Phải duyên thì anh về với em đi Tác giả: Dương Thể loại: Truyện ngắn Giữa cái nắng trưa tháng Ba cháy rát như thiêu, chị ngồi bên bờ sông, tay cầm cái nón lá quạt qua quạt lại, mắt đượm buồn nhìn dòng nước trôi lững thửng. Người ta nói sông dài cá lội biệt tăm, mà đời chị sao cũng giống con cá lạc mất hướng, trôi hoài không biết đâu là bến. Hồi đó, chị còn là con Thúy Hiền mười tám, má hồng, tóc dài ngang lưng, giọng cười giòn tan. Cái xóm nhỏ ven sông này ai cũng thương chị, nhất là thằng Tư, con trai ông Bảy xưởng cưa. Tư không đẹp trai kiểu sách vở, nhưng cái nét chân chất, cái kiểu cười hiền khô làm chị xiêu lòng. Hai đứa quen nhau từ hồi còn lội sông bắt cá, bẻ trộm xoài nhà người ta. Tư hay nói: "Hiền ơi, sông sâu thì cá lội vô bờ, mình có duyên thì lấy nhau, chờ chi nữa!". Chị cười, giả bộ nguýt: "Mới có mười tám mà, lo gì". Vậy mà trong lòng chị, cái tình đã bén rễ tự lúc nào không nhớ. Rồi một ngày, Tư qua nhà, tay xách con cá lóc to, đứng trước hiên ngập ngừng hồi lâu mới nói: "Ba tui tính cưới cho tui con gái nhà ông Hai ngoài thị trấn, Nhưng tui không chịu, tui nói tui thương Hiền rồi, Hiền tính sao?". Chị nghe mà tim đập thình thịch, mặt đỏ lên, chỉ biết lí nhí: "Tùy.. tùy anh thôi". Vậy là thành duyên. Đám hỏi xong, gia đình hai bên tính qua mùa lúa sẽ cưới, để Tư còn sắm bộ vest, chị thì lo may áo dài. Nhưng đời ai ngờ được. Một chiều mưa gió, Tư đi xe máy ra thị trấn mua thức ăn cho cá, bị một chiếc xe tải hất vô lề, đầu đập vô tảng đá người ta dùng để chặn cái bảng đèn quảng cáo quán bún riêu. Người ta chở xác Tư về ngay trong tối hôm đó. Chị nghe tin, khóc quá trời, khóc đến khản giọng, mắt mờ đi vì nước mắt hòa với mưa. Từ đó, chị không cười nữa, cái giọng giòn tan ngày xưa cũng lặng im như dòng sông sau cơn bão. Mấy năm sau, má chị giục lấy chồng. "Con ơi, thằng Tư nó đi rồi, con chờ hoài sao hả con? Má thấy thằng Kiệt con bác Hùng thương con thiệt, hay là con lấy nó đi cho má yên lòng". Chị Ba lắc đầu, giọng nhỏ xíu: "Má ơi, má hiểu cho con!". Hiểu con gái nên má chị thở dài, không ép nữa, nhưng đêm nào cũng nghe tiếng bà cầu trời cho con gái đổi ý. Kiệt cũng hiền, cũng chân chất. Kiệt không nói nhiều, thỉnh thoảng ghé nhà chị, ngập ngừng ba chuyện trên trời có mây, dưới sông có cá. Nói chung là những câu chuyện không đâu vào đâu, có mở mà không có kết, có đầu mà chẳng có đuôi, như tình cảnh của Kiệt với chị vậy, nói để có nói mà thôi. Chị cũng quý Kiệt nhưng lòng chị đã nguội từ ngày anh Tư nhắn: "Có muốn ăn gì không, anh mua về cho em?", hôm anh ra thị trấn mua thức ăn cá, rồi bị tai nạn. Một lần, Kiệt bạo gan hỏi: "Hiền, tui biết Hiền thương anh Tư, nhưng ảnh đi rồi, Hiền để tui lo cho Hiền được không?". Chị nhìn anh, mắt hoe hoe, đáp: "Em cảm ơn tấm lòng anh, nhưng em vẫn chờ anh Tư, ảnh hứa sẽ về mà". Kiệt ngẩn người khi nghe chị nói vậy, tưởng đang rất tỉnh nhưng lại như đang mê. Anh không nói gì nữa, nhưng từ đó ít ghé nhà hơn. Thời gian trôi, tóc chị Ba đã điểm