Ôn tập ca dao, dân ca - Ngữ văn 7 - Các bài tập, câu hỏi thường gặp

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cute pikachu, 20 Tháng tám 2021.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,892
    Để giúp các em biết, hiểu các giá trị nội dung, nghệ thuật cơ bản của ca daodân ca trong chương trình ngữ văn 7, cảm nhận được cái hay, cái đẹp, các giá trị nghệ thuật đặc sắc của ca dao – dân ca, từ đó yêu thích ca dao – dân ca.. Mời các em cùng Ôn tập nhé.

    I. Lý thuyết

    Ca dao, dân ca là khái niệm chỉ thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người. Ngày nay, có sự phân biệt giữa hai khái niệm ca dao và dân ca. Trong đó, dân ca là những câu hát có lời, có nhạc, dùng trong diễn xướng (hát, đối đáp). Còn ca dao là phần lời thơ, cũng là một thể thơ dân gian.

    Vậy, ca dao, dân ca chính là những bài thơ, bài hát trữ tình dân gian do nhân dân sáng tác, biểu diễn, truyền miệng. Mỗi lời ca tiếng hát đó vun đắp những tình cảm, hình thành nhân cách cho con người.

    Trong đó, ca dao về tình cảm gia đình có vị trí quan trọng trong đời sống của người bình dân, chúng thường được diễn xướng bằng loại hình ca hát trong sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là gắn với loại hình hát ru. Qua những câu hát ngọt ngào, tha thiết, những tình cảm chân thành, sâu nặng được trao truyền, nhắn gửi cho những thế hệ sau.

    *Về nghệ thuật:

    Ca dao luôn gắn bó với các hình thức ca hát dân ca, sinh hoạt văn hóa văn nghệ của nhân dân.

    Ca dao thường sử dụng thể thơ lục bát (trên sáu dưới tám) uyển chuyển, mềm mại, mang tính dân tộc. Câu thơ lục bát có độ co giãn về số câu số chữ, nhịp nhàng, rất thích hợp với cách giãi bày tình cảm, tâm tình. Thể lục bát cũng dễ dàng tạo nên nhịp điệu trong việc hát, diễn xướng ca dao.

    Ca dao thường sử dụng những biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, nhân hóa.. làm cho cách diễn đạt thêm ngọt ngào, sinh động, giàu sắc thái biểu cảm. Trong đó phổ biến nhất là biện pháp so sánh.

    Biện pháp so sánh cũng dựa trên sự liên tưởng của con người nhưng sự liên tưởng đó tương đối tự do, thể hiện cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của con người đối với các sự vật, hiện tượng

    Ngoài ra, ca dao còn sử dụng đặc biệt thành công các biểu tượng (hoa, trăng, rồng – phượng ; trúc – mai) cũng như các biện pháp điệp từ, phong đại, nói ngược.. để tăng cường khả năng diễn đạt của ngôn ngữ trong việc biểu hiện tình cảm, tâm trạng của con người.

    Các đề tài chính:

    1. Những câu hát về tình cảm gia đình

    Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề chính của ca dao, dân ca. Nói về tình cảm gia đình, người dân lao động xưa thường ca ngợi tình cảm của: Cha mẹ đối với con cái; con cái - cha mẹ; con cháu - tổ tiên, ông bà; anh chị em.. ; từ đó răn dạy, khuyên bảo con người ta phải sống có tình, có nghĩa.

    Hai bài ca dao được học trong chương trình là "Công cha như núi ngất trời" và "Anh em nào phải người xa".

    Về nội dung, hai bài ca dao này đã ca ngợi tình cảm gia đình thân thiết: Công lao của cha mẹ, sự gắn bó của anh em trong một gia đình. Qua đó nhắn nhủ phải biết trân trọng, yêu quý những người thân.

    Về nghệ thuật, tác giả dân gian đã sử dụng thể thơ lục bát nhịp nhàng, tạo âm điệu tâm tình cùng với các hình ảnh so sánh giản dị, quen thuộc.

    2. Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người

    Ca dao là tiếng hát tâm tình của người lao động, như ca ngợi tình cảm nam nữ, tình yêu lứa đôi, ca ngợi vẻ đẹp của những miền quê, thể hiện tình cảm, sự gắn bó với quê hương đất nước của con người.

    3. Những câu hát than thân

    Ca dao than thân trở thành tiếng hát tâm tình, gần gũi đầy xúc cảm của người lao động thông qua những hình ảnh ẩn dụ rất đỗi đời thường, giản dị: Cái cò, cái kiến, dã tràng..

    Hình ảnh cái cua, cái ốc, cái tôm, cái tép thì cái cò trở thành hình ảnh nổi bật, phổ biến không phải ở vẻ đẹp rực rỡ, to tát mà tiêu biểu cho những thân phận nhỏ bé, đáng thương.

    4. Những câu hát châm biếm

    Ca dao châm biếm, hài hước đã khéo léo lựa chọn những chi tiết đặc tả hình dáng, tính cách, hoạt động của những kiểu người nhất định trong xã hội xưa.

    Những bức tranh biếm họa đầy sinh động mang lại tiếng cười sảng khoái, gửi gắm ý nghĩa phê phán những thói hư tật xấu của những con người đó.

