Phân tích bài thơ Cảnh Ngày Hè - Nguyễn Trãi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Sưu Tầm, 24 Tháng một 2022.

  1. Sưu Tầm The Very Important Personal

    Bài viết:
    665
    "Vì ai cho cái đỗ quyên kêu,

    Tay ngọc dùng dằng, chỉ biếng thêu.

    Lại có hoa hòe chen bóng lục,

    Thức xuân một điểm não lòng nhau". [ Hạ cảnh tuyệt cú (Cảnh hè bốn câu) – Nguyễn Trãi]

    Mùa hạ dường như chưa bao giờ dễ chịu. Hạ nóng nực với mặt trời đỏ chót trên đầu và những trận mưa rào hiếm hoi. Hạ chẳng mơn mởn mưa đầu xuân, không yên ả hoa vàng cuối thu, lại càng thiếu đi cái thanh bạch khi đông tới. Thế mà đối với nhiều người, tiết trời tháng 6, tháng 7 rực lửa lại là mảnh tình tươi tắn chẳng thể gạt đi. Mùa hạ - có lẽ hơn người ở chính cái rực rỡ và cuồng nhiệt. Lê Thánh Tông từng ngự bút: "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo" (Tâm hồn Ức Trai trong sáng như sao Khuê buổi sớm). Chính vì thổn thức bởi cảnh sắc ngày hè, lo nước, nghĩ dân mà Nguyễn Trãi đã phác họa những vần thơ thất ngôn xem câu lục ngôn "Cảnh ngày hè" nằm trong chùm thơ 61 bài "Bảo kính cảnh giới". Ở đó, ta không chỉ bắt gặp một tâm hồn tinh tế nhạy cảm trước thiên nhiên của một người nghệ sĩ mà còn thấy được một tấm lòng luôn cháy sáng vì nước vì dân của vị anh hùng dân tộc.

    Bước vào câu thơ đầu tiên, tác giả đã họa nên một bức tranh tuyệt sắc mà tràn trề sinh lực, thể hiện nét đẹp cuộc sống thường nhật hằng ngày:

    "Rồi, hóng mát thuở ngày trường."

    Liệu chăng câu thơ toát lên cái cảnh "nhàn" bất đắc dĩ của thi sĩ Nguyễn Trãi, một ngày hè thường nhật tâm an bởi cuộc sống và phù phiếm trần gian không còn va chạm vào nhau. Câu thơ được ngắt nhịp 1, 2, 3 nổi bật lên là chữ "rồi" nhấn mạnh sự rãnh rỗi của nhà thơ. Cụm từ "thuở ngày trường" trong câu đầu có cùng nghĩa với "hạ nhật trường" trong một câu thơ của Cao Biền thời Đường:

    "Lục thu âm nồng hạ nhật trường."

    (Cậy xanh bóng rợp ngày hè dài)

    Và chính bản thân ông cũng đã từng tự thoại với lòng:

    "Người bốn mươi tuổi khỏe triều quan

    Ta bốn mươi tuổi đã được nhàn."

    Muốn luận bàn về thơ, cần hiểu tiếng lòng của người làm thơ. Nhà thơ Vương Quốc Duy, nhà Thanh có nói: "Nhà thơ, đối với vũ trụ nhân sinh, nên bước vào bên trong, mà lại nên đi ra bên ngoài. Bước vào bên trong mới có thể viết được. Đi ra bên ngoài mới có thể quan sát được. Bước vào bên trong mới có sinh khí. Đi ra bên ngoài mới đạt cao siêu.." Dẫu du nhập vào nội thể hay ngoại thế, thì "quan" và "thị" của thi nhân vẫn bị giới hạn bởi tư tưởng văn hóa của thời đại nhưng ở chính cái sự quan thị của Nguyễn Trãi ta lại chẳng thấy thế, chẳng bị giới hạn hay gò bó, mà cảm xúc tả cảnh ngày hạ được thăng hoa bay bổng một cách "cao siêu" :

    "Hoè lục đùn đùn tán rợp giương

    Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

    Hồng liên trì đã tiễn mùi hương"

    Đó có lẽ là một trưa hè nắng gắt với gió hiu hiu. Có thể là gió từ biển, có thể là gió nồm Tây Nam - khó ưa nhưng thi thoảng cũng ẩn chứa đôi phần mát mẻ, lại cũng có thể là gió từ chiếc quạt nan nhẹ nhàng đẩy đưa. Nhắm mắt ngâm thơ, ta trông thấy một thi nhân tuổi trạc tứ tuần đang ngồi trên võng, võng nhẹ đưa. Trước mặt là bàn tre, bên trên là một ấm sứ, một chén trà xanh còn thấp thoáng khói mờ.

    Xa hơn một chút, ta thấy cây hòe rợp tán xanh mướt tầng tầng lớp lớp, rợp bóng mát làm dịu đi cái gay gắt oi ã của mùa hạ. Tán rợp giương, lục, đùn đùn tất cả thể hiện một sức sống căng tràn. "Đùn đùn" tức là um tùm, Nguyễn Trãi cũng đã từng sử dụng từ ngữ ấy để tả cây Hòe trong bài thơ mang tên "Hòe" :

    "Mống lành nẩy nẩy bởi hoè trồng,

    Một phát xuân qua một phát trông.

    Có thuở ngày hè trương tán lục,

    Đùn đùn bóng rợp cửa tam công."

    Hay trong thơ Nguyễn Du, ta cũng bắt gặp hình nahr cây hòe rợp bóng:

    "Thừa gia chẳng hết nàng Vân,

    Một cây cù mộc một sân quế hòe."

