Ôn tập bài Vợ nhặt - Kim Lân - Bài tập trắc nghiệm, đọc hiểu, đề văn

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 25 Tháng chín 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Ôn tập văn bản Vợ nhặt

    - Kim Lân -

    I. Kiến thức cơ bản

    1. Tác giả:

    - Kim Lân (1920-2007) tên khai sinh Nguyễn Văn Tài; quê Từ Sơn, Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ học hết tiểu học, rồi vừa làm thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong, vừa viết văn. Năm 1944, Kim Lân tham gia Hội văn hóa cứu quốc. Sau đó liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng (viết văn, làm báo, diễn kịch, đóng phim).

    - Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn về đề tài nông thôn. Sáng tác của ông phản ánh một cách chân thực và xúc động cuộc sống của người dân quê mà ông am hiểu sâu sắc về cảnh ngộ và tâm lí của họ.

    - Kim Lân có biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật; văn phong giản dị nhưng gợi cảm, hấp dẫn; ngôn ngữ sống động, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày và mang đậm màu sắc nông thôn..

    2. Tác phẩm

    - Xuất xứ: In trong tập Con chó xấu xí (1962). Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư - được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.


    - Truyện kể về Tràng, một thanh niên nghèo khổ làm nghề đẩy xe bò thuê. Giữa cảnh đói thê lương thảm khốc, một hôm Tràng dắt một người đàn bà về làm vợ. Thấy vậy, cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, bà cụ Tứ (me ̣ Tràng) ngạc nhiên và ngay cả bản thân Tràng cũng không tin đó là sư ̣thật.

    - Tác phẩm vừa là bức tranh chân thực về nạn đói khủng khiếp vừa là bài ca ca ngợi về sức sống và niềm tin của con người Việt Nam.


    II. Bài tập vận dụng

    Trắc nghiệm: Chọn các ý đúng:


    Câu 1. Những thông tin nào liên quan đến nhà văn Kim Lân?

    A. Kim Lân (1920-2007) tên khai sinh Nguyễn Văn Tài; quê Từ Sơn, Bắc Ninh.

    B. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ học hết tiểu học, rồi vừa làm thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong, vừa viết văn. Năm 1944, Kim Lân tham gia Hội văn hóa cứu quốc. Sau đó liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng (viết văn, làm báo, diễn kịch, đóng phim).

    C. Là cây bút chuyên viết truyện ngắn, có sở trường viết về nông thôn và người nông dân. Kim Lân có biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật; văn phong giản dị nhưng gợi cảm, hấp dẫn; ngôn ngữ sống động, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày và mang đậm màu sắc nông thôn; ông am hiểu và gắn bó sâu sắc về phong tục và đời sống làng quê Bắc Bộ.

    D. Sau hơn 60 năm lao động nghệ thuật, ông có gần 200 đầu sách – là nhà văn có số lượng tác phẩm đạt kỉ lục trong văn học hiện đại Việt Nam.

    Câu 2. Những tác phẩm nào là tác phẩm do Kim Lân sáng tác:

    A. Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955) ;

    B. Dế Mèn phiêu lưu kí (truyện, 1941)

    C. Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962).

    D. Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953).

    Câu 3. Những nhận định nào sau đây là để nói về Kim Lân?

    A.. là nhà văn một lòng đi về với "đất" với "người" với "thuần hậu nguyên thuỷ" của cuộc sống nông thôn. (Nguyên Hồng).

    B.. viết không nhiều và chuyên về một thể loại, lại "gác bút" sớm nhưng dấu ấn của ông để lại trong lòng độc giả thì rất sâu đậm. Chỉ với 3 thiên truyện: Vợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí.. câu chữ của Kim Lân "gan lỳ" thách thức thời gian, đi vào chỗ sâu nhất của tâm trí người đọc. (Lê Thành Nghị).

    C.. là người suốt đời đi tìm cái đẹp (Nguyễn Đình Thi).