sợi bạc. Người xóm nhìn chị, ai cũng tiếc. "Con Hiền đẹp mà khổ!". Chị nghe, chỉ cười nhạt. Một hôm, tiếng con nít la dưới sông: "Tụi bây, coi kìa, có cái gì trôi kìa!". Chị chạy ra, thấy tụi nhỏ vớt lên một khúc gỗ nhỏ, trên đó khắc mấy chữ nguệch ngoạc: "Tư + Hiền". Tim chị thắt lại, nước mắt lăn dài. Cái khúc gỗ đó do chính tay anh Tư khắc bằng đuôi muỗng, khi anh ngỏ lời thương yêu và được chị đồng ý. Anh nói: "Bây giờ anh với Hiền cùng thả miếng gỗ này xuống sông, để nó trôi ra biển. Anh muốn cả thế giới biết hai đứa mình là của nhau. Hiền thấy ý này hay không nè? Anh tự nghĩ ra đó, hỏng có bắt chước ai đâu đó!". Rồi mỗi đứa nắm một đầu miếng gỗ, thả xuống sông, nhìn nhau bẽn lẽn mà thấy vui lạ lùng. Chị ôm khúc gỗ vào lòng, khóc nức nở: "Tư ơi, phải duyên thì anh về với em đi, sao nỡ bắt em chờ hoài vậy anh ơi..". Mấy đứa nhỏ đứng quanh, không hiểu, cũng chẳng đứa nào dám lại gần. Từ đó, chị Ba vẫn ngồi bên sông, ngày này qua ngày nọ. Có người nói chị bây giờ hóa khùng rồi, có người chép miệng nói thương chị lận đận, khổ vì tình. Nhưng với chị, cái tình ấy là thật, là duyên ngàn năm chị nguyện chờ. Kiệt giờ đã lấy vợ, có con, thỉnh thoảng đi ngang qua nhà, thấy chị ngồi đó, anh chỉ lặng lẽ chào, không nói gì thêm. Người ta kể rằng, vào một buổi sáng kia, không thấy chị ngồi bên bờ sông. Chị mang theo khúc gỗ kỷ niệm đi đâu, chẳng ai biết. Người thì nói chị hóa điên, nhảy xuống sông đi tìm anh Tư; người thì đoán chị bỏ xứ, đi bộ theo hướng mặt trời lặn, đi mãi, đi mãi. Không còn chị nhưng câu chuyện về chị, về tình yêu của chị vẫn được người ta kể lại cho lũ con, lũ cháu nghe. Dương
Nếu bạn có ghé và tình đọc được câu chuyện này, hãy cho mình xin một nhận xét để còn động lực viết thêm nhé. Hoặc có thể trao đổi qua email: [email protected] . Cảm ơn.
Khi đọc, câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong đầu mình: Vì sao Hiền cứ ngồi mãi bên bờ sông? Vì sao lại đợi Tư suốt cả đời? Lý do nào đủ mạnh để giam cầm một con người trong một khoảnh khắc mãi mãi? Chỉ vì yêu thôi sao? Hay là.. vì tội lỗi? Thật ra, chỉ yêu thôi - hiếm khi đủ. Yêu, kể cả yêu sâu, rồi cũng sẽ nhạt theo năm tháng, hoặc hóa thành kỷ niệm, thành tiếc nuối, thành một thứ gì đó cất vào ngăn kéo cũ. Nhưng để một người mắc kẹt mãi ở một khoảnh khắc - sống không nổi, buông không xong - thì tình yêu đó phải đi kèm với một thứ khác: tội lỗi. Tội lỗi mới khiến con người ta không tha được cho chính mình. Mới biến ký ức thành ngục, mà kẻ canh giữ cũng chính là bản thân mình. Hiền yêu Tư - đúng. Hiền đau vì mất Tư - đúng. Nhưng để ở vậy cả đời, ngồi bên bờ sông suốt mấy chục năm như một cái bóng - thì chưa đủ. Vì sao? Không có tội lỗi nào cột Hiền ở lại. Không có một bí mật riêng tư nào đủ sâu để thành gánh nặng tâm lý. Không có một sự dở dang khủng khiếp nào khiến Hiền nghĩ: Nếu mình bước đi, nghĩa là mình phản bội anh Tư . Thành ra, việc Hiền ngồi mãi bên bờ sông giống như một lựa chọn phục vụ cho bi kịch, chứ không phải một kết cục được dẫn ra từ chính nội tâm nhân vật. Người đọc cảm động thật, nhưng trong đầu vẫn có một câu hỏi âm thầm vang lên: "Ủa, đau vậy thôi à? Sao không đứng dậy mà sống tiếp?" Tội lỗi chính là mảnh ghép còn thiếu. Muốn bi kịch này thuyết phục, chỉ cần một chi tiết sắc hơn, riêng hơn, đau hơn - một cú day dứt kiểu như: "Chính mình đã khiến anh ấy ra đi trong đêm mưa đó. Chính mình đã bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để giữ lấy người mình thương." Có như thế, cái cảnh ngồi bên sông mới đủ nặng, đủ chặt, đủ thật. Tóm lại, mình không tiếc cho số phận nhân vật, mình tiếc cho cách kể. Vì chỉ cần thêm một nhát cắt nhỏ, câu chuyện này đã có thể chạm tới tận cùng, để khi gấp lại, người đọc còn phải ngồi thêm một lúc với cái đau đó. Đáng tiếc, nó lại dừng ở mức: "Đẹp mà buồn" - chứ chưa kịp thành "đẹp mà ám ảnh".
Mình nhận xét không phải để bạn cảm ơn, mà vì muốn bạn thực sự đầu tư nhiều hơn. Ít nhất trong các truyện ngắn ở đây, bạn là người khiến mình muốn click vào đọc, và không phủ nhận, mình thích lối viết của bạn. Nhưng đọc được 4 tác phẩm, mình đều cảm thấy, bạn chưa quan tâm lắm việc đi vào cội nguồn tâm lý của nhân vật. Mình biết cái đó nó khó, nhưng bạn cần khắc phục, nếu bạn thực sự nghiêm túc để tác phẩm của mình trở nên chuyên nghiệp hơn. Có thể bạn sẽ khó chịu, vì mình lắm lời, nhưng mình thì, có sao nói vậy. Bạn có tài, mình không phủ nhận, nhưng cần mài dũa để sắc bén hơn. Hy vọng bạn sẽ tiến bộ nhiều hơn.
Phải cảm ơn chứ, được góp ý và khơi gợi thêm cho việc khai thác tâm lý nhân vật (cái mà mình thiếu), mình rất vui và sẽ thể hiện qua những sáng tác khác. Mình biết điểm yếu của mình. Và điểm yếu đó sẽ khó khăn với kiểu viết ngắn, gọn khoảng 1.200 đến 1.500 chữ mà mình đang đeo đuổi. Vì nó cần dung lượng chữ đủ để khai thác sâu hơn. Tuy nhiên, sẽ khắc phục trong khả năng.
Hãy đặt bản thân vào nhân vật, giống như diễn viên vây. Ngồi đó, và để mình là nhân vật, hãy tự hỏi, tại sao? Và nếu mình là họ thì mình sẽ phản ứng thế nào? Đôi khi viết truyện cũng như đóng phim vậy, bạn phải hiểu họ, đau nỗi đau của họ, thì mới có thể hợp lý hóa các hành động của họ, từ đó mà thuyết phục đọc giả.
Nói một câu không phiền! Có vẻ bạn đang viết theo dạng cổ tích. ^^ Mở đầu khá trống vánh về một tình yêu có thể khiến người ta phải điên dại đó là một điểm cần lưu lý. Mục tiêu của câu chuyện chính là biến nữ chính trở thành một giai thoại theo dạng cổ tích, như một câu chuyện kể của một ai đó nhìn về phía họ, rất đơn giản, nhẹ nhàng và trống vánh. Người kể chỉ biết nguyên nhân, diễn biến và kết quả, ngoài ra những gì tận sâu bên trong không một ai biết cả, thậm chí là cô gái đó có điên hay không. Nhưng nếu nó là một câu chuyện với đầy đủ tình tiết thì thật phải trao chuốt nhiều hơn cho tâm lý nhân vật để câu chuyện có thêm chiều sâu. Đó chỉ là cách nhìn của mình khi đọc câu chuyện, có người rất đặt kỳ vọng bạn sẽ tiến bộ và viết hay hơn nữa, nên sẽ dõi theo bạn! ^^