    Nổi bật lên trong ca dao vẫn là hình tượng người nông dân với phẩm chất đẹp đẽ, giàu tình yêu thương, đằm thắm, mặn mà trong cách nghĩ, trong cách ứng xử.

    II. Các câu hỏi, bài tập thường gặp

    Câu 1. Trong "Những câu hát về tình cảm gia đình (bài 1, 4), cho biết lời của từng bài ca dao là lời của ai nói với ai? Vì sao em biết?

    Trả lời:

    Chủ đề từng bài ca dao và dấu hiệu để có thể khẳng định chủ đề đó là:

    Bài 1: Là lời ru cua mẹ dành cho con (mẹ nói với con).

    - Dấu hiệu ngôn ngữ:" Con ơi ".

    Bài 4: Lời của anh em nói với nhau hoặc có thế là lời của ông bà, cha mẹ, cô bác nói với con cháu.

    - Dấu hiệu ngôn ngữ: Anh, em.

    Câu 2: Trong bài ca dao 1, tác giả dân gian sử dụng hình thức là lời hát ru để làm gì?

    Trả lời:

    - Người mẹ muốn nói với con cần ghi nhớ công ơn của cha mẹ dành cho con cá

    - Giúp người đọc dễ thấm nhuần tư tưởng hơn, chính điều này khiến cho ca dao dễ đi vào lòng người hơn.

    Câu 3. Chỉ ra đặc sắc về nghệ thuật của bài ca dao số 1 trong chủ đề" Những câu hát về tình cảm gia đình ".

    Trả lời:

    Cái hay của bài ca dao là đã sử dụng những ngôn ngữ, hình ảnh, âm điệu nghệ thuật đặc sắc như:

    - Về hình thức, bài ca dao đó thể hiện thành công hình thức hát ru. Đây là một hình thức quen thuộc, gần gũi, thiêng liêng, ấm áp đối với mỗi người Việt Nam. Hình thức này giúp người nghe dễ thuộc, dễ nhớ. Với âm điệu sâu lắng, tâm tình, tha thiết đã tạo ra những cung bậc tình cảm sâu nặng của tình mẫu tử.

    - Về biện pháp nghệ thuật so sánh ví von.

    " Công cha "được so sánh với núi" ngất trời "." Nghĩa mẹ "được so sánh với nước" biển Đông ". Đây là lối ví von quen thuộc ta thường gặp trong ca dao. Núi và biển là những cái to lớn, mênh mông cao rộng, vĩnh hằng của thiên nhiên được đưa ra làm đối tượng để so sánh. Điều đó muốn nói rằng công cha nghĩa mẹ là nghĩa tình cao cả, không thể kể xiết

    Từ" công "là nghĩa trừu tượng, tác giả đã cụ thể hóa thành" cù lao chín chữ "để bất kì ai cũng có thể nhìn thấy được một cách rõ ràng.

    - Thể thơ lục bát mềm mại và sự ngọt ngào của điệu hát ru đã làm cho bài ca dao giống như lời thủ thỉ tâm tình sâu lắng. Bài ca dao đã thể hiện thành công hình thức hát ru. Đây là một hình thức quen thuộc, gần gũi, thiêng liêng, ấm áp đối với mỗi người Việt Nam. Hình thức này giúp người nghe dễ thuộc, dễ nhớ. Với âm điệu sâu lắng, tâm tình, tha thiết đã tạo ra những cung bậc tình cảm sâu nặng của tình mẫu tử.

    Câu 4. Bài ca dao số 4 trong" Những câu hát về tình cảm gia đình "nhắc nhở chúng ta điều gì?

    Trả lời:

    Bài ca dao là lời nhắc nhở chúng ta: Anh em phải hòa thuận, phải biết nương tựa lẫn nhau, là chỗ dựa cho nhau khi gặp khó khăn và chia sẻ với nhau niềm vui trong cuộc sống. Có vậy gia đình mới ấm êm, cha mẹ mới vui lòng.

    Câu 5. Từ" Những câu hát về tình cảm gia đình ", em hãy tìm đọc và chép lại một số bài ca dao khác có nội dung tương tự.

    Trả lời:

    Một số bài ca dao khác về tình cảm gia đình như sau:

    Công cha đức mẹ cao dày,

    Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.

    Câu 6. Phương thức biểu đạt nào được sử dụng chủ yếu trong ca dao?

    - Biểu cảm

    Câu 7: Từ" thân phận "trong câu" Thương thay thân phận con tằm"có nghĩa là gì?

    - Chỉ con người có địa vị xã hội thấp và cảnh ngộ không may

    Câu 8. Phát biểu cảm nghĩ về bài ca dao: Công cha như núi ngất trời

    Dàn ý: Mời các em đọc ở đây: Phát Biểu Cảm Nghĩ Về Bài Ca Dao: Công cha như núi ngất trời (Dàn ý, Bài văn mẫu)

    Bài văn mẫu: Mời các em đọc ở đây: Phát Biểu Cảm Nghĩ Về Bài Ca Dao: Công cha như núi ngất trời (Dàn ý, Bài văn mẫu)

    Chúc các em học tốt. Thân ái!
     
    Admin, Thụy Đào, Vice nek8 người khác thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...