Phân tích ánh trăng của nguyễn duy

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thư Min MIn, 13 Tháng tám 2020.

  1. Thư Min MIn

    Bài viết:
    12
    Trăng – hình ảnh trữ tình quen thuộc đã trở thành đề tài thường xuyên xuất hiện trong thơ ca của các thi sĩ qua bao thời đại. Và trong mỗi bài thơ về trăng như thế thì ánh trăng đều hiện lên với những vẻ đẹp, nét độc đáo riêng. Nếu đại thi hào Nguyễn Du đã để vầng trăng vằng vặc giữa trời chứng giám cho mối lương duyên của Thúy Kiều – Kim Trọng, nếu Bác đưa trăng vào thơ là bạn tri kỉ cùng Người trải qua bao vất vả kháng chiến thì đến với "Ánh trăng" của Nguyễn Duy – thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, ta sẽ thấy một vầng trăng là hình tượng "vô tri vô giác" nhưng có sức mạnh lay động trái tim và đánh thức lương tâm ta nhớ về lối sống ân nghĩa thủy chung, về một đạo lí sâu sắc: "Uống nước nhớ nguồn" mà ý nghĩa triết lí này thì đã được thể hiện khéo léo qua việc liên kết hồi tưởng quá khứ với thực tại đang diễn ra:

    "Hồi nhỏ sống với đồng

    Với sông rồi với bể

    * * *

    Ánh trăng im phăng phắc

    Đủ cho ta giật mình"

    Bài thơ "Ánh trăng" ra đời năm 1978 là một trong những tác phẩm hay, ấn tượng đã đánh dấu son quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Duy. Viết về vầng trăng - hình tượng vốn bấy lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, những ca từ trong tác phẩm thơ này của Nguyễn Duy cũng không có gì mới lạ nhưng vẫn khơi ngợi ở tâm hồn độc giả những chiều sâu trong cảm xúc bởi lẽ ông đã tinh tế xâu chuỗi các dòng hoài niệm về quá khứ với những suy nghĩ thực tại và cả một đời người từ đó mà đi sâu vào cái tinh nghĩa muôn đời nơi con người đất Việt.

    Trước hết, tác giả mở đầu bài thơ với hình ảnh vầng trăng tri kỉ trong kí ức tuổi thơ của ông và cả trong chiến tranh bom đạn:

    "Hồi nhỏ sống với đồng

    Với sông rồi với bể

    Hồi chiến tranh ở rừng

    Vầng trăng thành tri kỉ"

    Lời thơ như thủ thỉ, tâm tình về chuyện "hồi nhỏ", "hồi chiến tranh" cùng với phép liệt kê những thứ gắn bó với mỗi con người khi sinh ra và lớn lên mà với tác giả ở đây chính là "cánh đồng", "sông", "bể" – nơi chôn cất bao kỉ niệm ấu thơ khó phôi phai của ông. Cũng chính nơi đó ông bắt gặp được vầng trăng, hình ảnh trăng đã trải rộng ra cái không gian bao la, rộng lớn của tự nhiên cùng sự trong sáng của tuổi thơ tác giả. Điệp từ "với" ba lần đã diễn tả tuổi thơ được đi, cọ xát nhiều nơi, được hưởng nhiều cảnh đẹp bãi bồi của thiên nhiên đồng thời cũng nhấn mạnh sự gắn bó thắm thiết với thiên nhiên của Nguyễn Duy. Rồi khi trưởng thành, ông xông pha ra chiến trường lửa đạn ác liệt để bảo vệ Tổ quốc, giành lại độc lập cho non sông và vầng trăng đã đi theo từng bước chân của ông nơi chiến hào, chiến đấu đó. Cứ thế, trăng sát cánh bên người chiến sĩ vệ quốc, là người bạn tri âm, tri kỉ cùng họ một nắng hai sương, vượt qua những mất mát, sự khốc liệt của cái tàn ác trong chiến tranh, ta cũng nhìn thấy được vầng trăng như vậy trong "Đồng chí" của Chính Hữu:

    "Đêm nay rừng hoang sương muối

    Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

    Đầu súng trăng treo"

    Người lính hành quân hay phiên gác giữa rừng đều có ánh trăng dát vàng con đường để bầu bạn, tâm sự cho vơi đi nỗi cô đơn. Trăng cứ vậy trở thành người bạn thân thiết, luôn đồng cam cộng khổ và "chờ giặc tới" cùng người lính.

