Review Phim Perfume: The Story Of A Murderer - Mùi Hương: Chuyện Một Kẻ Giết Người (2006)

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi hoanguyendinh, 30 Tháng một 2021.

  1. hoanguyendinh Tôi là tôi. Tôi là Uyên. Và tôi là con gái.

    Bài viết:
    103
    Thông tin phim.

    Tựa tiếng Anh: Perfume – the story of a murderer

    Tựa tiếng Việt: Mùi hương- chuyện một kẻ giết người

    Thể loại: Hồi hộp, tội ác, huyền ảo.

    Trình chiếu: 14/09/2006

    Độ dài: 147 phút.

    Đạo diễn: Tom Tykwer

    Diễn viên: Ben Whishaw, Alan Rickman, Rachel Hurd-Wood, Dustin Hoffman.


    [​IMG]

    Perfume – the story of a murderer (Mùi hương- chuyện một kẻ giết người) là tên một tiểu thuyết rất nổi tiếng của tác giả Patrick Suskind (người Đức) và cũng là tựa của một tác phẩm điện ảnh (chuyển thể từ tiểu thuyết) do Tom Tykwer làm đạo diễn.

    Mình xem phim trước khi đọc tiểu thuyết. Ở phim, ngoại trừ chuyện người ta cắt bỏ giai đoạn 7 năm sống trên núi của nhân vật chính (để lý giải phần động cơ giết người cho dễ hiểu hơn) và gom chung hai nhân vật Marquis với Richis thành một Antoine Richis thôi thì phải công nhận là bộ phim đã chuyển thể rất thành công nội dung cốt truyện.

    Phim và tiểu thuyết, mình thích cả hai luôn và thích bằng hai cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Đọc tiểu thuyết thì thích lối giải thích cặn kẽ và cách miêu tả sự việc với một ý tưởng và một góc nhìn thật lạ. Xem phim thì thích cốt truyện và cách lột tả tính cách nhân vật của các diễn viên.

    Cốt truyện của phim có vẻ vững và nhất quán hơn. Đạo diễn bỏ qua giai đoạn 7 năm sống trên núi, vì vậy mà động cơ giết người của Grenouille được đẩy lùi lại, nghĩa là xuất phát từ thời hắn còn trai trẻ, trước khi hắn bắt đầu bước chân vào học nghề "nước hoa", trước khi hắn học cách chế tạo mùi. Nếu chưa từng đọc qua tiểu thuyết thì điều này là cách lý giải rất logic của ngôn ngữ điện ảnh. Thật khó có thể khiến khán giả hình dung ra chuyện "không mùi" là nguyên nhân giết người được. Cho nên, thật phục đạo diễn.

    Câu chuyện của phim, cũng y như tiểu thuyết, bắt đầu bằng sự ra đời của Jean-Baptiste Grenouille ngay tại quầy hàng của mẹ hắn giữa phố chợ nhơ nhớp ồn ào. Đáng lẽ hắn nên nằm đó, im lặng từ giã cõi đời như một.. khúc cá. Nhưng không, hắn khóc ré lên. Vậy là hắn trở thành trẻ mồ côi. Quãng đời tuổi thơ của Grenouille chỉ được gói gọn trong vài khung hình mà thôi, không nhiều, chủ yếu là giới thiệu cho khán giả biết biệt tài có một không hai của hắn: Khứu giác nhạy bén, có khả năng phân biệt hàng triệu loại mùi khác nhau. "Mùi" trở thành lẽ sống của hắn, là thế giới riêng của hắn.

    Đoạn Grenouille lần đầu tiên ngửi được mùi trinh nữ trên người của "Plum girl" được đặc tả sâu sắc hơn trong truyện. Sau khi đọc tiểu thuyết, mình đã ước, giá mà đạo diễn Tom Tykwer sử dụng kỹ xảo như của Trung Quốc đã làm với các chiêu kiếm trong phim võ thuật, nghĩa là vẽ những lằn di chuyển "ảo" của một điều "không thể thấy bằng mắt thường" thì chắc đoạn phim này đã ấn tượng hơn rất nhiều.

    Khi đọc tiểu thuyết, cảm giác rờn rợn xuất hiện ở những màn giết người, dù tác giả dùng giọng văn đơn giản và vô cảm như thể Grenouille chỉ đang ép tinh chất dầu của.. thực vật. Nhưng lúc xem phim, mấy màn giết người lại không ghê rợn lắm, có lẽ một phần vì nó không có máu me, cảm giác rờn rợn duy nhất mà mình có là cảnh lõa lồ tập thể ngay khúc cuối phim. Chưa bao giờ thấy một cảnh quay.. như vậy. Nghe nói, họ đã mướn gần năm ngàn diễn viên cho cảnh pháp trường này. À, đoạn này cấm trẻ em dưới 18 tuổi.

    Ben Whishaw vào vai Jean-Baptiste Grenouille rất xuất sắc. Nhìn bộ dạng của anh ta, người xem cảm giác vừa tội tội mà cũng vừa sợ sợ. Ánh mắt dại dại của Ben diễn tả một Grenouille như bước ra từ tiểu thuyết vậy. Chỉ có một điều không đúng thôi, Ben Whishaw.. đẹp trai hơn sự miêu tả về nhân vật Grenouille.

    Diễn viên gạo cội Dustin Hoffman vào vai Baldini. Thiệt không thấy ai hoàn hảo hơn ông ấy. Khoái đoạn Baldini ôm cuốn sổ công thức cười như điên như dại trước khi chìm vào giấc ngủ mà không hề biết rằng mình chẳng còn cơ hội trông thấy ánh mặt trời lần nữa. Nụ cười hớ hớ của ông ta rất có cảm xúc.

    Alan Rickman vào vai Richis, nhân vật này hoàn toàn không phải là vai phản diện, vậy mà chẳng hiểu sao lúc xem phim, cứ thấy nhân vật Richis hiện lên ác ác thế nào đó. Nỗi đau khổ của người cha trước cái chết của con gái mình cũng không được diễn tả sâu sắc lắm, chỉ thấy Richis như một gã điên.

    Điều nữa, lúc xem phim, cái thắc mắc duy nhất mà mình vương vấn chính là sự biến mất của Grenouille ở cảnh cuối cùng, chẳng hiểu tại làm sao luôn. Sau này, đọc truyện mới có câu trả lời.. hihi..

    Dù sao thì theo ý kiến cá nhân, phim là một thành công và tiểu thuyết là một tác phẩm xuất sắc.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...