Phân Tích Bài Thơ Kệ Thị Tịch - Thiền Sư Vạn Hạnh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệu Đạt, 3 Tháng tư 2021.

  1. Diệu Đạt

    Bài viết:
    41
    Tác phẩm: Phân tích bài thơ Kệ Thị Tịch của thiền sư Vạn Hạnh

    Tác giả: Diệu Đạt

    Giới thiệu: Đây là bài thơ cuối cùng của thiền sư Vạn Hạnh

    Thơ văn là đứa con tinh thần của người dân Đại Việt, là nơi thể hiện tâm tư, tình cảm và nỗi niềm của tác giả về cuộc đời hay sự chứng ngộ đạo pháp. Các tác giả nổi bật trong thời kỳ này lại là các thiền sư, họ đã mang thơ văn khô khan, gò bó trong khuôn khổ chữ nghĩa đến với tinh thần nhập thế tích cực, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng nhưng vẫn đậm chất Thiền, chất tu và sự chứng đắc của mình. Trong đó, thiền sư Vạn Hạnh - bậc anh tài trong rừng hoa thơ ca và cũng là người có công lớn trong việc giúp vua Lê Đại Hành chống giặc ngoại xâm, sau lại đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, thành lập triều đại nhà Lý, Ngài đã có những tác phẩm tiêu biểu để đời thể hiện linh hồn của thiền ca Việt Nam. Tác phẩm "Kệ Thị Tịch" được thiền sư Vạn Hạnh đọc trước khi viên tịch có thể xem là bài thơ trực tiếp phát biểu các triết lý Phật giáo và quan niệm về thiền rõ nét nhất. Theo sách Thiền Uyển Tập Anh (1337) tác phẩm này còn gọi với tên thân mật khác là "Thị Đệ Tử" - nhan đề này do người đời sau đặt, nhưng ý nghĩa mà thiền sư muốn truyền đạt qua tác phẩm vẫn nguyên vẹn, không thay đổi giá trị theo thời gian. Nguyên văn bài kệ theo âm Hán Việt như sau:

    "Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

    Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

    Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

    Thịnh suy như lộ thảo đầu phô."

    Bài kệ trên có nhiều bản dịch nghĩa khác nhau, người viết sẽ chọn một trong số đó để phân tích, góp phần làm rõ âm hưởng Phật giáo trong thơ ca Việt Nam thời bấy giờ. Phần dịch nghĩa như sau:

    "Thân như bóng chớp chiều tà,

    Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời

    Xá chi suy thạnh việc đời

    Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành."

    Bài thơ "Kệ Thị Tịch" được thiền sư Vạn Hạnh sáng tác bằng chữ Hán, theo thể thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt, gồm có 4 câu với 28 chữ, bài thơ này có bố cục rõ ràng bằng hai phần trên cơ sở cấu trúc Đường thi. Phần thứ nhất là hai câu thơ đầu trình bày về lý thuyết Thiền thông qua các hiện tượng trong tự nhiên, phần thứ hai là hai câu thơ cuối trình bày tư tưởng Thiền thông qua sự chiêm nghiệm và thực hành của tác giả mà có được. Như vậy, Thiền có ngay trong cảnh tự nhiên và trong tâm của mỗi con người, khi tâm lắng trong thường trụ, hành giả sẽ thấy đâu đâu cũng là Thiền và có thể chứng ngộ bất cứ lúc nào.

    "Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

    Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô"

    Phần đầu trình bày rõ về các hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống cốt làm tiền đề cho chất Thiền dần hiện ra một cách tình cảm, cụ thể. Nghệ thuật Đường thi cho phép con người thể hiện sự chiêm nghiệm lý thuyết ở dạng thực tại hiện hành.