    D.. là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của Văn học Việt Nam hiện đại.. đã tạo được cách viết độc đáo.. viết không nhiều, nhưng sáng tác của ông đã gây ấn tượng với bạn đọc. (Hà Minh Đức)

    Câu 4. Những thông tin nào liên quan đến tác phẩm "Vợ nhặt"?

    A. In trong tập Nên vợ nên chồng (1955)

    B. In trong tập Con chó xấu xí (1962).

    C. Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư - được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.

    D. Được tặng giải nhất – giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955.

    Câu 5. Ý nghĩa nhan đề Vợ nhặt:

    A. Vợ là sự trân trọng, người vợ có vị trí trung tâm để xây dựng tổ ấm. Ở đây là nhặt được vợ, không phải lấy vợ đàng hoàng, có ăn hỏi cưới xin mà như nhặt được đồ vật người ta đánh rơi hay quên.

    B. Nhan đề góp phần thể hiện tình cảnh thê thảm của con người trong nạn đói: Trong nạn đói, cái giá con người trở nên rẻ rúng.

    C. Nhan đề thể hiện sự coi thường đối với người phụ nữ.

    D. Nhan đề thể hiện sự
    may mắn của nhân vật Tràng.

    Câu 6. Trong truyện, Kim Lân đã dựng những cảnh nào?

    A. Cảnh Tràng đưa cô vợ nhặt về nhà.

    B. Cảnh 2 lần gặp gỡ giữa Tràng và thị rồi trở thành vợ chồng.

    C. Cảnh Tràng ra mắt cô vợ nhặt với mẹ và nỗi lòng của bà cụ Tứ.

    D. Cảnh bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới.

    E. Cảnh Tràng hòa vào đám người đói đi phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo.

    Câu 7. Tình huống được dựng trong truyện là tình huống gì? Có ý nghĩa như thế nào?

    A. Tình huống Tràng nhặt được vợ - Tình huống góp phần thể hiện hiện thực thê thảm của con người trong nạn đói.

    B. Tình huống Tràng nhặt được vợ - Tình huống góp phần thể hiện Tràng là một anh chàng đào hoa, may mắn.

    C. Tình huống Tràng nhặt được vợ - Tình huống góp phần tố cáo tội ác của bọn thực dân, phong kiến đã đẩy con người vào nạn đói.

    D. Tình huống Tràng nhặt được vợ - Tình huống góp phần ca ngợi vẻ đẹp của tình người trong nạn đói.

    Câu 8. Những nhận xét nào đúng khi nói về tình huống truyện Vợ nhặt ?

    A. Đây là tình huống nhận thức, giúp các nhân vật nhận thức được nhiều điều về cuộc sống, nghệ thuật.

    B. Đây là tình huống lạ, khiến các nhân vạt đều ngạc nhiên, sửng sốt.

    C. Đây là tình huống éo le, khiến các nhân vật vừa vui, vừa buồn, vừa hạnh phúc, vừa lo lắng.

    D. Đây là tình huống éo le, đẩy các nhân vật vào bế tắc.

    Câu 9. Những dòng nào nói khái quát nội dung truyện Vợ nhặt ?

    A. Cho thấy một thảm cảnh thê thảm của những con người nghèo trong nạn đói 1945 do phát xít Nhật và thực dân Pháp gây nên.

    B. Tố cáo tội ác của bọn thực dân phát xít; Thể hiện lòng cảm thông sâu sắc đối với số phận con người trong nạn đói; Là bài ca ca ngợi sự sống, tình thương, sự cưu mang, đùm bọc, khát vọng hạnh phúc; Tác phẩm chỉ ra con đường giải phóng cho những con người nghèo khổ: Chỉ có thể đi theo cách mạng để tự giải phóng, để thoát khỏi đói nghèo cơ cực.

    C. Truyện là câu chuyện về những người dân lao động nghèo không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tối tăm đã vùng lên phản kháng đi tìm cuộc sống tự do.

    D. Truyện mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: Một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.

