Nhà văn người Nga Pautopxki từng nói: "Niềm vui của nhà văn chân chính là được làm người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp". Từ bao đời nay, người nghệ sĩ luôn mang trong mình một sứ mệnh cao cả là khơi dậy, tìm tòi, khám phá vẻ đẹp của cuộc sống, đưa độc giả đến với những chân trời cao rộng. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm với đoạn trích "Đất Nước" chính là người nghệ sĩ có được niềm vui ấy khi ông dẫn người đọc tìm đến vẻ đẹp bình dị mà cao cả, thiêng liêng của dải đất hình chữ S, dẫn độc giả đi tìm cội nguồn xa xưa của Đất Nước thân thương. Đoạn thơ sau đây sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn điều này: Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa.." mẹ thường hay kể Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc Tóc mẹ thì bới sau đầu Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn Cái kèo, cái cột thành tên Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng Đất Nước có từ ngày đó.. Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông giàu chất trí tuệ, xúc cảm dồn nén và suy tư sâu lắng, thể hiện tâm tư của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. Nguyễn Khoa Điềm rất thành công với những sáng tác thơ về đề tài đất nước, tiêu biểu nhất là trường ca 'Mặt đường khát vọng ", trong đó có đoạn trích" Đất Nước ". Trường ca" Mặt đường khát vọng "được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị Thiên năm 1971. Bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông, đất nước và sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đoạn trích" Đất Nước "là phần đầu chương 5 của bản trường ca" Mặt đường khát vọng ". Đoạn trích là những suy nghĩ của tác giả về đất nước được nhìn trên nhiều góc độ với tư tưởng chủ đạo là" Đất Nước của Nhân dân " Chín câu thơ đầu có thể nói là một trong những đoạn thơ hay nhất trong" Đất Nước ", nói về cội nguồn xa xưa, quá trình hình thành và phát triển gần gũi, bình dị mà vô cùng thiêng liêng của Đất Nước. Với một giọng thơ thủ thỉ, tâm tình, Nguyễn Khoa Điềm đã dẫn người đọc đi tìm cội nguồn của Đất Nước: Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi " Ta "là một khái niệm mơ hồ, không xác định, là một đại từ nhân xưng, là cách mà Nguyễn Khoa Điềm nhân danh cho nhiều người, ông không tách mình ra khỏi cái chung, cái cộng đồng." Ta "có thể là cái tôi trữ tình của tác giả, là anh và em trong câu chuyện tâm tình," ta "có thể là bất cứ người nào, trong bất cứ thời gian nào, là chúng ta hôm nay, là con cháu mai sau, là ông cha ta ngàn năm trước. Không biết cụ thể rằng" ta "là ai chỉ biết rằng khi ta sinh ra đã được bao bọc và nâng niu, được nuôi dưỡng và che chở trong chiếc nôi lớn lao, ấm áp, thân yêu là Đất Nước. Cách nói" Đất nước đã có rồi "thật đặc biệt, thật thiêng liêng, xúc động bởi lẽ, cách nhà thơ viết hoa danh từ chung Đất Nước đã khiến Đất Nước không còn mơ hồ, chìm lẫn mà riêng biệt, độc lập, định danh cụ thể. Hơn nữa cách nhà thơ khẳng định" Đất Nước đã có rồi "thể hiện niềm tự hào mãnh liệt của tác giả về nguồn gốc, sự trường tồn của đất nước qua