    Nhìn vào thực tế, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy "bóng chớp" xuất hiện mau chóng trên bầu trời trong những cơn mưa chiều và sau đó biến mất trong tích tắc như chưa từng xảy ra, mùa xuân là mùa cây trái đơm hoa, là mùa hoan ca của sự sinh sôi, nảy nở, hoa lá vui cười đua sắc thắm, những chồi non vươn mình trong ánh nắng dịu dàng khiến lòng người trở nên vui vẻ lạ thường; mùa hè đến bỗng có sự oi bức, khó chịu khi ánh nắng không còn dịu dàng như trước nữa, nó gắt gỏng như muốn thiêu đốt tất cả, khiến con người cũng trở nên khó chịu, lạnh lùng; rồi mùa thu cũng đến, lá vàng lại rụng rơi theo những cơn gió, để lộ những thân cây trơ trọi giữa những ngọn đồi hay bên cạnh những con phố nhỏ xinh, không khí bắt đầu se se lạnh khiến lòng người buồn bã, não nùng; mùa đông về, cái lạnh giá tê buốt như muốn ôm chầm lên sự sống, phủ kín luôn tâm trạng chán chường, cô đơn của con người trong sương tuyết. Thiền sư mượn những hình ảnh sắc nét ấy để nói lên sự vô thường trong thân và tâm của con người.

    Xét về thân: Nó được vay mượn từ tứ đại (đất, nước, gió, lửa) để hợp thành, khởi điểm này đã là tạm bợ thì lấy gì y cứ để trường tồn? Một kiếp sống liệu có dài như chúng ta thường nghĩ hay cũng chỉ vỏn vẹn vài năm đến vài chục năm? Thế nhưng, có ai là người mạnh mẽ dám chấp nhận sự thật? Hay vẫn mặc kệ sự vô thường và sự trôi chảy âm thầm của thời gian mà chạy theo những dục vọng thấp hèn để rồi bất chợt nhận ra bên ta chẳng còn ai, chính ta cũng không giữ được mạng sống này, thì cái bản ngã ta nuôi nấng bấy lâu chắc chắn đã làm tổn thương nhiều người, vật chất ta tạo dựng cả đời cũng về tay kẻ khác khi ta nhắm mắt xuôi tay, có đó rồi cũng không đó, nó cũng như bóng chớp buổi chiều tà, thì có gì để tiếc nuối? Thân người rồi cũng sẽ theo quy luật sanh, lão, bệnh, tử ngầm minh chứng cho sự hiện hữu của con người không bao giờ vĩnh cữu, thân thể này chứa đựng bản chất của vô thường, đủ duyên thì đến, hết duyên thì tan rã. Thế nhưng, điều quan trọng là chúng ta phải biết là "vô thường tấn tốc" để kịp nhận ra ta đã, đang và sẽ làm gì để không phải hổ thẹn với chính mình và mọi người. Hãy mạnh mẽ bỏ qua cái tôi ích kỷ của mình, hãy mở rộng trái tim để hiểu và thương, hãy góp nhặt phước nghiệp trên hành trình đi về bến giác, có như thế ta mới có được hạnh phúc trong thực tại và tương lai mai sau.

    Xét về tâm: Nếu như bốn mùa có những đặc trưng khác nhau và tiếp nối không ngừng, thì tâm cũng vậy, nó cũng biến chuyển đan xen lẫn lộn giữa thiện và ác. Một người học đạo cần phải linh hoạt trong việc điều chỉnh tâm, luôn giữ nó trong trạng thái tốt lành để những hành động của ta không làm thương tổn đến mình và người, biết và ngăn chặn tâm bất thiện khi nó manh nha dấy khởi trong từng sát na tâm. Khi có sự tĩnh lặng nhất định trong thân và tâm thì hoàn cảnh bên ngoài bỗng trở nên êm ả lạ thường, dù hoa nở hay mùa lá rụng cũng chỉ là cảnh vật vô thức, dù cuộc sống của ta có sung sướng hay khổ đau cũng chỉ là tạm bợ, người đã am hiểu thiền vẫn luôn tự tại, an nhiên, tiếp nhận và xem chúng như những thứ cần phải trải qua trên cuộc hành trình ngao du dạo chơi với đời của mình.