    Câu 10. Những dòng nào nói khái quát nghệ thuật truyện Vợ nhặt ?

    A. Cốt truyện có nhiều tình huống độc đáo, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống, nghệ thuật.

    B. Cách kể chuyện giản dị nhưng rất có duyên, rất lôi cuốn.

    C. Tình huống truyện độc đáo, éo le vừa nghịch lý lại vừa hợp lý.

    D. Đối thoại sinh động như lời ăn tiếng nói hàng ngày ở các làng quê.

    E. Miêu tả tâm lý nhân vật tự nhiên, tinh tế, chân thực, cá thể hóa logic, hợp lý.


    Gợi ý:

    Câu 1. Đáp án: A, B, C

    Câu 2. Đáp án: A, C

    Câu 3
    . Đáp án: A, B, D

    Câu 4. Đáp án: B, C

    Câu 5. Đáp án: A, B

    Câu 6. Đáp án: A, B, C, D

    Câu 7. Đáp án: A, C, D

    Câu 8. Đáp án: B, C

    Câu 9. Đáp án: A, B

    Câu 10. Đáp án: B, C, D, E


    Xem tiếp bên dưới ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng hai 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Ôn tập văn bản Vợ nhặt (tt)

    Đọc hiểu: Đọc các đoạn văn sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

    Đoạn 1:

    Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.

    Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt sáng lên lấp lánh. Người đàn bà đi sau hắn chừng ba bốn bước. Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn. Mấy đứa trẻ con thấy lạ vội chạy ra đón xem. Sợ chúng nó đùa như ngày trước, Tràng vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng. Mấy đứa trẻ đứng dừng lại, nhìn Tràng, đột nhiên có đứa gào lên:

    – Anh Tràng ơi! – Tràng quay đầu lại. Nó lại cong cổ gào lên lần nữa – Chông vợ hài.

    Tràng bật cười:

    – Bố ranh!

    Người đàn bà có vẻ khó chịu lắm. Thị nhíu đôi lông mày lại, đưa tay lên xóc xóc lại tà áo. Ngã tư xóm chợ về chiều càng xác xơ, heo hút. Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai bên dãy phố, úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết.

    Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. Một người thở dài. Người khác khẽ thì thầm hỏi:

    – Ai đấy nhỉ?. Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?

    – Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu.

    – Quái nhỉ?

    Im một lúc, có người bỗng lại cười lên rung rúc.

    – Hay là vợ anh cu Tràng? Ừ, khéo mà vợ anh cu Tràng thật anh em ạ, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để.

    – Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?

    Họ cùng nín lặng.

    Người đàn bà như cũng biết xung quanh người ta đang nhìn dồn cả về phía mình, thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia. Hắn cũng biết thế, nhưng hắn lại lấy vậy làm thích ý lắm, cái mặt cứ vênh lên tự đắc với mình.


    (Trích: Vợ nhặtKim Lân, SGK Ngữ Văn 12, NXB Giáo dục)​

    Câu 1. Đoạn văn trên nằm ở phần nào của truyện, kể lại sự việc gì?

    Câu 2. Hiện thực thê thảm về nạn đói 1945 được miêu tả qua những chi tiết nào?

    Câu 3. Hai lần nhà văn so sánh những người đói với "những bóng ma", tìm và nêu ý nghĩa của hai chi tiết đó.

    Câu 4.
    Tâm trạng của nhân vật Tràng và thị được miêu tả như thế nào?

    Câu 5. Cảm xúc của những người dân ngụ cư khi thấy Tràng đưa vợ về là cảm xúc gì? Vì sao họ có cảm xúc đó?

    Câu 6. Chi tiết Tràng "Sợ chúng nó (mấy đứa trẻ con ở xóm ngụ cư) đùa như ngày trước, Tràng vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng." thể hiện tình cảm Tràng đối với người vợ như thế nào?

    Câu 7. Nhận xét về nhân vật người vợ nhặt qua những chi tiết "Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn...", "Người đàn bà như cũng biết xung quanh người ta đang nhìn dồn cả về phía mình, thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia."

