Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh - Cỏ Non

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi PhươngThảo0710, 15 Tháng mười 2020.

  1. PhươngThảo0710 https://dembuon.vn/rf/20116/

    Bài viết:
    493
    Chiều tối (Mộ)

    Phiên âm

    Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

    Cô vân mạn mạn độ thiên không.

    Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

    Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.​

    Dịch nghĩa

    Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ,

    Chòm mây lẻ trôi lững lờ trên tầng không;

    Thiếu nữ xóm núi xay ngô,

    Ngô xay vừa xong, lò than đã đỏ.​

    Dịch thơ

    Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,

    Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không.

    Cô em xóm núi xay ngô tối,

    Xay hết, lò than đã rực hồng.​

    => Bài thơ Chiều tối là bài thơ thứ 31 của tập thơ "Nhật kí trong tù". Được Bác sáng tác vào cuối mùa thu năm 1942. Cảm hứng của bài thơ được gợi lên trên đường chuyển lao của Bác từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo. Đó là một buổi chiều tối dù đã trải qua một ngày gian lao, vất vả nhưng Bác vẫn còn tiếp tục bị bọn lính áp giải và trước mắt là một đêm tong nhà giam chật hẹp, bẩn thỉu. Nói cách khác là ở thời điểm đó những đọa đầy của ban ngày vẫn chưa qua và những đọa đầy của ban đêm thì lại gần tới.

    [​IMG]

    * Phân tích bài thơ Chiều tối (Mộ) của Hồ Chí Minh

    Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa, một chính trị gia, nhà tư tưởng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là một cây bút lớn của nền văn học dân tộc với nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi đặc sắc. Nhắc đến người chúng ta không thể không nhắc đến tập thơ Nhật ký trong tù được sáng tác trong khoảng thời gian người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm ở Quảng Tây với 133 bài thơ. Chiều tối là một trong những bài thơ tiêu biểu trong đó đại diện cho phong cách sáng tác của Bác đồng thời thể hiện cảm hứng trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo của Người. "Chiều tối" là bài thơ mang màu sắc cổ điển – thể hiện ở thể thơ tứ tuyệt, hình ảnh ước lệ, tượng trưng, nghệ thuật điểm xuyết quen thuộc trong thơ ca trung đại và tinh thần hiện đại – lấy sự vận động của con làm hình tượng thơ, lấy con người làm đối tượng trung tâm cho bức tranh thiên nhiên.

    "Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

    Cô vân mạn mạn độ thiên không.

    Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

    Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng."

    Chiều tối là một bài thơ mang đậm phong cách cổ điển, được viết bằng chữ Hán theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với hình ảnh thiên nhiên và con người. Hai câu thơ đầu Bác đặc tả cảnh thiên nhiên núi rừng với hai hình ảnh tiêu biểu cánh chim mỏi mệt và chòm mây giữa tầng không:

    "Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

    Cô vân mạn mạn độ thiên không."

    Dịch thơ

    "Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,

    Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không."

    Hai câu thơ đầu bài nói lên được thời gian và hoàn cảnh lúc bấy giờ. Thời gian là vào lúc chiều tối và hoàn cảnh là chặng cuối của một ngày chuyển lao đày ải, cực khổ khi mà những đày ải ban ngày vẫn chưa hết lại có những đầy ải ban đêm đang ở phía trước. Cảnh thiên nhiên được vẽ bằng những nét vẽ đậm với "chim" – "mỏi" và "chòm mây" – "trôi nhẹ" cho chúng ta thấy bức tranh thiên nhiên vô cùng nên thơ và yên bình. Nghệ thuật dùng điểm nói diện đã được sử dụng ở đây. Trong thơ ca cổ điển phương Đông, cánh chim bay về tổ, về núi rừng thường mang ý nghĩ biểu tượng cho cảnh chiều ta như trong lời ca dao:

    "Chim bay về núi tối rồi."

    Hay trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có:

    "Chim hôm thoi thót về rừng

    Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành."

    Cánh chim chiều vừa mang ý nghĩa không gian vừa mang ý nghĩa thời gian. Các nhà thơ xưa khi miêu tả thiên nhiên cũng thường chú ý đến bầu trời, chòm mây như Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc lâu:

    "Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay."

