Ôn tập: Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt - Ngữ văn 10

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 29 Tháng mười hai 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Ôn tập: Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt

    Ngữ văn 10

    I. Kiến thức.

    1. Yêu cầu về ngữ âm, chữ viết

    Khi sử dụng tiếng việt, ta cần tuân thủ những yêu cầu sau về ngữ âm và chữ viết:

    – Về ngữ âm: Cần phát âm theo âm chuẩn của tiếng Việt.

    – Về chữ viết: Cần viết đúng theo quy tắc hiện hành về chính tả và về chữ viết nói chung.

    2. Yêu cầu về từ ngữ.

    – Cần sử dụng từ ngữ đúng với hình thức và cấu tạo, ý nghĩa, và đặc điểm ngữ pháp của chúng trong tiếng Việt.

    – Cần dùng từ chính xác về nghĩa.

    3. Yêu cầu về câu văn.

    – Cấu tạo câu theo đúng quy tắc ngữ pháp tiếng Việt, diễn đạt đúng các quan hệ ý nghĩa và sử dụng dấu câu thích hợp

    – Các câu trong đoạn văn và văn bản cần được liên kết chặt chẽ, tạo nên một văn bản mạch lạc, thống nhất.

    4. Yêu cầu về phong cách ngôn ngữ

    Cần nói và viết phù hợp với các đặc trưng và chuẩn mực trong từng phong cách chức năng ngôn ngữ.

    5. Sử dụng hay, đạt hiệu quả giao tiếp cao

    Khi nói hoặc viết, chẳng những cần sử dụng tiếng Việt đúng theo các chuẩn mực, mà cần sử dụng một cách sáng tạo, có sự chuyển đổi linh hoạt theo các phương thức và quy tắc chung, theo các phép tu từ để cho lời nói, câu văn có tính nghệ thuật và đạt hiệu quả giao tiếp cao.

    [​IMG]

    II. Luyện tập sửa lỗi.

    Câu 1. Phát hiện và sửa lỗi sai trong những cách nói, cách viết sau:

    - Cả hai chén tạt chén thù đến khi say mềm mới thấp thểnh ra về.

    - Suy nghĩ của hắn dù bộc phát nhưng không phải là suy nghĩ của một kẻ lưu manh.

    - Đó là bảng án thích đáng dành cho hắn.

    - Đừng có vẽ đường cho hiêu chạy.

    - Câu chữ không chau chuốt mà mộc mạc, dản dị.

    - Tấm lòng trân thành ấy đã cảm động đến Huấn Cao.

    - Các bác sỹ đã hết lòng cứu chữa cho bệnh nhân.

    - Trông hắn dạo này chỉnh chu hơn hẳn.

    - Đó là cả một câu truyện buồn.

    - Đó là một kẻ gian sảo.

    - Giành dụm cả đời nướng trong canh bạc.

    - Đó là kết cuộc của một kẻ bạc tình.

    - Chỉ một sơ xuất nhỏ cũng để lại hậu quả khôn lường.

    - Thành tích suất sắc ấy là hậu quả của một quá trình gian khổ.

    - Những chuyến thăm quan, du lịch luôn đem lại nhiều trải nghiệm tuyệt vời.

    Câu 2. Phát hiện và sửa lỗi sai trong cách dùng từ trong các câu sau:

    - Do bàng quang nên nó làm hỏng việc.

    - Mẹ rất quan tâm với việc học tập của chúng em.

    - Bạn Nam là một học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ nên cả lớp ai cũng quý bạn Nam.

    - Che dấu cho cái ác là tiếp tay cho cái ác lộng hành.

    - Nó đã dành giải nhất trong cuộc thi Toán cấp thành phố.

    - Bác ấy được chuẩn đoán là mắc bệnh về gan.

    - Tương lai sáng lạng luôn dành cho những ai biết nỗ lực cố gắng.

    - Chị Dậu rất cần cù chịu khó nên chị rất mực yêu thương chồng con.

