Ôn tập: Mây và sóng – ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 27 Tháng mười một 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Ôn tập bài Mây và sóng – Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống


    Bài Ôn tập "Mây và sóng" bao gồm các phần:

    Trắc nghiệm Mây và sóng

    Đọc hiểu Mây và sóng

    Cảm nhận bài thơ Mây và sóng


    Hệ thống câu hỏi luyện tập từ cấp độ nhận thức, thông hiểu đến những câu hỏi yêu cầu tư duy cao hơn.. Giúp các em học sinh củng cố và khắc sâu kiến thức bài học, giúp giáo viên có thế kiểm tra được kiến thức tổng quát của học sinh.

    Các câu hỏi trong topic ôn tập này có thể được sử dụng để làm phiếu kiểm tra 15 phút, kiểm tra bài cũ, hoặc đưa vào các đề thi, kiểm tra giữa kì, cuối kì.

    Bài tập do tác giả biên soạn được đăng duy nhất trên dembuon.vn . Nếu xuất hiện ở những Web khác là sự sao chép mà chưa được cho phép.

    [​IMG]

    Trắc nghiệm Mây và sóng


    Câu 1. Bài thơ "Mây và sóng" của tác giả nào?

    A. Nguyễn Thế Hoàng Linh

    B. Lâm Thị Mỹ Dạ

    C. Tô Hoài

    D. Ta-go

    Câu 2. Bài thơ "Mây và sóng" nằm trong bài học nào sau đây trong sách giáo khoa Ngữ văn 6:

    A. Tôi và các bạn

    B. Gõ cửa trái tim

    C. Yêu thương và chia sẻ

    D. Quê hương yêu dấu

    Câu 3. Bài thơ "Mây và sóng" thuộc thể thơ gì?

    A. Thơ ngũ ngôn

    B. Thơ lục bát

    C. Thơ song thất lục bát

    D. Thơ tự do.

    Câu 4. Vì sao khi đọc bài thơ "Mây và sóng", ta như được nghe một câu chuyện?

    A. Vì bài thơ có những yếu tố như trong một câu chuyện: Nhân vật, tình huống, diễn biến câu chuyện.

    B. Vì bài thơ có những câu dài, ngắn khác nhau.

    C. Vì bài thơ có hình ảnh mây và sóng.

    D. Vì bài thơ không có vần.

    Câu 5. Bài thơ là câu chuyện kể của ai với ai, kể về điều gì?

    A. Bài thơ là câu chuyện kể của em bé với mây và sóng về mẹ.

    B. Bài thơ là câu chuyện kể của mây với sóng về bình minh vằng, vầng trăng bạc.

    C. Bài thơ là câu chuyện kể của mẹ với mây và sóng về em bé.

    D. Bài thơ là câu chuyện kể của em bé với mẹ về mây và sóng.

    Câu 6. Trong bài thơ, em bé đã kể chuyện gì?

    A. Em bé đã kể cho mẹ nghe về cuộc phiêu lưu cùng mây và sóng. Cuộc phiêu lưu vô cùng lí thú, em bé đã được chơi với bình minh vàng, vầng trăng bạc; được nhảy múa và ca hát suốt ngày.

    B. Em bé đã kể cho mẹ nghe câu chuyện mà mây và sóng đã kể cho em bé.

    C. Em bé đã kể với mẹ câu chuyện tưởng tượng của em về cuộc gặp gỡ với người trên mây và người trong sóng: Họ đã chỉ cho em cách để bay lên trời, cách để ra biển khơi. Nhưng em từ chối lời mời gọi rong chơi của họ, vì em không thể rời xa mẹ.

    D. Em bé đã kể cho mẹ nghe giấc mơ của mình được phiêu lưu trên mây và trong sóng.

    Câu 7. Qua câu chuyện, em bé muốn bộc lộ điều gì?

    A. Qua câu chuyện, em bé muốn mẹ cho phép mình đi chơi với mây, với sóng.

    B. Qua câu chuyện, em bé muốn bộc lộ tình yêu với mẹ.

    C. Qua câu chuyện, em bé muốn rời xa vòng tay mẹ để thỏa thích rong chơi.

    D. Qua câu chuyện, em bé muốn mình được trở thành mây và sóng.

    Câu 8. Qua lời trò chuyện của những người "trên mây" và "trong sóng", ta thấy thế giới của họ như thế nào?

