Phân tích 4 khổ thơ cuối của bài thơ ánh trăng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi tram2007, 27 Tháng năm 2021.

  1. tram2007

    Bài viết:
    17
    Cũng như bao nhà thơ trẻ khác trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nguyễn Duy đã từng trải qua nhiều gian khổ, từng chứng kiến biết bao sự hi sinh, mất mát lớn lao của dân tộc, cùng gắn bó với thiên nhiên núi rừng nghĩa tình. Nhưng khi đã ra khỏi thời bom đạn ác liệt, được sống trong hòa bình với nhiều tiện nghi hiện đại, không phải ai cũng nhớ những gian nan, những kỉ niệm nghĩa tình của một thời đã qua. Bài thơ "Ánh trăng" đã ghi lại một thoáng, một lần giật mình trước cái điều vô tình dễ gặp ấy, đặc biệt là bốn khổ cuối bài thơ.

    Bài thơ ra đời năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đó là thời điểm ba năm sau ngày kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quá khứ một thời đã xa, hình ảnh vầng trăng trong hiện tại được nhà thơ miêu tả:

    "Từ hồi về thành phố

    Quen ánh điện, cửa gương

    vầng trăng đi qua ngõ

    như người dưng qua đường"

    Đất nước hòa bình. Hoàn cảnh sống thay đổi, xa rời cuộc sống giản dị của quá khứ, con người được sống sung túc trong "ánh điện cửa gương". Đó là một cuộc sống đầy đủ, tiện nghi, khép kín trong những căn phòng hiện đại, xa rời thiên nhiên. Từ đó nhà thơ diễn tả sự đổi thay trong tình cảm của con người lãng quên vầng trăng từng một thời là tri kỷ. "Vầng trăng tình nghĩa" trở thành "người dưng qua đường". Vầng trăng vẫn "đi qua ngõ", vẫn tròn đầy, vẫn thủy chung tình nghĩa, nhưng con người đã quên trăng, hờ hững, lạnh nhạt, dửng dưng đến vô tình. Vầng trăng giờ đây bỗng trở thành người xa lạ, chẳng còn ai nhớ, chẳng còn ai hay biết.

    Tình huống bất ngờ xảy đến: "Mất điện, phòng tối om". Đây là một tình huống rất quen thuộc, rất thực nhưng cũng tình huống ấy đã tạo nên bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc, thể hiện chủ đề tác phẩm. Tác giả sử dụng ba động từ: "Vội, bật, tung" đặt liền nhau nhằm diễn tả sự khó chịu và hành động khẩn trương hối hả của tác giả để tìm nguồn ánh sáng. Và nguồn sáng ấy chính là vầng trăng thuở nào. Sự xuất hiện bất ngờ của vầng trăng khiến nhà thơ ngỡ ngàng, bối rối, gợi cho nhà thơ bao kỉ niệm nghĩa tình.

    Từ đó, trong lòng nhà thơ bộn bề những suy nghĩ, cảm xúc trước vầng trăng:

    "Ngửa mặt lên nhìn mặt

    có cái gì rưng rưng

    như là đồng là bể

    như là sông là rừng

    Trăng cứ tròn vành vạnh

    kể chi người vô tình

    ánh trăng im phăng phắc

    đủ cho ta giật mình"

    Nhà thơ lặng lẽ đối diện với trăng trong tư thế lặng im có phần thành kính: "Ngửa mặt lên nhìn mặt". Tư thế tập trung chú ý, mặt đối mặt nhìn trực tiếp với thái độ dửng dưng cảm xúc thiết tha thành kính, tâm trạng xúc động, cảm động trong lòng tác giả khi gặp lại vầng trăng. Vầng trăng gợi nhớ cho anh quá khứ. Đó là những kỉ niệm của những năm tháng gian lao. Hình ảnh của thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu: "Như là đồng là bể/ như là sông là rừng".

    Hình ảnh trăng cứ tròn vành vạnh tượng trưng cho quá khứ đẹp đẽ, nguyên vẹn và tràn đầy thủy chung, nhân hậu. Từ "cứ" cho thấy sự bền bỉ, son sắt, dẫu năm tháng có qua đi thì trăng vẫn cứ như thuở ban đầu. Hình ảnh "ánh trăng im phăng phắc" mang ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người "giật mình" trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Nhà thơ thấy giật mình vì chợt nhận ra sự vô tình bạc bẽo, sự vội vàng trong cách sống, cái giật mình của sự ăn năn tự trách mình, tự thấy mình phải thay đổi. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người. Vì thế, khổ thơ cuối là bài học triết lý sâu sắc đối với mỗi người: Con người không được quên quá khứ, phản bội lại quá khứ và thiên nhiên. Hãy trân trọng những quá khứ tốt đẹp.

    Bài thơ như một câu chuyện riêng có sự kết hợp hài hòa, tự nhiên giữa tự sự và trữ tình cùng với giọng điệu tâm tình bằng thể thơ năm chữ. Nhịp thơ khi thì tự nhiên nhẹ nhàng theo lối kể, khi thì ngân nga thiết tha cảm xúc lúc lại trầm lắng biểu hiện suy tư. Tất cả đã làm nổi bật chủ đề của tác phẩm: Đó là lợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống "uống nước nhớ nguồn", ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
     
    Admin thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...