Phân tích 12 câu thơ đầu Trao duyên

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi khongcogiphaibuon, 29 Tháng tư 2022.

  1. khongcogiphaibuon

    Bài viết:
    16
    Phân tích đoạn thơ sau:

    "Cậy em em có chịu lời

    [..]

    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"


    (Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

    Từ đó nhận xét về tấm lòng nhân đạo của nhà thơ thể hiện trong đoạn trích.

    BÀI LÀM:

    Cuộc đời chìm nổi của những người phụ nữ phong kiến xưa đầy đau thương, họ phải trải qua bao bi kịch đau đớn. Thân phận của nàng Kiều trong "Đoạn trường Tân Thanh" là 1 ví dụ. Những tưởng mối tình với chàng Kim sẽ đơm hoa trái ngọt, ngờ đâu dây tơ hồng mỏng manh chẳng thể chắp nối mối lương duyên vẹn tròn. "Trao duyên" là một trong những đoạn thơ đã cho thấy rõ những day dứt, đớn đau, tủi hờn của nàng Kiều khi buộc phải trao gửi duyên mình cho em gái, đặc biệt là 12 câu thơ đầu của đoạn trích:

    "Cậy em em có chịu lời

    * * *

    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"

    Nguyễn Du được mệnh danh là đại thi hào và là danh nhân văn hóa thế giới. Với 1 trái tim nhân đạo, ông luôn hướng tới mọi kiếp người đau khổ, dù đó là ai, ở bất cứ nơi nào. Đặc biệt, sáng tác của ông cho thấy người phụ nữ tài hoa bạc mệnh – nạn nhân của chế độ phong kiến xưa là đối tượng ông quan tâm sâu sắc. "Trao duyên" là 1 trích đoạn tiêu biểu của đại kiệt tác "Truyện Kiều" sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về nỗi bất hạnh của Kiều.

    "Truyện Kiều" là tác phẩm truyện thơ gồm 3254 câu thơ lục bát viết bằng chữ Nôm, kể về cuộc đời truân chuyên của Thúy Kiều – người con gái tài sắc nhưng có số phận bất hạnh, là nạn nhân của chế độ phong kiến bất công, ngang trái. Tác phẩm chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc bởi tiếng nói xót thương và đồng cảm với thân phận người phụ nữ, đồng thời đề cao vẻ đẹp hình thức và tâm hồn người phụ nữ trong chính hoàn cảnh xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ đương thời.

    "Trao duyên" là một trong những trích đoạn xuất sắc của "Truyện Kiều", diễn tả một trong những nỗi đau lớn nhất cuộc đời Kiều, nỗi đau phải dứt bỏ tình yêu đầu đời thiết tha sâu nặng để bán mình chuộc cha, mở ra quãng đường lưu lạc 15 năm đầy tủi nhục, cay đắng. Trong đó 12 câu thơ đầu của đoạn trích tái hiện cảnh Kiều đau đớn nói lời trao duyên cho em gái Thúy Vân

    [​IMG]

    Như mối duyên trời định, Thúy Kiều và Kim Trọng gặp nhau trong tiết Thanh Minh. Họ yêu nhau say đắm và cùng thề nguyện "Trăm năm tạc một chững đồng đến xương". Đến khi Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú thì gia đình Kiều gặp họa. Bọn sai nha cố tình vu vạ, gây nên vụ án oan đối với gia đình Kiều. Để cứu cha và em, Kiều phải hi sinh mối tình với Kim Trọng, bán mình lấy tiền hối lộ cho chúng và đi theo tên Mã Giám Sinh dấn thân nơi chân trời góc bể. Kiều ngồi trắng đêm nghĩ đến thân phận và tình yêu. Trong tình thế thắt ngặt, sự gấp gáp của thời gian, Kiều đã nhờ em gái là Thúy Vân thay mình kết duyên cùng Kim Trọng. Đoạn trích "Trao duyên" tái hiện cảnh ngộ đau lòng đó.