    A. Thế giới của họ cao rộng, bí ẩn, vui thú, đầy mời gọi.

    B. Thế giới của họ giống như cõi thiên đường vậy, huyền ảo, đầy phép màu.

    C. Thế giới của họ vô cùng tiện nghi, hiện đại.

    D. Thế giới của họ hoang sơ, nguyên thủy, thuần khiết.

    Câu 9. Thế giới của những người "trên mây" có những gì?

    A. Có những những cơn gió hoang vu đưa họ đi khắp chân trời cuối đất.

    B. Có ánh nắng chan hòa tỏa chiếu muôn nơi.

    C. Có ánh sáng mặt trời vàng buổi bình minh, có ánh sáng vầng trăng bạc khi đêm về. Đó là thế giới rực rỡ, lung linh..

    D. Có những nàng tiên vô cùng xinh đẹp.

    Câu 10. Thế giới của những người "trong sóng" có gì hấp dẫn?

    A. Họ vui thú vì có biển rộng mênh mông với muôn vàn tôm cá – một cuộc sống giàu có.

    B. Họ được đi khắp nơi nơi trên những con tàu căng gió – một cuộc sống tự do.

    C. Họ có một thế giới dưới Long cung xinh đẹp, đầy sắc màu.

    D. Họ được ca hát cả ngày và rong chơi khắp nơi này nơi nọ từ sáng sớm đến chiều tà – một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và tự do.

    Câu 11. Câu hỏi: "Nhưng làm thế nào mình lên đó được?", "Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?" thể hiện tâm trạng gì của em bé?

    A. Thể hiện tâm trạng do dự, đắn đo: Vừa muốn được khám phá thế giới bên ngoài, vừa muốn được ở nhà với mẹ, chơi cùng mẹ.

    B. Thể hiện tâm trạng đầy phấn khích, em bé muốn lập tức được đi theo những người trong mây và trong sóng vì lời mời gọi họ nói thật hấp dẫn.

    C. Thế hiện tâm trạng buồn bã của em bé, vì em bé nghĩ mẹ sẽ không cho mình đi chơi.

    D. Thể hiện tâm trạng vui mừng của em bé, vì em bé sắp được mây và sóng đưa đi chơi.

    Câu 12. Những câu nói của em bé với mây và sóng:

    - Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?

    - Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?

    Thể hiện quyết định như thế nào của em bé?

    A. Em bé quyết định sẽ rời xa mẹ để đi cùng mây và sóng.

    B. Em bé quyết định không đi theo lời mời gọi của mây và sóng.

    C. Em bé quyết định sẽ thuyết phục mẹ cho đi cùng mây và sóng.

    D. Em bé quyết định khi nào lớn lên sẽ đi cùng mây, cùng sóng.

    Câu 13. Vì sao em bé từ chối lời mời gọi của mây, sóng?

    A. Vì em bé sợ đi theo họ thì sẽ bị mẹ la mắng.

    B. Vì em bé không biết cách để lên trên mây và ra ngoài sóng.

    C. Vì em bé muốn ở nhà chơi với mẹ, mẹ đang đợi mình. Em bé không muốn mẹ ở nhà một mình, mẹ sẽ buồn.

    D. Vì em bé không thích cuộc sống của những người trên mây và trong sóng.

    Câu 14. Niềm hạnh phúc lớn nhất của em bé là gì?

    A. Với em bé, niềm hạnh phúc lớn nhất là được ở bên mẹ, làm mẹ vui và được mẹ yêu thương, che chở.

    B. Với em bé, niềm hạnh phúc lớn nhất là được sống cuộc sống như những người trong mây, trong sóng, nhưng vì mẹ, em phải hi sinh niềm hạnh phúc đó.

    C. Với em bé, niềm hạnh phúc lớn nhất là được cùng mẹ dạo chơi trên mây và trong sóng.

    D. Với em bé, niềm hạnh phúc lớn nhất là được rời xa vòng tay mẹ để được sống tự do.

    Câu 15. Sau khi kể cho mẹ nghe câu chuyện với mây và sóng, em bé đã làm gì?

