Ông già và biển cả - một tiểu thuyết ngắn nổi tiếng và cũng là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp của tác giả Ernest Hemingway - một tiểu thuyết gia người Mỹ, nhà văn viết truyện ngắn và cũng là một nhà báo. Truyện ngắn dạng viễn tưởng này đã được ông viết tại Cuba (1951), sau khi xuất bản (1952) thì Ông già và biển cả đã mang lại những thành công cho tác giả, được công nhận là đạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu vào năm 1953 và giải Nobel văn học năm 1954. Thật đáng tiếc khi đây là truyện ngắn dạng viễn tưởng cuối cùng được viết khi ông Ernet Hemingway còn sống và ông đã qua đời vào ngày 2 tháng 7 năm 1961. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là một ông lão già người Cuba, Santiago. Một người đàn ông già cả, cô độc bị mọi người hất hủi, xa lánh vì sau 84 ngày lão không bắt được con cá nào, mọi người cho rằng ông bị vận rủi đeo đuổi - "salao". Tác giả đã khắc họa nhân vật ông lão khó nhọc một cách chân thực "ông lão gầy gò, trơ cả xương, gáy hằn sâu nhiều nếp nhăn. Những vệt nám vô hại trên làn da má của lão do bị ung thư bởi ánh mặt trời phản hồi..". Ông lão Santiago tuy cằn cỗi nhưng lại khỏe mạnh bương trải với cuộc sống khổ cực ấy đã chiến đấu ba ngày ba đêm vật lộn với một con cá kiếm khổng lồ trên vùng Giếng Lớn khi ông câu được nó. Sang đến ngày thứ ba, ông cũng đã chinh phục được loài động vật to lớn này, lão dùng dao đâm chết con cá, buộc vào mạn thuyền và lôi về. Ernest Hemingway đã thể hiện nhân vật ông lão một cách khéo léo. Mặc dù cuộc đấu mãnh liệt nhưng ông lại có gì đó vừa tôn trọng đối thủ của mình qua câu nói của lão vừa khát khao hạ gục con cá kiếm to lớn "cá này, - lão dịu giọng nói, - tao sẽ cầm cự với mày cho đến chết." Hoặc câu "cá này, - lão nói, - tao rất yêu và ngưỡng mộ mày. Nhưng tao sẽ giết mày trước khi ngày kết thúc." Trong lúc lênh đênh trên biển, ông đã trò chuyện cùng với cá, nước, chim, trời.. kể cả tự độc thoại một mình, lẻ loi giữa biển trời mênh mông sóng nước không thấy bóng dáng, hơi thở của con người. "Mày bao nhiêu tuổi rồi? - Ông lão hỏi con chim. - Có phải đây là chuyến đi đầu tiên của mày không?", "Hãy ở lại nhà ta nếu chú mày muốn, chim à, - lão nói". Sau những ngày ròng rã ngoài biển khơi, ông đã chiến thắng. Buộc xác con cá vào mạn thuyền và lôi về, nhưng đúng là số phận của ông thật đen đủi, một đàn cá mập đánh hơi được đã tìm đến thuyền của lão già, ông lại đem hết sức mình một lần nữa chống chọi với lũ cá mập, phóng lao, thậm chí cả mái chèo. Ông giết được một số con, và đuổi được chúng đi. Thật buồn, cuối cùng ông nhìn lại con cá kiếm của mình đã bị nó rỉa hết thịt còn trơ lại bộ xương to đùng. Ông già và biển cả là một tác phẩm nêu lên mối quan hệ chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên. Hầu hết các tác phẩm của ông đều dựa trên nguyên lí "tảng băng trôi", câu chuyện như một tảng băng trôi vậy mang sự kiệm lời và súc tích, phần nổi của ngôn từ không nhiều đó là cuộc đấu tranh với con cá kiếm, còn phần chìm thì lại rất lớn chính là ước mơ chinh phục đỉnh cao trong cuộc sống để vươn tới lí tưởng cao đẹp của con người, không dễ dàng từ bỏ ước mơ, nổ lực đến tận cùng và hết mình mặc dù kết quả không như ý muốn đi chăng nữa. Còn biển cả thì là môi trường cuộc sống xung quanh đầy rủi ro và thử thách, thách thức con người phải đối mặt với chúng bằng chính sức lực của mình. Ông già và biển cả là một quyển sách chứa đựng đầy ý chí, nghị lực gợi lên tầng ý nghĩa mà Ernest Hemingway muốn khích lệ tinh thần, thôi thúc thêm niềm tin vào cuộc sống đến độc giả. Đồng thời cũng cho thấy được phần nào tác giả đã rất đề cao tinh thần của con người rất mãnh liệt và uy phong, sẽ không gì có thể đánh bại được chúng ta trừ khi chúng ta không muốn đối mặt mà trốn tránh thách thức phía trước đang chờ mình. Hiện nay, nhiều tác phẩm của ông vẫn được coi là những tác phẩm văn học kinh điển của nước Mỹ.