    Mở đầu là những lời yêu cầu khẩn thiết của Kiều đối với Vân:

    "Cậy em, em có chịu lời

    Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa."​

    Ngay từ 2 câu thơ mở đầu, người đọc đã cảm nhận được sự trang trọng trong lời nói và hành động của Thúy Kiều. Phải chăng việc trao duyên là việc vô cùng đặc biệt và khó nói nên cách thức trao duyên cũng trịnh trọng và khác lạ hơn. Tuy là chị em nhưng Thúy Kiều đã dùng những lời lẽ, hành động rất trân trọng đối với Thúy Vân, nàng không sử dụng từ "nhờ" mà dùng từ "cậy". "Cậy" không chỉ mang nghĩa nhờ vả mà còn bao hàm ý nghĩa gửi gắm, đồng thời cũng thể hiện sự tin tưởng của người nhờ cậy. Thông thường chỉ những người có vai vế thấp hơn mới có hành động lạy, thưa, nhưng trong trường hợp này, Thúy Kiều đã hạ mình xuống để cầu xin em gái chấp nhận lời thỉnh cầu của nàng. Với mong muốn em thay mình nối duyên cùng Kim Trọng, Kiều thấu hiểu sự thiệt thòi của em. Bên cạnh đó, Kiều đặt vấn đề với em bằng lời lẽ có tính thắt buộc, cho thấy tính chất quan trọng, thiêng liêng của việc trao duyên. Sự thông minh, khéo léo của Thúy Kiều cũng toát lên ở đó

    Để em gái hiểu rõ hơn nguyên nhân dẫn đến sự nhờ cậy này, Thúy Kiều đã thuật lại câu chuyện của mình với Kim Trọng cho Thúy Vân nghe:

    "Giữa đường đứt gánh tương tư,

    Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em"​

    Có lẽ tình yêu ấy sẽ đơm hoa kết trái nếu không bị đứt gánh giữa đường, tình yêu ấy sẽ có một kết thúc tốt đẹp nếu gia đình Kiều không gặp phải gia biến và Kiều phải trải qua 15 năm lưu lạc. Hình ảnh "đứt gánh tương tư" diễn tả tình yêu tan vỡ đột ngột như sự đứt gánh giữa đường, khiến cho người trong cuộc hụt hẫng khó tả. "Keo loan" ở đây là Kiều muốn bày tỏ nguyện vọng Vân sẽ thay mình chắp nối lại mối duyên cùng Kim Trọng. Kiều hiểu việc đó rất khó khăn về mặt tâm lí tình cảm, song Kiều dùng chữ "tơ thừa" để nói về mối tình của mình. Kiều thấu hiểu sự thiệt thòi của em vì biết rằng Kim Trọng là người mình yêu nhất nhưng với Vân cũng chỉ là "mối tơ thừa" mà thôi. Kiều "mặc em", gửi gắm kí thác cho Vân mối tình của mình với tất cả sự chân thành tha thiết.

    "Kể từ khi gặp chàng Kim,

    Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề

    Sự đâu sóng gió bất kì.

    Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?"​

    Kể từ khi gặp Kim Trọng, hai người đã nảy sinh tình cảm, họ đã cùng như thề nguyền đính ước. Các từ ngữ chỉ thời gian như "ngày", "đêm" cùng với điệp từ "khi" được lặp lại 3 lần: "Khi gặp", "khi ngày", "khi đêm" đã cho thấy đó là một mối tình gắn bó sâu đậm. Tưởng như ông trời đã buộc dây tơ, và không gì có thể chia cắt được dôi uyên ương ấy thì giông tố cuộc đời đã ập đến với họ. Hình ảnh "sóng gió bất kì" chỉ tai ương bất ngờ dội xuống gia đình Kiều. Chứng kiến cảnh cha và em bị bọn người lang sói đánh đập, gia đình bị hãm hại tan nát, Kiều là chị cả nền đành phải liều mình để cứu cha và em. Và Kiều đã bán mình chuộc cha. Câu hỏi tu từ "Hiếu tình khôn lẽ 2 bề vẹn 2" còn cho thấy Kiều đã hi sinh chữ "tình" để đền đáp chữ "hiếu". Công ơn cha mẹ như trời biển, phận làm con dùng cả cuộc đời báo đáp cũng không thể trả hết ơn nghĩa ấy. Vì vậy, trước khi ra đi, Kiều muốn trao duyên cho em, nhờ em thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.

