Phân tích 14 câu thơ đầu tác phẩm tây tiến - Quang Dũng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ángmây, 4 Tháng bảy 2023.

  1. ángmây

    Bài viết:
    10
    Đề: Phân tích 14 câu thơ đầu tác phẩm Tây Tiến - Quang Dũng

    Bài làm

    Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ đi qua, bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh những người anh hùng vô danh nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con của đất nước ngã xuống vì nền độc lập của tổ quốc trong suốt trường kì lịch sử. Quang Dũng - một nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp - đã dựng lên một bức tượng đài bất tử về người lính cách mạng qua tác phẩm tây tiến. Tây Tiến là một đơn vị bộ đội, thành lập năm 1947 do Quang Dũng làm đội trưởng, lực lượng chủ yếu là thanh niên Hà Nội. Trung đoàn chiến đấu trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn vật chất nhưng họ vẫn giữ tinh thần lạc quan và dũng cảm. Năm 1948, khi Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác ở Phù Lưu Chanh, trong nỗi nhớ về đơn vị cũ ông sáng tác bài thơ "Nhớ Tây Tiến", sau đổi thành "Tây Tiến" in trong tập "Mây đầu ô". Tác phẩm đã khắc họa thành công bức tượng đài người lính Tây Tiến. Trong đó, đặc sắc là 14 câu thơ đầu, qua nỗi nhớ Quang Dũng tái hiện lại thiên nhiên rừng núi Tây Bắc, những con đường hành quân, nhớ những người đồng đội cùng với kỉ niệm ấm áp tình quân dân.

    "Sông mã xa rồi tây tiến ơi!

    * * *

    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

    Tác giả nhớ về cuộc sống gian khổ, nhớ về kỉ niệm những đêm liên hoan, về cái âm u, hoang dã của rừng núi và in đậm nhất là nỗi nhớ về người lính Tây Tiến. Kỉ niệm về tây tiến đã xa mà lại rất gần, nó cồn cào da diết khiến tác giả phải bật lên thành lời:

    "Sông Mã xa rồi tây tiến ơi!"

    Bằng cách sử dụng câu cảm thán mở đầu bài thơ, Quang Dũng gọi tên cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ về núi rừng Tây Bắc. "Sông Mã" được nhân hóa, nó không đơn thuần là một con sông mà trở thành một hình ảnh hiện hữu, một người đồng chí đứng ở phía sau theo dõi từng chặn đường, từng bước chân của người lính Tây Tiến. Đây cũng là hình ảnh đầu tiên tác giả đề cập đến trong nỗi nhớ về đơn vị cũ. Vẫn biện pháp nhân hóa đó, "Tây Tiến ơi!" với dấu chấm than ở cuối câu, tác giả thổi hồn vào câu thơ khiến Tây Tiến như hóa thành người bạn, người lắng nghe ông giải bày tâm sự của mình.

    Tiếp nối "sông Mã", Quang Dũng vẽ ra cảnh núi rừng Tây Bắc trong ký ức bằng những dòng thơ giàu cảm xúc

    "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"

    Sức lay động của câu thơ có lẽ là đây, cũng chính là nút thắt, nỗi ám ảnh day dứt của Quang Dũng "nhớ chơi vơi". Nỗi nhớ ấy thoạt nghe nhẹ nhàng nhưng lại sâu thẳm, không hình không lượng nhưng nặng trĩu tâm tư. Thơ đâu cần nhiều câu chữ bởi cảm xúc dùng nén đủ nhiều thì một chữ "nhớ" thôi cũng đủ khắc lên tâm tình của một con người, thúc giục ngòi bút viết lên những dòng thơ đong đầy cảm xúc với tên nỗi nhớ vô hình "nhớ chơi vơi".

    Từng cảnh sắc vùng cao dần hiện ra rõ hơn với những địa danh cụ thể. Quang Dũng đã liệt kê hàng loạt các địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mai Châu. Đó là địa bàn hoạt động của đoàn binh Tây Tiến, những nơi họ đi qua và dừng chân trên bước đường hành quân. Nói đến Tây Bắc là nói đến vùng đất có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Có những đêm dài hành quân người lính Tây Tiến vất vả đi trong đêm dày đặc sương giăng, không nhìn rõ mặt nhau. "Đoàn quân mỏi" nhưng tinh thần không mỏi, bởi ý chí quyết tâm ra đi vì tổ quốc đã làm cho những tri thức hà thành yêu nước trở nên kiên cường, bất khuất. Quang Dũng đã rất tài tình khi đưa hình ảnh "sương" vào đây để khắc họa rõ hơn sự khắc nghiệt của núi rừng. Chính Hữu cũng đã dùng "sương" để tả thực người lính:

    "Đêm nay rừng hoang sương muối

    Đứng cạnh bên nhau trời giặc tới

    Đầu súng trăng treo"

    (Đồng chí)