    A. Em bé giúp mẹ việc nhà.

    B. Em bé thuyết phục mẹ cùng mình dạo chơi với mây và sóng.

    C. Em bé cùng mẹ sáng tạo ra trò chơi: Vẽ mây và sóng.

    D. Em bé đã sáng tạo ra trò chơi nhập vai: Con là mây, mẹ là trăng; con là sóng, mẹ là bờ biển.

    Câu 16. Với trò chơi của mình, em bé đã có được những niềm hạnh phúc như thế nào?

    A. Em bé hạnh phúc vì được cùng mẹ làm việc nhà, được giúp đỡ mẹ.

    B. Em bé hạnh phúc vì được cùng mẹ vẽ lên những bức tranh xinh đẹp về mây và sóng.

    C. Em bé hạnh phúc vì vừa có thể làm mây, làm sóng để ca hát, nô đùa, bay cao, bay xa phiêu du khắp chốn như mơ ước, lại vừa được quấn quýt bên mẹ.

    D. Em bé hạnh phúc vì được cùng mẹ dạo chơi với mây, với sóng.

    Câu 17. Những trò chơi của em bé đã thể hiện được điều gì?

    A. Thể hiện trí tưởng tượng phong phú của trẻ con.

    B. Thể hiện tình cảm đầy yêu thương của con dành cho mẹ và mẹ dành cho con.

    C. Thể hiện em sự hồn nhiên, ngây thơ của trẻ con: Ham vui, ham chơi.

    D. Thể hiện ước mơ của trẻ em: Được người lớn chơi cùng.

    Câu 18. Trong bài thơ Mây và sóng, "mây" và "sóng" là những hình ảnh ẩn dụ. Hai hình ảnh ấy ẩn dụ cho:

    A. Hình ảnh "mây" ẩn dụ cho những người thích ngao du, khám phá, thích đi khắp nơi nơi để trải nghiệm những điều vui thú trong cuộc đời. Hình ảnh "sóng" lại ẩn dụ cho những người vui vẻ, yêu đời, thích rong chơi, ca hát..

    B. Hình ảnh "mây" và "sóng" ẩn dụ cho những con người có lối sống phóng khoáng, buông tuồng.

    C. Hình ảnh "mây" và "sóng" ẩn dụ cho những con người ham vui, ham chơi, thích "lôi kéo" người khác vào những trò chơi của mình.

    D. Hình ảnh "mây" và "sóng" ẩn dụ cho những người sống lang thang, nay đây mai đó.

    Câu 19. Biện pháp tu từ được sử dụng trong hình ảnh "bình minh vàng", "vầng trăng bạc" là gì? Tượng trưng cho điều gì?

    A. Phép tu từ nhân hóa, tượng trưng cho vẻ đẹp của con người.

    B. Phép tu từ ẩn dụ, tượng trưng cho vẻ đẹp phong phú, rực rỡ, giàu có, đầy hấp dẫn, mời gọi của thiên nhiên.

    C. Phép tu từ hoán dụ, tượng tưng cho vàng, bạc.

    D. Phép tu từ điệp ngữ, tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên.

    Câu 20. Phép tu từ được sử dụng trong câu: "Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ" là gì? Tác dụng?

    A. Phép điệp từ ngữ "lăn" gợi hành động em bé hồn nhiên, tinh nghịch đang đùa nô bên mẹ, chạy sà vào lòng mẹ hết lần này đến lần khác.

    B. Phép điệp từ ngữ "lăn" gợi hình ảnh những con sóng nối tiếp nhau xô vào bờ cát trắng.

    C. Phép nhân hóa "lăn", gợi hình ảnh những con sóng giống như có hành động của con người.

    D. Phép ẩn dụ "lăn" gợi hình ảnh em bé hồn nhiên như sóng biển.

    Câu 21. Giá trị nội dung của bài thơ "Mây và sóng" :

    A. Bài thơ mượn câu chuyện của em bé với mẹ về mây và sóng để nhấn mạnh ý nghĩa: Trẻ em là nhân vật trung tâm của gia đình và xã hội vì thế các em cần được mọi người quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ.