mấy ngàn năm lịch sử. Đất nước cũng như Trời và Đất, khi ta sinh ra Đất đã ở dưới chân, Trời đã ở trên đầu. Cũng như vậy, không biết Đất Nước có tự bao giờ nhưng khi ta lớn lên, Đất Nước đã tồn tại, đã có, gần gũi, quen thuộc. Đất Nước hiển diện quanh ta với những gì yêu thương nhất. Câu thơ tiếp theo, nhà thơ lí giải sâu hơn cội nguồn của Đất Nước: Đất Nước có trong những cái" ngày xửa ngày xưa "mẹ hay kể Tác giả đã mượn chất liệu văn học dân gian để diễn tả về Đất Nước." Ngày xửa ngày xưa "không chỉ giúp người đọc nhận thấy một Đất Nước với cội nguồn xa xưa mà còn giàu tính thẩm mỹ. Đó là cụm từ mở đầu những câu chuyện cổ tích của bà, của mẹ thủ thỉ, tâm tình, ru đời trẻ thơ lớn lên khoẻ mạnh về thể chất, đẹp đẽ, nhân ái về tâm hồn. Có nghĩa là Đất Nước của chúng ta không có gì trừu tượng xa xôi mà gần gũi, quen thuộc, tươi đẹp như những câu chuyện cổ tích. Không những vậy, bằng cách vận dụng chất liệu văn hóa dân gian nhuần nhị, sáng tạo, nhà thơ còn giúp người đọc nhận ra cùng với cội nguồn lâu đời là một Đất Nước của nền văn hóa dân gian đặc sắc với những câu chuyện cổ tích thần thoại đặc sắc. Chính những câu chuyện cổ từ thuở ta còn lọt nôi ấy là nguồn sữa ngọt hướng ta đến với chân, thiện, mĩ để biết yêu đất nước, yêu con người, quê hương, gia đình Từ cội nguồn xa xăm, mơ hồ ấy, nhà thơ đã dẫn dắt người đọc thấu hiểu và nhận ra quá trình hình thành và phát triển của Đất Nước qua các phương diện phong tục, tập quán, quá trình lao động cần cù. Đó là một Đất Nước sinh thành từ bề dày truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc: Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn Cụm từ" bắt đầu "biểu đạt quãng thời gian nhất định, là điểm tựa, bản lề cho mọi sự phát triển. Một Đất Nước lớn lao, vĩ đại sao lại có thể bắt đầu từ miếng trầu bé nhỏ? Ý thơ tưởng như vô lí nhưng thực sự lại rất thuyết phục. Bởi lẽ, miếng trầu bây giờ bà ăn gợi nét phong tục quen thuộc, gần gũi của ông cha ta, thuyết phục cũng bởi mọi sự lớn lao đều bắt nguồn từ những điều bé nhỏ." Ví không có những dòng suối sao có thể hình thành nên những dòng sông ". Miếng trầu đơn sơ như vậy nhưng chứa đựng giá trị lớn lao sâu thẳm: Đó là tục ăn trầu của người Việt cổ từ xưa đến nay, một phong tục hiện thân cho lối sống chung thuỷ, trọng nghĩa tình của nhân dân ta. Ý thơ gợi nhớ về câu chuyển cổ" Sự tích trầu cau "đầy tình nghĩa anh em, vợ chồng. Tục ăn trầu cũng từ câu chuyện này mà nên. Như vậy, thẩm thấu vào trong miếng trầu dung dị ấy là bốn nghìn năm văn hóa giữ gìn, ngợi ca, đề cao lối sống nghĩa tình. Miếng trầu chính là biểu tượng của tình yêu sắt son, từ đó, ăn trầu, nhuộm răng đen ra đời. Nhà thơ Hoàng Cầm trong bài thơ" Bên kia sông Đuống "cũng từng nhắc tới vẻ đẹp ấy: " Những cô hàng xén răng đen Cười như mùa thu tỏa nắng " Đó còn là một Đất Nước trưởng thành từ quá trình dựng nước, giữ nước kiên dũng của ông cha ta: Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc Câu thơ nhắc đến truyền thống lịch sử của dân tộc ta: 4000 năm dựng nước, giữ nước, một Đất Nước chưa bao giờ hết vó ngựa ngoại xâm, hết tiếng