    - Ở trong tù người chiến sĩ ấy ngâm thơ rất hay giọng đầy cảm khoái.

    - Tuy sống trong một gia đình phong lưu nhưng Thuý Kiều và Thuý Vân là những người con gái có nhan sắc và tính tình rất dịu dàng.

    - Chúng tôi sẽ bằng mọi giá chuyển tấm lòng của các bạn đến miền Trung.

    - Họa sĩ Phạm Viết Song nhấp nháy bộ ria mép quen thuộc.

    Câu 3. Sửa lỗi sai trong những câu sau:

    - Qua bài thơ "Viếng lăng Bác" cho ta thấy tình cảm yêu kính chân thành của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ.

    - Trong truyện "Trạng Quỳnh" đã thể hiện tinh thần phản phong quyết liệt của nhân dân ta.

    - Nam Cao nhà văn lớn, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của khuynh hướng Văn học Hiện thực phê phán.

    - Truyện ngắn "Lão Hạc" một tác phẩm đặc sắc có giá trị hiện thực sâu sắc.

    Câu 4. Đọc các đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

    Đoạn 1

    Nói cách khác, con người ta vốn là nghệ thuật, vốn giàu lòng đồng cảm. Chỉ vì lớn lên bị cách nghĩ của người đời dồn ép, nên tấm lòng ấy mới bị cản trở hoặc hao mòn. Chỉ có kẻ thông minh mới không bị khuất phục, dù bên ngoài chịu đủ thứ áp bức thì bên trong vẫn giữ được lòng đồng cảm đáng quý nọ. Những người ấy chính là nghệ sĩ.

    (Phong Từ Khải, Sống vốn đơn thuần )

    A, Tại sao nó được coi là một đoạn văn?

    B, Hãy chỉ ra mạch lạc giữa các câu trong đoạn văn trên.

    C, Dấu hiệu nào cho thấy đoạn văn có sự liên kết?

    Đoạn 2

    Nhà nước ta rất coi trọng hiền tài. Người hiền tài có những năng lực vượt trội so với người bình thường và có thể làm được nhiều việc lớn. Hiền tài trong lịch sử thời nào cũng có. Tên của những người hiền tài và sự nghiệp của họ luôn được nhân dân ghi nhớ.

    A, Vì sao phép lặp từ đã được sử dụng ở các câu kề nhau mà đoạn văn vẫn rời rạc?

    B, Đoạn văn đã mắc lỗi liên kết như thế nào?

    Đoạn 3.

    Nguyễn Du là người đầu tiên trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam đã phác ra một bức tranh xã hội toàn diện đã lấy những đau khổ của con người đương thời để đặt thành những vấn đề xã hội chung thành vấn đề của con người trong xã hội có áp bức bóc lột đã đưa nghệ thuật văn học đặc biệt là nghệ thuật thơ ca Việt Nam đến một đỉnh cao vời vợi trước đó chưa từng thấy

    A, Đoạn văn trên mắc lỗi gì?

    B, Hãy đề xuất cách sửa.

    Câu 5.

    Những cách diễn đạt nào sau đây đem lại hiệu quả giao tiếp cao hơn, vì sao?

    A. 1. Một tòa nhà cao chỉ vững vàng khi có một nền móng chắc chắn. Một hành trình dài chỉ đến đích khi bước những bước đầu tiên. Những thứ lớn lao đều bắt đầu từ những điều hết sức bình thường.

    A. 2. Cuộc sống bắt đầu thứ những điều rất nhỏ. Ngay cả những thứ lớn lao cũng phải bắt đầu từ những điều nhỏ bé.

    B. 1. Sống thật sẽ mang lại nhiều lợi ích. Sống thật giúp ta phát huy được giá trị của chính mình, biết được điểm mạnh của mình để phát huy. Sống thật còn giúp tâm hồn ta được thanh thản, an vui, không phải dằn vặt vì ta trót dối trá, lừa lọc. Sống thật sẽ mang lại niềm vui và ý nghĩa cuộc sống.

