Phân Tích 2 Khổ Đầu Bài Thơ Nhớ Con Sông Quê Hương - Tế Hanh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Alinguyen, 5 Tháng năm 2023.

  1. Alinguyen

    Bài viết:
    9
    Phân tích, đánh giá đặc sắc nội dung, nghệ thuật bài thơ Nhớ con sông quê hương - Tế Hanh

    [​IMG]

    Hình ảnh sông quê từ lâu đã trở thành đề tài quen thuộc trong các sáng tác nghệ thuật Việt Nam. Nó không chỉ mang vẻ đẹp của quê hương mà còn ẩn chứa nhiều tâm tư, tình cảm, cuộc sống người Việt. Với nỗi nhớ dòng sông thân thương và quê mình thì Tế Hanh đã sáng tác nên bài thơ "Nhớ con sông quê hương". Tác phẩm ra đời vào năm 1956 - thời điểm đất nước tạm chia cắt, tác giả tập kết ra miền Bắc sau kháng chiến chống Pháp và nó đã thể hiện thành công hình ảnh con sông quê trong tâm tưởng nhà thơ.

    Mở đầu văn bản là vẻ đẹp của dòng sông quê hương:

    "Quê hương tôi có con sông xanh biếc

    Nước gương trong soi tóc những hàng tre

    Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

    Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng"

    Câu thơ đầu như lời nói thường, một lời nói tự nhiên xuất phát từ tâm hồn ông. Dường như con sông ấy đã đi sâu vào tiềm thức nhà thơ và con người nơi đây, để rồi mỗi khi nhắc đến, họ lại nói bằng một giọng bình thản, thân thương "quê hương tôi có con sông xanh biếc". Bức tranh phong cảnh làng quê đã được tô vẽ nên, trong đó có sông xanh biêng biếc đẹp đến nao lòng. "Nước gương trong" là hình ảnh ẩn dụ hình thức chỉ làn nước giống như một chiếc gương tráng bạc khổng lồ, trong vắt đến nỗi có thể phản chiếu và soi bóng của những rặng tre và thấy mình dưới đáy. Thi sĩ dùng biện pháp nhân hóa "soi tóc những hàng tre" để biến không gian nghệ thuật hai bên bờ sông thành nhân vật của mình, ông muốn gợi lên cái hồn, cái tình của sông quê. Hàng tre trở thành dân quê với những sinh hoạt giống con người hay chính vì con người yêu quê hương quá, nên nhận ra cả bóng dáng của người chị, người mẹ được lồng trong hình ảnh dòng sông thân yêu. Thi nhân so sánh "tâm hồn tôi là một buổi trưa hè" để thể hiện tâm hồn mình giống như cái nắng gắt, ánh nắng chói chang của buổi trưa hè, nó tràn đầy nhựa sống và tình yêu quê hương tha thiết của ông, nó mở ra khung cảnh trữ tình đầy duyên dáng. Nắng không "chiếu", không "soi" mà là "tỏa", có lẽ chỉ từ "tỏa" mới có thể diễn tả hết tấm lòng bao la muốn tỏa sáng trọn vẹn dòng sông quê. Sức nóng của mùa hè –sức sống của nhà thơ, đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, vun đắp những khát vọng đẹp và biết bao vần thơ hay về quê hương. Với Tế Hanh, con sông ấy có sức hút và mê hoặc nhất là vào những hôm trưa hè vì khi ánh nắng tỏa xuống, mặt nước sáng lấp lánh như có ánh bạc, ánh kim cương "lấp loáng". Bên cạnh vẻ thơ mộng, thuần khiết xao xuyến lòng người, nó còn là cuốn lưu bút, lưu giữ bao kỷ niệm một thời của tác giả:

    "Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng

    Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?

    Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!

    Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

    Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ

    Sông của miền Nam nước Việt thân yêu"

    Nỗi băn khoăn tự hỏi, nỗi nhớ nhung của nhân vật trữ tình đã được hiện lên qua câu hỏi tu từ "Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng/ Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?". Về hình ảnh "con sông đã tắm cả đời tôi", thi nhân dùng phép chuyển nghĩa cùng lối cường điệu để nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của dòng sông đối với cuộc đời mình cũng như là với cuộc sống người dân thôn làng. Hơn nữa, ông còn kết hợp phép nhân hóa "con sông đã tắm", càng làm cho hình ảnh dòng sông thêm gần gũi, thân thiết. Và "mối tình" ở đây không phải là tình yêu nam nữ mà là tình yêu của nhân vật trữ tình với sông quê. Rời xa nơi chôn rau cắt rốn đã lâu vì tham gia kháng chiến chống Mĩ nên nỗi nhớ luôn ở sâu thẳm trong trái tim ông càng trở nên da diết, cháy bỏng. Con sông đã tắm trong cả cuộc đời tác giả như thấm đậm, như ngấm sâu vào da thịt, tâm hồn cho nên tình cảm hết sức mặn nồng, không bao giờ phai nhạt, cũ kĩ, lúc nào cũng "mới mẻ". Từ đó, lòng nhà thơ lại nặng trĩu niềm nhớ mong về miền Nam yêu dấu. Sự thương nhớ đó đi từ cụ thể đến cái khái quát cao hơn "Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ" và giờ lại là "Sông của miền Nam nước Việt thân yêu". Khi viết bài thơ này, Tế Hanh đang tập kết ở miền Bắc, còn miền Nam thì đang phải đối diện với cuộc kháng chiến chống Mĩ cam go đầy ác liệt. Phải chăng đây là điều làm ông cảm thấy day dứt, quyết tâm đấu tranh, giữ chắc tay súng để sớm đánh bại quân thù, từ đó thống nhất hai miền Nam Bắc, rồi đất nước sẽ được độc lập tự do? Qua đó, ta có thể thấy rằng vì yêu quê hương nên thi nhân đã sẵn sàng ra đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc hay đó chính là trong tình yêu quê hương nhỏ bé là một tình yêu đất nước to lớn. Ôi, thật là cảm động trước tình cảm chân thành thiêng liêng, cao cả và đáng trân trọng của nhà thơ! Cả một khoảng trời tuổi thơ dữ dội lại ùa về trong tâm trí:

