Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Bát Bảo Muội Muội, 27 Tháng ba 2022.

  1. Bát Bảo Muội Muội .

    Bài viết:
    55

    Phân tích "Đây thôn Vĩ Dạ" để biết rõ thêm về nét thơ độc lạ của Hàn Mặc Tử - một nốt phẩy thảng thốt giữa dòng đời.


    "Cái" lạ "của Thơ mới, có người biết, có kẻ không hay. Nhưng cái" điên ", cái" lạ "mà người thi sĩ Hàn Mặc Tử mang theo khi bước vào làng thơ, thì hẳn ai cũng rõ."

    ..


    "Thơ của Hàn Mặc Tử có diện mạo hết sức phức tạp và đầy bí ẩn, là kết quả của cuộc giằng xé giữa linh hồn thanh khiết và thể xác bệnh tật."

    ..

    "Hàn Mặc Tử có vai trò hết sức quan trọng trong thơ ca Việt Nam, ông là một trong ba đỉnh cao của Phong trào Thơ mới với những cách tân lạ lùng nhất bên cạnh Xuân Diệu và Nguyễn Bính."

    ..


    "Nhắc tới phong cách ma mị rùng rợn của Hàn Mặc Tử, ta không thể không nhắc đến bài thơ" Đây thôn Vĩ Dạ "của ông."

    Bài làm

    Khi được gọi tên cho Phong trào Thơ Mới, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy đã gọi đó là một "cây nấm lạ trên gia hệ của văn mạch dân tộc". Cái "lạ" của Thơ mới, có người biết, có kẻ không hay. Nhưng cái "điên", cái "lạ" mà người thi sĩ Hàn Mặc Tử mang theo khi bước vào làng thơ, thì hẳn ai cũng rõ. Cuộc đời của Hàn Mặc Tử như một dấu phẩy thảng thốt giữa dòng đời. Tuy có cuộc đời ngắn ngủi và đầy đau thương đến thế, nhưng ông lại là nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt nhất của Phong trào Thơ mới. Thơ của Hàn Mặc Tử có diện mạo hết sức phức tạp và đầy bí ẩn, là kết quả của cuộc giằng xé giữa linh hồn thanh khiết và thể xác bệnh tật. Ẩn chứa sự đan xen giữa hai yếu tố: Điên loạn, ma quái rùng rợn và hồn nhiên, trong trẻo, thanh khiết. Hàn Mặc Tử có vai trò hết sức quan trọng trong thơ ca Việt Nam, ông là một trong ba đỉnh cao của Phong trào Thơ mới với những cách tân lạ lùng nhất bên cạnh Xuân Diệu và Nguyễn Bính.

    Nhắc tới phong cách ma mị rùng rợn của Hàn Mặc Tử, ta không thể không nhắc đến bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của ông. In trong tập "Thơ điên" sáng tác năm 1938, sau này tập thơ đổi tên thành "Đau thương". Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" được nhà thơ viết khi điều trị tại trại phong Tuy Hòa, Quy Nhơn thì nhận được bức bưu ảnh của Hoàng Thị Kim Cúc- người con gái thôn Vĩ xứ Huế mà Hàn Mặc Tử đem lòng yêu thầm. Chính tình yêu bí ẩn của Hoàng Thị Kim Cúc cùng những mặc cảm thân phận đã đánh thức những xao động trong tâm hồn thi sĩ, tạo nguồn cảm hứng bất tận cho nhà thơ để sáng tác Đây thôn Vĩ Dạ . Phong cách thơ điên loạn của trường thơ Loạn hay trường thơ Bình Định- nhóm thơ do Hàn Mặc Tử khởi xướng, gồm bốn thành viên chính: Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan và Quách Tấn- đã được thể hiện rõ trong "Đây thôn Vĩ Dạ", qua những hình ảnh bất định, cách chuyển cảnh từ ngoại cảnh đến tâm cảnh, từ tươi sáng đến âm u, từ chuyển động đến rời rạc rồi lại đứng im. Và còn được thể hiện qua cảm xúc và không gian trữ tình: Giọng điệu từ mời mọc đến ước mong rồi hoài nghi, không gian thì như ảo rồi lại là thực.

    Mở đầu bài thơ là sự hoài niệm xa vời của tác giả về "vườn ai" và thiên nhiên xứ Huế:


    "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

    Lá trúc che ngang mặt chữ điền."

