Phân tích bài thơ Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Anhquaann, 22 Tháng bảy 2023.

  1. Anhquaann Annquo

    Bài viết:
    228
    [​IMG]

    Mùa xuân là mùa thắm tươi, đầy niềm trăng, đầy ý nhạc, tràn trề ánh sáng của cuộc đời trần gian, thiên đường sự sống, hi vọng, hạnh phúc. Là một thi sĩ luôn tôn thờ cái đẹp, Hàn Mặc Tử đã đưa vào thi phẩm của mình tất cả dáng điệu rực rỡ của mùa xuân, một Mùa xuân chín đặc sắc và ấn tượng. Nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong sáng, rạo rực, say mê. Qua đó, nhà thơ cũng gửi gắm niềm khát khao giao cảm với cuộc đời, nỗi nhớ làng quê da diết và bày tỏ nỗi trăn trở trước sự hiện hữu của cái đẹp.

    "Mùa xuân" là mùa bắt đầu của một năm, thời gian cây cối sinh sôi, nảy nở. Tác giả sử dụng từ "chín" với vai trò là một tính từ chỉ trạng thái phát triển căng tràn, vừa tới của tự nhiên. Qua nhan đề Mùa xuân chín, tác giả gợi ra cảnh sắc mùa xuân đang ở độ tươi đẹp, viên mãn, căng tràn sức sống. Nhưng cũng giống như tâm thế của Xuân Diệu "tiếc mùa xuân ngay trong mùa xuân", trạng thái đó đồng nghĩa với việc mùa xuân tươi đẹp đang trôi qua, cái đẹp không thể tồn tại vĩnh hằng, để lại trong nhà thơ nỗi nuối tiếc khôn nguôi.

    Qua hai khổ thơ đầu nhà thơ đã họa lại khung cảnh tươi mới, đầy sức sống của mùa xuân:

    Trong làn nắng ửng: Khói mơ tan,

    Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

    Sột soạt gió trêu tà áo biếc,

    Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

    Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời

    Bao cô thôn nữ hát trên đồi;

    - Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

    Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi..

    Hình ảnh "làn nắng ửng: Khói mơ tan" đã lột tả được cái thần hồn của cảnh: Đẹp trong sáng thuần khiết, đầy sức sống, ngập sắc nắng vàng ửng. Câu thơ của Hàn Mặc Tử khiến ta nhớ đến màu nắng trong trẻo trong thơ Lưu Trọng Lư:

    Mỗi lần nàng mới reo ngoài nội,

    Áo đỏ người dưa trước giàu phơi.

    (Nắng mới)

    Dấu hiệu báo mùa xuân sang được thi nhân đề cập rõ nét qua hàng loạt từ ngữ: Nắng ửng, khói mơ, mái nhà tranh, tà áo biếc, giàn thiên lý. Cách kết hợp từ độc đáo của Hàn Mặc Từ gợi sự liên tưởng thú vị nới bạn đọc. Phép đảo ngữ "sột soạt gió trêu tà áo biếc" mới lạ gây ấn tượng mạnh về một thanh âm rõ ràng nhưng cũng đầy thi vị. Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "bóng xuân sang", "tiếng ca vắt vẻo" linh hoạt thành công khắc họa khung cảnh làng quê thanh bình.

    Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời

    Câu thơ gợi vẻ thanh tĩnh, bình dị, duyên dáng mà đằm thắm yêu thương. Những hình ảnh bầu trời xanh đang dần gợi lại những hình ảnh tươi đẹp, nó đang dần lan tỏa và bao trùm lên toàn bộ không gian ở nơi đây, nó thể hiện một tình cảm đặc biệt nhất, với những hình ảnh của cánh đồng đang hát vang và vang và "đám xuân xanh", ở đây ẩn dụ để nói những người con gái đang đến tuổi xuân thì. Đằng sau vẻ đẹp của cảnh sắc mùa xuân còn là niềm vui của con người khi xuân đến:

    "Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

    Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi"

    Ý thơ Hàn Mặc Tử càng lúc càng giống như lời bộc bạch tâm tình. Mạch cảm xúc bài thơ đi từ bức tranh ngoại cảnh đến bức tranh tâm cảnh, từ cảnh xuân đến tình xuân. Nếu như hai khổ thơ đầu tiên nhà thơ nói về cái thi vị của mùa xuân thì hai khổ thơ cuối Hàn đã dùng để tái hiện cảm xúc, tâm trạng của người con gái sắp lấy chồng và của cả chính mình:

    Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

    Hổn hển như lời của nước mây,

    Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,

    Nghe ra ý vị và thơ ngây..

    Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,

    Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:

    - "Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

    Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?"

    Những từ láy đặc sắc như "vắt vẻo", "hổn hển" góp phần tiếp thêm linh hồn cho bức tranh thiên nhiên, cảnh vật.

    Bằng ý thơ độc đáo, nhà thơ tinh tế thể hiện nỗi nhớ quê, cũng như niềm khát khao giao cảm với cuộc đời. Tình yêu đời, khao khát giao hòa với cuộc đời được thể hiện trọn vẹn và sâu sắc:

    "Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi

    Hổn hển như lời của nước mây"

    Bước vào xuân, tâm trạng con ngươi cũng trở nên xao xuyến, bâng khuâng:

    "Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng"

    Bằng ngôn từ giản dị, mộc mạc, dễ hiểu cùng hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc, thi nhân đã chắp bút làm nên một bài thơ thể hiện khung cảnh mùa xuân tươi mới, đẹp đẽ, tràn đầy sức sống nơi nông thôn dân dã của làng quê Việt Nam. Bên cạnh đó là tâm trạng háo hức, bồn chồn của người con gái sắp lấy chồng và tâm trạng bâng khuâng, nhung nhớ của nhân vật trữ tình khi nhắc thấy cảnh cũ người xưa. Giọng thơ tự nhiên, thủ thỉ, tâm tình góp phần thể hiện niềm yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống của thi nhân, gửi gắm niềm yêu thương và hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp, mùa xuân mang vị "chín" của lòng người.

    Qua thi phẩm Mùa xuân chín, người ta càng thấu tỏ được giá trị của lời nhận định "Câu thơ hay tức là câu thơ có sức hấp dẫn lôi cuốn và gợi trong lòng độc giả những rung động sâu xa không cần nhiều lí giải". Thổi vào thơ tất cả cảm xúc của chính mình, Hàn Mặc Tử đã làm nên một tứ thơ giá trị mà tại bất cứ thời điểm nào cũng đều có thể gây ấn tượng đến bạn đọc.
     
    LieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng bảy 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...