    Những tháng năm đã qua ấy của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, với đất trời hiền hậu. Vầng trăng – người bạn tri kỉ đó, ngỡ như sẽ không bao giờ quên được:

    "Trần trụi với thiên nhiên

    Hồn nhiên như cây cỏ

    Ngỡ không bao giờ quên

    Cái vầng trăng tình nghĩa"

    Vầng trăng lại một lần nữa xuất hiện - "trần trụi", "hồn nhiên" – những từ ngữ làm cho âm điệu của câu thơ thêm liền mạch đồng thời nói lên dường như cảm xúc của tác giả vẫn đang tràn trề. Chính sự khéo léo trong cách ẩn dụ, so sánh đã khắc họa đậm nét sự mộc mạc, vẻ đẹp bình dị, gần gũi của trăng. Vầng trăng chân chất ấy đã gắn bó với con người trong những năm tháng nơi chiến hào, chiến đấu như thế khiến con người ngỡ là không thể xóa nhòa được cái tình nghĩa đẹp đẽ đó trong kí ức và sẽ luôn dành tình cảm tràn đầy với trăng.

    Thế rồi, ba năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, người chiến sĩ Nguyễn Duy giờ đây từ giã chiến trường trở về giữa phố thị, vầng trăng kháng chiến cũng hóa vầng trăng hòa bình và phải làm quen với một hoàn cảnh sống hoàn toàn đổi mới:

    "Từ hồi về thành phố

    Quen ánh điện cửa gương

    Vầng trăng đi qua ngõ

    Như người dưng qua đường"

    Chặng đường của quá khứ gian lao, cơ cực, trần trụi với thiên nhiên giờ đây khép lại, mở cho một hiện tại có tiếng nói tự do, có màu cờ hòa bình, độc lập, mọi thứ đều khoác lên mình bộ áo đầy mới mẻ, phát triển hơn. Người lính năm xưa nay cũng quay trở về với bình yên và bắt đầu làm quen dần với "ánh điện", "cửa gương", quen dần với một cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Rồi trong chính sự đủ đầy về vật chất đó, không biết tự lúc nào người lính đã quen với ánh đèn điện đầy sắc màu mà quên khuấy đi cái ánh sáng nhàn nhạt, dịu nhẹ từ thiên nhiên, từ vầng trăng – người bạn tri kỉ của mình. Nghệ thuật nhân hóa khiến trăng hiện lên như con người chân thật – "đi qua ngõ", "người dưng qua đường" trong câu thơ đã đọng lại nơi con tim người đọc một chút rung động, cảm thương cho một "người bạn" bị chính tri kỉ một thời của mình bỏ rơi. Sự ồn ã, bộn bề nơi phố phường, sự tất bật chạy theo vật chất đã khiến lòng người trở nên vô tình hơn, quên đi những kỉ niệm son sắt xưa cũ, quên đi những giá trị tinhh thần cốt lõi, cái nền tảng cơ bản của cuộc sống.

    [​IMG]

    Trong thời khắc thờ ơ, xem trăng như người dung thì một huống đã đột ngột xảy ra:

    "Thình lình đèn điện tắt

    Phòng buyn-đinh tối om

    Vội bật tung của sổ

    Đột ngột vầng trăng tròn"

    Khi "đèn điện tắt" cũng chính là cuộc sống hiện đại dư dả, xa hoa đã không còn, người lính bỗng phải đối diện với cái thực tại tối tăm. Trong lúc đó, người lính đã "vội bật tung cửa sổ" và rồi bắt gặp hình ảnh "người bạn tình nghĩa" năm xưa. Người bạn trăng ấy vẫn ở ở đó, vẫn luôn đồng hành cùng con người mặc cho bị bỏ rơi, vẫn "tròn" - đầy sự thủy chung, viên mãn, tràn đầy tình nghĩa dành cho tác giả dù năm tháng thăng trầm đã qua đi thổi lên lớp bụi thời gian phủ mờ tất cả.

    [​IMG]

    Dường như người lính trong bài thơ đã nhận thấy được sự thủy chung, khoan dung của trăng:

    "Ngửa mặt lên nhìn mặt

    Có cái gì rưng rưng

    Như là đồng là bể

    Như là sông là rừng"

    Hành động "ngửa mặt lên nhìn mặt" khi mở cửa sổ ra của tác giả không chỉ đơn thuần là ngắm trăng mà còn là đối diện với người bạn thân thưở xưa của mình thật lâu, nhìn ngắm thật kĩ. Giờ đây, tác giả ngẫm lại sự vô tình của mình, khiến ông không thể nào ngăn được nỗi xúc động trực trào trong tâm khảm mà "rưng rưng" những giọt nước mắt của sự ân hận. Ngắm nhìn ánh trăng sáng cũng là thời khắc quá khứ tươi đẹp chợt ùa về một cách mạnh mẽ. Cách sử dụng phép tu từ so sánh, điêp từ, liệt kê đã làm cho ca từ của nhà thơ trở nên mãnh liệt hơn về một quá khứ không thể nào quay trở lại. Cuộc gặp gỡ giữa trăng với người lúc nào cũng lắng xuống ở độ sâu cảm nghĩ như thế đấy. Nếu trăng đưa Nguyễn Du tìm về những miền ký ức xa xăm trong quá khứ thì trăng cũng đã khơi nguồn cảm xúc hướng về quê hương cho Lí Bạch:

    "Cử đầu vọng minh nguyệt

    Đê đầu tư cố hương"

    (Tĩnh dạ tứ)

    Từ những hồi ức thức tỉnh, tác giả đã suy tư một cách sâu sắc:

    "Trăng cứ tròn vạnh vành

    Kể chi người vô tình

    Ánh trăng im phăng phắc

    Đủ cho ta giật mình."