    Đặt điểm nhìn xuống thấp hơn, nhà thơ đã khéo léo đan cài màu đỏ rực rỡ của thạch lựu trước hiên nhà, hoa lựu "phun" sắc đỏ thắm bên hiên. Đưa hồn bay bỗng, tác giả ngửi được hương sen trong ao thoảng đến say lòng. Nếu thơ ca cổ điển ưa những gam màu trầm hơn là những sắc gắt, ưa tả tĩnh hơn tả động thì Nguyễn Trãi đã dám bước qua cái khuôn khổ ấy để thoát khỏi những bức tranh thanh đạm, tiêu sơ và để đến gần hơn với bức tranh cảnh ngày hè tươi vui, đầy sức sống. Nhà thơ hòa nhập, cảm nhận, và thấy được một cảnh sắc thiên nhiên căng tràn sức sống. Các động từ mạnh như "đùn đùn", "phun", "giương", "tiễn" như mãnh liệt thức tỉnh một sức sống nội sinh ẩn dấu trong sâu thẳm đất trời. Mọi cảnh vật được Nguyễn Trãi khước từ trạng thái "tĩnh" mà đặt trong khung cảnh "động". Cây hòe thì phát triển, cây lựu của Nguyễn Du thì như những đốm lửa "Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông", còn lựu của Nguyễn Trãi thì có cả nhựa sống dồi dào bên trong đang "phun" tỏa, phát lộ ra ngoài. Hương sen thì thơm ngát tỏa khắp bốn bề không gian. Cái sinh khí rực rỡ, viên mãn nhưng cũng rất thanh thoát ý vị ấy khác hẳn với cái nóng nực của mùa hè mà các nhà thơ trong "Hồng Đức quốc âm thi tập" đã biểu hiện:

    "Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi

    Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè."

    Rồi như một thước phim tua nhanh, trước mắt ta bày ra cảnh chợ cá làng chài nhộn nhịp, hòa với tiếng ve râm ran như tiếng đàn hòa đệm tiếng ca dưới bóng chiều tà:

    "Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

    Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương."

    Giác quan người thi sĩ choáng ngợp bởi cả mùi hương, màu sắc, cảnh vật, âm thanh, và cả cái nóng cùng gió hạ mơn man. Giữa thời thái bình thịnh thế, năm bể xôn xao, cảnh chợ quê yên bình như thôi thúc con người tránh xa danh danh lợi lợi mà lắng nghe "Tiếng đời lăn náo nức". Đó là một bút pháp cổ xưa: Lấy động tả tĩnh. Dùng hoa nở ve kêu, lấy muôn vật chuyển mình để chỉ thế sự bình an, lòng người trầm mặc. Hai từ láy "lao xao", "dắng dỏi" được đảo lên đầu mỗi câu thơ làm bật lên cái không khí sôi động, náo nhiệt, xóa tan không khí quạnh hiu, cô tịch lúc 'tịch dương ". Cảnh chợ búa – giao thương, thể hiện sự trao đổi, mua bán và vận hành của xã hội, thể hiện nét sống đơn sơ thuần tục của nhân dân, còn xôn xao, náo nức thì nhân dân còn ấm no, hạnh phúc. Còn của cải làm ra thì còn chợ, còn chợ thì còn ấm no. Nhà thơ không thoát tục, hướng lòng về những tiếng nói bình dị nhất phát ra từ đời sống muôn dân. Lời thơ như diễn tả một cuộc sống đang sinh sôi, tiếp diễn ngay cả khi ngày sắp tàn, một khung cảnh thật êm đềm và thanh bình nơi làng quê, thôn xóm.

    Mở đầu Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết:" Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân ". Cuối Bảo kính cảnh giới 43, thi sĩ mỉm cười toại nguyện:

    " Dễ có Ngu cầm đàn một tiếng

    Dân giàu đủ khắp đòi phương. "

    Chiều buông. Giữa hoa thơm cỏ ngọt, nắng rợp âm ve, kẻ sĩ chỉ mong có đàn của vua Ngu, tiếng đàn cất lên mừng trăm dân đủ đầy, ngàn chốn yên vui. Giữa thái bình không quên lo chuyện nước. Trong thanh nhàn chẳng lơ là việc dân. Ấy chính là tấm lòng của bậc thánh hiền. Cảnh ngày hè rực rỡ ấy, không phải chỉ vì nắng chiếu đỏ hoa lựu hay ve kêu ngập trời, mà còn là tấm lòng nặng tình thế gian. Ông nhàn thân nhưng không nhàn tâm, trong lòng nhà Nho chân chính ấy luôn canh cánh nỗi niềm dân nước:

    " Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu

    Hậu thiên hạ chi lạc ưu lạc. "

    Nguyễn Trãi luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, làm gì cũng phải suy tính đến việc bình nước, yên dân. Nếu như với Nguyễn Bỉnh Khiêm" nhàn "là tránh xa phú quý quay về hòa hợp với thiên nhiên để giữ trọn cốt cách thì qua" Cảnh ngày hè ", vị anh hùng dân tộc đã khẳng định triết lí" nhàn "của mình: Sự nhàn rỗi, thảnh thơi luôn phải song hành với cuộc sống no đủ, bình yên của dân tộc. Kết cấu đầu cuối tương ứng của hai câu lục ngôn ở đầu và cuối tác phẩm đã khép mở hai tâm trạng tạo nên mạch hàm ẩn của toàn bài thơ.

    " Bảo kính cảnh giới "nghĩa là" gương báu răn mình". Người xưa đã dày công viết nên, phận làm kẻ hậu thế, tự hỏi lòng có lĩnh ngộ được nửa phần thanh cao? Thôi thì, nhân cảnh hè chưa tan, phồn hoa chưa cạn, hồng trần cuộn sóng, ta cũng bắt chước Ức Trai khi xưa, tự tìm về một chốn an yên, tạm rời thế tục mà tu tâm vậy.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...