Ôn tập - Đọc hiểu truyện ngắn Nam Cao - Ngữ văn 11, chương trình mới

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 15 Tháng mười hai 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Yêu cầu khi đọc hiểu văn bản truyện là học sinh nhận biết, phân tích và đánh giá được một số yếu tố về nội dung (đề tài, chủ đề chính và chủ đề phụ, tư tưởng, các giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh) và hình thức (câu chuyện, sự kiện, nhân vật, chi tiết quan trọng, không gian, thời gian, người kể chuyện toàn tri, sự thay đổi điểm nhìn) của văn bản truyện; so sánh được hai văn bản văn học cùng đề tài.

    Dựa vào những yêu cầu trên, bài viết tổng hợp các kiến thức liên quan đến một số truyện ngắn Nam Cao trên các phương diện:

    1. Ngôi kể, điểm nhìn

    2. Ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật

    3. Không gian, thời gian

    4. Nhân vật chính

    5. Câu chuyện

    6. Cách mở đầu

    7. Chi tiết đặc sắc

    8. Đề tài

    9. Chủ đề chính, chủ đề phụ

    10. Giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh

    11. Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo.

    12. So sánh với một truyện khác cùng đề tài, chủ đề.

    Đọc hiểu truyện ngắn "Nghèo" - Nam Cao

    1. Ngôi kể, điểm nhìn:

    - Ngôi kể thứ ba;

    - Điểm nhìn: Có điểm nhìn của người kể chuyện, có điểm nhìn của nhân vật: Anh đĩ Chuột, chị đĩ Chuột, cái Gái, thằng cu bé.

    Tác dụng của sự thay đổi điểm nhìn: Giúp cho nhà văn Nam Cao có khả năng nhập vào từng vai, chuyển từ vai này sang vai khác một cách tự nhiên; giúp cảm xúc, thái độ của từng nhân vật anh đĩ Chuột, chị đĩ Chuột, cái Gái, thằng cu bé hiện lên chân thực; đồng thời, tạo cho tác phẩm nhiều giọng điệu đan xen lẫn nhau, phong phú và biến hóa, làm nên sức hấp dẫn đối với người đọc.

    2. Ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật

    - Ngôn ngữ kể chuyện trong "Nghèo" chủ yếu là ngôn ngữ gián tiếp của tác giả miêu tả nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh.

    VD: "Lần này có lẽ là lần thứ mười, thằng cu bé chạy về đòi ăn, chị đĩ Chuột đang quấy một nồi gì trong bếp, cáu tiết chạy ra mắng át nó đi"; "Chị vừa lẩm bẩm, vừa dập lửa rồi bắc cái nồi ở trên bếp xuống, lấy một cái vỏ trai múc vào mấy cái bát sành sứt mẻ tứ tung, đặt ngay trên mặt đất."..

    - Ngôn ngữ nhân vật vật là lời nói trực tiếp của các nhân vật.

    VD: - Bu ơi con đói.. / - Đã bảo hết cơm rồi, tí nữa chè chín thì ăn chè mà!..

    [​IMG]

    3. Không gian, thời gian

    - Không gian hẹp: Nhà anh đĩ Chuột (dưới bếp, trong buồng, ngoài ngõ) ;

    (Không gian rộng: Không gian nông thôn nghèo nàn, xơ xác)

    - Thời gian hẹp, thời gian trực tiếp: Khoảng thời gian ngắn - buổi trưa - thời gian xoay các sự việc chính: Chị đĩ Chuột nấu cháo cám, cùng hai con ăn cháo cám, sau đó chị mang cơm cho chồng; chị đi mua gạo, anh Chuột ở nhà thắt cổ chết. Chị đĩ Chuột mang gạo về thì bị bắt nợ ở ngõ.

    (Thời gian rộng: Xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám)

    => Không gian, thời gian sinh hoạt gia đình, nhưng qua đó người đọc thấy được tình cảnh của gia đình chị đĩ Chuột cũng như tình cảnh chung của nhiều người dân nông thôn Việt Nam trước Cách mạng.

    4. Nhân vật chính: nhân vật chị đĩ Chuột, anh đĩ Chuột.

    5. Câu chuyện:

    Truyện kể lại bữa ăn toàn cháo cám của ba mẹ con chị đĩ Chuột và cái chết của anh đĩ Chuột vì bế tắc.

