Phải chăng mỗi tác phẩm rọi vào một ánh sáng riêng - Phân tích bài thơ ánh trăng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cute pikachu, 28 Tháng năm 2021.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,892
    Bàn về khả năng tác động của tác phẩm văn học đến tâm hồn con người, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã cho rằng: "Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng, không bao giờ nhòa đi".

    ( Tiếng nói của văn nghệ - SGK Ngữ văn 9, tập 2, trang 14)

    Em hiểu như thế nào về ý kiến trên?

    Từ bài thơ Ánh trăng (Nguyễn Duy) hãy phân tích và làm rõ ánh sáng riêng mà tác phẩm này đã soi rọi vào tâm hồn em.

    [​IMG]

    [​IMG]

    Mỗi tác phẩm văn học là một công trình nghệ thuật bằng trí óc của các nhà văn, mang tính nhân văn sâu sắc. Trong bài "Tiếng nói của văn nghệ", Nguyễn Đình Thi có viết: "Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng, không bao giờ nhòa đi.." với ý nghĩa thức tỉnh tâm hồn, hướng con người những điều tốt đẹp. Ánh sáng riêng ấy đã được nhà thơ Nguyễn Duy soi vào tâm hồn người đọc những cảm xúc mới mẻ thông qua bài thơ "Ánh trăng". Qua đó bạn đọc chiêm nghiệm sâu sắc về thái độ của con người đối với quá khứ gian lao, tình nghĩa.

    Vậy "tác phẩm lớn" là gì? "Ánh sáng riêng" là gì? "Không bao giờ nhòa đi" là gì? Trước hết, có thể hiểu "tác phẩm lớn" là những tác phẩm mang dấu ấn của từng giai đoạn, từng thời kì, mở ra trước mắt người đọc những hiểu biết phong phú về cuộc sống xã hội con người, làm lay động bao trái tim người đọc và có sức sống lâu bền với thời gian. "Rọi vào bên trong chúng ta" có nghĩa là làm chiếu tỏa, soi rọi vào sâu thẳm tâm trí ta, làm thay đổi nhận thức, tư tưởng, tình cảm của ta, thức tỉnh những điều tốt đẹp bên trong tâm hồn mỗi người đọc. "Không bao giờ nhòa đi" là Không bao giờ phai nhạt, không bao giờ mất đi mà luôn khắc sâu trong tâm hồn bạn đọc. Như vậy, ý kiến của Nguyễn Đình Thi đã khẳng định sự tác động mạnh mẽ của tác phẩm văn học, thức tỉnh tâm hồn con người, hướng con người những điều tốt đẹp nhất. Đây là chức năng giáo dục, chức năng cảm hóa của văn học, hướng người đọc đến những điều tốt đẹp của tâm hồn. Thực hiện chức năng đó, bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy đã thức tỉnh, nhắc nhở bạn đọc về lối sống thủy chung tình nghĩa với quá khứ, biết trân trọng giá trị của quá khứ.

    Để tác động, thức tỉnh, cảm hóa mạnh mẽ tâm hồn người đọc, trong bài thơ bài thơ "Ánh trăng", Nguyễn Duy đã lựa chọn hoàn cảnh ra đời của bài thơ là sau khi chiến tranh kết thúc, người lính rời xa rừng, núi, trở về với cuộc sống đời thường.

    Đề tài của bài thơ cũng được tác giả khai thác về đời sống nội tâm của người lính trong thời bình, giữa cuộc sống đời thường. Khi thay đổi hoàn cảnh, con người có thể dễ dàng quên đi quá khứ, có thể thay đổi về tình cảm. Bởi thế, hai hình tượng nghệ thuật trung tâm của bài thơ là ánh trăng và người lính để phản ánh một hiện thực phổ biến trong xã hội hiện đại là: Khi thay đổi hoàn cảnh, con người có thể dễ dàng quên đi quá khứ, có thể thay đổi về tình cảm. Khi con người co được đời sống tiện nghi thì sẽ dễ đánh mất bản chất cao quý của chính mình. Lời cảnh tỉnh của Nguyễn Duy đã góp phần thể hiện được tư tưởng chủ đề của tác phẩm: Lối sống thủy chung tình nghĩa, không thờ ơ bạc bẽo với quá khứ, biết trân trọng giá trị của quá khứ.

