A. ÔN TẬP ĐỌC HIỂU Bài tập 1. Đọc văn bản sau: Bà Sarah Gilbert - "bộ óc" đằng sau vắc xin Covid-19 AstraZeneca (Thứ Năm, 26/08/2021 - 19: 45, Dân trí) Vắc xin Covid-19 của AstraZeneca/Oxford trở thành phao cứu sinh cho hàng triệu người nhờ tính hiệu quả, dễ bảo quản và giá rẻ. Điều này có được là nhờ vào bà Sarah Gilbert - "mẹ đẻ" của vắc xin này. Bà Gilbert là giáo sư chuyên ngành vắc xin tại Viện Nghiên cứu Jenner của Đại học Oxford, một trong những trung tâm nghiên cứu y khoa hàng đầu thế giới. Tại Oxford, bà thiết lập một nhóm nghiên cứu riêng với tham vọng tạo ra một loại vắc xin có thể chống được nhiều chủng loại cúm khác nhau. Năm 2014, bà dẫn đầu việc thử nghiệm vắc xin Ebola. Khi Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) xuất hiện, bà đã sang tận Ả rập Xê út với hy vọng phát triển được một loại vắc xin dành cho chủng virus corona này. Nhưng khi vắc xin MERS chỉ mới thử nghiệm lần thứ hai thì đại dịch Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc vào đầu năm 2020. Bà nhanh chóng nhận ra mình có thể phát triển vắc xin Covid-19 tương tự cách đã làm với MERS. Theo BBC, chỉ trong một tuần sau khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố cấu trúc di truyền của loại virus mới, nhóm của bà Gilbert đã thiết kế xong vắc xin Covid-19. Nhưng kinh phí đâu ra để thử nghiệm lâm sàng, một việc vô cùng tốn kém và mất thời gian? Đây là vấn đề hóc búa được đặt ra. Bà Gilbert đã tích cực thuyết phục các đề tài khác trợ giúp kinh phí, kêu gọi chính phủ tài trợ và cả nhóm đã vui mừng trước tin chính phủ Anh hỗ trợ kinh phí 22 triệu bảng Anh thử nghiệm và sản xuất vắc xin. Bà Gilbert sau đó chạy đua với thời gian trong bối cảnh số ca tử vong trên toàn cầu tăng nhanh vì Covid-19. Bà làm việc có khi từ 4 giờ sáng đến tận tối muộn. Đầu tháng 4/2020, lô vắc xin đầu tiên được sản xuất để chuẩn bị cho việc thử nghiệm. Bà Gilbert mô tả rằng quá trình này là một loạt những bước nhỏ liên tiếp nhau, chứ không phải là một khoảnh khắc phát hiện bùng nổ nào đó. "Ngay từ đầu, chúng tôi đã xem đây là một cuộc chạy đua với virus, không phải cuộc chạy đua với các nhà phát triển vắc xin khác.. Là người đã phát minh ra loại vắc xin này, tôi có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng tôi từ chối nhận bằng sáng chế vắc xin. Tôi không muốn độc quyền sáng chế vì tôi muốn chia sẻ công nghệ này để mọi người có thể sản xuất vắc xin", báo The Stardẫn lời bà Gilbert. Theo mong muốn của bà Gilbert, AstraZeneca cam kết không thu lợi nhuận từ vắc xin Covid-19 trong đại dịch. Và giá vắc xin này vẫn sẽ được giữ nguyên với các nước đang phát triển, kể cả khi đại dịch kết thúc. Năm 2020, bà Gilbert là một trong số các nữ nhà khoa học được hãng truyền thông BBC vinh danh trong danh sách 100 Phụ nữ Tiêu biểu của năm trên toàn cầu vì những đóng góp không mệt mỏi cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. (Theo dantri.com.vn) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Văn bản cung cấp cho người đọc thông tin chính nào? Căn cứ để xác định thông tin đó là gì? Câu 2. Từ "mẹ đẻ " trong sa-pô của văn bản có nghĩa là gì? Câu 3. Tìm những chi tiết cho thấy bà Gilbert đã chạy đua với thời gian để tạo ra vacxin AstraZeneca. Câu 4. Câu nói sau của bà Gilbert cho thấy bà là người như thế nào? "Ngay từ đầu, chúng tôi đã xem đây là một cuộc chạy đua với virus, không phải