    B. Bài thơ thể hiện lời nhắn nhủ đến trẻ em: Cần yêu thương mẹ của mình vì mẹ đã hi sinh và che chở cho chúng ta.

    C. Bài thơ thể hiện tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của em bé đối với mẹ của mình.

    D. Thông qua cuộc trò chuyện của em bé với mẹ, bài thơ Mây và sóng của Ta-go ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc. Bài thơ chứa đựng những triết lí giản dị nhưng đúng đắn về hạnh phúc trong cuộc đời.

    Câu 22. Dòng nào không phải đặc sắc nghệ thuật của bài thơ "Mây và sóng" :

    A. Sử dụng hình ảnh mây và sóng ý nghĩa biểu tượng và giàu chất trữ tình.

    B. Bài thơ có sự kết hợp giữa chất trữ tình và chất triết lí, giữa phương thức trữ tình và phương thức tự sự.

    C. Lời thơ giàu hình ảnh, nghệ thuật đối lập, ẩn dụ, nhân hóa, điệp ngữ.. đặc sắc

    D. Lời thơ hóm hỉnh, hài hước. Có tính giải trí cao.

    GỢI Ý ĐÁP ÁN

    1D; 2B; 3D; 4A; 5D; 6C; 7B; 8A; 9C; 10D; 11A; 12B

    13C; 14A; 15D; 16C; 17B; 18A; 19B; 20A; 21D; 22D

    Xem tiếp bên dưới ...
     
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Đọc hiểu Mây và sóng


    Đọc bài thơ:

    Mẹ ơi, trên mây có người gọi con:

    "Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà.

    Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc."

    Con hỏi: "Nhưng làm thế nào mình lên đó được?"

    Họ đáp: "Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây."

    "Mẹ mình đang đợi ở nhà" – con bảo – "Làm thế nào có thể rời mẹ mà đến được?"

    Thế là họ mỉm cười bay đi.

    Nhưng con biết có trò chơi thú vị hơn, mẹ ạ.

    Con là mây và mẹ sẽ là trăng.

    Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.

    Trong sóng có người gọi con:

    "Bọn tớ ca hát từ sáng sớm đến hoàng hôn.

    Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nào".

    Con hỏi: "Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?"

    Họ nói: "Hãy đến rìa biển cả, nhắm nghiền mắt lại, cậu sẽ được làn sóng nâng đi".

    Con bảo: "Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?".

    Thế là họ mỉm cười, nhảy múa lướt qua.

    Nhưng con biết trò chơi khác hay hơn.

    Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ,

    Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.

    Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào.

    (Mây và sóng, Nguyễn Khắc Phi dịch)

    Trả lời các câu hỏi:

    Câu 1. Bài thơ Mây và sóng của tác giả nào?

    Câu 2. Bài thơ Mây và sóng được viết theo thể thơ nào?

    Câu 3. Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong bài thơ là gì?

    Câu 4. Bài thơ Mây và sóng có bố cục như thế nào? Nhận xét về kết cấu bài thơ.

    Câu 5. Chủ đề của bài thơ Mây và sóng là gì?

    Câu 6. Bài thơ Mây và sóng là lời của ai nói với ai? Nói về chuyện gì?

    Câu 7. Hình ảnh mây và sóng ẩn dụ cho những người như thế nào?

    Câu 8. Lời mời gọi của những người trên mây và sóng khiến em cảm nhận được điều gì về thế giới của họ?

    Câu 9. Ban đầu, trước lời mời gọi của mây và sóng, em bé có thái độ như thế nào?

    Câu 10. Sau sự choáng ngợp ban đầu, cuối cùng, em bé đã quyết định như thế nào, quyết định đó thể hiện điều gì?

    Câu 11. Em bé đã nghĩ ra những trò chơi gì sau khi từ chối mây và sóng? Tâm trạng của em bé khi chơi những trò chơi ấy như thế nào? Qua đó ta thấy hình ảnh em bé hiện lên như thế nào?

    Câu 12. Khái quát nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

    GỢI Ý TRẢ LỜI

    Câu 1. Bài thơ Mây và sóng của tác giả R. Ta-go (1861-1941) tên đầy đủ là Ra-bin-đra-nát Ta-go. Ông là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Ấn Độ

    Câu 2. Bài thơ Mây và sóng được viết theo thể thơ tự do.