    B. 2. Bởi sống thật sẽ mang lại cho chúng ta thật nhiều hạnh phúc. Còn gì hạnh phúc hơn khi được theo đuổi những điều tốt đẹp ta mơ ước mà không phải uốn mình theo sự chi phối của người khác, thực hiện ước mơ của người khác? Chỉ khi được sống thật là mình, ta mới có thể phát huy hết sức mạnh bản thân, mới vươn đến ước mơ, chạm đến hạnh phúc. Chỉ khi được sống thật là mình, ta mới có thể tự tay viết nên câu chuyện cuộc đời của chính ta, mới có thể kiêu hãnh, tự tin vững bước. Chỉ khi được sống thật là mình, ta mới cảm nhận được cuộc sống này tươi đẹp và đáng sống biết bao.

    C. 1. Chìm đắm trong những thất vọng của bản thân chính là một trong những hạt mầm tiêu cực. Khi hạt mầm ấy nảy nở trong suy nghĩ, tư tưởng của con người sẽ chỉ mang lại những cái cây èo uột, khô héo. Bởi khi ta cứ chìm đắm mãi trong những ám ảnh thất vọng về chính mình là ta đang uổng phí cuộc sống, đang lún sâu vào sự bất hạnh. Những nỗi thất vọng giống như một thứ virut độc hại ăn mòn ý chí, niềm tin. Cái cây cuộc đời chẳng thể xanh tươi khi mang trên mình thứ virut đó.

    C. 2. Nếu cứ thất vọng mãi về bản thân thì hậu quả thật khó lường. Khi thất vọng về mình, ta sẽ không còn động lực để phấn đấu. Khi thất vọng về mình, ta sẽ mất đi ý vươn lên. Vì thế, ta không có được thành công như mong đợi và cuộc sống sẽ trở nên đáng thương, bất hạnh.

    Câu 6. Viết một đoạn văn với chủ đề: Đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng hai 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    GỢI Ý LÀM BÀI

    Câu 1.

    - Cả hai chén tạt chén thù đến khi say mềm mới thấp thểnh ra về. (Sửa: Chén tạc)

    - Suy nghĩ của hắn dù bộc phát nhưng không phải là suy nghĩ của một kẻ lưu manh. (Sửa: Bột phát)

    - Đó là bảng án thích đáng dành cho hắn. (Sửa: Bản án)

    - Đừng có vẽ đường cho hiêu chạy.((Sửa: Hươu)

    - Câu chữ không chau chuốt mà mộc mạc, dản dị. (Sửa: Trau chuốt)

    - Tấm lòng trân thành ấy đã cảm động đến Huấn Cao. (Sửa: Chân thành)

    - Các bác sỹ đã hết lòng cứu chữa cho bệnh nhân. (Sửa: Bác sĩ)

    - Trông hắn dạo này chỉnh chu hơn hẳn. (Sửa: Chỉn chu)

    - Đó là cả một câu truyện buồn. (Sửa: Câu chuyện)

    - Đó là một kẻ gian sảo . (Sửa: Gian xảo)

    - Giành dụm cả đời nướng trong canh bạc. (Sửa: Dành dụm)

    - Đó là kết cuộc của một kẻ bạc tình. (Sửa: Kết cục)

    - Chỉ một sơ xuất nhỏ cũng để lại hậu quả khôn lường. (Sửa: Sơ suất)

    - Thành tích suất sắc ấy là hậu quả của một quá trình gian khổ. (Sửa: Xuất sắc, kết quả)

    - Những chuyến thăm quan, du lịch luôn đem lại nhiều trải nghiệm tuyệt vời. (Sửa: Tham quan)

    Câu 2. Phát hiện và sửa lỗi sai trong cách dùng từ trong các câu sau:

    - Do bàng quang nên nó làm hỏng việc. (Sửa: Bàng quan)

    - Mẹ rất quan tâm với việc học tập của chúng em. (Sửa: Đến)