    6. Cách mở đầu: Truyện mở đầu bằng câu thoại của đứa con nhỏ: "Bu ơi con đói" và cảnh người mẹ đang lúi húi nấu "chè" dưới bếp. Đây là lần thứ mười thằng cu bé chạy về đòi ăn. Nó đã đói lắm, mà nồi chè vẫn chưa chín. Nó đói đến nỗi "ngồi phịch xuống đất, gục đầu vào ngưỡng cửa, ngáp".

    Cách mở đầu truyện hé mở tình cảnh nghèo đói của cả nhà chị đĩ Chuột, mở đầu cho hàng loạt sự việc đau lòng phía sau.

    Nhận xét: Cách mở truyện của Nam Cao rất tự nhiên, đầy cảm xúc.

    7. Chi tiết đặc sắc: chi tiết nồi chè (thực chất là cháo cám) ; chi tiết anh đĩ Chuột thắt cổ; chi tiết chủ nợ bắt nợ mẻ gạo mới đong để trừ sáu hào chị Chuột vay từ hai tháng trước cho chồng uống thuốc

    Tác dụng của các chi tiết: Nhấn mạnh tình cảnh đáng thương, đói khổ của nhà chị đĩ Chuột; tô đậm hiện thực xã hội Việt Nam trước CM..

    8. Đề tài: đề tài người nông dân

    9. Chủ đề chính, chủ đề phụ

    - Chủ đề chính: Truyện phản ánh hiện thực cùng quẫn, đen tối của cuộc sống nông dân nghèo trước Cách mạng; khơi sâu bi nghèo đói của con người. Tác phẩm cũng cho thấy tinh thần nhân đạo sâu sắc và mới mẻ của nhà văn.

    - Chủ đề phụ: Ca ngợi tình cảm gia đình: Tình cảm vợ - chồng, tình yêu thương cha mẹ - con cái; phê phán những kẻ có tiền (như chủ nợ) mà sự lạnh lùng, vô cảm.

    10. Giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh

    - Giá trị văn hóa: Qua truyện "Nghèo", ta thấy hiện lên làng quê nông thôn Việt Nam thu nhỏ trước Cách mạng với nếp sống, sinh hoạt gắn liền với cuộc sống nghèo khổ, bế tắc; bọn thực dân, địa chủ áp bức, bóc lột bất công khiến người dân rơi vào cảnh bần cùng. Tuy nhiên, trong nghèo khổ, những vẻ đẹp truyền thống của tình mẫu tử, phụ tử, tình vợ chồng thấu hiểu, yêu thương vẫn sáng ngời.

    - Triết lí nhân sinh:

    Triết lí về bi kịch: Cuộc sống nghèo khổ, bế tắc có thể khiến con người lựa chọn giải thoát bằng cái chết.

    Triết lí về tình yêu thương, sự hi sinh:

    Qua chi tiết anh đĩ Chuột nhường cơm cho con, cuối cùng thắt cổ chết để giải thoát cho vợ con -> Tình yêu thương còn lớn hơn cả nỗi sợ cái chết.

    11. Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo.

    - Giá trị hiện thực: Truyện "Nghèo" phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám: Tình cảnh người nông dân sống nghèo khổ, bế tắc do bị áp bức, bóc lột nặng nề.

    - Giá trị nhân đạo:

    + Đồng cảm, xót thương với số phận bất hạnh, cùng cực của con người;

    + Tố cáo xã hội bất công, vô nhân đạo;

    + Ngợi ca vẻ đẹp tình cảm gia đình.

    12. So sánh với một truyện khác cùng đề tài, chủ đề.

    So sánh với truyện ngắn "Lão Hạc" ta thấy: Các nhân vật giống nhau về cảnh ngộ nghèo khổ, bất hạnh, về khát vọng có một sống tốt đẹp hơn, về kết cục của số phận (anh đĩ Chuột và lão Hạc phải chết) vì không muốn làm khổ người thân; khác nhau về những biểu hiện cụ thể của mỗi khía cạnh đó.

    Xem tiếp bên dưới..
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười một 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu truyện ngắn "Chí Phèo" - Nam Cao

    1. Ngôi kể, điểm nhìn:

    Điểm nhìn của người kể chuyện, điểm nhìn của nhân vật: Chí Phèo, Bá Kiến, Thị Nở, bà cô Thị Nở.

