Phân tích 12 câu đầu Trao duyên I. Mở bài Cuộc đời chìm nổi của người phụ nữ phong kiến xưa đầy đau khổ, họ phải trải qua nhiều bi kịch đau đớn. Thân phận của nàng Kiều trong tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du là một ví dụ điển hình cho số kiếp trắc trở, người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Trong cuộc đời "đoạn trường", nàng Kiều đã có mối tơ duyên với chàng Kim, những tưởng sẽ đơm hoa kết trái ngọt ngào lại đứt đoạn tơ hồng. Đoạn trích "Trao duyên" trong tác phẩm đã cho thấy những đau đớn, day dứt, tủi hờn khi buộc phải trao gửi lại tình yêu đời mình cho cô em gái. Mười hai câu thơ đầu thật khiến người đọc phải xúc động: "Cậy em em có chịu lời, Ngồi lên cho chị cậy rồi sẽ thưa. Giữa đường đứt gánh tương tư, Kêu loan chắp mối tơ thừa mặc em. Kể từ khi gặp chàng Kim, Khi ngày quạt ước khi đem chén thề. Sự đâu sóng gió bất kì, Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai? Ngày xuân em hãy còn dài, Xót tình máu mủ thay lời nước non. Chị dù thịt nát xương mòn, Ngậm cười chính suối hãy còn thơm lây." II. Thân bài 1. Giới thiệu chung Đoạn trích Trao duyên bắt đầu từ câu thơ lục bác 723 đến câu 756 trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đoạn trích là phần mở đầu cho cuộc đời đầy đau khổ của Thúy Kiều.. Vốn dĩ giữa Kiều và Kim Trọng là một tình yêu đẹp nhưng do gia đình gặp tai biến khiến Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha và em. Đêm trước hôm ra đi cùng Mã Giám Sinh, Thúy Kiều nhờ em mình là Thúy Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng. Mười hai câu thơ trên đã tái hiện lại tinh tế cuộc đối thoại từ việc Kiều giãi bày hoàn cảnh cho đến cậy nhờ em tiếp nối mối lương duyên. 2. Phân tích Tình yêu là do duyên phận hợp tác. Vốn là thứ tốt đẹp trời cho, khó cưỡng cầu. Thế nhưng, dòng đời xô đẩy, Kiều đã trao lại mối duyên này qua những câu thơ chua xót: "Cậy em em có chịu lời, Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa." Hai câu thơ ngắn gọn là lời thỉnh cầu của Thúy Kiều dành cho Thúy Vân. Từ "cậy" được đem lên đầu nhấn mạnh sự nghẹn ngào, nhờ với tất cả sự tin tưởng của Kiều. Kiều tin tưởng Vân đến thế khiến Thúy Vân cũng "chịu" mà khó nói lời từ chối. Lời đối thoại giữa hai chị em càng tôn nghiêm hơn khi có hai từ "lạy" và "thưa". Kiều cuối mình trước em, cách xưng hô của Kiều vừa như trông cậy lại vừa như van nài. Điều này thể hiện sự thấu tình đạt lý, khéo léo của Kiều khi nói về việc tế nhị. Đây cũng chính là tài năng điêu luyện của Nguyễn Du trong việc phân tích tâm lí nhân vật, tài chọn lọc và sử dụng từ ngữ của ông. Trao duyên không phải là một việc dễ dàng gì. Kiều đã phải thật lòng tâm sự, giãi bày mong Vân hiểu cho mình: "Giữa đường đứt gánh tương tư, Kêu loan chắp mối tơ thừa mặc em. Kể từ khi gặp chàng Kim, Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề." Trong hoàn cảnh xót xa ấy, bao nhiêu hình ảnh tươi đẹp của tình yêu ùa về. Thành ngữ "đứt gánh tương tư" nhấn mạnh hiện thực tình yêu tan vỡ. Dù đau khổ nhưng phải dằn lòng lại. Nàng dùng điển tích "kêu loan" để mong muốn Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng. "Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề" nối tiếp sau thành ngữ là một tiểu đối, điệp từ "khi". Càng nói lên tình yêu của Kiều và Kim Trọng là một sự gắn bó sâu đậm, thắm thiết nhưng sau đó lại mong manh chóng vỡ. "Sự đâu sóng gió bất kì." Lời thề nguyền vẫn còn đó. "Sóng gió bất kì" là ẩn dụ mà Nguyễn Du dành cho những biến cố gia đình, bản thân và tình yêu của Kiều. Sóng gió ập đến khiến tương lai của nàng mù tịt. Tương lai của Kiều chỉ còn có hai ngã rẽ khắc nghiệt: "Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?" Câu thơ với nhịp 1/1/2/4 ngăn cách hiếu và tình. Giữa chữ hiếu và chữ tình, Kiều chỉ được chọn một. Dù là quyết định nào vẫn khiến Kiều dằn vặt nội tâm đau đớn, day dứt. Quyết tâm cậy nhờ Thúy Vân bằng những lập luận chặt chẽ, nêu rõ lý do tại sao phải đi đến sự tình này. Nàng hết lòng thuyết phục, mong em hiểu và chấp nhận lời thỉnh cầu ngang trái: "Ngày xuân em hãy còn dài, Xót tình máu mủ thay lời nước non. Chị dù thịt nát xương mòn, Ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây." Thúy Kiều đã khéo léo đưa ra ba lý lẽ. Trước hết là hình ảnh ẩn dụ "Ngày xuân" kết hợp những thành ngữ cho thấy Vân còn trẻ. Sau đó là tình chỉ em, chỉ có em mới giúp được chị. Cuối cùng là cái chết của chính mình. Từng lời thơ nghẹn ngào, cực tả sự đau đớn của Thúy Kiều. Kiều đã chọn chữ hiếu, nhưng tình nghĩa với chàng Kim cũng rất quan trọng. Nàng chấp nhận phần thua thiệt về mình, "thịt nát xương mòn" cũng chỉ mong Vân chấp nhận kết duyên cùng Kim Trọng. Sâu trong tâm hồn là nỗi đau không thể thực hiện lời thề nguyền, chính mình bội bạc với Kim Trọng. Lời thuyết phục của Kiều vô cùng chân thành, cảm động. Thúy Vân không thể không chấp nhận chị mình. 3. Đánh giá Chỉ với mười hai câu thơ đầu, Nguyễn Du đã thành công thể hiện bút pháp điêu luyện ở việc chọn lọc từ ngữ cùng với nhiều phép tu từ, lối nói dân gian. Qua đó khắc họa hình tượng nàng Kiều cùng tâm trạng bi ai. Nguyễn Du cũng đề cao những phẩm chất cao quý của Thúy Kiều thông qua tác phẩm như: Chung thủy, sống có trách nhiệm, yêu thương chân thành, khéo léo, giàu tình cảm.. Đồng thời lên án xã hội đương thời bất công, chèn ép, chà đạp lên thân phận người phụ nữ. III. Kết bài Tác phẩm "Truyện Kiều" xứng danh là một kiệt tác văn học để đời trong lòng người đọc. Nguyễn Du mang đến cho đọc giả cái nhìn chân thực nhất về xã hội đương thời không có lối thoát. Để rồi năm tháng qua đi, "Truyện Kiều" trở thành niềm tự hào văn học của dân tộc Việt Nam, vươn tầm quốc tế.