Nếu như trong địa hạt thi ca từng có một Huy Cận nặng lòng thương nhớ dải đất miền Trung trầm mặc, tự tình thì trong thế giới bút kí lại xuất hiện một Hoàng Phủ Ngọc Tường với tâm hồn thấm đẫm hình dáng, tình ý xứ Huế. Và nhắc đến Huế, ta không thể không nhớ đến dòng sông Hương - dòng sông chỉ thuộc về Huế, dòng sông thơm ngát hương hoa đã làm vấn vương bao du khách đặt chân đến nơi đây. Để rồi Hoàng Phủ Ngọc Tường - người con xứ Huế đã song hành cùng sông Hương đi vào trái tim người đọc với bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông", họa lại bức tranh Hương giang không chỉ thơ mộng mà còn giàu truyền thống. Đoạn trích "Phải qua nhiều thế kỉ.. tiếng gà" đã để lại một ấn tượng khó phai mờ trong lòng mỗi độc giả. "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là bút kí xuất sắc của văn học Việt Nam thời hậu chiến viết tại Huế năm 1981, rút ra từ tập bút ký cùng tên được viết ngay sau chiến thắng mùa xuân năm 1975. Cảm hứng của tác phẩm là dòng sông Hương thơ mộng của xứ Huế. Qua những suy tư và liên tưởng, dòng sông ấy đã trở thành biểu tượng vẻ đẹp cho mảnh đất cố đô với trang sử vẻ vang, với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và là biểu tượng cho văn hóa, tâm hồn con người xứ Huế. HPNT đã soi ngắm Hương giang trên nhiều góc độ và ông đã tập trung khắc họa vẻ đẹp của dòng sông ở ngoại vi thành phố. Trước khi trở thành người tình thuỷ chung dịu dàng, sông Hương đã trải qua một hành trình đầy gian truân thử thách ở phía thượng nguồn. Bằng cảm nhận đầy tinh tế của tác giả, toàn bộ hành trình đi từ cội nguồn đến ngoại vi thành phố rồi neo đậu ở thành phố Huế của dòng sông như một cuộc "tìm kiếm có ý thức" để đến với người yêu. Mở đầu đoạn trích là hình ảnh dòng sông Hương chảy qua cánh đồng Châu Hóa, dưới góc nhìn nhân hóa, tác giả ví von sông Hương như một "người gái đẹp". Câu văn như thảm lụa ngôn từ dệt lên một huyền thoại đẹp: "Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đánh thức người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại". Với lối so sánh ấy dòng chảy uốn lượn của con sông, những khúc quanh co của nó hiện lên hệt như những đường cong trên cơ thể của một người thiếu nữ đang độ xuân sắc. Quả là vẻ đẹp lúng liếng thanh xuân, vừa đa tình vừa hút mắt thi nhân: "Dòng sông in gái nguyên lành/ Lá thuyền du khách thanh thanh tiếng đàn." Giấu khuôn mặt mình vào chân núi Kim Phụng, "sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức". Câu văn mềm mại, uyển chuyển biết bao. Sông Hương sau vài thế kỷ ngủ quên giữa cánh đồng Châu Hóa đã được người tình mong đợi đến đánh thức, nhưng đánh thức rồi người tình không biết đã đi đâu, nên nàng ngơ ngác đi tìm, vô tình cuộc tìm kiếm ấy đã làm cho dòng sông càng trở nên đẹp đẽ. Những từ ngữ như "khúc quanh đột ngột", "uốn mình", "đường cong thật mềm" cùng với phép so sánh "như một cuộc tìm kiếm có ý thức" đã gợi ra hình ảnh dòng sông mềm mại, nữ tính, gợi cảm, quyến rũ. Nét đẹp ấy cũng khiến ta liên tưởng đến nét "ngoằn ngoèo", hay "áng tóc trữ tình" tuôn dài, tuôn dài của sông Đà dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân. Còn