    Tác dụng của sự thay đổi điểm nhìn: Giúp cho nhà văn có khả năng nhập vào các vai, chuyển từ vai này sang vai khác một cách tự nhiên; giúp cảm xúc, thái độ, tâm trạng của từng nhân vật, trong từng tình huống được miêu tả sinh động, chân thật, tỉ mỉ; đồng thời, tạo cho tác phẩm nhiều giọng điệu đan xen lẫn nhau, phong phú và biến hóa; làm nên sức hấp dẫn đối với người đọc.

    2. Ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật

    - Ngôn ngữ kể chuyện có khi là ngôn ngữ gián tiếp của tác giả (miêu tả nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh) có khi là ngôn ngữ nửa trực tiếp (lời người kể đan xen lời nhân vật Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến) => tạo nên giọng văn trần thuật độc đáo.

    - Ngôn ngữ nhân vật là lời nói trực tiếp của các nhân vật (Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến). Ngôn ngữ nhân vật là phương tiện quan trọng thể hiện tính cách, tâm lí của họ.

    3. Không gian, thời gian

    - Không gian: Làng Vũ Đại - nơi quần ngư tranh thực, nơi có những người dân thấp cổ bé họng, hiền lành suốt đời bị ức hiếp, đè nén, chỉ è cổ làm để nuôi bọn lí hào.. Đây là một không gian sống động, ngột ngạt, đen tối. Qua đó, tác giả đã làm nổi bật mối xung đột giai cấp âm thầm mà quyết liệt ở nông thôn.

    - Thời gian: Truyện không kết cấu theo trình tự thời gian, lúc đầu đi thẳng vào giữa truyện, sau mới ngược thời gian kể về lai lịch của nhân vật rồi lại quay về hiện tại. Thời gian trần thuật trong truyện gói gọn trong khoảng thời gian sáu ngày từ lúc Chí Phèo vừa đi vừa chửi và năm ngày ở bên thị Nở đến buổi sáng giết bá Kiến rồi tự sát. Qua đó, nhà văn đã cho thấy sự hồi sinh và nhấn mạnh bi kịch của Chí Phèo.

    4. Nhân vật chính: Chí Phèo

    5. Câu chuyện:

    Truyện kể lại cuộc đời bi thảm của Chí Phèo: Sinh ra bị bỏ rơi, được người dân làng Vũ Đại nuôi lớn. 20 tuổi Chí làm canh điền cho bá Kiến, bị Bá Kiến ghen, đẩy vào tù. Ra tù Chí biến thành kẻ lưu manh, làm tay sai cho Bá Kiến. Gặp Thị Nở, bản tính lương thiện hồi sinh, Chí mong muốn trở thành người lương thiện nhưng bị cự tuyệt. Chí giết Bá Kiến rồi tự kết liễu cuộc đời.

    6. Cách mở đầu:

    •Chí Phèo vừa đi vừa chửi.

    •Tiếng chửi là phản ứng của Chí với toàn bộ cuộc đời; bộc lộ tâm trạng bất mãn của một người ít nhiều ý thức được mình đã bị xã hội gạt ra khỏi thế giới loài người.

    •Chi tiết đơn giản, nhưng Nam Cao đã nói được rất nhiều về kiếp sống cô độc của người nông dân bị tha hóa, không còn được làm người.

    => Cách mở truyện tự nhiên, gây tò mò; cách mở truyện đặc sắc với ngôn ngữ đa thanh.

    7. Chi tiết đặc sắc:

    Truyện có nhiều chi tiết đắt giá: Tiếng chửi, bát cháo hành, các chi tiết về ngoại hình, hành động, cử chỉ, lời nói, suy nghĩ, tâm trạng của Chí Phèo..

    8. Đề tài: đề tài người nông dân

    9. Chủ đề chính, chủ đề phụ

    - Chủ đề chính: Truyện phản ánh hiện thực cùng quẫn, đen tối của cuộc sống nông dân nghèo trước Cách mạng; khơi sâu bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của những người lao động như Chí Phèo. Tác phẩm cũng cho thấy tinh thần nhân đạo sâu sắc và mới mẻ của nhà văn.

    - Chủ đề phụ: Ca ngợi sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người; phê phán những hủ tục lạc hậu đè nén người nông dân; vạch ra mâu thuẫn của những phe cánh ở xã hội nông thôn trước Cách mạng;..