    Phần cuối là tâm huyết của tác giả khi mong muốn con người hãy hành động thay vì cứ hoài niệm trên mặt lý thuyết:

    "Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

    Thịnh suy như lộ thảo đầu phô"

    Thiền sư Vạn Hạnh rất tinh tế trong việc sử dụng từ ngữ để nhấn mạnh tư tưởng Thiền trong hành động khi sử dụng hai chữ "Thịnh suy" đến hai lần với nghệ thuật điệp ngữ nhằm nhấn mạnh sự vô thường của lẽ sống. Có hưng thịnh thì cũng có lúc suy tàn, đó là quy luật tất yếu mà chúng ta cần phải nắm chắc trong lòng bàn tay. Thịnh được gì và suy sẽ được gì? Chẳng phải tất cả đều là giả tạm cả sao, vậy có nhất thiết phải ôm nó vào lòng để phiền muộn, khổ đau. Khi chuyện sanh tử của chính mình chưa giải quyết xong thì tội tình gì quan tâm đến sự thế bên ngoài, hãy học cách xem nhẹ trên tinh thần "vô bố úy", nghĩa là không sợ hãi trước sóng gió của cuộc đời và mạnh mẽ buông bỏ những thứ không cần thiết có thể làm chướng ngại đạo Thiền. Tác giả đã dùng biện pháp so sánh sự thịnh và suy ấy với hình ảnh ngọn sương rơi trên cành trong những buổi sáng sớm tinh mơ, nó rất mỏng manh và yếu ớt, chỉ cần một ngọn gió đi qua cũng khiến giọt sương rơi mất, hay khi bình minh xuất hiện, giọt nước cũng hòa tan trong ánh nắng vô tình. Nói đến đây, không phải để con người hiểu sai ý Thiền là bi quan, là tiêu cực, mà đó là tâm huyết được đúc kết từ các bậc tiền nhân, họ đã trải qua những bước thăng trầm của cuộc đời, họ đã từng là những người tiên phong trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước, họ cũng đã từng chiến đấu với bản ngã của chính mình, để giờ đây họ chỉ muốn truyền tải kinh nghiệm cho người đời sau để chúng ta có cái nhìn đúng đắn và chính xác nhất về chính mình và những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta, để từ đó chúng ta có động lực vươn lên, thoát ra khỏi vỏ bọc của thế gian bình phàm để đến với pháp thân thường trụ. Bằng cách này hay cách khác, dù bước đi có khác nhau nhưng luôn y cứ theo chánh pháp thì đích đến là như nhau, quan trọng hơn là chúng ta phải có sự tinh tấn, nỗ lực hết sức mình, luôn trân quý những phút giây hiện tại để làm tươi mới giữa đạo và đời. Đó là giá trị tích cực mà Thiền Tông đem lại cho đời từ những con người luôn sống với đạo lý Thiền.

    Tóm lại, nội dung tư tưởng xuyên suốt của bài thơ là giá trị hiện thực với những hình ảnh minh chứng cụ thể, rõ ràng. Chất Thiền trong thơ làm sống lại cuộc đời cho những ai đã từng vấp ngã, là tiếng lòng của tác giả muốn gửi gắm đến thế hệ mai sau, là cả một bầu trời yêu thương đến những người cùng khổ, mãi lang thang phiêu bạt trên đường đời. Có thể nói đây là tác phẩm Thiền ca rất nổi tiếng vào thời Lý, và càng ý nghĩa hơn khi nó là bài thơ cuối cùng của Thiền sư Vạn Hạnh- bậc thầy am hiểu triết lý và ứng dụng đạo Thiền trong cuộc sống. Việc của hành giả giờ đây chỉ là hiểu và hành Thiền bằng mọi cách theo đúng chánh pháp để giảm thiểu khổ đau cũng như những ác nghiệp đã tạo hằng ngày để hướng đến chân lý cao thượng là độ mình và độ đời, thế thôi!
     
    Admin thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...