    Gợi ý:

    Câu 1. Đoạn văn trên nằm ở phần nào của truyện, kể lại sự việc Tràng đưa vợ về nhà trong sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của dân xóm ngụ cư.

    Câu 2. Hiện thực thê thảm về nạn đói 1945 được miêu tả qua những chi tiết:

    Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.

    Hai bên dãy phố, úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết.

    Câu 3. Hai lần nhà văn so sánh những người đói với "những bóng ma" : xanh xám như những bóng ma, dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma.

    Ý nghĩa: Khi cái đói tràn đến, ranh giới giữa sự sống và cái chết, cõi trần và cõi âm, người và ma... vô cùng mong manh. Hình ảnh so sánh trên góp phần tô đậm hiện thực khốc liệt của nạn đói.

    Câu 4. Tâm trạng của nhân vật Tràng và thị được miêu tả: Vẻ mặt "có cái gì phơn phởn khác thường", "tủm tỉm cười một mình", "cảm thấy vênh vênh tự đắc"... Đó là tâm trạng hạnh phúc, hãnh diện. Tràng hạnh phúc, hãnh diện bởi bình thường anh khó có thể lấy nổi vợ, nay bỗng dưng có người theo không - mơ ước xa vời bỗng thành hiện thực.

    Câu 5. Cảm xúc của những người dân ngụ cư khi thấy Tràng đưa vợ về: ngạc nhiên, vui mừng, lo lắng cho vợ chồng Tràng.

    Lũ trẻ con thấy lạ trước. Một đứa đột ngột gào lên: Anh Tràng ơi! Chông vợ hài! Rồi người dân xóm ngụ cư ai cũng thấy lạ. Họ hỏi nhau: Ai đấy nhỉ?. Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?/ Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ có thấy họ mạc nào lên thăm đâu. / Quái nhỉ?. Khi hiểu ra sự việc, khuôn mặt họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Từ trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn le lói một niềm vui. Họ vui cho hạnh phúc của vợ chồng Tràng. Nhưng họ vui đấy nhưng lại lo ngay đấy. Người ta lo thay cho Tràng: Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?

    Họ lo lắng bởi hiện thực về cái đói đè nặng, đến thân mình sống sót còn khó khăn, lại nuôi thêm một miệng ăn thì quả là một quyết định mạo hiểm.

    Câu 6. Chi tiết Tràng "Sợ chúng nó (mấy đứa trẻ con ở xóm ngụ cư) đùa như ngày trước, Tràng vội vàng nghiêm nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng." chứng tỏ Tràng hoàn toàn nghiêm túc trong việc đưa người đàn bà đi bên về nhà làm vợ. Tràng sợ việc mấy đứa trẻ con ở xóm ngụ cư đùa bỡn mình như mọi ngày sẽ khiến cho "việc đại sự" của Tràng trở nên trò đùa, làm người đàn bà đi bên ngượng ngùng. Chi tiết này còn thể hiện Tràng tuy nhặt vợ nhưng không hề rẻ rùng người đàn bà đi bên cạnh mà rất trân trọng và biết nghĩ cho cảm xúc của vợ, không muốn vợ trở thành đối tượng bị bọn trẻ trêu đùa.

    Câu 7. Nhận xét về nhân vật người vợ nhặt qua những chi tiết "Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn...", "Người đàn bà như cũng biết xung quanh người ta đang nhìn dồn cả về phía mình, thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia."

    Những chi tiết miêu tả sự ngại ngùng, e thẹn của người vợ nhặt ở trên cho thấy chị không phải là người trơ trẽn đến mức bất chấp tất cả; chị cũng có ý thức về giá trị, nhân phẩm, về thân phận của mình. Chị nhận thức được rằng mình chỉ là người vợ theo không nên cảm thấy xấu hổ trước ánh mắt của mọi người.

    Xem tiếp bên dưới...
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...