    - Bạn Nam là một học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ nên cả lớp ai cũng quý bạn Nam. (Lặp từ; Sửa: Bỏ "bạn Nam" sau)

    - Che dấu cho cái ác là tiếp tay cho cái ác lộng hành. (Sửa: Che giấu)

    - Nó đã dành giải nhất trong cuộc thi Toán cấp thành phố. (Sửa: Giành)

    - Bác ấy được chuẩn đoán là mắc bệnh về gan. (Sửa: Chấn đoán)

    - Tương lai sáng lạng luôn dành cho những ai biết nỗ lực cố gắng. (Sửa: Xán lạn)

    - Chị Dậu rất cần cù chịu khó nên chị rất mực yêu thương chồng con. (Sửa: Bỏ lặp từ "rất" (1) ; nên -> và)

    - Ở trong tù người chiến sĩ ấy ngâm thơ rất hay, giọng đầy cảm khoái . (Sửa: Cảm khái)

    - Tuy sống trong một gia đình phong lưu nhưng Thuý Kiều và Thuý Vân là những người con gái có nhan sắc và tính tình rất dịu dàng. (Sửa: Trung lưu)

    - Chúng tôi sẽ bằng mọi giá chuyển tấm lòng của các bạn đến miền Trung. (Sửa: Mọi cách)

    - Họa sĩ Phạm Viết Song nhấp nháy bộ ria mép quen thuộc. (Sửa: Mấp máy)

    Câu 3. Sửa lỗi:

    - Bài thơ "Viếng lăng Bác" cho ta thấy tình cảm yêu kính chân thành của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ.

    - Truyện "Trạng Quỳnh" đã thể hiện tinh thần phản phong quyết liệt của nhân dân ta.

    - Nam Cao là nhà văn lớn, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của khuynh hướng Văn học Hiện thực phê phán.

    - Truyện ngắn "Lão Hạc" là một tác phẩm đặc sắc có giá trị hiện thực sâu sắc.

    Câu 4.

    Đoạn 1

    Nói cách khác, con người ta vốn là nghệ thuật, vốn giàu lòng đồng cảm. Chỉ vì lớn lên bị cách nghĩ của người đời dồn ép, nên tấm lòng ấy mới bị cản trở hoặc hao mòn. Chỉ có kẻ thông minh mới không bị khuất phục, dù bên ngoài chịu đủ thứ áp bức thì bên trong vẫn giữ được lòng đồng cảm đáng quý nọ. Những người ấy chính là nghệ sĩ.

    (Phong Từ Khải, Sống vốn đơn thuần )

    A, Đoạn trên được coi là đoạn văn vì:

    - Về nội dung: Đoạn tập trung bàn về lòng đồng cảm của con người.

    - Về hình thức: Có dấu hiệu mở đầu viết hoa lùi đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm câu. Các câu có sự liên kết với nhau.

    B, Sự mạch lạc giữa các câu trong đoạn văn trên:

    Các câu đều tập trung bàn về lòng đồng cảm:

    Câu 1: Khẳng định con người "vốn giàu lòng đồng cảm";

    Câu 2: Tác động của người đời làm hao mòn lòng đồng cảm;

    Câu 3: Người thông minh vẫn giữ được lòng đồng cảm;

    Câu 4: Khẳng định người giữ được lòng đồng cảm là nghệ sĩ.

    C, Trong đoạn văn, những từ ngữ được lặp lại nhiều lần: Lòng đồng cảm; người

    Cách dùng từ ngữ như vậy có tác dụng liên kết các câu trong đoạn với nhau.

    Đoạn 2

    Nhà nước ta rất coi trọng hiền tài. Người hiền tài có những năng lực vượt trội so với người bình thường và có thể làm được nhiều việc lớn. Hiền tài trong lịch sử thời nào cũng có. Tên của những người hiền tài và sự nghiệp của họ luôn được nhân dân ghi nhớ.