    "Sương lấp" trong câu thơ của Quang Dũng tả thực đoàn quân dãi dầu mệt mỏi thấp thoáng ẩn hiện trong sương nhưng không hề bị chìm lấp hẳn. Đêm khuya sương mù mịt, bộ đội Tây Tiến vẫn âm thầm hành quân trong ngọn đuốc mờ, chẳng ngại chông gai vì một ngày đất nước độc lập. Tinh thần ấy đã thắp sáng "đêm hơi", đánh tan sự lạnh giá của rừng núi, đến những ngọn đuốc dọc theo đường hành quân cũng hóa thành những đóa "hoa" chập chờn, lung linh huyền ảo. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên để được cảm nhận bởi những tâm hồn lãng mạn, hào hoa, đó là tinh thần chung của người lính tây tiến dũng cảm và kiên cường.

    Những gian khổ nguy hiểm của người lính mà Quang Dũng lột tả trong "Tây Tiến" rất thực. Có lẽ chính nhờ cái hiện thực nghiệt ngã đó mà hình ảnh người lính càng đẹp hơn và thắng lợi của dân tộc càng được đưa lên tầm cao hơn, vĩ đại hơn.

    "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

    Heo hút cồn mây súng ngửi trời"

    Câu thơ bảy chữ nhưng có tới năm thanh trắc. Lời thơ gửi cho người đọc về địa hình khắc nghiệt trước không gian bao la của đất trời bằng từ láy "khúc khuỷu" "heo hút" cùng "dốc" nối "dốc", Quang Dũng đã mở ra không gian ba chiều khiến cho hình ảnh thơ được chạm nổi thành bức phù điêu của tạo hóa nơi núi rừng Tây Bắc hùng vĩ. Nhưng đẹp thay, hình ảnh người lính trước không gian bao la không hề nhỏ bé hữu hạn, trung tâm của đoạn thơ dùng vào ba chữ "súng ngửi trời". Quang Dũng viết "súng ngửi trời" chứ không phải "chạm trời", cách viết tự nhiên đậm chất lính, một cách viết bạo vì từ "ngửi" ít được sử dụng trong thơ. Nhưng với Quang Dũng cách viết này thể hiện niềm lạc quan, ý chí của người lính, cũng là một cách để tôn thêm khí phách bộ đội, là giây phút vui đùa, tinh nghịch của những đồng đội trẻ với nhau.

    "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống"

    Phép đối giữa "lên cao" và "thước xuống" cùng dấu phẩy bẻ gãy nhịp câu thơ một cách đột ngột tạo thành hai vế đối lập nhau. Thế núi bây giờ cao và nguy hiểm đến khủng khiếp, dốc vút lên cao rồi đổ xuống ngay lập tức dường như thẳng đứng, nhìn lên thì cao vút còn nhìn xuống thì sâu thăm thẳm.

    "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"

    Câu thơ được giao toàn vần bằng, gửi cảm giác mênh mông. Người lính Tây Tiến như phóng tầm mắt ra xa để cảm nhận vẻ đẹp của núi rừng. Trong làn mưa giăng giăng thì những ngôi nhà ẩn hiện trong làng mưa ấy cứ bồng bềnh. Nhìn từ góc độ hội họa thì nó giống như một bức tranh thủy mặc có những cái đã sắc nét, cận cảnh nhưng cũng có những khoảng trống khoảng lặng huyền ảo. Nếu như câu thơ bên trên sử dụng toàn thanh trắc là những nét vẽ gân guốc, chắc khỏe thì câu thơ này lại toàn thanh bằng với những nét mềm mại.

    Thời đại không chỉ đem đến cho Quang Dũng những nét liên tưởng lạ lùng, kỳ thú mà còn là hình tượng thơ hết sức kỳ vĩ. Cũng là hình ảnh người lính với thiên nhiên hùng vĩ tuyến Tố Hữu có viết trong "Lên Tây Bắc" :

    "Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều

    Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

    Núi không che nổi vai vươn tới

    Nếu ngụy trang rêu với gió đèo"

    Họ là những người lính - người mang trong mình sứ mệnh của dân tộc, nghe theo tiếng gọi tổ quốc nguyện bước đi trong gian khổ đau thương trường kỳ kháng chiến. Nhưng người lính trong thơ Quang Dũng, họ còn là những học sinh, sinh viên ra đi bỏ lại Hà Nội 36 phố phường, bỏ lại quê hương và tuổi hoa mơ mộng để gánh vác trách nhiệm thiêng liêng của dân tộc. Và trên hành trình ấy, không ít chiến sĩ đã dừng lại trước khó khăn gian khổ:

    "Anh bạn dãi dầu không bước nữa

    Gục lên súng mũ bỏ quên đời"