    Thật vậy, ngay từ lời thơ mở đầu, ánh trăng hiện đã gắn bó với con người thật gần gũi, thân thiết:

    Hồi nhỏ sống với đồng

    Với sông rồi với bể

    Hồi chiến tranh ở rừng

    Vầng trăng thành tri kỉ "


    Theo dòng chảy của thời gian, con người từ nhỏ tuổi rồi cũng niên thiếu, trưởng thành, rồi đi chiến đấu. Trong quá trình ấy, những kỉ niệm thời niên thiếu vui cùng trăng, sống với trăng đã trở thành những ấn tượng không thể phai mờ. Cả đến khi trưởng thành, con người đi chiến đấu trên những nẻo đường hành quân, phải lặn lội trong rừng sâu núi thẳm, trăng vẫn luôn là bạn đồng hành đã chia sẻ ngọt bùi, cùng hân hoan trong niềm vui chiến thắng hoặc cùng thao thức với nỗi nhớ nhà, nhớ quê của người lính. Nên trăng là tri kỉ, là nghĩa tình:

    Trần trụi với thiên nhiên

    Hồn nhiên như cây cỏ

    Ngỡ không bao giờ quên

    Cái vầng trăng tình nghĩa


    Vầng trăng đã trở thành" vầng trăng tri kỉ "," vầng trăng tình nghĩa "ngỡ không bao giờ có thể quên. Từ" ngỡ "như một điểm nhấn, mang tính dự báo là sẽ quên, trong đó như có lời tác giả tự trách mình.

    Nhưng, khi chiến tranh kết thúc, trở về thành phố đầy đủ tiện nghi vật chất, ở buyn đinh cao ốc, quen với ánh điện cửa gương, hoàn cảnh sống đã thay đổi con người cũng dễ đổi thay, có lúc trở nên vô tình, có kẻ trở thành" ăn ở bạc:

    Từ hồi về thành phố

    Quen với ánh điện của gương

    Vầng trăng đi qua ngõ

    Như vầng trăng qua đường


    Cuộc sống hiện tại chói lòa ánh điện đã làm lu mờ ánh sáng hiền dịu của vầng trăng. Trăng được nhân hóa đi qua ngõ mà như người dưng qua đường. Tác giả xây dựng hai hình ảnh đối lập giữa vầng trăng tri kỉ của quá khứ với vầng trăng với vầng trăng "như người dưng qua đường" trong hiện tại nhằm diễn tả sự đổi thay trong tình cảm của con người. Trước bao vinh hoa phú quý, người ta có thể phản bội lại chính mình, thay đổi tình cảm với nghĩa tình đã qua. Và đó cũng là một quy luật của cuộc sống tình cảm của con người.

    Nhưng vào một buổi tối, trong khoảnh khắc đèn điện bất thình lình bị tắt, tác giả "vội bật tung cửa sổ" rồi đột ngột bắt gặp "vầng trăng tròn". Vầng trăng vẫn tròn, vẫn vẹn nguyên tình nghĩa, không bao giờ mất đi. Chỉ có điều con người không nhận ra mà thôi.

    Trong giây phút gặp lại "cố nhân" ấy, người lính có hành động "ngửa mặt lên nhìn mặt" :

    Ngửa mặt lên nhìn mặt

    Có cái gì rưng rưng

    Như là đồng là bể

    Như là sông là rừng


    Chính trong giây phút ngửa mặt lên nhìn trăng, nhà thơ lại thấy "rưng rưng" bao nỗi niềm xúc cảm, muốn nói mà chẳng thể cất thành lời. Một lần nữa, các hình ảnh "đồng", "sông", "rừng", "bể" lại một lần nữa xuất hiện mở ra những trang ký ức quá khứ nghĩa tình năm xưa. Trăng giờ đây hiện lên là biểu tượng cho vẻ đẹp vĩnh hằng của thiên nhiên, đất nước; cho một thời quá khứ nghĩa tình; cho một thời tuổi trẻ với bao lí tưởng sống tốt đẹp.

    Thông điệp, lời cảnh tỉnh của bài thơ được nhà thơ gửi gắm qua suy ngẫm:

    "Trăng cứ tròn vành vạnh

    Kể chi người vô tình

    Ánh trăng im phăng phắc

    Đủ cho ta giật mình."


    Trong cuộc gặp gỡ ấy, trăng không một lời trách mắng mà chỉ "im phăng phắc". Người lính "giật mình" nhận ra được lỗi lầm của bản thân, những vô tình đáng trách. Người lính còn giật mình ăn năn, hối lỗi, xấu hổ trước vầng trăng tình nghĩa vẫn vẹn nguyên, tự thấy bản thân cần phải thay đổi cách sống. Khi trong lòng người lính xuất hiện cảm xúc đó thì chắc chắn sẽ sống trong sáng hơn, tốt đẹp hơn. Bài thơ để lại những triết lí sâu sắc của cuộc đời. Nó là lời nhắc nhở ta về một đạo lí sống từ ngàn xưa của dân tộc ta – sống ân nghĩa, thủy chung, uống nước nhớ nguồn. Ta không được phép quên đi những mất mát hi sinh của những người đi trước, những người đã hi sinh mồ hôi và xương máu cho chúng ta ngày nay được hưởng một cuộc sống bình yên, độc lập. Bởi thế, mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ phải biết sống có trách nhiệm, sống sao cho xứng đáng với những gì mình được hưởng.