cuộc chạy đua với các nhà phát triển vắc xin khác.. Là người đã phát minh ra loại vắc xin này, tôi có thể kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng tôi từ chối nhận bằng sáng chế vắc xin. Tôi không muốn độc quyền sáng chế vì tôi muốn chia sẻ công nghệ này để mọi người có thể sản xuất vắc xin". Câu 5. Từ văn bản đọc hiểu, hãy rút ra thông điệp ý nghĩa từ việc làm của bà Sarah Gilbert. Bài tập 2. Đọc đoạn trích sau: Theo ước tính của nhiều nhà khoa học, trên Trái Đất hiện có khoảng trên 10 000 000 loài sinh vật. Hiện nay, con người mới chỉ nhận biết được khoảng trên 1 400 000 loài, trong đó có hơn 300 000 loài thực vật và hơn 1 000 000 loài động vật. Rõ ràng, phải rất lâu nữa chúng ta mới lập được một danh sách sát thực tế hơn về những cư dân của hành tinh này. Dù vậy, điều đó không ngăn cản các nhà khoa học đưa ra những nhận định khái quát nhất về lịch sử tiến hóa hay sự phụ thuộc lẫn nhau của muôn loài. (Ngọc Phú, Các loài chung sống với nhau như thế nào ? , theo Báo điện tử Đất Việt - Diễn đàn của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, 9/2020) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 2 . Nội dung chính của đoạn trích là gì? Câu 3. Tác giả đoạn trích muốn nói gì qua câu "Rõ ràng, phải rất lâu nữa chúng ta mới lập được một danh sách sát thực tế hơn về những cư dân của hành tinh này ."? Câu 4 . Nếu bỏ đi các số liệu cụ thể, tính thuyết phục của thông tin được nêu trong đoạn trích sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Câu 5 . Cụm từ "cư dân của hành tinh" không chỉ nói riêng về con người. Cách dùng cụm từ này trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì? Câu 6. Giữa số lượng loài sinh vật tồn tại trên thực tế với số lượng loài đã được con người nhận biết có một khoảng cách rất xa. Việc nhận thức sâu sắc về vần đề này có ý nghĩa gì đối với con người nói chung, đối với anh/chị nói riêng? Bài tập 3. Đọc đoạn trích sau: Việt Nam đối mặt với dân số già Sau khi bắt đầu thời kỳ già hóa dân số vào năm 2011 với tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 9, 9%, Việt Nam sẽ trải qua giai đoạn dân số già từ 2026 - 2054 khi tỉ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm từ 10 - 19, 9%. Như vậy, như nhiều chuyên gia từng cảnh báo, VN chưa giàu nhưng dân số đã bắt đầu già hóa. Và từ 2054 - 2069, Việt Nam sẽ trải qua giai đoạn dân số rất già, khi người từ 65 tuổi trở lên chiếm 20 - 29, 9%. VN cũng được xem là quốc gia có thời gian chuyển từ "già hóa dân số" sang "dân số già" vào nhóm nhanh trên thế giới, dự báo là 20 năm, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc là 26 năm, Anh và Tây Ban Nha 45 năm.. Dân số già nhanh Phát biểu tại hội thảo "Dân số và phát triển", được Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức ngày 24-12, ông Nguyễn Doãn Tú, tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, cho rằng một trong những chính sách để hạn chế tốc độ già hóa dân số là duy trì mức sinh thay thế. "Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế, giữ được tổng tỉ suất sinh ở mức xung quanh 2 con/bà mẹ từ 2006 đến nay" - ông Tú chia sẻ. Tuy nhiên, những chính sách để hỗ trợ thêm còn rất ít, thậm chí chưa có. "Hãy đặt mình vào vị trí của các công nhân, sinh con nhưng nhà trẻ, trường mẫu giáo.. đều ít có hoặc chi phí cao, các gia đình trẻ ít dám sinh con. Ngay các gia đình ở