sông Hương, dưới ngòi bút của HPNT hiện lên như một nàng công chúa bị hóa ghép với giấc mộng ngàn năm như trong câu chuyện cổ tích "Công chúa ngủ trong rừng". Hai chữ "mơ màng" gợi tả hình ảnh một giấc ngủ đẹp và đấy quyến rũ của dòng sông, dòng sông như tỉnh như mơ, như thực như ảo. Hình ảnh cánh đồng hoa dại gợi tả một không gian trong trẻo, thơ mộng nhuốm màu cổ tích. Chỉ một câu văn ngắn mà nhà văn đã làm toát lên vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên của dòng sông để từ đó, ngòi bút của ông cuốn người đọc vào thuỷ trình đầy mê hoặc của Hương giang. Nếu Viên Mai từng viết "kẻ làm thơ không được đánh mất đi tấm lòng trẻ thơ" thì ắt hẳn kẻ đang yêu cũng không được đánh mất dũng khí chạy về phía người thương. Hành trình đến với "người tình mong đợi" của "người con gái đẹp" này khó khăn và đầy thử thách khi phải vượt qua điện Hòn Chén, Ngọc Trản, Nguyệt Biều, Lương Quán thì mới gặp được Huế mộng Huế mơ. Dòng chảy của sông Hương qua các địa danh được tác giả liệt kê, nhắc lại một cách chính xác thể hiện những kiến thức về địa lí, văn hóa tinh tường. Nhà văn sử dụng nhiều động từ chỉ đường nét khiến ta hình dung về dòng chảy trữ tình của con sông thật sống động: "Vấp – chuyển hướng – vòng qua – vẽ một hình cung – ôm lấy – xuôi dần..". Hệ thống động từ đặc tả dòng chảy ấy làm sông Hương hiện lên chân thực, sắc nét, có hồn như một sinh thể sống động và giàu sức sống. Cùng với sự am tường kiến thức địa lý, nhà văn đã tái hiện lược đồ dòng chảy của sông Hương như một cuộn phim tài liệu sống động. Hành trình về xuôi của dòng sông không hề đơn điệu, nhàm chán mà khiến người đọc đi từ ngạc nhiên, thú vị này đến sự bất ngờ khác. Người đọc có lúc ngỡ ông đã từng nhiều năm tháng du ngoạn ngược xuôi với con thuyền nhỏ bồng bềnh trong điệu Nam ai, Nam bình trên dòng sông Hương thơ mộng. Thuỷ trình ấy khiến ta liên tưởng đến câu ca dao quen thuộc: "Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua" Con sông khúc này như được phản chiếu vẻ đẹp phong phú của cảnh vật đôi bờ. Những câu văn dài nối tiếp nhau làm nên dòng chảy mạnh mẽ với "dư vang của Trường Sơn" như còn phảng phất đâu đây. Đồng thời, con sông Hương chảy qua đôi bờ cỏ cây tươi tốt đã góp nhặt sắc núi Ngọc Trản để đem đến cho mình một màu "xanh thẳm" rồi qua Tam Thai, Lưu Bảo để trở nên mềm mại như một tấm lụa. Dòng sông dường như đang tự làm mới mình trong bể lọc lớn, như trút bỏ những vết u uất của thời gian mà khoác lên mình tấm áo choàng màu xanh mềm mại, khéo léo phô ra những đường cong quyến rũ của mình. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vẻ ra một bức tranh bằng nghệ thuật ngược sáng của điện ảnh. Sông Hương khi uốn mình đã in bóng những ngọn đồi tạo nên phảng quang nhiều màu sắc: "Sớm xanh, trưa vàng, chiều tím" khiến sông Hương như được dịp khoác lên bộ xiêm váy lộng lẫy, xinh đẹp và rực rỡ. Ta bất chợt nhớ đến một sông Đà mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng, say đắm, tình tứ của Nguyễn Tuân: "Mùa xuân nước sông Đà xanh màu" xanh ngọc bích "chứ không" xanh màu xanh canh hến của sông Lô sông Gâm. Mỗi độ thu