súng. Đó cũng là Đất Nước chưa bao giờ cam chịu đầu hàng trước những thế lực thù địch. Tuy nhiên câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm giàu tính truyền cảm thẩm mỹ bởi cách biểu đạt vừa bình dị, gần gũi, vừa cao cả thiêng liêng qua hình ảnh" khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc "." Lớn lên "chỉ sự phát triển mạnh mẽ diệu kì qua thời gian năm tháng. Đó là một Đất Nước trưởng thành từ quá trình lịch sử dân mình trồng tre đuổi giặc. Nhà thơ đã vận dụng nhuần nhị chất liệu văn hóa dân gian qua hình ảnh trồng tre gợi nhắc câu chuyện Thánh Gióng, từ cậu bé lên 3 không biết nói cười bỗng vươn mình trở thành Phù Đổng khi nghe tiếng gọi cầu người hiền tài ra cứu nước. Cũng tương tự như quá trình phát triển của đất nước ta, một dân tộc bé nhỏ, khiêm nhường nhưng lại khổng lồ, to lớn về tầm vóc, ý chí. Ý thơ còn giúp người đọc liên tưởng đến phẩm chất của mỗi con người Việt Nam: Kiên cường, anh dũng, không chịu đầu hàng trước phong ba bão táp như hình ảnh loài tre không chịu mọc cong từng xuất hiện trong bài thơ" Tre Việt Nam "của Nguyễn Duy: " Nòi tre đâu chịu mọc cong Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường Bão bùng thân bọc lấy thân Tay ôm tay níu tre gần nhau hơn ". Đất Nước còn được bắt đầu từ phong tục tập quán lâu đời, ăn sâu vào trong tiềm thức của dân tộc ta: Tóc mẹ thì bới sau đầu Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn Cái kèo, cái cột thành tên Một vẻ đẹp mang đậm thuần phong mỹ tục của người Việt. Từ lâu đời, khi nhắc đến hình ảnh người phụ nữ Việt thì lúc nào cũng là" tóc bới sau đầu "– một vẻ đẹp giản dị, đơn sơ nhưng cũng rất duyên dáng, khó trộn lẫn. Vẻ đẹp ấy dịu dàng, thuần hậu, làm đọng lại trong lòng người đọc nỗi niềm xao xuyến, bâng khuâng, khó có thể quên được. Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục gắc dòng suy tưởng đến con người ngàn đời cư trú, lao động, chiến đấu trên mảnh đất Việt để gìn giữ, tôn tạo mảnh đất thân yêu. Ở đó, đạo lí ân nghĩa thuỷ chung đã trở thành truyền thống ngàn đời của dân tộc:" Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn ". Ý thơ được toát lên từ những câu ca dao đẹp: " Tay bưng đĩa muối, chén gừng Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau " Hay: " Muối ba năm muối đang còn mặn Gừng chín tháng gừng hãy còn cay Đôi ta tình nghĩa nặng đầy Dù ba vạn sáu ngàn ngày cũng chẳng xa " Thành ngữ" gừng cay muối mặn "được vận dụng một cách đặc sắc trong câu thơ, nhẹ nhàng mà thấm đượm biết bao ân tình. Nó gợi lên được ân nghĩa thuỷ chung ở đời. Quy luật của tự nhiên là gừng càng già càng cay, muối càng lâu năm càng mặn. Quy luật trong tình cảm con người là con người càng sống với nhau lâu năm thì tình nghĩa càng đong đầy. Có lẽ chính vì vậy mà Đất Nước còn ghi dấu ấn của cha, của mẹ, ấy là Hòn trống mái, ấy là núi Vọng Phu.. đi vào năm tháng. Từ cha mẹ thương nhau mới đi đến" cái kèo cái cột thành tên ". Câu thơ gợi nhắc cho người đọc đến tục làm nhà cổ của người Việt. Đó là tục làm nhà sử dụng kèo, cột giằng giữ vào nhau làm cho căn nhà vững chãi, bền chặt tránh được mưa