    Như Nguyễn Khuyến trong bài thơ Thu điếu:

    "Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt."

    Bác của chúng ta cũng chỉ với hình ảnh cánh chim và chòm mấy đã gợi ra một bức tranh thiên nhiên rừng núi vào lúc chiều tối. Việc tiếp thu phương pháp cổ điển phương Đông với nghệ thuật dùng điểm nói diện một cách tự nhiên nhưng là tiếp thu có chọn lọc tạo nên một phong cách thơ rất riêng mang tên Hồ Chí Minh. Hình ảnh cánh chim trong thơ Bác không phải cánh chim bay – Bác không quan sát trạng thái vận động bên ngoài của sự vật – mà là cánh chim "mỏi" – cảm nhận sâu sắc trạng thái bên trong của sự vật. Còn hình ảnh mây trong thơ Bác không phải áng mây trắng ngàn năm gợi sự vĩnh hằng cũng không phải là tầng mây lơ lửng gợi nỗi khắc khoải, mơ hồ của con người trước cõi hư không. Chỉ là một chòm mây nhưng gợi cho chúng ta rất nhiều về cái cáo rộng, trong trẻo, êm ả của một chiều thu nơi núi rừng Quảng Tây. Với hình ảnh chòm mây ấy không gian như trở nên mênh mông vô tận và không gian như ngừng trôi.

    Hai câu thơ này của Bác làm cho chúng ta gợi nhớ đến hai câu thơ trong tập "Độc tọa Kính Đình sơn" của LÝ Bạch:

    "Chúng điểu cao phi tận

    Cô Vân độc khứ nhàn"

    Dịch thơ

    "Bầy chim một loạt bay cao

    Lưng trời thơ thẩn đám mây một mình"

    Có thể thấy nếu cánh chim trong thơ Lý Bạch bay mất hút vào cõi vô tận thì trong thơ Bác là cánh chim của đời sống hiện thực, nó bay theo nhịp điệu bất tận của cuộc sống: Sáng bay đi kiếm ăn, tối bay về rừng tìm chỗ ngủ. Áng mây trong thơ của Lý Bạch bay nhàn tản gợi cảm giác thoát tục còn áng mây trong bức tranh chiều hôm của Bác thì toát lên cái yên ả, thanh bình của đời sống thường nhật.

    Cánh chim nhỏ bé chao liệng giữa bầu trời cao rộng như nhân lên một phần nào đó tầm kích vĩ mô của không gian núi rừng lúc chiều tà và mặc dừ trong câu thơ không hề có một từ nào để miêu tả âm thanh nhưng người đọc vẫn thấy sự tĩnh lặng của không gian núi rừng lúc về chiều qua sự chuyển dộng nhẹ nhàng của cánh chim, chòm mây. Đây là hiệu quả của nghệ thuật lấy động tả tĩnh. Bác cũng rất thành công khi dùng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, cho thấy sự tương đồng giữa cảnh vật và con người ở đây. Cánh chim mỏi sau một ngày bay đi kiếm ăn và người tù cũng mệt mỏi sau một ngày vất vả lê bước đường trường. Chòm mây như có hồn người, như mang tâm trạng. Nó cô dơn, lẻ loi và lặng lẽ, lững lờ trôi giữa không gian rộng lớn của trời chiều. Nó mang nỗi buồn trong cảnh ngộ chia lìa. Cánh chim mải miết bay về rừng xanh, chòm mây chầm chậm trôi lại giữa tầng không. Trong hai ý thơ đó có biết bao sự hòa hợp, cảm thông giữa tâm hồn nhà thơ với thiên nhiên. Cánh chim về rừng gợi cảnh sum họp, đầm ấm khiến Bác chạn lòng với nỗi niềm xa quê. Chòm mây cô dơn, chầm chậm lơ lửng tầng không gợi ra sự lênh đênh, trôi dạt không biết bao giờ mới có thể tự do.