    Câu 3. Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong bài thơ: Biểu cảm, tự sự, miêu tả.

    Câu 4.

    + Bố cục bài thơ:

    - 10 dòng đầu: Cuộc trò chuyện của em bé với mây và mẹ.

    - 11 dòng cuối: Cuộc trò chuyện của em bé với sóng và mẹ.

    + Kết cấu của bài thơ có sự trùng lặp, 10 dòng đầu và 11 dòng sau có nét tương đồng nhau về nội dung và nghệ thuật biểu hiện. Tất cả được thể hiện dưới hình thức chuyện lồng trong chuyện (câu chuyện của em bé với mây, sóng lồng trong câu chuyện của em bé với mẹ) tạo nên sự độc đáo, thú vị.

    Câu 5. Chủ đề của bài thơ: Ca ngợi tình mẫu tử.

    Câu 6. Bài thơ Mây và sóng là lời của em bé nói với mẹ về cuộc đối thoại của em bé với mây và song. Mây và sóng đã mời gọi em bé đi chơi cùng mình, em bé dù rất thích thú nhưng cuối cùng đã từ chối lời mời gọi ấy vì muốn ở bên mẹ.

    Câu 7. Hình ảnh mây và sóng ẩn dụ cho những người:

    Hình ảnh "mây" ẩn dụ cho những người thích ngao du, khám phá, thích đi khắp nơi nơi để trải nghiệm những điều vui thú trong cuộc đời. Hình ảnh "sóng" lại ẩn dụ cho những người vui vẻ, yêu đời, thích rong chơi, ca hát..

    Câu 8.

    - Lời mời gọi của những người trên mây: "Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc."

    - Lời mời gọi của những trong sóng: "Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao."

    - Qua những lời mời gọi ấy, ta cảm nhận được thế giới mà mây và sóng vẽ ra là thế giới rực rỡ, diệu kì, bí ẩn, có sức hấp dẫn, đặc biệt là đối với trẻ thơ.

    Câu 9. Trước lời mời gọi đầy hấp dẫn của mây và sóng, ban đầu em bé cảm thấy vô cùng thích thú, trong tâm trí dấy lên ước muốn được cùng mây và sóng khám phá thế giới. Điều đó được thể hiện qua những câu hỏi đầy băn khoăn:

    "Nhưng làm thế nào mình lên đó được?"

    "Nhưng làm thế nào mình ra đó được?"

    Tâm trạng, thái độ ban đầu của em bé là có thể hiểu được vì những lời mời gọi ấy vô cùng thú vị, dễ hấp dẫn, đặc biệt là đối với trẻ con – lứa tuổi luôn có khát khao mãnh liệt được khám phá thế giới, sự vật xung quanh mình.

    Câu 10.

    Cuối cùng, em bé lại quyết định từ chối lời mời:

    "Mẹ mình đang đợi ở nhà - Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?"

    "Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?"

    Lời từ chối của em bé dễ thương và cảm động. Dù luyến tiếc cuộc vui nhưng vì nghĩ đến mẹ, nghĩ cho mong muốn của mẹ (đợi con, muốn con ở nhà) nên em bé đã từ chối những lời mời hấp dẫn đó. Lời từ chối ấy đã thể hiện tình yêu thương mà em bé dành cho mẹ. Tình yêu ấy đã trở thành sức mạnh, thành động lực để em bé vượt qua những cám dỗ.

    Câu 11.

    - Trò chơi của em bé và mẹ:

    "Con là mây và mẹ là trăng.

    Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm".

    "Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ.

    Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ."

    Em bé cảm thấy vui vẻ và thích thú với những trò chơi ấy. Vì chơi những trò ấy, em vừa thỏa mong ước được làm mây, làm sóng, vừa được vui đùa cùng mẹ.

    Hình ảnh em bé hiện lên vừa có những nét ngây thơ đáng yêu đồng thời thể hiện thông minh, trí tưởng tượng phong phú và tình yêu thương mẹ thiết tha.

    Câu 12:

    - Giá trị nội dung: Thông qua cuộc trò chuyện của em bé với mẹ, bài thơ Mây và sóng của Ta-go ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc. Bài thơ chứa đựng những triết lí giản dị nhưng đúng đắn về hạnh phúc trong cuộc đời.