gió, thú dữ. Đó cũng là tổ ấm cho mọi gia đình đoàn tụ bên nhau, siêng năng tích góp mỡ màu dồn thành sự sống. Từ đó mà tục đặt tên con cái Kèo, cái Cột cũng ra đời. Đất Nước còn trưởng thành từ truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó của nhân dân ta: Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã dần sàng Bởi trên dải đất Việt Nam hình chữ S, bao đời nay người dân sống bằng nghề trồng lúa của một nền văn minh lúa nước, hạt gạo là thành quả của quá trình lao động đó. Câu thơ gợi nhắc đến bài ca dao: " Cày đồng đang buổi ban trưa Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày Ai ơi bưng bát cơm đầy Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần " Cũng chính là gợi nhắc đến cả một quá trình lao động vất vả của người dân ta để làm nên hạt gạo. Người nông dân phải" một nắng hai sương ", phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt như" mưa ruộng cày ", một hạt lúa vàng bằng chín giọt mồ hôi. Thành ngữ" một nắng hai sương "đã biểu đạt chân thực, xúc động sự vất vả, lam lũ, cơ cực và phẩm chất cần cù, siêng năng của người lao động để thu được hạt lúa vàng. Bên cạnh đó, phép tu từ liệt kê chỉ quy trình lao động tuần tự mà người nông dân biến hạt lúa thô ráp thành hạt gạo trắng tinh đã nhấn mạnh, khắc sâu hơn nữa sự vất vả, cần cù cũng như truyền thống lao động quý báu của nhân dân ta. Vì vậy, lời thơ nhắc nhở mỗi chúng ta khi ăn hạt gạo dẻo thơm, ta phải nhớ công ơn người đã làm ra nó: " Ai ơi bưng bát cơm đầy Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần " Nhà thơ đã khép lại đoạn thơ bằng câu khẳng định với niềm tự hào không thể dấu nổi: Đất Nước có từ ngày đó.. Ngày đó không rõ là ngày nào bởi vì tình cảm đều huyền hồ, xa xăm, không xác định nhưng chắc chắn ngày đó là ngày ta có truyền thống lịch sử, có nền văn hóa phong tục rất riêng, có truyền thống lao động cần cù, nhẫn nại, có ý chí nghị lực để quyết tâm duy trì sự sống, mở mang bờ cõi. Dấu ba chấm cuối câu thơ là phép bỏ lửng, tạo nên khoảng lặng trong xúc cảm của cả tác giả, của cả bạn đọc để mà suy tưởng, mà ngẫm nghĩ về Đất Nước Đúng như Lê Đạt từng viết:" Mỗi công dân có một vân tay/ Mỗi nhà thơ có một vân chữ/ Không trộn lẫn ". Đoạn thơ trên đã ghi nhận một" vân chữ "rất riêng của Nguyễn Khoa Điềm trong việc xây dựng một hình ảnh Đất Nước in đậm dấu ấn của tác giả qua việc sử dụng thể thơ tự do; giọng điệu thơ thủ thỉ, tâm tình, biến đổi linh hoạt phù hợp với từng cung bậc cảm xúc, chất liệu văn hóa dân gian được vận dụng tinh tế, nhuần nhuyễn cùng mạch thơ dạt dào cảm xúc. Tất cả đều mang đậm hơi thở riêng của Nguyễn Khoa Điềm, góp phần làm nên thành công rực rỡ cho đoạn trích" Đất Nước ". " Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu "(Leptonxtoi). " Đất Nước"quả thực là một tình yêu thương quá đỗi mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã dành cho dải đất hình chữ S thân yêu. Trang thơ khép lại nhưng trong lòng ta vẫn còn bồi hồi, luyến lưu vẻ đẹp bình dị mà quá đỗi thân thương của cái nôi mang tên Đất Nước. Hãy cùng đọc lại đoạn thơ trên để cảm nhận rõ hơn bạn nhé!