    Trước hết, câu thơ đầu có thể hiểu theo hai cách. Đầu tiên, "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" có thể là lời mời của người thôn Vĩ xứ Huế với chất giọng ngọt ngào. Câu thơ có bảy chữ thì có đến sáu thanh bằng, thanh trắc duy nhất lại được đặt ở chữ "Vĩ" cuối câu, gợi một sự nhấn giọng nhẹ nhàng và êm đềm của người con gái xứ Huế. Cũng có thể hiểu đây là một lời tự bày tỏ, tự nhắc nhở bản thân về ao ước muốn về mà chẳng thể về được nữa. Vậy tại sao lại dùng "không về" mà không sử dụng "chưa về"? Bởi lẽ, "chưa về" có nghĩa là trong tương lai có thể sẽ về, còn "không về" như một lời khẳng định rằng sẽ chẳng thể nào về được nữa, là trong hi vọng đã nhuốm màu tuyệt vọng. Gắn vào hoàn cảnh sáng tác bài thơ và hoàn cảnh cuộc đời tác giả, ta thấy Hàn Mặc Tử "không về" được thôn Vĩ có thể là vì hai lẽ sau. Trước hết, tình cảm của Hàn Mặc Tử với Hoàng Thị Kim Cúc chỉ là tình yêu một phía, là "dòng sông một bờ" mà phía bờ lại xuất phát từ Hàn Mặc Tử:

    "Có một dòng sông mang tên em

    Dòng sông anh tự đặt

    Xin mùa thu chiếc lá làm thuyền

    Có một dòng sông trôi vào lãng quên,

    Nước trong như nước mắt.

    Điều chưa đến mà sao đã mất?

    Có một dòng sông chỉ có một bờ,

    Phía bờ kia quay mặt.

    Dòng sông anh không qua được bao giờ.."

    (Dòng sông một bờ- Nguyễn Khắc Thạch)

    Vả lại khi đó, Hàn Mặc Tử lại đang mang bệnh nặng, phải cách li nên không thể về thăm thôn Vĩ mà chỉ có thể ngược dòng suối tâm hồn "về chơi" thôn Vĩ trong tư tưởng. Từ "về chơi" gợi sự thân thiết gắn bó, được đặt trong câu hỏi tu từ lại càng trở nên đau đớn khắc khoải vì chẳng thể về thăm nơi thân thiết gắn bó một lần cuối cùng.

    Ba câu thơ sau là hình ảnh mảnh vườn thôn Vĩ hiện về trong hoài niệm:


    "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

    Lá trúc che ngang mặt chữ điền."

    Qua ba câu thơ, hiện ra trong mắt người đọc là một khu vườn đơn sơ, giản dị nhưng thanh tú, cao sang. Hình ảnh "nắng hàng cau" mà Hàn Mặc Tử sử dụng là một thi liệu mới, một cấu tứ lạ của riêng nhà thơ. Và trong Thơ mới, ta cũng có thể bắt gặp nhiều sắc nắng đặc biệt khác như:

    "Nắng xuống trời lên sâu chót vót"

    (Tràng giang- Huy Cận)

    hay

    "Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu

    Lả lả cành hoang nắng trở chiều."

    (Thơ duyên- Xuân Diệu)

    Hoặc một sắc nắng khác trong thơ Hàn Mặc Tử như:

    "Chị ấy năm nay còn gánh thóc

    Dọc bờ sông trắng nắng chang chang."

    (Mùa xuân chín)

    Hình ảnh mới lạ kết hợp với điệp từ "nắng" lặp lại hai lần trong cùng một câu thơ đã khiến cho không gian như sống dậy rạng ngời. Nắng "mới" lên là thứ nắng dịu nhẹ trong trẻo, còn "nắng hàng cau" lại là thứ nắng đầu tiên, ban sơ nhất bởi lẽ cây cau là loại cây thường cao nhất trong vườn nên nó sẽ nhận được những ánh nắng tươi mới nhất. Hơn thế nữa, thân cau lại chia thành từng đốt như một chiếc thước mà thiên nhiên đã dựng sẵn trong vườn để đo mức nắng. Thể hiện một vẻ đẹp tinh khôi không thể đo đếm xuể mà thiên nhiên ban tặng cho xứ Huế.