về, nước sông lại "lừ lừ" chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa ". Sự biến đổi kì diệu của dòng sông tựa như cuộc sống của con người, ta hòa mình trong những gam màu nóng lạnh của đời sống, ta đốt cháy mình trong những cuộc kiếm tìm ước mơ, tình yêu và hạnh phúc. Có thể thấy chính sắc nước hài hòa với sắc nước, sắc đồi và ánh chiếu lên bầu trời Tây Nam thành phố sắc màu lộng lẫy như đóa phù dung làm cho Huế mang một màu sắc không trộn lẫn, chỉ riêng Huế mới có. Đoạn tả sông Hương thay đổi dòng chảy chỉ có bốn câu văn, bốn câu dài miên man với những từ ngữ đẹp đã tạo ra một bức tranh họa sơn thuỷ tuyệt đẹp mà ca dao người Huế từng ngợi ca: " Đường vô xứ Huế quanh quanh Non xanh nước biếc như tranh họa đồ " Người đọc không khỏi tấm tắc ngợi ca cái tài hoa của HPNT bởi chỉ một cái vẩy bút mà ông đã tạo nên cái chất" thi trung hữu họa "hiếm thấy với bất cứ tác giả nào viết về sông Hương. Ấn tượng nhất của quãng chảy giữa đồng bằng có lẽ là" vẻ đẹp trầm mặc như triết lý, như cổ thi "của Hương giang- một vẻ đẹp tính cách đang trán trọng. Giữa đám quần sơn lô xô, sông Hương như trầm mặc hẳn đi bởi lẽ dòng sông ấy đã đã đi qua" giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng của những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa làn khắp cả một vùng thượng lưu "Bốn bề núi phủ mây phong- Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng vạn niên". Chảy bên những di sản văn hóa ấy, sông Hương dường như đã cúi đầu khép mình lặng lẽ nghiêm trang như tưởng niệm cả một thời dĩ vãng vàng son. Có lẽ vì vậy mà mật nước Hương giang bỗng trở nên phẳng lặng và kéo dài mênh mang cho đến khi hòa vào "tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà". Đó là vẻ đẹp cổ thi trầm mặc mà hiện đại đã đi vào thi ca của bao văn nhân, thi sĩ. Dòng sông hay chính dòng chảy lịch sử vẫn bền bỉ chảy qua năm tháng đang vọng về hôm nay và mai sau. Thử tưởng tượng xem, phải yêu Huế say đắm thế nào, gắn bó với sông Hương ra sao thì HPNT mới có thể viết lên những trang văn đầy tài hoa như thế? Nguyên Ngọc từng nói: "HPNT là một trong những nhà văn viết kí hay nhất trong văn học ta hiện nay". Quả đúng là như vậy, bằng vốn hiểu biết vô cùng phong phú trong các lĩnh vực địa lý, lịch sử, văn hóa.. cùng sự kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, hành văn ngôn ngữ nhẹ nhàng, giàu sức biểu đạt, tác giả đã đi trên thiên chức của nhà văn, lặn sâu vào từng nét nông qua mỗi mùa, qua mỗi khúc giao cảm, qua mỗi chặng hành trình của Hương giang để thấu hiểu mọi ngõ ngách của dòng sông. Ẩn đằng sau hình tượng ấy, nhà văn cũng bày tỏ cái tôi của mình- một cái tôi uyên bác, gắn bó sâu nặng với xứ Huế mộng mơ. Thạch Lam từng nói lời yêu: "Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc bài học trông nhìn và thưởng thức". Thế giới của kẻ làm văn sẽ không bao giờ chỉ được sinh ra một lần mà là nơi vạn vật được tái sinh ngay cả khi chỉ còn le lói hơi tàn. Vì vậy đứng trước sự băng hoại của thời gian, áng văn thấm đẫm nhiệt huyết về dòng Hương giang của HPNT vẫn sẽ mãi khắc ghi vào tiềm thức người đọc một ấn tượng khó phai mờ.