thành thị, hai vợ chồng có công việc ổn định nhưng mức lương thông thường cũng rất khó khăn khi nuôi 2 con ăn học" - ông Tú bình luận. Chính vì lý do này, dù đã có chính sách nhằm nâng mức sinh ở vùng có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế, đồng thời giảm mức sinh ở vùng có mức sinh cao, nhưng mức sinh được thông báo gần nhất ở TP. HCM ở mức trên 1, 3 con/bà mẹ vẫn là mức sinh thấp nhất nước và còn có xu hướng giảm thêm. "Kinh nghiệm ở Hàn Quốc và nhiều quốc gia cho thấy nếu mức sinh đã xuống thấp sẽ rất khó để tăng sinh trở lại. Khi mức sinh thấp, dân số càng già với tốc độ nhanh hơn" - ông Tú khuyến cáo. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Trường, vụ trưởng Vụ Cơ cấu và quy mô dân số (Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình), đặc điểm của người cao tuổi ở Việt Nam là trên 70% phải tự lao động kiếm sống với sự hỗ trợ của con cháu, chỉ 25, 5% sống bằng lương hưu và trợ cấp xã hội. Con số này dự báo không có thay đổi nhiều trong thời gian tới. Trong năm 2020, Hà Nội chỉ mới có khoảng 40% người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và theo mục tiêu đến năm 2021, 45% người lao động cả nước sẽ tham gia bảo hiểm xã hội. Khi bước vào thời kỳ dân số già, số người già tăng cao cùng với tỉ lệ người già không có lương hưu/trợ cấp cũng tăng theo vô hình trung sẽ là một gánh nặng về an sinh xã hội. (Nguồn tin: Sưu tầm) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Nêu thông tin chính trong văn bản. Câu 2. Thông tin trong văn bản trên thuộc loại thông tin gì? Câu 3. Việc trích dẫn bình luận của những chuyên gia dân số có tác dụng gì? Câu 4. Đặc điểm nào của ngôn ngữ khiến ta nhận ra văn bản trên là một bản tin? Câu 5. Nêu mạch triển khai thông tin trong văn bản. Câu 6. Tại sao đoạn sapo: "Sau khi bắt đầu thời kỳ già hóa dân số vào năm 2011 với tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 9, 9%, Việt Nam sẽ trải qua giai đoạn dân số già từ 2026 - 2054 khi tỉ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm từ 10 - 19, 9%" chỉ nói tới năm 2011 (đã qua) và khoảng năm 2026 – 2054 (chưa tới) mà không nói tới thời gian thực tại? Câu 7 . Quan điểm của người viết thể hiện qua văn bản trên là gì? Câu 8. Nêu một số tác hại khi dân số già? Bài tập 4. Đọc văn bản sau: Băng tuyết của Bắc Băng Dương đang biến mất nhanh đến mức khó tin. Trong tháng 9/2007, băng tuyết chỉ còn bao phủ một diện tích bằng nửa châu Âu. Theo tính toán của Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ, so với khoảng thời gian giữa thập niên 80 và 90, Trái đất đã mất gần 40% lượng băng tuyết. Trong mùa hè năm 2007, nhiệt độ vùng eo biển Bering tăng cao hơn mức trung bình 5 độ C. Đây là mức chênh lệch lớn nhất trong lịch sử. Bắc Cực biến đổi nhanh hơn dự báo của các mô hình khí hậu toàn cầu. Tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày càng tăng không thể giải thích hiện tượng này. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, Na Uy và Đức đã hé mở nhiều điều mới mẻ. Các chuyên gia cho biết, tuần hoàn khí quyển ở phương bắc đã thay đổi hoàn toàn vào đầu thập niên này. Sự biến đổi khí hậu đột ngột mang nhiều luồng khí nóng đến Bắc Cực và là động lực chính dẫn tới những biến đổi khí hậu đang xảy ra tại đây. Nhóm nghiên cứu không loại trừ khả năng khí hậu trong vùng Bắc Cực đã vượt quá điểm giới hạn nên không thể đảo ngược lại được nữa. Băng tuyết sẽ tan hoàn toàn trong mùa hè. Một đại dương không có băng sẽ hấp thụ ánh sáng Mặt Trời nhiều hơn. Nhiệt độ của đại dương sẽ tăng lên thay vì phản chiếu lại các tia nắng khi có lớp băng giá bao phủ. "Trong trường hợp của băng tuyết vùng Bắc Cực, chúng ta đã vượt quá cái được gọi là điểm không thể đảo ngược", nhà nghiên cứu khí hậu nổi tiếng người Mỹ James Hansen, giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ Goddard của NASA, nói. Nhà vật lý học Rüdiger Gerdes, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho rằng băng tuyết Bắc Cực sẽ "biến mất nhanh chóng, nếu như mô hình biến đổi khí hậu hiện nay tiếp tục tồn tại". Tuy Bắc Băng Dương sẽ vẫn đóng băng trong mùa đông, nhưng lượng băng tuyết hình thành quá ít để có thể tồn tại qua mùa hè. James Overland, chuyên gia của Phòng nghiên cứu môi trường biển Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho rằng, ngay cả khi sự tuần hoàn ở Bắc Cực lại trở về trạng thái bình thường (hiện tượng này chỉ xuất hiện 10 năm một lần) thì khu vực này vẫn khó có thể quay trở lại trạng thái ban đầu. "Cứ mỗi lần như vậy, chúng ta mất nhiều băng tuyết đến mức Bắc Cực không thể trở lại trạng thái ban đầu được nữa. Một kỷ nguyên mới của biến đổi khí hậu đã bắt đầu với những thay đổi to lớn ở cực bắc của địa cầu", James nhận định. (Nguồn: Khoahoc. Tv) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Nêu chủ đề của đoạn trích trên là gì? Câu 2. Theo đoạn trích hiện tượng băng tan ở Bắc Cực được lí giải bởi nguyên nhân nào? Câu 3. Theo đoạn trích, trong tháng 9/2007 diện tích băng tuyết ở Bắc Cực như thế nào? Câu 4. Từ "điểm giới hạn" trong đoạn trích có thể được thay thế bằng cụm từ nào? Câu 5. Ý kiến nào được các nhà nghiên cứu nói đến trong đoạn trích? Câu 6. Người viết đánh giá như thế nào về hiện tượng băng tan ở Bắc Cực? Câu 7. Việc đưa số liệu so sánh trong đoạn đầu văn bản trên có tác dụng gì? Câu 8. Theo anh chị, hiện tượng băng tan sẽ gây ra những hậu quả nào? Câu 9. Việc đưa ra các ý kiến của các nhà khoa học trong văn bản có tác dụng gì? Câu 10. Anh/chị hãy đề xuất một số giải pháp giảm thiểu sự nóng lên của Trái Đất. Bài tập 5. Đọc đoạn trích sau: Giữa các dân tộc, chúng ta không thể tự hào là nền văn hóa của ta đồ sộ, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật. Ở một số dân tộc, hoặc là một tôn giáo, hoặc là một trường phái triết học, một ngành khoa học, một nền âm nhạc, hội họa.. phát triển rất cao, ảnh hưởng phổ biến và lâu dài đến toàn bộ văn hóa, thành đặc sắc văn hóa của dân tộc đó, thành thiên hướng văn hóa của dân tộc đó. Ở ta, thần thoại không phong phú - hay là có nhưng một thời gian nào đó đã mất hứng thú lưu truyền? Tôn giáo hay triết học cũng đều không phát triển. Người Việt Nam không có tâm lí kiền thành (cung kính, thành khẩn), cuồng tín tôn giáo, mà cũng không say mê tranh biện triết học. Các tôn giáo đều có mặt, nhưng thường là biến thành một lối thờ cúng, ít ai quan tâm đến giáo lí. Không có một ngành khoa học, kĩ thuật, giả khoa học (các bộ môn bề ngoài giống như khoa học, nhưng không phải là khoa học) nào phát triển đến thành có truyền thống. Âm nhạc, hội họa, kiến trúc đều không phát triển đến tuyệt kĩ (khéo léo đến cực đỉnh). Trong các ngành nghệ thuật, cái phát triển nhất là thơ ca. Hầu như người nào cũng có thể, cũng có dịp làm dăm ba câu thơ. Nhưng số nhà thơ để lại nhiều tác phẩm thì không có. [..] Nhìn vào lối sống, quan niệm sống, ta có thể nói người Việt Nam sống có văn hóa, người Việt Nam có nền văn hóa của mình. Những cái thô dã, những cái hung bạo đã bị xóa bỏ để có cái nền nhân bản. Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa. Không có khát vọng để hướng đến những sáng tạo lớn mà nhạy cảm, tinh nhanh, khôn khéo gỡ các khó khăn, tìm được sự bình ổn. Những cái vừa nói là cái đã lắng đọng, đã ổn định, chắc chắn là kết quả của sự dung hợp của cái vốn có, của văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo, cái được dân tộc sàng lọc, tinh luyện để thành bản sắc của mình. Phật giáo, Nho giáo tuy từ ngoài du nhập vào nhưng đều để lại dấu ấn sâu sắc trong bản sắc dân tộc. Có điều, để thích ứng với cái vốn có, Phật giáo không được tiếp nhận ở khía cạnh trí tuệ, cầu giải thoát, mà Nho giáo cũng không được tiếp nhận ở khía cạnh nghi lễ tủn mủn, giáo điều khắc nghiệt. Đạo giáo hình như không có nhiều ảnh hưởng trong văn hóa nhưng tư tưởng Lão - Trang thì lại ảnh hưởng nhiều đến lớp trí thức cao cấp, để lại dấu vết khá rõ trong văn học. Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hóa không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hóa những giá trị văn hóa bên ngoài. Về mặt đó, lịch sử chứng minh là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh. " (Trần Đình Hượu, Nhìn về vốn văn hóa dân tộc, NXB Giáo dục Việt Nam, Ngữ văn 12, tập một, 2014) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Theo tác giả đoạn trích, người Việt Nam có" sở trường "nhất ở ngành nghệ thuật nào? Câu 2. Phong cách ngôn ngữ của đoạn trích là gì? Câu 3. Theo lập luận của tác giả, văn hóa Việt Nam thể hiện rõ nhất đặc điểm nào? Câu 4. Đoạn trích bàn về vấn đề gì? Câu 5. Thao tác lập luận chính của đoạn trích là gì? Câu 6. Nêu nội dung chính của đoạn trích:" Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hóa không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hóa những giá trị văn hóa bên ngoài. Về mặt đó, lịch sử chứng minh là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh " Câu 7. Qua đoạn trích, tác giả bày tỏ quan điểm gì? Câu 8. Anh/chị hiểu như thế nào về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam? Câu 9. Vì sao có thể khẳng định:" Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hóa không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hóa các giá trị văn hóa bên ngoài. Về mặt đó, lịch sử chứng minh là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh. "? Câu 10. Nhận xét về giá trị nghệ thuật của đoạn trích. B. ÔN TẬP NGHỊ LUẬN VĂN HỌC BÀI TẬP 1 [..] Người cha khốn nạn nhìn đứa con chòng chọc, thở dài. Một giọt lệ từ từ lăn xuống chiếu. - Thầy bảo gì con ạ? - Lúc nãy mẹ con mày ăn cám phải không? Gái gượng cười cãi: - Ăn chè đấy chứ. Bố nó chép miệng: - Khốn nạn, chè đâu mà ăn, cơm còn không có nữa là chè! Rõ mày khổ từ trong bụng mẹ.. Cái Gái cúi đầu xuống không nói. Anh đĩ Chuột thở dài: - Con đi lấy cho thầy cái ghế buộc giậu, với sợi thừng ở gác bếp để thầy mắc lại cái võng, thế này cao quá. Cái Gái lấy ghế và thừng vào. Anh đĩ bảo: - Để đấy cho thầy rồi ra vườn làm cỏ đi. Nó ra vườn, anh gượng ngồi dậy, xuống khỏi giường, mon men ra đóng chặt cửa buồng lại. Anh lấy cái thừng, làm một cái tròng chắc chắn, dùng hết sức tàn còn lại, trèo lên ghế, hai