    "Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu

    Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy

    Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy

    Bầy chim non bơi lội trên sông"

    Lối dùng từ láy và đảo ngữ "ríu rít" "chập chờn", cùng biện pháp đối chỉnh khiến đoạn thơ trên uyển chuyển, nhịp nhàng như nhịp đi của cảm xúc tâm trạng tác giả. "Ríu rít" là từ láy tượng thanh gợi âm thanh trong trẻo, vui tai của tiếng chim kêu. Chim chóc trên bầu trời từ đâu bay về như muốn vui đùa nhảy nhót, chúng líu lo hót bài ca ca ngợi cuộc sống quê hương tươi đẹp, thanh bình. Còn "chập chờn" là từ láy tượng hình gợi hình ảnh những con cá quẫy đạp ở dưới sông, mang một sức sống rất mãnh liệt, căng tràn sức sống. Lúc thì nó tung mình lên khỏi mặt nước, lúc thì nó lại lặn xuống, gợi lên vẻ đẹp chập chờn, lúc ẩn lúc hiện của đàn cá tung tăng bơi lội. Ông không thể nào quên những tháng ngày cùng lũ trẻ chăn trâu cắt cỏ đi đá bóng, thả diều trên cánh đồng lúa chín vàng. Rồi cái nóng bức khiến chúng rủ nhau nhảy ùm xuống sông tắm, vui chơi đùa nghịch như "bầy chim non" (nghệ thuật ẩn dụ), qua đó cho thấy sự non dại, vô tư hồn nhiên và tình yêu, sự trìu mến của ông với thời thơ ấu. Hơn nữa, thi sĩ cũng không quên được cái "tình" giữa mình và dòng sông:

    "Tôi giơ tay ôm nước vào lòng

    Sông mở nước ôm tôi vào dạ"

    Cấu trúc sóng đôi tạo nên âm điệu khoan thai, dìu dặt và biện pháp nhân hóa "Sông mở nước ôm tôi vào dạ" đã biến con sông vô tri vô giác thành một người bạn có cảm xúc, thành tri âm tri kỉ bao bọc chở che cho tác giả, hình ảnh này thể hiện cả hai vô cùng thân thiết, gắn bó keo sơn đến mức không thể tách rời và cả hai đều nâng đỡ, bảo vệ lẫn nhau. Những kỉ niệm gian nan nhưng có thật tình nghĩa và rồi những đứa trẻ giờ đây lại mỗi người mỗi ngả:

    "Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả

    Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông

    Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng

    Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến"

    Lúc trưởng thành, bạn bè chia tay mỗi đứa một phương, mỗi đứa một nghề khác nhau. Kẻ thì là ngư dân thức khuya dậy sớm để đánh bắt cá tôm, kẻ thì là nông dân dầm mưa dãi nắng để cày ruộng cuốc đất, còn nhân vật trữ tình lại nghe theo tiếng gọi của non sông đất nước là một người chiến sĩ "Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến". Vì nhiệm vụ thiêng liêng nên phải xa quê lên đường chống giặc nhưng ở tận đáy lòng, nhà thơ vẫn giữ mãi bóng dáng dòng sông xưa:

    "Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển

    Vẫn trở về lưu luyến bên sông"

    Thi sĩ dùng biện pháp so sánh "như mưa nguồn, gió biển" để diễn tả nỗi nhớ dạt dào trong lòng mình như đang cuồn cuộn lên, ào ạt cảm xúc. Và câu cuối khổ hai đã khẳng định lại mối quan hệ gần gũi mật thiết giữa tác giả với dòng sông, dù khôn lớn, dù thời không cách trở, người ra đi, người ở lại thì ông vẫn sẽ mãi nhớ, mãi yêu, mãi "lưu luyến bên sông".

    Bằng giọng điệu trầm lắng, đan xen những xúc cảm hoài niệm, hồi tưởng, câu từ bình dị mà giàu sức gợi hình gợi cảm, hình ảnh thân thuộc mà sâu sắc, kết hợp nhiều nghệ thuật, Tế Hanh đã mang tới cho độc giả một bức tranh làng quê tuyệt đẹp vừa chân thực vừa sống động. Trong cuốn "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh, Hoài Chân đã không tiếc lời ca ngợi: "Tế Hanh là một ng tinh tế lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thấu tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương..". Và quả không sai khi nhà thơ Đỗ Trung Quân đã ví:

    "Quê hương mỗi người chỉ một

    Như là chỉ một mẹ thôi

    Quê hương nếu ai không nhớ

    Sẽ không lớn nổi thành người"
     
    Sinchao thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng năm 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...