    10. Giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh

    - Giá trị văn hóa: Truyện Chí Phèo là bức tranh thu nhỏ về xã hội nông thôn của Việt Nam giai đoạn trước Cách mạng với những vấn đề về văn hóa làng xã, giai cấp và mâu thuẫn giai cấp, đời sống của người nông dân nghèo, những đường lối của giai cấp thống trị:

    - Triết lí nhân sinh

    Triết lí về sự phản kháng: Con người bị đày đọa, dồn vào bước đường cùng sẽ vùng lên phản kháng.

    Triết lí về tình yêu thương: Tình yêu thương là liều thuốc chữa lành những vết thương tâm hồn, giúp cảm hóa con người.

    Niềm khao khát sống, sống lương thiện luôn tồn tại trong mỗi con người.

    11. Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo.

    - Giá trị hiện thực: Truyện phản ánh những mâu thuẫn, xung đột gay gắt ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám trên bình diện rộng lớn và tầm khát quát lớn hơn: Mâu thuẫn giữa nội bộ giai cấp thống trị ở cấp làng xã, mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và giai cấp nông dân. Đây là mâu thuẫn xã hội quyết liệt nhất. Truyện còn phản ảnh hiện thực một bộ phận người nông dân bị bần cùng hóa, tha hóa, rơi vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.

    - Giá trị nhân đạo:

    + Chí Phèo là tiếng nói cảm thương sâu sắc của nhà văn đối với số phận bất hạnh của người nông dân bị bần cùng hóa, tha hóa..

    +Chí Phèo là một bản cáo trạng đanh thép xã hội bất nhân đã chà đạp lên nhân phẩm con người, đẩy người nông dân hiền lành vào bước đường cùng không lối thoát.

    + Tác phẩm trân trọng, khẳng định và đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người.

    + Chí Phèo là một bài ca cảm động về tình yêu thương con người.

    12. So sánh với một truyện khác cùng đề tài, chủ đề.

    So sánh với "Tấm lòng người mẹ" : Các nhân vật giống nhau về cảnh ngộ bất hạnh, về khát vọng sống lương thiện, về kết cục của số phận; khác nhau về mỗi biểu hiện cụ thể của mỗi khía cạnh đó.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười một 2023
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Xem thêm: Đọc hiểu Chí Phèo (tt)

    Câu 1: Giới thiệu đôi nét về xuất xứ, tên gọi của tác phẩm.

    Gợi ý:

    Tác phẩm Chí Phèo:

    - Chí Phèo là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao viết vào tháng 2 năm 1941

    - Lúc đầu truyện có tên là Cái lò gạch cũ ; khi in sách lần đầu, nhà xuất bản đổi tên là Đôi lứa xứng đôi

    - Sau khi in lại trong tập Luống cày, tác giả đặt tên là Chí Phèo .

    Câu 2: Tóm tắt tác phẩm Chí Phèo

    Gợi ý:

    Truyện kể về nhân vật Chí Phèo - đứa trẻ bị bỏ rơi trong một lò gạch cũ và được nhặt về nuôi. Lớn lên hắn đi ở hết nhà này nhà khác. Năm 20 tuổi, hắn làm canh điền cho nhà Bá Kiến, bị Bá Kiến vu oan và bắt bỏ tù. Hắn ở tù bảy tám năm rồi trở về với bộ dạng khác hẳn ngày xưa. Hắn lúc nào cũng say và cứ say là hắn lại đến nhà Bá Kiến để chửi bới, rạch mặt ăn vạ. Bá Kiến đã biến Chí Phèo thành kẻ tay sai chuyên đâm thuê chém mướn cho lão. Chí Phèo trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, ai cũng khiếp sợ. Cuộc đời hắn không lúc nào tỉnh. Nhưng vào một đêm trăng, hắn gặp Thị Nở, họ ăn nằm với nhau. Nửa đêm hắn đau bụng, nôn mửa và sáng hôm sau, Thị Nở nấu cho hắn một bát cháo hành. Cũng từ đó hắn khao khát trở về cuộc sống lương thiện và muốn được sống cùng Thị Nở. Nhưng một lần nữa hắn bị đạp xuống vực vì bà cô của Thị không đồng ý. Chí Phèo tuyệt vọng, lại uống và cầm dao đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện. Hắn đâm chết Bá Kiến rồi tự tử. Thị Nở nghe tin hắn chết nhìn xuống bụng và nghĩ đến cái lò gạch.