    Như vậy, với thể thơ năm chữ, chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi khổ khiến dòng cảm xúc liền mạch tạo cho bài thơ, tác giả xây dựng được hình tượng vầng trăng giàu ý nghĩa biểu tượng, từ đó giúp nhà thơ truyền tải những thông điệp sâu sắc đến bạn đọc. Bài thơ không chỉ là câu chuyện của riêng tác giả mà là cả với những thế hệ đã từng đi qua chiến tranh, những ngày tháng gian lao mà nghĩa tình.

    Qua bài thơ, bạn đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp ngôn từ, tài năng ngôn ngữ, nhận ra hiểu biết về cuộc sống, con người mà còn nhận thức, hoàn thiện những cảm xúc chân - thiện – mĩ. Đó chính là ánh sáng riêng của bài thơ Ánh trăng rọi vào tâm hồn mỗi bạn đọc.

    Trước hết, ánh sáng của bài thơ Ánh trăng gửi gắm qua hình ảnh vầng trăng ở khổ thơ đầu, gắn với những kỉ niệm tuổi thơ, gắn với kỉ niệm một thời lính chiến của nhà thơ đã đánh thức những kỉ niệm, những kí ức trong lòng mỗi người, đánh thức những cảm xúc trong trẻo, đẹp đẽ nhất trong mỗi chúng ta về quá khứ.

    Thứ hai, ánh sáng của bài thơ còn gửi gắm qua nội dung các khổ thơ tiếp theo. Qua đó nhắc nhở chúng ta cần sống trân trọng quá khứ. Sống với ngày hôm nay nhưng không thể hoàn toàn xóa sạch kí ức của ngày hôm qua, luôn thủy chung, giữ trọn vẹn nghĩa tình với quá khứ, trân trọng những điều thiêng liêng đẹp đẽ trong quá khứ. Hãy sống có bản lĩnh và dám dũng cảm đối diện với chính bản thân mình, đối diện với lương tâm mình để nhìn nhận rõ những sai lầm.

    Thứ ba, các hình ảnh ở khổ thơ cuối: "Ánh trăng im phăng phắc" mang ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Và hình ảnh con người "giật mình" trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm, lương tri trong sạch, tốt đẹp. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người.

    Như vậy, những tâm sự mà Nguyễn Duy gửi gắm qua bài thơ đã làm thức tỉnh trong lòng thế hệ trẻ hôm nay nhiều điều thấm thía. Giữa bộn bề lo toan của cuộc sống đời thường, giữa những vội vã gấp gáp của nhịp sống hiện đại, hãy tìm kiếm những khoảnh khắc sống chậm lại để nhìn lại quá khứ để sống có trách nhiệm, sống ân tình hơn.

    Đặc biệt, trong cuộc sống thanh bình, thời đại công nghệ hiện đại như ngày nay, con người có nhiều to toan, bận rộn.. nên dễ thờ ơ với quá khứ, thờ ơ với cả những gì thân thuộc đang diễn ra ngay xung quanh mình, việc nhà thơ chọn hoàn cảnh là sau khi chiến tranh kết thúc, người lính rời xa rừng, núi, trở về với cuộc sống hiện đại, tiện nghi chính là lời nhắc nhở thấm thía nhất vơi mỗi chúng ta: Hãy luôn khắc ghi rằng chúng ta có cuộc sống phát triển của ngày hôm nay là nhờ có xương máu của lớp lớp cha anh đã lấy thân mình hi sinh xương máu, tuổi thanh xuân cho đất nước, cho dân tộc. Trân trọng quá khứ, học sinh chúng mình càng cần biết quý trọng quá khứ, biết ơn những thế hệ đi trước. Tiếp thu lời nhắc nhở đó, học sinh cần chăm chỉ học tập, không ngừng nỗ lực hết mình chiếm lĩnh tri thức, hoàn thiện bản thân trở thành người hữu ích, mai này đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

    Tóm lại, ý kiến của Nguyễn Đình Thi rất đúng đắn, khẳng định chức năng giáo dục, chức năng cảm hóa tâm hồn của bạn đọc. Đây là giá trị nhân văn của tác phẩm cũng là chức năng quan trọng nhất và có giá trị nhất của văn học. Nhờ có tác phẩm văn học nói chung, thông điệp gửi gắm qua bài thơ "Ánh trăng" nói riêng, bạn đọc càng nhận thức, bồi đắp được những phẩm chất đẹp cần có của con người Việt Nam để ngày một sống đẹp hơn, làm đẹp hơn cho cuộc đời.

    Trên đây là bài viết về một dạng đề văn nghị luận văn học kết hợp nghị luận xã hội. Chúc các bạn ôn luyện thật tốt nhé!
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng năm 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...