    Sau khi đã giãi bày tâm sự với Vân về mối tình dở dang của mình với chàng Kim, Kiều tiếp tục thuyết phục em bằng những lời gan ruột:

    "Ngày xuân em hãy còn dài,

    Xót tình máu mủ, thay lời nước non.

    Chị dù thịt nát xương mòn,

    Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"​

    Đối với Thúy Vân, những năm tháng tuổi trẻ của nàng vẫn còn dài rộng, nhưng đối với Thúy Kiều, khi đã chấp nhận bán mình thì coi như cuộc đời đã hết, từ nay dẫu có sống cũng chỉ là chuỗi ngày đen tối mà thôi. Vì thế mà nàng đã nói lên những dự cảm về tương lai của em và mình để gợi lòng thương cảm trong Vân, khiến Vân không thể chối từ lời khẩn cầu. Thành ngữ "tình máu mủ" còn gợi lên ý thức sẻ chia, Kiều muốn nhắc nhở để Vân hiểu đó cũng là trách nhiệm của Vân cùng Kiều giải quyết bi kịch gia đình. Hình ảnh ẩn dụ "thịt nát xương mòn", "ngậm cười chín suối" được tác giả sử dụng nói lên thái độ cảm kích của Kiều, chỉ cần Thúy Vân chịu lời thì có ở nơi chín suối Kiều vẫn cảm thấy mãn nguyện. Từ đó ta có thể thấy Kiều là một người con gái thông minh và sắc sảo, đầy cảm xúc, có lí trí và trọng nghĩa tình.

    Bên cạnh sự hấp dẫn về mặt nội dung, đoạn trích "Trao duyên" còn đặc sắc về mặt nghệ thuật. Với thể thơ lục bát được sử dụng 1 cách nhuần nhuyễn, kết hợp nhiều biện pháp tu từ, sử dụng sáng tạo thành ngữ dân gian và kết hợp tài tình ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân, Nguyễn Du đã một lần nữa khẳng định tài năng miêu tả tâm lí nhân vật vô cùng tinh tế và chân thực. Tác giả như hóa thân vào nhân vật để nhân vật tự thốt lên từ tận đáy lòng. Qua đó, nội tâm Thúy Kiều cũng được khám phá một cách toàn diện bằng nghệ thuật đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm để miêu tả được những rung động, đau khổ trong lòng nhân vật. Đằng sau tất cả những điều đó là một tấm lòng nhân hậu, tinh thần nhân đạo và con mắt nhìn thấu sáu cõi của Nguyễn Du.

    Qua đoạn trích, ta thấy được rõ tài năng, tâm hồn và bản lĩnh Nguyễn Du. Ông vừa nêu lên tiếng nói cảm thương sâu sắc với bi kịch tình yêu, số phận đầy bất hạnh, éo le của Thúy Kiều; vừa ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn nhân cách của nàng. Đồng thời tác giả gián tiếp phê phán xã hội phong kiến đương thời, nơi đồng tiền lên ngôi, đã đẩy người phụ nữ vào con đường nhơ nhớp, bẩn thỉu.

    12 câu thơ đầu đoạn trích "Trao duyên" như một nốt nhạc đầy đau thương, khắc khoải, ngân dài. Xét về mối quan hệ với tác phẩm, nó không chỉ cho thấy bi kịch tình yêu, mà còn khắc họa tâm hồn và nhân cách đáng quý của Kiều, một người con hiếu thảo, một người tình thủy chung, góp phần làm nên giá trị nhân đạo của tác phẩm. Đối với tác giả, đoạn thơ là minh chứng cho tài năng tài tình và tấm lòng luôn "bênh vực những con người không có ai bênh vực" của Nguyễn Du. Đồng thời, nuôi dưỡng những cảm xúc thẩm mĩ trong lòng người đọc, cảm thương cho những số phận cùng khổ, trân trọng những giá trị tốt đẹp.

    "Trao duyên" là một trong những trích đoạn xuất sắc nhất của "Truyện Kiều". Chắc chắn với những giá trị về mặt nội dung và nghệ thuật, tác phẩm của Nguyễn Du sẽ tiếp tục vượt qua thử thách khắc nghiệt của thời gian, mãi mãi tồn tại như 1 giá trị vĩnh cửu.

    (Người viết: Khongcogiphaibuon)

    END
     
    Last edited by a moderator: 26 Tháng chín 2022
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...