    Quang Dũng là nhà thơ nhưng ông cũng là một người chiến sĩ nên ông hiểu hết sự thật khốc liệt của chiến tranh. Tác giả không trốn kính hiện thực, cũng không che giấu nỗi mất mát mà lột tả nó qua dòng thơ giàu cảm xúc đã được biến tấu để bớt ám ảnh đau thương. Ta thấy thơ ca không chỉ là vườn cảm xúc đơn thuần, thơ ca chân chính sẽ bày tỏ tấm màn hiện thực nhìn có vẻ mơ hồng đằng sau mỗi câu chữ hoặc như nhẹ nhàng kia. Và ý thơ tỏa sáng nhất là hình ảnh người lính tây tiến đến lúc hy sinh vẫn trong tư thế của một người lính "gục lên súng mũ" là một hình ảnh rất đắt. Quang Dũng đã tránh dùng từ "chết" nhưng vẫn giữ được thực tế trần trụi, nghiệt ngã của chiến tranh. Miêu tả người lính "bi" nhưng không "lụy" mà là bi tráng, hào hùng. Nói cái gian khổ để đề cao chiến thắng, nói sự hi sinh để đưa hình ảnh người lính lên một tầm cao.

    Những cuộc hành quân đi qua và những cuộc hành quân mới lại tiếp nối. Dù đôi lúc phải dừng chân nhưng đoàn binh vẫn tiếp bước trên con đường hoàn thành sứ mệnh với tổ quốc, không ngại khó khăn phía trước. Bên cạnh sự hiểm trở của địa hình, khắc nghiệt của thời tiết, mảnh đất Tây Bắc còn được xem là chốn rừng thiêng nước độc, vô cùng nguy hiểm bởi sự hoang dã của nó.

    "Chiều chiều oai linh thác gầm thét

    Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"

    Quang Dũng chọn ra 2 mốc thời gian chiều và đêm, là lúc núi rừng bộc lộ rõ nhất sự rùng rợn, hiểm nguy. Địa danh Mường Hịch đọc lên có cảm giác như tiếng chân cọp đi trong đêm. Rừng núi như trở về vẻ hoang sơ của nó. Ở nơi xa xôi con người lần đầu đặt chân đến, thiên nhiên làm chủ thì khó khăn như tăng lên bội phần. Những âm thanh "thác gầm thét" "cọp trêu người" luôn khẳng định cái bí mật, cái uy lực khủng khiếp, cách nói nhân hóa khiến ta liên tưởng giống như mẹ thiên nhiên đang thử thách lòng can đảm của các chàng trai hà thành. Trước sự hù dọa ấy thì những người lính vẫn giữ được sự lạc quan vui vẻ suốt cuộc hành trình. Tác giả cố tình dùng từ "trêu", mượn thiên nhiên để làm rõ sự gan dạ, dù cọp gầm gừ thì đối với bộ đội đó cũng chỉ là sự trêu đùa mà thôi.

    Tây Bắc hoang sơ nhưng con người lại chu đáo thân thiện:

    "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

    Đây là lần thứ hai nhà thơ gọi tên đơn vị Tây Tiến, ông không chỉ nhớ những lúc đồng cam cộng khổ mà còn nhớ khoảnh khắc cùng đồng đội được người dân chăm lo chu đáo tại bản làng Mai Châu. "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói" tiếng gọi như gọi người thân gia đình trong bữa cơm, họ cùng nhau quây quần dưới mái nhà miền núi, cứ như là tổ ấm. "Cơm lên khói" "thơm nếp xôi" nghe mà ấm lòng. Nét đào hoa của các thanh niên lại lần nữa được thể hiện qua cách gọi "em" - những thôn nữ của bản-vừa thể hiện sự gần gũi thân tình, vừa bộc lộ lên tính cách hào hoa. Sau thời gian dài hành quân vất vả, nay các anh bộ đội được đồng bào hết mực chăm lo. Nỗi nhớ mang tên Mai Châu luôn là kỷ niệm đẹp và lòng ơn nghĩa sâu sắc với Quang Dũng và cả Tây Tiến nữa.

    Một tác phẩm nghệ thuật thành công là khi nó đến với người đọc, nó để lại ấn tượng mạnh mẽ, vượt qua quy luật băng hoại của thời gian để làm nên sức sống trường tồn bất diệt. Tây Tiến của Quang Dũng đã làm được điều đó, bởi khi nhắc đến thi phẩm ấy, dường như từng nét vẽ của nhà thơ đều in tạc chân thực vào tâm trí độc giả. Dẫu trải qua bao nhiêu khó khăn đi nữa, những người lính vẫn giữ vững niềm tin, càng chiến đấu dũng cảm hơn. 14 câu thơ đã khắc vào lịch sử hình ảnh một nền Quân phi thường, độc đáo. Tây Tiến hiện ra với nhiều sắc thái đó là hào hùng ở ý chí, tư thế hiên ngang coi thường gian khổ, hào hoa ở tâm hồn nhạy cảm trước thiên nhiên, đằm thắm lạc quan và đầy nhiệt tình với cách mạng.
     
    AdminLieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 17 Tháng mười 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...