    A, Phép lặp từ đã được sử dụng ở các câu kề nhau mà đoạn văn vẫn rời rạc vì: Các câu không cùng tập trung thể hiện một chủ đề nhất định; không có sự liên kết.

    B, Đoạn văn đã mắc lỗi liên kết:

    Câu 1: Nói về chính sách coi trọng người hiền tài của nhà nước.

    Câu 2: Bàn về phẩm chất của người hiền tài

    Câu 3: Bàn về sự tồn tại của người hiền tài trong lịch sử.

    Câu 4: Bàn về vị trí của người hiền tài trong tình cảm, nhận thức của nhân dân.

    Như vậy, mỗi câu bàn về một khía cạnh, phương diện riêng, dù có phép lặp từ "người hiền tài" nhưng vẫn rời rạc.

    Đoạn 3.

    A, Lỗi sai: Thiếu dấu câu

    B, Sửa lại:

    Nguyễn Du là người đầu tiên trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam đã phác ra một bức tranh xã hội toàn diện, đã lấy những đau khổ của con người đương thời để đặt thành những vấn đề xã hội chung, thành vấn đề của con người trong xã hội có áp bức bóc lột; đã đưa nghệ thuật văn học đặc biệt là nghệ thuật thơ ca Việt Nam đến một đỉnh cao vời vợi trước đó chưa từng thấy.

    Câu 5.

    - Các cách diễn đạt a1; b2; c1 đạt hiệu quả giao tiếp cao hơn.

    - Vì: Cách diễn đạt a1; b2; c1 có sử dụng phép điệp ngữ, so sánh, ẩn dụ; sử dụng đa dạng các kiểu câu; câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

    Câu 6. Đoạn tham khảo:

    Trong bài thơ "Vội vàng", thi sĩ Xuân Diệu từng ngậm ngùi tiếc nuối thanh xuân:

    "Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

    Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

    Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi.."

    Đúng vậy, mùa xuân của thiên nhiên có thể đi qua rồi trở lại theo quy luật tuần hoàn, nhưng mùa xuân của cuộc đời thì một đi không trở lại. Sự trở về của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân. Tuổi xuân của đời người vì thế vô cùng đáng quý. Tháng năm không trở lại, cơ hội chẳng đợi chờ, nếu lựa chọn an nhàn khi còn trẻ, ta sẽ thế nào? Lựa chọn an nhàn khi còn trẻ, ta sẽ để tuột khỏi tầm tay nhiều điều quý giá. Tuổi trẻ là lúc cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần đều sung mãn nhất, chọn an nhàn - làm sao ta có thể phát triển bản thân một cách tốt nhất? An nhàn trong học tập, tri thức chẳng đủ đầy. An nhàn trong lao động, thành quả chẳng là bao. Chọn an nhàn khi còn trẻ là bản thân đang tự đóng lại rất nhiều cánh cửa đưa ta đến thành công, đến một cuộc đời tốt đẹp. Bởi "Trên đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng", an nhàn cũng là cách gọi khác của lười biếng mà thôi. Chọn an nhàn khi còn trẻ, năm mươi năm cuộc đời còn lại sẽ vất vả, nhọc nhằn. Bởi những tháng năm an nhàn ấy lấy đi của ta sức khỏe, nhiệt huyết, cơ hội, không mang đến cho ta nhiều hiểu biết và kinh nghiệm.. thì nửa đời năm mươi năm sau, chẳng phải sẽ hoang mang, vô định lắm sao? "Không ai có thể gặt hái thành công mà chưa từng gieo trồng". Khoảng thời gian "gieo trồng" đúng mùa vụ nhất của cuộc đời con người là tháng năm thanh xuân tuổi trẻ. Hãy gieo trên mảnh đất thanh xuân những hạt mầm của sự nỗ lực, cố gắng, ta sẽ nhận về những trái chín ngọt ngào. Vậy, đừng lựa chọn an nhàn những năm tháng thanh xuân để cả đời phải ân, tiếc nuối: Ta đã làm chi đời ta vậy?
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...