chân khẳng khiu run lẩy bẩy. Anh buộc cẩn thận một đầu dây lên xà nhà, buộc xong, mệt quá, anh đu vào cái thừng, gục đầu xuống thở. Anh thấy lòng chua xót, nước mắt giàn ra hai má lõm. Rồi anh quả quyết, anh đứng thẳng người lên, chui đầu vào tròng, cái thừng cứng cáp cọ vào cổ làm anh rùng mình, khóc nấc lên một tiếng. Cả cái thân hình mảnh dẻ bắt đầu rung chuyển như một tàu lá run trước gió. Bỗng anh ngừng bặt, ngây người ra nghe ngóng. Tiếng ai vừa gọi ngoài ngõ, tiếp đến cái Gái thưa và chạy ra, tiếng người kia the thé: - Bu mày đâu? Tiếng cái Gái rụt rè đáp lại: - Bẩm bà, bu con đi vắng. - Đi vắng! Đi vắng mãi! Mày về bảo con mẹ mày nội ngày mai không trả tiền tao thì tao đào mả lên đấy. Cái giống chỉ biết ăn không. Anh đĩ Chuột rít hai hàm răng lại. Hai chân giận dữ đạp phắt cái ghế đổ văng xuống đất. Cái tròng rút mạnh lại. Cái bộ xương bọc da giãy giụa như một con gà bị bẫy, sau cùng, nó chỉ còn gật từng cái chậm dưới sợi dây thừng lủng lẳng. Ở ngoài ngõ, mẹ con chị đĩ Chuột vừa kêu khóc vừa van lạy. Bà Huyện nhất định bắt mẻ gạo mới đong để trừ sáu hào chị Chuột vay từ hai tháng trước cho chồng uống thuốc. (Trích" Nghèo "- Nam Cao) Anh/chị hãy phân tích đoạn trích trên để thấy tình cảnh của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ đó nhận xét về thái độ, tình cảm của nhà văn. BÀI TẬP 2 [..] Mới đầu, Lộ tưởng ngồi như thế, có lẽ là yên ổn đấy. Nhưng người ta tồi lắm. Người ta nhất định bêu xấu hắn. Trong nhà đám, một chỗ dù kín đáo thế nào, mà chả có người chạy qua, chạy lại. Mỗi người đi qua lại hỏi hắn một câu: - Lộ à, mày? Cũng có người đế thêm: - Chà! Cỗ to đấy nhỉ? Đằng ấy hóa ra lại.. bở! A! Thế ra họ nói kháy anh cu Lộ vậy, cáu lắm. Hắn tặc lưỡi một cái và nghĩ bụng:" Muốn nói, ông cho chúng mày nói chán! Ông cần gì!.. "Hắn lập tức bê cỗ về sân, đặt lên phản, ung dung ngồi. Nói thật ra, thì hắn cũng không được ung dung lắm. Tai hắn vẫn đỏ như cái hoa mào gà, và mặt hắn thì bẽn lén muốn chữa thẹn, hắn nhai nhồm nhoàm và vênh vênh nhìn người ta, ra vẻ bất cần ai. Sau cái bữa đầu, hắn thấy thế cũng chẳng sao, và bữa thứ hai đã quen quen, không ngượng nghịu gì mấy nữa. Bữa thứ ba thì quen hẳn. Muốn báo thù lại những anh đã cười hắn trước, tự hắn đi bưng lấy cỗ, và chọn lấu một cỗ thật to để các anh trông mà thèm. Bây giờ thì đến lượt người chủ không được bằng lòng. Có một mình nó ăn mà đòi một cỗ to hơn bốn người ăn!.. - Mẹ kiếp! Không trách được người ta bảo:" Tham như mõ ". A! Họ bảo hắn là mõ vậy.. Tham như mõ vậy!.. Đã vậy thì hắn tham cho mà biết!.. Từ đấy, không những hắn đòi cỗ to, lúc ăn hắn lại còn đòi xin thêm xôi, thêm thịt, thêm cơm nữa. Không đem lên cho hắn thì tự hắn xông vào chỗ làm cỗ mà xúc lấy. Ăn hết bao nhiêu thì hết, còn lại hắn gói đem về cho vợ con ăn, mà nếu vợ con ăn không hết, thì kho nấu lại để ăn hai ba ngày.. Hà hà! Phong lưu thật!.. Cho chúng nó cứ cười khoẻ đi! (Trích" Tư cách mõ"- Nam Cao) Anh chị hãy viết bài văn nghị luận phân tích đoạn trích trên. * * * HỆ THỐNG KIẾN THỨC LÝ LUẬN VỀ TÁC PHẨM TRUYỆN I. Sức hấp dẫn của truyện kể 1. Cốt truyện 2. Sự kiện 3. Nhân vật 4. Thời gian, không gian 5. Tình huống truyện 6. Kết cấu II. Quyền năng của người kể chuyện 1. Ngôi kể 2. Điểm nhìn toàn tri và điểm nhìn hạn tri 3. Lời người kể chuyện, lời nhân vật 4. Quyền năng của người kể chuyện 5. Cảm hứng chủ đạo, chủ đề của truyện