Phân tích bài thơ chiều tối của hồ chí minh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi YenOanh099, 13 Tháng mười 2020.

  1. YenOanh099

    Bài viết:
    41
    Phân Tích Bài Thơ Chiều Tối (Mộ) Của Hồ Chí Minh.

    Tác giả: YenOanh099

    "Nhật Ký Trong Tù" là tập thơ viết bằng chữ Hán, gồm 134 bài được Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch Bắt giam vô cớ. Tập thơ đã phản ánh tâm hồn và nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh thử thách nặng nề nhất của chốn lao tù. Trong đó, "Chiều Tối" (Mộ) là bài thứ 31, sáng tác vào mùa thu năm 1942, cảm hứng được gợi lên trên đường chuyển lao của Bác từ Tỉnh Tây đến Thiên Bảo.

    Bài thơ "Chiều Tối" cho ta thấy phần nào tâm hồn và phong cách thơ văn độc đáo của Hồ Chí Minh: Đó là sự hài hòa giữa chất nghệ sĩ với chất chiến sĩ, giữa chất "Thơ" với chất "Thép", giữa cái cổ điển của phương Đông với cái mới mẻ, hiện đại của phương Tây.

    Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên chiều tối qua đôi mắt của người tù tay đeo gông chân vướng xiềng đang bị áp giải:

    "Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

    Cô vân mạn mạn độ thiên không"

    Dịch thơ:

    "Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

    Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không"

    Không gian và thời gian tưởng như cũ và ước lệ thường thấy trong thơ xưa. Buổi chiều, sắp chuyển vào đêm, một bầu trời xuống thấp, mây lơ lửng lại điểm thêm cánh chim mỏi đang "Về rừng tìm chốn ngủ". Thế nhưng, đây là cách để tác giả thể hiện cái thực của chính người tù bị áp giải, mang trong mình nỗi nhớ quê nhà tha thiết. Thường thì chiều tối là lúc ta kết thúc một ngày dài mệt mỏi để trở về đoàn tụ với gia đình, đó cũng là lúc ta vô cùng cô đơn khi không có chốn để về. Tuy Bác không trực tiếp miêu tả con người nhưng hình ảnh của con người vẫn hiện lên qua hình tượng "Cánh chim" và "Chòm mây" : Chim sau một ngày rong rũi trong khoảnh khắc của ngày tàn đang tìm về tổ ấm, chòm mây thì đang cô đơn lẻ loi trôi chầm chậm qua lưng chừng núi. Dường như, giữa thiên nhiên và con người mang cùng tâm trạng, đều cô đơn, lẻ loi, đều mong muốn tìm về tổ ấm, nhưng cũng thật khác biệt khi thiên nhiên thì tự do còn con người thì mất tự do.

    Ở đây, "Cánh chim" là hình ảnh hết sức quen thuộc trong thơ xưa, thường được các nhà thơ dùng để bộc lộ tâm trạng của con người. Nếu Bác Hồ viết:

    "Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ"

    Thì Bà Huyện Thanh Quan cũng từng hạ bút:

    "Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi"

    Hai tâm hồn thi sĩ lớn là Bà Huyện Thanh Quan và Hồ Chí Minh bằng sự nhạy cảm và tâm hồn tinh tế của mình đã nhận ra cái mỏi mệt ở trong gân cốt của một cánh chim chiều. Nếu các nhà thơ tả là chim bay, chim lượn.. thì đều là những vận động bên ngoài. Còn khi Bà Huyện Thanh Quan và Hồ Chí Minh tả cái cánh chim mỏi là thể hiện sự vận động vô hình ở bên trong. Quả thật, tâm hồn của hai thi sĩ rất tinh tế, rất nhạy cảm và luôn có niềm đồng cảm sâu sắc trước tạo vật.

    Dù vậy, Bà Huyện Thanh Quan thể hiện cánh chim mỏi ấy bằng tâm hồn, bằng giác quan của một người nữ thứ xa nhà, của một kẻ tự do thì Hồ Chí Minh lại cảm nhận bằng tâm hồn và giác quan của một người tù đang chịu đựng biết bao khổ cực.

    Hóa ra, Bác đã vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt của tù đày, vượt lên những đau đớn của bản thân để đắm mình vào bức tranh thiên nhiên chiều tối, để rung động cùng một nhịp của tự nhiên.

    Với Bác, thiên nhiên không chỉ là đối tượng miêu tả quan trọng mà còn là phương tiện để biểu hiện tâm tình.