    Khổ thơ cuối cùng này mang tính hàm súc độc đáo và đạt tới chiều sâu tư tưởng về triết lí. "Trăng cứ tròn vạnh vành" là vẻ đẹp của trăng vẫn viên mãn, tròn đầy và không hề bị suy suyển mặc cho sự đổi thay của đất nước và mặc cho sự bạc bẽo, vô tình của người xưa. Ánh trăng ấy bao dung, bỏ qua sự bội bạc của con người – "kể chi người vô tình". Trăng chỉ "im phăng phắc" – nghệ thuật nhân hóa ở đây cũng nói lên thái độ nghiêm khắc của trăng khi nhà thơ, con người đã lãng quên ân nghĩa thủy chung. Sự im lặng, nghiêm khắc đó khiến cho tác giả phải giật mình, phải thức tỉnh lương tri mà không còn thờ ơ, vô tâm với trăng, xem người bạn ấy như là người dưng nữa mà nhớ lại những tháng ngày thưở xưa ấy để trân trọng trăng nhiều hơn.

    Xuyên suốt "Ánh trăng", nhà thơ Nguyễn Duy đã có một sự sáng tạo mà ít ai để ý: Chỉ viết hoa chứ cái đầu tiên trong mỗi khổ và chỉ sử dụng một dấu chấm cho toàn bài thơ. Điều này đã tạo nên câu kể dài trọn vẹn ý, thể hiên cảm xúc của tác giả khi sáng tác là vô cùng liền mạch, không bị ngắt quãng. Dường như tác giả đang để tâm hồn mình hòa trong dòng xúc cảm, suy tưởng nên việc viết hoa chữ cái đầu không còn quan trọng nữa. Dù không có sự mới lạ trong ngôn từ thơ nhưng cách viết này, sự độc đáo này đã tạo nên cách tân mới mẻ trong thơ, tạo nên một tuyệt tác - "Ánh trăng".

    Qua "Ánh trăng" với những biện pháp nghệ thuật cùng nội dung đặc sắc, ý nghĩa. Cách hồi tưởng rồi đến việc tự đấu tranh với những suy nghĩ nội tâm của con người mà cụ thể ở đây là của Nguyễn Duy về những năm tháng quá khứ gian khổ mà hào hùng, nghĩa tình với ánh trăng sáng rạo rực, với thiên nhiên đất Việt bình dị đã để lại trong lòng độc giả chúng ta dòng ngẫm nghĩ về nhân tình thế thái, nhắc nhở ta rằng quá khứ luôn song hành cùng hiện tại, là động lực để mỗi con người hoàn thiện hơn. "Ánh trăng" sẽ luôn là lời nhắn nhủ ý nghĩa về truyền thống "uống nước nhớ nguồn" cho tất cả mọi người ở mọi thời trong đó là chúng ta bởi thế sau khi đọc tác phẩm, thấm thía về thái độ sống, tình cảm ân nghĩa thủy chung thì tất cả các bạn hãy luôn nhớ đến những người, sự việc đã có công làm nên mình và cuộc sống của mình ngày hôm nay.

    [​IMG]

    P/s: Mình không biết tại sao nhưng những chữ đầu dòng thơ cần viết thường nhưng mình không viết được, các bạn thông cảm và nhớ đừng mắc lỗi nha. Vì là phân tích văn học nên dù là một học sinh giỏi văn thì mình cũng đi tham khảo ở những nguồn tài liệu khác (nguồn mình hay tham khảo nhất là thuthuat) để chỉnh chu câu văn của mình hơn đồng thời biết được những điều mới mẻ mà có thể là mình chưa kịp chiêm nghiệm ra cho nên khi đọc chắc chắn sẽ có một số hay thậm chí là nhiều câu văn các bạn sẽ ồ lên rằng "cái này hình như mình thấy ở đâu đó rồi" hihi. Và điều mình ngán ngẩm nhất khi làm văn là việc đọc lại thế nên khi các bạn đọc thấy có thiếu sót hãy thông cảm cho mình và bình luận phía dưới để mình còn biết mà sửa nhé <3.
     
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng chín 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...