Tương đồng: Đều hướng đến con người, vì con người, thể hiện tình yêu thương giành cho con người. Khác: Nhân đạo: Gắn liền với chủ nghĩa bác ái - yêu thương rộng lớn, nhấn mạnh tình thương giành cho con người, đặc biệt là con người nhỏ bé bất hạnh, nghiêng về tính thiện. Nhân văn: Gắn liền với sắc thái - ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp giá trị của con người bao gồm vẻ đẹp hình thể, đạo đức, tài năng, toàn diện - nghiêng về tính mĩ. Nhân bản: Có nguồn gốc từ thời Phục Hưng ở phương Tây, lấy con người làm trung tâm, xem xét con người một cách toàn diện cả về thể chất và tinh thần, khẳng định nhu cầu chính đáng của con người - tính chân, thiện, mĩ. Một bài viết khác định nghĩa về khái niệm nhân đạo, nhân văn, nhân bản Cái cốt yếu của văn học, là chỉ ra và hướng con người đến tận chân, tận thiện, tận mỹ, tức là tận cùng của cái thật, của cái thiện và của cái đẹp. "Chân - thiện - mỹ" dường như đã trở thành một khái niệm được sử dụng rất rộng rãi trong quá trình phân tích văn bản, khi viết lí luận trong các bài thi, và trong các đầu sách tham khảo. Vậy, chân - thiện - mĩ có mối liên hệ gì với 3 khái niệm "Nhân đạo", "Nhân bản" và "Nhân văn" Ngày hôm nay hãy cùng mình phân biệt ba khái niệm thoạt đọc tưởng như rất giống nhau, nhưng nếu như hiểu kĩ, hiểu sâu, thì chúng mình sẽ sử dụng từ ngữ đúng hơn, chính xác hơn khi viết văn đó. 1. Nhân bản: Nhân bản là chỉ bản chất của con người. Là phần chân thực nhất của con người. Khái niệm này cho rằng, con người là con người, là một sinh thể có cả phần CON và phần NGƯỜI. Con người không chỉ có những khát vọng cao đẹp, không chỉ hướng thiện, hướng thượng mà cũng có những ham muốn, những dục vọng tầm thường, những nhỏ nhen ích kỉ. Chính vì lẽ ấy mà, không nên thần thánh hóa con người. Cần chấp nhận những khiếm khuyết, những sự chưa hoàn thiện, có như thế, con người mới có thể cảm thông cho nhau, bao dung cho nhau nhiều hơn. 2. Nhân đạo: Đạo là con đường. Nhân đạo là thái độ đạo đức đối với con người, coi con người là đối tượng của tình yêu thương. Nếu nhân bản thiên về mặt bản năng, thì nhân đạo lại hướng con người đến những giá trị thiện lành, nó đòi hỏi con người phải luôn nỗ lực, luôn cố gắng để vươn tới sự hoàn thiện trên mọi phương diện. Nếu nhân bản quan tâm đến chữ "chân" thì nhân đạo hướng đến chữ "thiện." 3. Nhân văn Không chỉ sống thật, sống thiện, chủ nghĩa nhân văn hướng con người đến cấp bậc cao nhất của sự sống, đó là sống đẹp. Văn là đẹp. Chủ nghĩa nhân văn xem trọng cái đẹp của con người. Văn học xưa nay bao giờ cũng hướng con người đến tính nhân văn. Bởi nó muốn thúc đẩy khát vọng sống đẹp, nghĩ đẹp, hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Một cách đầy đủ, nhân văn hướng con người đến cái tận mỹ. Nhân văn đã trở thành tư tưởng xuyên suốt của nền văn học, trở thành thước đo giá trị của thời đại. Sưu tầm.