy là về với thiên nhiên, với thú điền viên để thanh lọc tâm hồn, gột rửa bụi trần. Qua từng dòng thơ, quan niệm sống nhàn lại được thể hiện đầy mới mẻ, độc đáo. Từ đó khiến cho cách tiếp cận của người đọc không bị thu hẹp trong một chiều, mà người đọc được dịp cảm nhận và chiêm nghiệm ở nhiều góc độ khác nhau, tạo nên sự sâu sắc trong cách cảm cách nghĩ.