    Đến với câu thơ tiếp theo: "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc" ta nói đến cách sử dụng từ ngữ linh động và chính xác của Hàn Mặc Tử. Với ông lúc này, "vườn ai" đã là một vẻ đẹp nằm ngoài tầm với, là một điều xa vời và mông lung. Từ "ai" là đại từ phiếm chỉ, là dụng ý nghệ thuật của tác giả, nó làm khu vườn trở nên vô định, khó nắm bắt. Câu thơ này đã khẳng định chắc chắn rằng câu thơ đầu là sự phân thân của Hàn Mặc Tử, lại càng thể hiện rõ ràng hơn nỗi đau của ông khi yêu thôn Vĩ nhưng sắp lìa đời và chẳng thể nào về thăm chốn xưa cũ. Trong văn học Việt Nam, cụ thể hơn là trong các tác phẩm đã học, ta cũng đã bắt gặp cảnh tượng như vậy trong bài "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải. Tuy nhiên cùng là hoàn cảnh sắp lìa đời, nhưng đặt vào trong không gian và thời gian khác nhau, đặt vào tâm hồn của hai thi sĩ khác nhau thì sẽ đem lại những xúc cảm riêng biệt. Nếu với Hàn Mặc Tử, khi đặt vào hoàn cảnh riêng và phong cách riêng thì ta sẽ thấy được nỗi buồn và vô vọng trong những ngày cuối đời phải cách biệt hoàn toàn với thế giới ngoài kia, khi sắp phải rời xa chốn thân thuộc gắn bó cũng là rời xa mối tình đơn phương dang dở mà tác giả đã gửi gắm vào từng câu thơ. Còn với Thanh Hải, đặt vào trong hoàn cảnh thời cuộc, là khi đất nước đổi mới thì những giây phút cuối đời của Thanh Hải không buồn và vô vọng như thơ Hàn Mặc Tử, mà điều mà Thanh Hải muốn gửi gắm trong từng câu từng chữ là nỗi niềm của một con người muốn cống hiến, tận hiến những gì tốt đẹp nhất cho "mùa xuân" của cuộc đời, đất nước và con người.

    Khung cảnh vườn Vĩ được Hàn Mặc Tử miêu tả với "nắng", rồi sau đó lại miêu tả với độ "mướt" của cây cỏ trong buổi ban mai. "Mướt" là ánh lên vẻ ướt át, mượt mà của cây cối khi được chuốt lên bởi tia "nắng mới" và màn sương đêm. Từ "quá" vừa là trợ từ bổ sung, nhấn mạnh vẻ đẹp ở độ cao nhất sung mãn nhất. Lại cũng là thán từ trong tiếng reo hò trầm trồ, ngỡ ngàng của thi nhân khi được chứng kiến khoảnh khắc đẹp đẽ ấy. Chữ "quá" trong câu thơ được sử dụng đến trình độ chính xác cao- những ngôn từ mô tả đúng tình, đúng cảnh và đúng người mà theo như lời của Maia- cốp- xki thì: "Lấy một gam phải mất hàng trăm lao lực. Còn lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ". Phép so sánh "xanh như ngọc" đã khiến ta nghĩ tới màu xanh của một thứ tinh thể trong suốt không chỉ có màu xanh rực rỡ mà thậm chí có thể phát ra ánh sáng màu xanh. Biện pháp so sánh đã khiến cho khu vườn thôn Vĩ không chỉ mang sắc xanh mà còn tỏa ra không gian ánh sáng rực rỡ long lanh và thanh khiết. Trong Thơ Duyên Xuân Diệu đã miêu tả: "Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá".