    "Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không"

    Câu thơ dịch không sát nghĩa, vẫn chưa thể diễn tả hết cảm giác cô đơn, lẻ loi của tác giả. Trong phần phiên âm, từ "Cô vân" nghĩa là chòm mây lẻ loi, hết sức nhỏ nhoi, cô độc; "Mạn mạn" là sự lơ lửng, trôi chậm chạp của đám mây trong một khoảng trời mênh mông, khác với "Trôi nhẹ". Từ đó, thể hiện được sự lẻ loi, cô đơn, buồn vắng trong lòng người. Nỗi buồn đó là do hoàn cảnh xa đất nước, bị tù đày lại vào lúc chiều tối nơi núi rừng.

    Như vậy, hai câu thơ trên mang yếu tố cổ điển: Tác giả dùng thi liệu phương Đông (Cánh chim bay vè rừng, chòm mây trôi trên bầu trời), tả ít gợi nhiều cùng với bút pháp chấm phá bằng hai nét vẽ đã dựng nên bức tranh chiều muộn như trong một bức tranh thủy mặc (Có hồn và thấm đượm tình người). Qua đó, thể hiện được bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ. Bởi vì, nếu không có ý chí và nghị lực, không có phong thái ung dung, tự do hoàn toàn về tinh thần thì không thể có những câu thơ cảm nhận về thiên nhiên thật sâu sắc và tinh tế trong hoàn cảnh khắc nghiệt của tù đày.

    Mặc dù lòng buồn man mác, bâng khuâng trước cái mênh mông vô hạn của vũ trụ nhưng Hồ Chí Minh không để cho một thoáng buồn ấy lấn áp. Bác hòa mình vào đời sống lao động của con người, tựa mình vào ánh lửa chiều hôm, một ánh lửa làm nóng ấm cả bài thơ, cả lòng người:

    "Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

    Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng"

    Dịch thơ:

    "Cô em xóm núi xay ngô tối

    Xay hết lò than đã rực hồng"

    Từ bức tranh thiên nhiên chuyển sang bức tranh đời sống, từ vẻ đẹp cổ điển chuyển sang vẻ đẹp hiện đại. Cảnh vật, âm điệu ở đây nghe vẫn âm vang đâu đó dư ba thơ Đường nhưng đối tượng con người tác giả thể hiện lại rất hiện đại. Giữa thiên nhiên chiều tối vắng vẻ, đượm buồn, hình ảnh xóm núi với cô gái xay ngô bên bếp lửa hiện lên làm khung cảnh ấm áp hẳn. Hai chữ "Thiếu nữ" gợi sự trẻ trung, tươi tắn cùng hành động xay ngô đã thể hiện sự tươi trẻ, khỏe khoắn của cô gái, khiến bức tranh chiều tối tràn đầy sức sống, đưa lại cho người đi đường lúc chiều hôm chút hơi ấm của sự sống, chút niềm vui và hạnh phúc trong lao động của con người.
    Tuy nhiên, phần dịch thơ lại dịch từ "Thiếu nữ" thành "Cô em", điều này làm cho lời thơ có phần lả lơi, đùa cợt và không nghiêm túc, hơn nữa còn thêm vào từ "Tối" khá lộ liễu làm câu thơ mất hết ý vị.

    Có thể thấy, trong nguyên văn Bác không hề nhắc tới bóng tối mà bóng tối vẫn hiện lên, dùng ánh sáng của lò than để miêu tả bóng tối. Đây là thủ pháp rất quen thuộc trong thơ xưa, nó lại tiếp tục mang vào bài thơ "Chiều Tối" một nét rất cổ điển. Cùng với đó là việc sử dụng nhuần nhuyễn nghệ thuật lặp đảo cấu trúc: "Ma bao túc" (Xay ngô) - "Bao túc ma hoàn" (Xay ngô xong), gợi vòng quay tuần hoàn, rất đều đặn của cối xay ngô, đồng thời diễn tả động tác lao động nặng nhọc, đều đều mà khỏe khoắn của cô gái xay ngô. Từ đó, nói lên sự kiên nhẫn, bền bỉ trong đời sống lao động vất vả, lam lũ của con người.

    Đúng thật! Nếu không có một tấm lòng cảm thông, một tấm lòng trân trọng thì chắc hẳn người tù nhân đang trong hoàn cảnh khổ cực ấy không thể tái hiện được bức tranh đời sống gần gũi, thân thương đến thế!