    - Giá trị nghệ thuật:

    + Sử dụng hình ảnh mây và sóng ý nghĩa biểu tượng và giàu chất trữ tình.

    + Bài thơ có sự kết hợp giữa chất trữ tình và chất triết lí, giữa phương thức trữ tình và phương thức tự sự.

    + Lời thơ giàu hình ảnh, nghệ thuật đối lập, ẩn dụ, nhân hóa, điệp ngữ.. đặc sắc.
     
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Cảm nhận về bài thơ Mây và sóng - bài văn:

    "Thế giới có nhiều kì quan, nhưng kì quan đẹp nhất là trái tim người mẹ." Có thể nói, tình yêu mẹ dành cho con là tình yêu không giới hạn. Tình yêu ấy trở thành nguồn cảm xúc vô tận để các nhà văn, nhà thơ viết lên những áng ăn thơ bất hủ. Riêng với nhà thơ Ta-go, tình yêu của mẹ đã hiện hữu thành sức mạnh giúp người con từ chối những cám dỗ vui thú của cuộc đời để ở bên mẹ. Điều đó được Ta-go gửi vào bài thơ "Mây và sóng". Với lời thơ giản dị, nhẹ nhàng như một câu chuyện kể, bài thơ "Mây và sóng" để lại nhiều dư âm sâu lắng trong lòng độc giả.

    Ta-go là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của đất nước Ấn Độ. Thơ của ông cuốn hút người đọc bởi chất trí tuệ sâu sắc. Trí tuệ mà không mất đi chất trữ tình đắm thắm, lắng sâu. Sự quyện hòa ấy đã tạo nên nét riêng của thơ Ta-go, khiến thơ ông được vinh dự đón nhận giải No-bel danh giá. Hãy lắng nghe tiếng thơ đằm thắm, lắng sâu ấy của Ta-go qua bài thơ "Mây và sóng". Bài thơ mang màu sắc, âm hưởng như một khúc đồng dao tắm mát những tâm hồn thơ trẻ.

    "Mây và sóng" là một đóa hoa đẹp trong khu vườn thơ Ta-go. Bài thơ được in trong tập thơ "Trăng non" - tập thơ dành riêng cho trẻ thơ. Với sứ mệnh của một "người làm vườn", Ta-go đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ bằng những vần thơ đầy sức lay động. Để nhờ những bài thơ như "Mây và sóng", tâm hồn trẻ được lớn lên trong yêu thương, nhân ái.

    Với sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và yêu tố trữ tình, bài thơ có kết cấu chuyện lồng trong chuyện. Câu chuyện giữa em bé với mây và sóng được em kể lại cho mẹ nghe, qua đó bộc lộ tình yêu thương của em dành cho mẹ. Giản dị, mộc mạc vậy thôi mà ẩn sau đó là chiều sâu trí tuệ và triết lý.

    Bài thơ chia làm hai khổ, có kết cấu khá tương đồng, cách tổ chức câu thơ có phần lặp lại từ đoạn trước sang đoạn sau. Đoạn đầu là câu chuyện của em bé với mẹ và với mây, đoạn sau là câu chuyện của em bé với mẹ và sóng:

    Mẹ ơi, trên mây có người gọi con:

    "Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà.

    Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc".

    Trong sóng có người gọi con:

    "Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn.

    Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nào".


    Có lẽ trong khoảnh khắc nào đó, em bé đã ngước lên khoảng không trong xanh, nơi có những chùm mây trắng đang chậm chạp vượt qua bầu trời. Và em tưởng tượng như trên đó đang có người gọi mình. Lời mời gọi mới hấp dẫn làm sao: "Bọn tớ" - những người trên mây ấy rong ruổi khắp bầu trời từ bsáng sớm tới khi chiều tà. Sáng thì vui chơi cùng "bình minh vàng", tối lại vui chơi cùng "vầng trăng bạc". "Bọn tớ" - những người trong sóng cũng vui đùa ca hát suốt cả ngày và ngao du hết nơi này nơi khác. Nhà thơ đã nhìn thấy những đám mây bồng bềnh trên bầu trời là những cuộc rong chơi bất tận. Nhà thơ còn nhìn thấy trong tiếng sóng vỗ rì rào xô bờ cát kia là tiếng hát của sóng biển, trong không gian mênh mông biển cả là những cuộc du ngoạn không bến bờ. Và nhà thơ đã trao những gì nhìn thấy ấy cho mây, cho sóng trong phép nhân hóa đặc sắc.

