Phân tích bài thơ "Chiều tối" – Hồ Chí Minh Bác từng nói: Ngâm thơ ta vốn không ham Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây Ngày dài ngâm ngợi cho khuây Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do Như vậy, sinh thời Người không chủ ý trở thành nhà thơ, nhưng sự thực thì chỉ với tập "Nhật kí trong tù", không ai có thể phủ nhận tư cách nhà thơ của Bác. Tập thơ phản ánh tâm hồn và nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh tù đày. Đọc "Nhật kí trong tù", ta luôn bắt gặp một tâm hồn lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu con người và cuộc sống. Và ở đó, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, người tù chiến sĩ cũng vượt lên khó khăn, thử thách bằng một ý chí, nghị lực phi thường, một tinh thần thép đáng trân trọng. Ta có thể thấy những điều đó qua bài thơ "Chiều tối". Tháng 8 năm 1942, với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh hội ... Hồ Chí Minh sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của thế giới. Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ tại Quảng Tây. Suốt mười ba tháng tù đày, Người vẫn giữ vững tinh thần cách mạng. Bức tranh "Chiều tối" ghi lại những cảm xúc của Bác trên con đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào một buổi chiều, cuối mùa thu năm 1942, đó là thời gian đầu của mười ba tháng đày ải gian khổ. Chiều tối là thời khắc cuối cùng của một ngày. Với Hồ Chí Minh khi ấy, là chặng cuối cùng của một ngày đày ải, sau khi trải qua: Năm mươi ba cây số một ngày Áo mũ dầm mưa rách hết giày... Thời gian và hoàn cảnh như vậy dễ gây nên trạng thái mệt mỏi, buồn chán. Vậy nhưng, cảm hứng thơ lại đến với Bác một cách ngẫu nhiên: Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ, Cô vân mạn mạn độ thiên không (Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ, Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không) Qua hai câu thơ đầu, người đọc có thể cảm nhận được bức tranh thiên nhiên đậm màu sắc cổ điển. Từ khung cảnh chiều muộn gợi buồn gợi nhớ trong thơ xưa đến hình ảnh cánh chim, chòm mây vốn dĩ là những thi liệu quen thuộc của thơ phương Đông. Lời thơ của Bác như có sự cộng hưởng của những vần thơ cổ, của Lí Bạch: Chim bầy vút bay hết Mây lẻ loi một mình của Nguyễn Du: Chim hôm thoi thót về rừng, Đoá trà mi đã ngậm trăng nửa vành. của huyện Thanh Quan: Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi Và với nghệ thuật chấm phá của thơ Đường, Bác đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên đẹp, buồn vắng chỉ qua vài nét phác họa: không gian rừng núi âm u hoang vắng, cánh chim chiều mệt mỏi đang vỗ cánh bay về nơi trú ngụ, áng mây lẻ loi, lững lờ trôi giữa tầng không. Bác không nghiêng về tả, mà dường như chỉ bắt lấy cái hồn của tạo vật, gợi lên dáng vẻ, trạng thái của cánh chim, chòm mây. Dưới con mắt nhạy cảm của thi sĩ, cánh chim sau một ngày mưu sinh vất vả dường như đang bay về tổ với dáng vẻ mệt mỏi. Và chòm mây, cũng chậm chạp vượt qua bầu trời trong trạng thái cô đơn. Bản dịch đã không lột tả hết nghĩa của từ "cô vân"(chòm mây cô đơn) nên chỉ gợi ra hình ảnh chòm mây nhản tản bình thường. Như vậy, với hai hình ảnh này, Hồ Chí Minh đã họa lên một bức tranh thiên nhiên trang nhã mà rất có hồn – cái hồn của rừng chiều buồn vắng. Nét đặc sắc trong nghệ thuật tả cảnh của Hồ Chí Minh thể hiện ở bút pháp lấy động tả tĩnh, lấy cái hữu hạn gợi ra cái vô hạn. Sự chuyển động của cánh chim chỉ đủ để gợi lên sự tĩnh lặng của không gian rừng chiều. Và chính cánh chim nhỏ bé, cùng chòm mây cô đơn đã khiến không gian bầu trời như rộng thêm ra, bát ngát, mênh mông. Với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, người đọc cũng như cảm nhận được đằng sau bức tranh phong cảnh kia là biết bao nỗi niềm của lòng người xa xứ. Cánh chim mỏi mệt, chòm mây cô đơn hay chính là sự cô đơn, mỏi