    Nếu ba câu thơ đầu bức tranh được miêu tả ở tầm khái quát thì đến câu cuối khổ một, ta thấy được chi tiết có tính chất đặc tả: "Lá trúc che ngang mặt chữ điền". Câu thơ này có thể được hiểu theo hai cách, đó có thể là cô gái thôn Vĩ với khuôn mặt chữ điền phúc hậu dịu dàng lại có "lá trúc" thanh mảnh che ngang tạo ra vẻ đẹp hài hòa thanh thoát giữa thiên nhiên và con người. Cũng có thể hình dung đây là gương mặt của một người nam giới- người về thăm thôn Vĩ, câu thơ là hình dung của Hàn Mặc Tử về viễn cảnh mình trở về thăm thôn Vĩ. Lúc này "lá trúc" khiến khuôn mặt con người thêm kín đáo bí ẩn nhưng nó cũng là ranh giới ngăn cách thi nhân với cuộc đời, ngăn cách ảo và thực. Khiến ông trở thành vị khách đường xa, làm kẻ đứng ngoài thầm nhìn lén thôn Vĩ. Toàn khổ một là bức tranh khu vườn thôn Vĩ hiện về trong hoài niệm của Hàn Mặc Tử. Đằng sau bức tranh thiên nhiên tươi sáng tràn đầy sức sống là nỗi buồn da diết vì tất cả những kỷ niệm đẹp đẽ ấy đã trở nên xa vời. Đồng thời cũng là nỗi khát khao được gắn bó với con người và cuộc đời của tác giả.

    Nếu ở khổ đầu bài thơ chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên xứ Huế và vẻ đẹp tâm hồn của Hàn Mặc Tử. Thì đến khổ thơ thứ hai ta cảm nhận được sự hoài niệm cùng tâm trạng lo âu của người thi sĩ. Đây là một trong những khổ thơ thể hiện chân thực nhất tâm lý tình cảm của tác giả. Trong hai câu thơ đầu khổ hai:


    "Gió theo lối gió mây đường mây

    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay"

    Khu vườn thôn Vĩ mờ dần, nhạt dần nhường chỗ cho sông nước mây trời xứ Huế hư ảo xa xôi. Giọng thơ cũng trở nên hụt hẫng bâng khuâng. Trong câu một có xuất hiện một cảnh tượng chia lìa phiêu tán ở những thứ tưởng như không thể chia xa: "Gió theo lối gió mây đường mây". "Gió thổi mây bay", gió và mây luôn gắn liền như một quy luật tất yếu vậy mà trong câu thơ gió mây lại chia lìa hai ngả. Gió mây theo "lối", theo "đường" mà chia đôi ngả như mối tình nhà thơ tưởng gần mà xa vời cách trở. Cảnh ngộ riêng của Hàn Mặc Tử đã khiến ông cảm nhận sự chia ly ở đây như một cái gì đó phi lí. Vậy mà vẫn cứ phải chia xa, thiên nhiên không tự tạo ra ảo giác này. Đây là nỗi buồn xa cách trong lòng người phả vào cảnh vật. Nhịp thơ 4/3 cùng dấu phẩy đã chia câu thơ thành hai về tách biệt như hai miền của ký ức. Hình ảnh tươi đẹp một chốn, một thời như đang lùi về miền kí ức xa xôi, như đằm lắng trong nỗi buồn vô tận của con người đang ngày càng rời xa cuộc sống và đến gần với ranh giới cuối cùng.

    Đến với câu thơ thứ hai: "Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay" ta có hai cách hiểu khác nhau. "Dòng nước buồn thiu" là tả thực là dòng nước êm đềm lững lờ của dòng sông Hương. Nhưng nó cũng có thể là lấy cảnh vật mà tả tâm cảnh, là nỗi lòng tê tái cùng nỗi sầu ngầm sâu không dễ giải tỏa của Hàn Mặc Tử. Trong cụm từ "hoa bắp lay" từ "lay" cho thấy sự sống sót yếu ớt, hiu hắt thưa vắng. Cả mây cả nước cứ lìa bỏ nhau, lại lìa bỏ chốn này ra đi chỉ còn hoa bắp bị bỏ lại bên bờ. Hàn Mặc Tử dùng "hoa bắp" là để ẩn dụ cho thân phận bị bỏ rơi của mình do đó bông "hoa bắp" mới có bộ dáng bị "lay" sầu tủi và buồn hiu hắt đến như vậy. Câu thơ đã cho thấy dự cảm của Hàn Mặc Tử về sự mong manh của cái đẹp, là ngoại cảnh hóa tâm cảnh.