    Trẻ con ai chẳng thích được vui chơi. Được chơi cùng những thứ đẹp đẽ, kì thú như mặt trăng, mặt trời thì còn gì vui thích hơn? Những người trên mây ấy đã đánh thức nơi tâm hồn thơ trẻ khát khao vui chơi và khám phá thế giới. Thế giới của mây của sóng chính là ẩn dụ cho thế giới bao la, rộng lớn, đầy những điều vui thú, bí ẩn chờ khám phá. Khát khao được khám phá những điều bí ẩn tuyệt với ấy đã hiện hữu thành những câu hỏi đầy hào hức của em bé:

    "Nhưng làm thế nào mình lên đó được?"

    "Nhưng làm thế nào ra ngoài đó được?"


    Đi theo họ, em bé sẽ được đến với những nơi đẹp đẽ nhất, khám phá mọi thứ kì diệu trên thế gian và được vui vẻ suốt cả ngày. Em bé háo hức được vui chơi cùng bình minh vàng, cùng vầng trăng bạc, được ca hát từ sáng sớm đến hoàng hôn, được ngao du nơi này nơi nọ.. Thế giới mở ra trước mắt trẻ thơ với bao điều kì thú, như thúc giục, như vẫy gọi. Và việc thực hiện điều đó cũng dễ dàng biết bao:

    "Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây"

    "Hãy đến rìa biển cả, nhắm nghiền mắt lại, cậu sẽ được làn sóng nâng đi".

    Nhưng cuối cùng em bé đã không đi theo những người trong mây và trong sóng, vì một suy nghĩ đầy yêu thương:

    "Mẹ mình đang đợi ở nhà" - con bảo - "Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?".

    "Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?".


    Lí do em bé từ chối lời mời gọi của những người trên mây và trong sóng thật đáng yêu và xúc động: Mẹ đang đợi mình, mẹ luôn muốn mình ở nhà những buổi chiều. Em bé không muốn mẹ ở nhà một mình, mẹ sẽ buồn. Hai tiếng "làm sao" có gì đó vừa luyến tiếc mà lại vừa dứt khoát. Luyến tiếc không được đi chơi, nhưng cũng dứt khoát về nhà với mẹ. Em bé đã biết suy nghĩ cho mẹ, cảm nhận được nỗi nhớ, nỗi buồn của mẹ nếu phải xa em. Điều này khiến người đọc rưng rưng. Bởi không phải em bé nào cũng sâu sắc và biết nghĩ cho người khác như thế. Thơ Ta- go vừa giãi bày mà vừa như nhắn nhủ vậy đấy. Mỗi bạn trẻ hãy biết quan tâm đến cảm xúc của mẹ mình nhé! Lời nhắn nhủ ấy nhà thơ không nói ra mà để ẩn chìm trong lớp vỏ ngôn từ, trong cách ứng xử đầy nhân văn của em bé. Chất trí tuệ của thơ trữ tình Ta-go chính là ở đó.

    Tình yêu dành cho mẹ cùng khát khao khám phá thế giới đã thôi thúc em bé sáng tạo ra trò chơi nhập vai ngộ nghĩnh, đáng yêu:

    Nhưng con biết có trò chơi thú vị hơn, mẹ ạ.

    Con là mây và mẹ sẽ là trăng.

    Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.

    Nhưng con biết trò chơi khác hay hơn.

    Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ,

    Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.

    Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào.