mệt của con người? Chỉ khác một điều, cánh chim dù mỏi mệt vẫn còn có tổ ấm để về, chòm mây dù cô đơn nhưng vẫn có bầu trời tự do nhàn tản. Còn người tù? Chiều tối rồi mà chưa có chỗ dừng chân, mỏi mệt rồi mà vẫn phải lê bước trong gông cùm. Vậy nên, nhìn cánh chim bay, nhìn áng mây chiều mà lòng người không khỏi bồi hồi xao xuyến. Người có đang mong nhớ về một mái ấm bình yên nơi quê nhà? Người có đang khao khát được tự do nhàn tản như chòm mây? Dù chẳng câu chữ nào nói về điều đó, nhưng sao ta vẫn nhận thấy thoáng nao nao của lòng người tù xa xứ khi ngước mắt dõi theo cánh chim, chòm mây trên bầu trời. Ta không chỉ nhận ra trong bức tranh chiều tối cảnh ngộ và tâm trạng của người tù chiến sĩ, mà còn thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Người. Dù hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt, nhưng người vẫn không mất đi lòng yêu say vẻ đẹp thiên nhiên. Người vẫn hòa hồn mình vào hồn của đất trời lớn rộng, với một sự tự do tuyệt đối của tinh thần, dù đang mất tự do thân thể. Có thể nói, bản lĩnh kiên cường của Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh nào cũng luôn tỏa sáng. Nên trong nỗi buồn người đọc vẫn thấy ở Người ý chí và nghị lực, phong thái ung dung ngẩng cao đầu, tâm hồn rộng mở, an yên. Hai câu đầu diễn tả nỗi buồn, sự cô đơn nhưng không gợi cảm giác bi luỵ bế tắc mà vẫn hé mở bản lĩnh, "chất thép" của người tù cách mạng. Nếu ở hai câu thơ đầu, Hồ Chí Minh nhìn lên cao, nhìn ra xa để thấy cánh chim, chòm mây, thì trong hai câu thơ cuối, điểm nhìn của nhà thơ có sự chuyển dịch từ cao xa xuống gần thấp, từ bức tranh thiên nhiên nghiêng về ước lệ sang bức tranh cuộc sống con người gần gũi, chân thực. Điều đó cho thấy, tâm hồn Bác yêu thiên nhiên nhưng vẫn hướng nhiều hơn cả về cuộc sống con người: " Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc, Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng" (Cô em xóm núi xay ngô tối, Xay hết, lò than đã rực hồng.) Hai câu thơ cuối tái hiện quá trình vận động của thời gian. Sự chuyển đổi của các hình ảnh đã gợi lên bước đi thời gian từ chiều đến tối. Trong nghệ thuật thơ ca, nhà thơ có thể dùng xa để nói cao, dùng động để nói tĩnh, dùng sáng để nói tối. Trong hai câu thơ này, Bác không hề nói đến cái tối mà người đọc vẫn hiểu được bóng tối đang bao trùm xóm núi là nhờ chữ "hồng" ở cuối bài thơ. Mặt khác, nghệ thuật điệp từ ngữ kết hợp với đảo ngữ và lối thơ vắt dòng: "ma bao túc" – "bao túc ma hoàn" đã diễn tả bước đi của thời gian qua quá trình cô gái từ khi xay ngô đến lúc ngô xay xong – khi công việc hoàn tất thì trời cũng vừa tối. Nếu ở hai câu thơ đầu, trung tâm của bức tranh chiều tối là cánh chim, chòm mây, thì ở hai câu cuối, hình ảnh trung tâm là cô gái xóm núi xay ngô. Không phải cánh chim mỏi mệt, không phải chòm mây cô đơn, sự xuất hiện của hình ảnh người thiếu nữ trong khung cảnh lao động đã mang lại một sức sống trẻ trung, khỏe khoắn cho bức tranh chiều tối. Bức tranh chiều tối không chỉ giàu chất thơ về thiên nhiên mà còn ấm áp tình người. Sự xuất hiện của con người đã làm giảm đi cái không khí âm u lạnh lẽo của núi rừng heo hút. Cấu trúc lặp liên hoàn : ma bao túc, bao túc ma diễn tả vòng tuần hoàn của cối xay ngô không chỉ gợi ra nhịp điệu trôi chảy của thời gian, mà kì diệu hơn, nó còn gợi ra nhịp sinh động của cuộc sống lao động con người. Nhịp thời gian trở thành nhịp của sự sống. Tứ thơ của Hồ Chí Minh có sự vận động mạnh mẽ, tự nhiên mà khỏe khắn. Cũng như ở hai câu thơ đầu, ta nhận ra trong dòng thơ miêu tả khung cảnh sinh hoạt của Bác là nỗi nhớ nhà và mong ước thầm kín của Người về cuộc sống gia đình bình yên, sum họp. Trong cảnh ngộ xa xứ, cô đơn, mờ mịt... ai không chạnh lòng khi chứng kiến nhịp sống đời thường, bình dị mà ấm áp kia? Tuy buồn nhớ, chạnh lòng nhưng Hồ Chí Minh không để thoáng buồn ấy lấn át. Người