    Và tình yêu thương đó đã lan tỏa, cháy sáng thành một niềm tin, một niềm vui ở câu thơ cuối:

    "Xay hết lò than đã rực hồng"

    Sự luân chuyển thời gian từ buổi chiều kết thúc chuyển sang đêm tối qua hình ảnh "Lò than rực hồng". Chữ "Hồng" là nhãn tự của cả bài thơ (Nhãn tự (Con mắt thơ) là điểm sáng trong một bài thơ làm phát lộ tài năng của người nghệ sĩ). Chỉ một chữ "Hồng" thôi mà bài thơ đã sống dậy. Ở nó tỏa ra ánh sáng và hơi ấm xua tan cái tăm tối, lạnh lẽo của xóm núi ven đường. Nó nhuốm lên thân hình người con gái xay ngô, nhuốm lên cảnh vật một màu đỏ ấm áp, rực rỡ của lửa. Tất cả làm hiện lên một không gian vừa lung linh, huyền ảo vừa gần gũi, bình dị, khiến bao nhiêu nỗi nhọc nhằn, mệt mỏi, bao nhiêu tâm trạng buồn của người lữ khách phút chốc tan biến. Ánh lửa hồng không chỉ xua tan cái không khí giá lạnh, u buồn của chiều tà mà còn xóa đi nỗi u buồn trong tâm hồn tác giả.


    Cái nhìn và sự cảm nhận của Bác thật là tinh tế và nhạy cảm, nó toát ra từ tình cảm của sự cảm thông, chia sẻ với công việc lao động của con người, trân trọng con người. Câu thơ cũng thể hiện rất rõ niềm vui trước cuộc sống, niềm lạc quan và niềm tin vào ngày mai tươi sáng.

    Bài thơ "Chiều Tối" tuy tả cảnh chiều tối, tả không gian thiên nhiên từ sáng đến tối nhưng hình ảnh cuối thơ lại là hình ảnh tràn đầy, lan tỏa ánh sáng. Rõ ràng, thơ của Bác rất Đường mà không Đường chút nào. Thử nhìn lại hai câu thơ đầu:

    "Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

    Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không"

    Đã làm ta liên tưởng đến câu thơ trong bài "Độc Tọa Kính Đình Sơn" của Lý Bạch:

    "Chúng điểu cao phi tận

    Cô vân độc khứ nhàn"

    (Chim trời bay đi mất

    Mây lẻ trôi một mình)

    Nếu cánh chim trong thơ Lý Bạch bay mất hút vào cõi vô tận, gợi sự xa xăm, phiêu bạt, mang cái buồn thương u uẩn, thì trong thơ Bác cánh chim đó là bay theo cái nhìn chủ yếu bình dị của cuộc sống hằng ngày. Đó là sáng bay đi kiếm ăn, tối tìm chốn ngủ. Đám mây của Lý Bạch gợi lên cảm giác nhàn nhạ, thoát tục thì đám mây của Bác lại toát lên vẻ yên ả, thanh bình của cuộc sống.

    Quả là thiên nhiên trong thơ Hồ Chí Minh có đậm chất cổ điển đến đâu thì vẫn gần gũi với cuộc sống hằng ngày, qua đó tạo sự độc đáo cho bức tranh thiên nhiên chiều tối. Và còn mới mẻ hơn, nổi bật hơn khi hình ảnh xóm núi và cô gái xay ngô bên lò than rực hồng hiện lên. Có thể thấy, Bác vẫn cảm nhận thiên nhiên theo lối chấm phá ngày xưa, vẫn cảm nhận thiên nhiên ở tầm cao, tầm xa nhưng trong thơ Bác, con người không phải là ẩn sĩ, không bị vùi đi bởi thiên nhiên bao la nữa mà là chủ thể nổi bật ở giữa thiên nhiên.

    Việc đặt con người vào trung tâm của cảnh vật đã thổi vào bài thơ "Chiều Tối" những nét mới mẻ, hiên đại. Yếu tố hiện đại đó là cảnh sinh hoạt ấm cúng, đầy đủ sức sống của người lao động bên xóm núi cùng với lòng thương người và yêu đời vô hạn của nhà thơ, kết hợp với tứ thơ, hình tượng thơ vận động theo chiều hướng tích cực, đi lên: Từ tối đến sáng, từ tàn lụi đến sự sống, từ buồn đến vui, từ lạnh lẽo cô đơn đến ấm áp tình người.

    Vậy nên đã tôn lên cái "Tôi" của Bác, một cái "Tôi" với nhiều cung bậc cảm xúc tinh tế, một tâm hồn nhạy cảm trước thiên nhiên và cuộc sống, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với con người, thể hiện một tinh thần lạc quan, một niềm tin, niềm hi vọng hướng về tương lai tốt đẹp.

    "Chiều Tối" là bài thơ đặc sắc, bắt nguồn từ một tâm hồn lấy cái vui của cuộc đời để đánh bại mọi đau thương. Nó là bài thơ hài hòa giữa chất cổ điển - Đường thi với chất hiện đại, giữa chất thép với chất trữ tình. Nó cho thấy một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và ý chí vượt lên khó khăn của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng tám 2020
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...