    Trong hai câu thơ sau: "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?". Khi đối mặt với xu hướng tất cả đang bỏ đi, chảy đi, trôi đi thì thi nhân trở nên ao ước ngay lúc này sẽ có một thứ có thể ngược dòng để về với mình và đó chính là trăng. Đối với Hàn Mặc Tử, trăng là tri kỉ. Nói không ngoa, Hàn Mặc Tử là nhà thơ của trăng ông có năm tập thơ thì có đến ba tập viết về trăng tả về trăng. Đặt trong thế giới thơ Hàn Mặc Tử, "trăng" là người bạn tâm giao là bến đỗ cuối cùng của cái "tôi" sắp tàn như trong "Một cõi quên" tác giả có viết:


    "Đêm ấy lại đêm thức với trăng

    Mưa ngoài hiên lạnh ẩn dáng Hằng

    Cô đơn! Ừ nhỉ, chừng quạnh quẽ

    Đêm rất riêng mình – Một cõi quên!"

    Còn trong "Đây thôn Vĩ Dạ" trăng xuất hiện với diện mạo mộng mơ đầy huyền ảo bằng hình ảnh "thuyền trăng", "sông trăng". Thuyền chở trăng là con thuyền chở khát vọng được yêu được hạnh phúc và còn là khát vọng sống được hội ngộ với cuộc đời. Đến với câu thơ: "Có chở trăng về kịp tối nay", từ "có chở trăng" là câu hỏi đầy hối thúc. Trong "Đây thôn Vĩ Dạ" từ "về" xuất hiện hai lần, nhưng nếu như "về chơi thôn Vĩ" hướng đến thế giới ngoài kia thì "Có chở trăng về" lại hướng đến thế giới trong này nơi có chủ thể trữ tình với nỗi cô đơn ngự trị. Từ "kịp" là thêm nỗi thấp thỏm lo âu vì sợ muộn màng. "Tối nay" là một mốc thời gian mong manh ngắn ngủi và duy nhất. Nếu "trăng" không về kịp "tối nay" nếu cái đẹp thánh thiện không kịp đến để cứu rỗi xoa dịu nỗi đau thì linh hồn sẽ vĩnh viễn chìm trong đau thương. Cùng là chạy đua với thời gian nhưng nếu Xuân Diệu là chạy đua để "vội vàng" tận hưởng tối đa các thanh sắc của cuộc đời, thì Hàn Mặc Tử chỉ mong ước tối thiêu- sống, vì được sống đã là một niềm hạnh phúc. Khổ thơ thứ hai là cảnh hư ảo của xứ Huế mơ mộng đầy trăng và dòng sông Hương chậm rãi đầy u buồn. Khung cảnh hư ảo nhưng lại chứa đựng khát vọng rất thực, gặp gỡ với cuộc đời níu kéo sự sống rất thiết tha.

    Khổ thơ cuối của bài thơ đọng lại nỗi hoang mang của tác giả, vừa có chút hoài mong, vừa như vô vọng trong tình yêu đơn phương:


    "Mơ khách đường xa, khách đường xa

    Áo em trắng quá nhìn không ra..

    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

    Ai biết tình ai có đậm đà?"

    Hai câu đầu là hình ảnh của một thiếu nữ đẹp nhưng xa xôi mờ ảo. Hình ảnh con người trong câu thơ được miêu tả bằng điệp ngữ "khách đường xa" kết hợp với từ "mơ". "Khách đường xa" thoạt nghe đã thấy xa xôi cách trở còn "mơ" lại chỉ một cuộc đời đang rời xa trần thế đang nhòa dần vào cõi hư vô. Có lẽ giờ đây đối với cuộc đời, với xứ Huế và với thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử chỉ là một vị khách từ xa đến rồi đi một cách chóng vánh. Câu thơ với giọng điệu tha thiết nhấn mạnh nỗi khắc khoải của nhà thơ khi chỉ có thể trở về với thôn Vĩ trong giấc "mơ", trong cõi mộng chứ không thể thực sự quay về nơi chốn cũ người xưa ấy.