    Như vậy có thể thấy từ hai câu thơ trên gợi cho chúng ta về tình yêu thiên nhiên tha thiết của Bác Hồ và đồng thời cho chúng ta thấy được bản lĩnh người chiến sĩ cứng cỏi, kiên cường, vượt lên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống. Cho dù trong hoàn cảnh tù đầy khắc nghiệt cả ngày chuyển lao mệt mỏi, vất vả nhưng Bác vẫn giữ một phong thái riêng: Ung dung, tự tại, hòa mình vào thiên nhiên. Đó chính là chất thép, chất trữ tình trong thơ Bác như Hoàng Trung Thông khẳng định:

    "Vần thơ của Bác vần thơ thép

    Mà vẫn mênh mông bát ngát tình"

    Hai câu thơ đầu gợi lên bức tranh thiên nhiên rừng núi vào buổi chiều tối chứa đựng tâm trạng trạng của tác giả và qua đó chúng ta còn cảm nhân được nét đẹp trong tâm hồn của nhà thơ Hồ Chí Minh với một tâm hồn "nâng niu tất cả chỉ quên mình" thì cho thấy Bác không chỉ yêu thiên nhiên mà còn yêu lao đọng, yêu con người. Điều này được thể hiện qua hai câu thơ cuối bài:

    "Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

    Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng."

    Dịch thơ

    "Cô em xóm núi xay ngô tối,

    Xay hết, lò than đã rực hồng."

    Chúng ta có thể thấy được hai hình ảnh nổi bật trong hai câu thơ này là hình ảnh cô gái xay ngô và lò than rực hồng. Với hình ảnh này, nhà thơ đã chuyển điểm từ cao, xa xuống thấp, gần từ bức tranh thiên nhiên nghiêng về ước lệ tuy gắn với hiện thực xong bức tranh cuộc sống con người gần gũi, trân thực mà vãn có ý nghĩa biểu trưng. Trung tâm của bức tranh chiều tối không phải là bầu trời hay cánh chim mà là hình ảnh cô gái xóm núi xay ngô tối. Trong một bài thơ tứ tuyệt câu thơ thứ ba thường đóng vai trò là một cái bản lề khép mơ tứ thơ và tạo ra bước chuyển đột ngột cho hình tượng thơ. Như vậy hình ảnh cô gái xay ngô đã hướng người đọc từ không gian cảnh vật mây trời, chim muông về với đời sống con người. Trong thơ xưa con người cũng xuất hiện nhưng sự xuất hiện của con người trong thơ xưa thường làm cho cảnh vật thêm hoang xơ, lạnh lẽo nhưng con người trong thơ Bác vừa khỏe khoắn vừa mang lại niềm vui trong cuộc sống lao động. Nó làm dịu đi nỗi cơ đơn của người con xa xứ trong phút chốc cảm thấy được hơi ấm của sự sống và tự do. Hình ảnh thứ hai góp phần làm nên bức tranh đời sống là hình ảnh lò than rực hồng. Từ cảnh mây trời bao la đến cảnh cô gái xay ngô và cuối cùng thu nhỏ thành lò than rực hồng. Không gian chậm rãi thu nhỏ lại. Khi bếp lửa của cô gái xay ngô hồng lên nghĩa là buổi chiều êm ả đã kết thúc để bước vào đêm tối. Nhưng không phải đêm tối lạnh lẽo, âm u mà đó là đêm tối ấm áp, bừng sáng bởi ngọn lửa hồng. Nếu hình dung cả bài thơ là một bức tranh thì chính cái chấm lửa đỏ mà nghệ sĩ tài hoa chấm lên đó đã mang lại thần sắc cho toàn cảnh. Nó làm tăng lên niềm vui và sức mạnh cho người cất bước trên đường đi. Chữ "hồng" đi liền với hình ảnh lò than không chỉ giản đơn làm nhiệm vụ miêu tả trời tối là điều thú vị chính là ngọn lửa hồng trên bếp đã đem lại cho bài thơ một thần sắc mới. Nó giống như một đóa hoa lửa thắp sáng trời đêm được chuyển hóa từ những nguồn ánh sáng liên hoàn. Đó là ánh sáng của tuổi trẻ, của công việc lao động, của sự sống và đặc biệt là ánh sáng khởi phát từ nguồn sáng tinh thần kì diệu của Bác Hồ. Không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng "hồng" là thi nhãn của tác phẩm. Nhà thơ Hoàng Trung Thông khẳng định chữ "hồng" ở phần kết của bài thơ có sức mạnh bằng 27 chữ kia cộng lại. Nó thực sự là kết tinh tinh thần cảm hứng của bài thơ.