    Với em bé, trò chơi "thú vị hơn", "hay hơn" chơi cùng mây, cùng sóng chính là chơi đùa cùng mẹ trong trò nhập vai rất riêng của con trẻ: Con là mây, là sóng, còn mẹ sẽ là ánh trăng, là bờ biển. Con vẫn được phiêu du khắp chốn, thỏa niềm ao ước. Còn mẹ vẫn được ở bên cạnh con, che chở, vỗ về.. Hình ảnh em bé sà vào lòng mẹ và tưởng tượng như con sóng đang lăn vào bờ thật là một liên tưởng thú vị. Sự tương đồng giữa hai hành động ấy vừa gợi lên hình ảnh những con sóng nối tiếp nhau, chạy đuổi theo nhau lan xa trên mặt đại dương bao la rồi vỗ vào bờ cát, vừa gợi lên hình ảnh em bé hết lần này đến lần khác sà vào lòng mẹ đầy yêu thương.

    Bài thơ là câu chuyện cảm động về tình cảm mẹ con dành cho nhau. Tình cảm ấy chính là tình mẫu tử thiêng liêng, đáng trân trọng hơn bất cứ một sự mời gọi, cám dỗ nào. Tất cả ý nghĩa sâu xa, thấm thía ấy của bài thơ được biểu đạt bằng cách kể chuyện chậm rãi, êm ái, bằng những liên tưởng, tưởng tượng thú vị của nhà thơ Ta-go.
     
    Chỉnh sửa cuối: 30 Tháng ba 2023
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Cảm nhận về bài thơ Mây và sóng - đoạn văn:

    Bài thơ Mây và sóng của Ta-go là lời của một em bé kể lại cho mẹ nghe câu chuyện của mình với những người "trong mây" và "trong sóng". Qua câu chuyện hồn nhiên đáng yêu ấy, người đọc cảm nhận được tình yêu bao la mà em bé dành cho mẹ, và sự chở che, yêu thương vô bờ mà mẹ dành cho con. Trong bài thơ, em bé kể lại chuyện mình nghe được những lời mời gọi trong mây và trong sóng. Những lời mời gọi ấy thật hấp dẫn làm sao. Đi theo họ, em bé sẽ được đến với những nơi đẹp đẽ nhất, khám phá mọi thứ kì diệu trên thế gian và được vui vẻ ca hát suốt cả ngày. Em bé rất thích thú với điều đó. Trẻ con luôn có khát khao khám phá, khát khao ấy đã thốt lên thành những băn khoăn: "Nhưng làm thế nào mình lên đó được?", "Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?". Em bé háo hức được vui chơi cùng bình minh vàng, cùng vầng trăng bạc, được ca hát từ sáng sớm đến hoàng hôn, được ngao du nơi này nơi nọ.. Thế giới mở ra trước mắt trẻ thơ với bao điều kì thú, như thúc giục, như vẫy gọi. Nhưng cuối cùng em bé đã không đi theo những người trong mây và trong sóng, vì một suy nghĩ đầy yêu thương: Mẹ đang chờ ở nhà, mẹ luôn muốn em ở nhà các buổi chiều, làm sao em rời mẹ mà đi được. Và vì muốn được bên mẹ, vui chơi cùng mẹ, làm cho mẹ vui, em bé đã nghĩ ra những trò chơi ngộ nghĩnh: Con là mây, là sóng, còn mẹ sẽ là ánh trăng, là bờ biển. Con vẫn được phiêu du khắp chốn, thỏa niềm ao ước. Còn mẹ vẫn được ở bên cạnh con, che chở, vỗ về.. Hình ảnh em bé sà vào lòng mẹ và tưởng tượng như con sóng đang lăn vào bờ thật là một liên tưởng thú vị. Sự tương đồng giữa hai hành động ấy vừa gợi lên hình ảnh những con sóng nối tiếp nhau, chạy đuổi theo nhau lan xa trên mặt đại dương bao la rồi vỗ vào bờ cát, vừa gợi lên hình ảnh em bé hết lần này đến lần khác sà vào lòng mẹ đầy yêu thương. Bài thơ là câu chuyện cảm động về tình cảm mẹ con dành cho nhau. Tình cảm ấy chính là tình mẫu tử thiêng liêng, đáng trân trọng hơn bất cứ một sự mời gọi, cám dỗ nào. Tất cả ý nghĩa sâu xa, thấm thía ấy của bài thơ được biểu đạt bằng cách kể chuyện chậm rãi, êm ái, bằng những liên tưởng, tưởng tượng thú vị của nhà thơ Ta-go.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...