    Trong tâm thế là vị "khách đường xa", nhà thơ đã thấy em với màu áo trắng:


    "Áo em trắng quá nhìn không ra"

    Trong khổ thơ đầu Hàn Mặc Tử dùng từ "mướt quá" để đặc tả sự óng ả, non tơ và sắc xanh của khu vườn. Thì ở đây "trẳng quá" cũng đặc tả sắc trắng, màu trắng đạt đến tuyệt đối, đến mức nhìn không ra khiến cho nhà thơ phải ngỡ ngàng. Trong cảnh có tình, trong tình có màn sương khói, có một tình cảm kín đáo e dè và thiết tha. Trong câu thơ thứ ba không gian như bị thu hẹp lại qua cụm từ "ở đây". "Ở đây" là ở nơi Hàn Mặc Tử đang sống, là ở nơi mà ngày ngày ông phải đối chọi với bệnh tật. Thế giới "ở đây" khác hoàn toàn với thế giới ngoài kia. Nếu ngoài kia là nơi của niềm vui và hạnh phúc thì "ở đây" lại "sương khói mờ nhân ảnh", cảnh vật và con người mờ ảo, chỉ là hiện thực xa xôi. Nhà thơ cảm nhận rõ khoảng cách về địa lý cũng như sự xa cách về tình cảm giữa mình và cuộc đời. Ngăn cách giữa Hàn Mặc Tử và cuộc đời chính là làn "sương khói mờ nhân ảnh", là ranh giới mà ngay cả trong mơ ông cũng chẳng thể vượt qua. Qua đó, nhà thơ thể hiện tâm trạng tuyệt vọng bất lực vì không thể hòa nhập với thế giới đẹp đẽ kia, bởi ở nơi này Hàn Mặc Tử chỉ có thể thấy cuộc đời bên ngoài trong cõi mơ:

    "Anh đứng cách xa hàng thế giới,

    Lặng nhìn trong mộng miệng em cười.

    Em cười anh cũng cười theo nữa,

    Để nhắn hồn em đã tới nơi."

    (Lưu luyến- Hàn Mặc Tử)

    Câu thơ cuối có thể được hiểu theo hai cách. Đây có thể là câu hỏi rằng làm sao biết được rằng tình người xứ Huế có đậm đà hay không? Hay cũng mong manh mờ ảo như làn sương khói kia. Và cũng có thể hiểu đây là lời tự hỏi rằng liệu người xứ Huế có biết tới tình cảm đậm đà mà người bên ngoài dành cho xứ Huế hay không? Nhưng dù hiểu theo cách nào thì câu thơ cũng là sự pha trộn giữa hi vọng và tuyệt vọng khiến câu thơ nghi vấn trở nên chơi vơi, khắc khoải, khó cắt nghĩa một cách rạch ròi. Câu thơ là sự quằn quại vật vã của tình yêu, của cái "tôi" trong tình yêu đơn phương. Câu thơ là một chút hy vọng mong manh được đặt trong sự tuyệt vọng khôn cùng là một chút an ủi nhen nhóm trong nỗi cô đơn chán chường của nhà thơ. Hạnh phúc của nhà thơ giờ là cái gì đó xa vời và bị bỏ ngỏ ở đó như một câu hỏi chẳng có câu trả lời. Nhà thơ lấy cái "tình" làm sự cứu rỗi lấy chữ "tình" để duy trì mối quan hệ giữa mình và cuộc đời xong mong ước ấy lại có đôi phần hoài nghi. Rằng "ai" có biết rằng dù đã rơi vào bóng tối nhưng nhà thơ vẫn vẹn nguyên say đắm và thiết tha với cuộc đời, với thôn Vĩ Dạ, và với ai kia trong chốn mộng ảo. Khổ thơ cuối thể hiện nỗi cô đơn trống vắng của một tâm hồn thiết tha với cuộc sống nhưng lại có cuộc đời đầy bất hạnh đau thương.

    Với những hình ảnh sáng tạo, tượng trưng đầy hàm nghĩa với những câu hỏi tu từ trải dài khắp bài thơ, Hàn Mặc Tử đã sử dụng lối viết cách điệu hóa pha lồng ảo thực cùng những lời thơ ma mị nhưng cũng đẹp nhất và tươi sáng nhất nhằm thể hiện một "nỗi tâm tư bất định giữa dòng đời". Là tình yêu tha thiết, nhớ mong cũng là khát vọng sống mãnh liệt của nhà thơ. Qua đó khiến cho người đọc cảm nhận được hồn thơ mãnh liệt của Hàn Mặc Tử, như Chế Lan Viên từng khẳng định: "Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình."


    - HẾT-
     
    LieuDuong, Aquafina, Ột Éc12 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 1 Tháng mười một 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...