    Câu 3: Truyện Chí Phèo có những nhân vật chính nào, nêu mối quan hệ giữa các nhân vật.

    Gợi ý:

    - Chí Phèo: Nhân vật chính của câu chuyện, vốn là một người lương thiện nhưng bị tha hóa và bị Bá Kiến lợi dụng

    - Bá Kiến: Là kẻ đã đẩy Chí đến những bi kịch và đau thương của cuộc đời hắn.

    - Thị Nở: Là người giúp Chí thức tỉnh, bát cháo hành của Thị như một liều thuốc giải độc và cảm hóa tâm hồn Chí, khiến Chí trở nên hiền lành, thèm được thiện lương và làm hòa với mọi người.

    Câu 4: Cuộc đời Chí Phèo chia làm mấy giai đoạn? Chí rơi vào những bi kịch nào?

    Gợi ý:

    Cuộc đời Chí Phèo chia làm 4 giai đoạn:

    - Trước khi vào tù: Vốn là người cần cù, lương thiện, chất phát

    - Vào tù và sau khi ra tù: Bị tha hóa, sa đọa vào con đường lưu manh

    - Sau khi gặp được Thị Nở: Hắn muốn được lương thiện, được trở về với cuộc sống

    - Sau khi mối tình với Thị Nở tan vỡ: Hắn đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện, sau đó tự tử

    Những bi kịch cuộc đời Chí:

    - Mồ côi cha mẹ, thiếu vắng tình yêu thương

    - Bị vu oan

    - Bị tha hóa trong nhà tù thực dân phong kiến, đánh mất bản tính hiền lương

    - Bị xã hội chối bỏ, chán ghét, bị Bá Kiến lợi dụng làm tay sai

    - Mối tình với Thị Nở tan vỡ, hắn bang hoàng nhận ra mình không thể trở về như trước kia

    - Chết trong đau đớn, dày vò

    Câu 5: Nêu ý nghĩa hình ảnh bát cháo hành.

    Gợi ý:

    Ý nghĩa bát cháo hành:

    - Thể hiện tình yêu thương của Thị Nở dành cho Chí phèo

    - Là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà Chí Phèo được hưởng

    - Khơi dậy niềm khao khát được làm hòa với mọi người, hi vọng vào một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện

    Câu 6:

    Nguyên nhân trực tiếp: Chí ý thức được mình đã hoàn toàn không thể quay về với bản tính thiện lương, chiếc cầu nối duy nhất dẫ hắn về với đời là Thị Nở cũng đã không còn.

    Nguyên nhân gián tiếp: Xã hội nửa thực dân – phong kiến đã lấy đi sự lương thiện của hắn, cô lập và chối bỏ hắn, khiến hắn không còn lối thoát nào khác ngoài cái chết

    Câu 7: Ý nghĩa cái chết của Chí Phèo, bá Kiến.

    Gợi ý:

    Chí Phèo: Chi tiết tự sát của Chí Phèo chính đánh dấu mạnh mẽ sự trở lại của tính người trong cái tâm hồn vốn tàn tạ của Chí, là một phương cách quyết liệt và tiêu cực để giữ lại cái phần người vừa được thức tỉnh của hắn, để chống lại cái sự tha hóa đã ăn mòn gần hết nhân cách của hắn. Là lối thoát duy nhất của hắn, cũng là biểu hiện cho khát vọng được trở về của đời lương thiện.

    Bá Kiến: Bá Kiến là đại diện cho chế độ phong kiến, cho những thế lực chà đạp lên quyền sống và những khao khát đơn thuần của người dân thuở ấy. Cái chết của hắn chính là biểu hiện cho sự trả thù từ Chí, cho sự vùng lên của những con người bị áp bức đến đường cùng.

    Câu 8: Khái quát nghệ thuật truyện ngắn Chí Phèo.

    Gợi ý:

    Nghệ thuật trong tác phẩm Chí Phèo

    - Nghệ thuật xây dựng nhân vật đạt đến trình độ đỉnh cao

    - Lối kể chuyện linh hoạt, sinh động và hấp dẫn với cách xây dựng tình huống tự nhiên, hợp lí

    - Ngôn ngữ gần gũi, bình dị mang hơi thở đời sống, văn hóa đời sống

    Thành công trong việc sự dụng các biện pháp nghệ thuật
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...