    Điểm đặc biệt ở câu thơ cuối là một phần ngôn từ ở cuối câu thơ thứ ba được lặp lại ở dầu câu thơ thứ tư có sự hoán đổi vị trí từ ngữ: "Ma bao túc" thành "bao túc ma". Đây là biểu hiện của thi pháp điệp liên hoàn tạo nên sự nối âm liên hoàn vừa diễn tả vòng quay cần mẫn, nhịp nhàng của cối xay ngô vừa gợi ra vòng quay cuối cùng theo chiều ngược lại khi công việc hoàn tất. Chính điều này góp phần làm cho bài thơ mang hởi thở của sự sống, của công việc lao động. Cảm giác ấm áp, gần gũi có lẽ được lan tỏa từ đó. Một điều nữa là trong phiên âm ở câu thơ thứ ba không có "tối" nhưng người đọc người nghe vẫn có thể cảm nhận được khung cảnh trời tối nhờ ánh sáng rực hồng của lò than qua bút pháp nghệ thuật lấy ánh sáng để thể hiện bóng tối. Đó cũng là biểu hiện của tính cô đọng, giàu cảm xúc trong thơ Bác.

    Sự vận động của tự nhiên trong bài thơ cũng là sự vận động của tư tưởng, hình tượng thơ Hồ Chí Minh: Sự chuyển dần sang tối nhưng bức tranh thơ còn mở ra bằng ánh sáng rực hồng cùng với sự vận động của thời gian là sự vận động của mạch thơ, tư tưởng người làm thơ: Từ tối đến sáng, từ tàn lụi đến sinh sôi, từ buồn sang vui, lạnh lẽo sang cô đơn ấm nóng tình người. Sự vận động này đã giúp chúng ta cảm nhận rõ hơn niềm lạc quan, yêu đời và tình yêu thương mênh mông của một con người "nâng niu tất cả chỉ quên mình". Dẫu trong hoàn cảnh tù dầy khắc nghiệt mà bài thơ không hề có bóng dáng của gông cùm, xiềng xích mà chỉ có bức tranh thiên nhiên và bức tranh đời sống đầy ý nghĩa. Như vậy thông qua hình ảnh, từ ngữ trong hai câu thơ cuối gợi lên ước mơ thầm kín về một mái ấm gia đình của người đang lưu lạc xa nhà, xa quê hương. Đồng thời cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh. Đó là tình yêu con người, yêu cuộc sống lao động. Đó là chất tình trong thơ Bác. Bên cạnh đó còn cho thấy nghị lực kiên cường, vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt để đồng cảm với niềm vui đời thường là chất thép trong thơ Bác. Nhiều bài thơ khác cũng cho thấy trên con đường khổ ải, lưu đày người chiến sĩ cách mạng trong "Nhật ký trong tù" hầu như ít cảm thấy cô đơn, tâm hồn luôn luôn gắn bó với nhịp sống, làm chủ hoàn cảnh và lạc quan yêu đời. Trong cảnh hoàng hôn gió rét căm, vượt lên gian khổ. Người xúc động hướng tới một tiếng chuông chùa, một tiếng sáo mục đồng mà mạnh bước:

    "Gió sắc tựa gươm mài đá núi,

    Rét như dùi nhọn chích cành cây

    Chùa xa chuông giục người nhanh bước,

    Trẻ dẫn trâu về tiếng sáo bay".

    "Chiều tối" là một bài thơ đặc sắc cả về nội dung lãn nghệ thuật thơ. Thông qua hàng loạt các nghệ thuật như dùng điểm nói diện, tả cảnh ngụ tình, lấy cái hữu hạn để tả cái vô hạn.. bài thơ thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách nghệ sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh: Yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống, kiên cường vợt lên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, ung dung, tự tại và lạc quan đối đầu trước mọi nghịch cảnh. Sự kết hợp giũa yếu tố cổ điển và hiện đại trong bài thơ còn cho thấy nét đặc trưng rất riêng trong thơ của Hồ Chí Minh. Từ đó giúp chúng ta càng hiểu và thêm yêu hơn con người Bác Hồ.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...