tựa lòng mình vào ánh lửa chiều hôm, một ánh lửa làm ấm nóng cả bài thơ, cả lòng người: "lô dĩ hồng". Như vậy hình ảnh cô gái không phải là hình ảnh duy nhất thu hút cái nhìn của nhà thơ, trong câu thơ cuối, sự xuất hiện của hình ảnh bếp lửa hồng đã khiến người làm thơ phải chăm chú dõi nhìn. Chuyển động theo nhịp chảy của dòng thời gian, ta ngỡ như cảnh chiều sẽ chìm dần vào bóng tối, vậy mà ở cuối bài thơ, ánh sáng đã bừng lên. Người đọc có thể thấy được sự tinh thế của người làm thơ khi dùng ngọn lửa ấy để nói cái tối như một thủ pháp quen thuộc của thơ Đường. Song điều quan trọng hơn, người làm thơ đã như một họa sĩ tài hoa tạo nên một bố cục độc đáo cho bức tranh chiều. Ở tận cùng của bức tranh, không phải là bóng tối, một ngọn lửa đã bừng lên dội ánh sáng ấm áp vào không gian xóm núi. Toàn bộ xóm núi như lung linh trong ánh sáng của ngọn lửa kia. Không còn lạnh tối, không còn u ám, ngọn lửa ấm áp của Bác đã rọi chiếu vào thiên nhiên, tạo vật, vào con người và cuộc sống nơi đây, sưởi ấm cả một xóm núi phương Bắc trong chiều thu lạnh lẽo. Ngọn lửa đã như bừng lên từ trái tim nhà thơ để mang hơi ấm, tình yêu thương của Người đến với thiên nhiên và con người xóm núi. Với tình yêu thương vô biên giới ấy, Người còn mang đến cho "Nhật kí trong tù" những vần thơ đậm tình người. Đó là lòng cảm thông của Bác trước cảnh xa cách: "Anh đứng trong song sắt Em đứng ngoài song sắt Gần nhau trong tấc gang Mà biển trời cách mặt". Đó là tiếng lòng nhói đau của Bác khi nghe tiếng khóc trẻ thơ giữa chốn ngục tù: "Oa! Oa! Oa! Cha trốn không đi lính nước nhà Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi Phải theo mẹ đến ở nhà pha"... Chất nhân văn của hồn thơ Hồ Chí Minh là ở chỗ đó. Trở lại với câu thơ kết, có người nhận xét chữ "hồng" chính là điểm nhãn của bài thơ, nó có sức nặng bằng cả hai bảy tiếng cộng lại. Chữ ấy gợi nhiều hơn là tả. Với chữ "hồng" ấy, tất cả còn lại là ánh sáng, là sự ấm áp và là niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai của người tù cách mạng. Như vậy, tứ thơ vận động từ bóng tối đến ánh sáng, từ nỗi buồn đến niềm vui. Điều đó đã nói lên rất nhiều "tinh thần thép" của người tù cách mạng. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, Người không chỉ quên đi cảnh ngộ, cái lạnh của bản thân để đồng cảm, chung vui cùng niềm vui của người dân nước bạn mà Người còn luôn lạc quan, tin tưởng vào ngày mai, vào những điều tươi sáng. Như vậy, bên cạnh chất tình, chúng ta còn cảm nhận được chất thép đầy rắn rỏi mạnh mẽ của người chiến sĩ Hồ Chí Minh. Bởi vậy, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết lên hai câu thơ thể hiện sâu sắc mối quan hệ giữa chất thép và chất tình trong thơ Bác: "Vần thơ của Bác vần thơ thép Mà vẫn mênh mông bát ngát tình..." "Chiều tối" là bài thơ tả cảnh, nhưng người đọc lại nhận ra sau lớp lang từ ngữ là một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống – một tâm hồn biết nâng niu, trân trọng từ áng mây trời đến cánh chim bay, từ bếp lửa chiều hôm đến sự sống con người... Tâm hồn ấy dù ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể khám phá, cảm nhận những vẻ đẹp khác nhau để bồi hồi xao xuyến. Và trong hoàn cảnh hiện tại, tâm hồn ấy còn nói lên sự bất khuất, kiên cường của một tinh thần thép. Về nghệ thuật, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, giữa chất thép và chất tình đã mang đến cho bài thơ một vẻ đẹp vừa truyền thống vừa mới mẻ. Đây chính là một trong những yếu tố làm nên vẻ đẹp nghệ thuật thơ chữ Hán Hồ Chí Minh.
Bài viết rất hữu ích ạ. Bài này cũng nằm trong số các bài sẽ ra thi của em ngày mai đó ạ. Em cảm ơn chị
Nếu muốn bài ấn tượng hơn, đạt điểm tuyệt đối hơn, em có thể vận dụng thêm lí luận văn học, sưu tầm và đưa thêm vào các nhận định văn học về Bác, về tập Nhật kí trong tù và về bài thơ này nữa. Cảm ơn em đã đọc bài!