Ôn tập bài Bắt nạt - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức với cuộc sống

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 19 Tháng mười một 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Ôn tập bài Bắt nạt


    Bài Ôn tập văn bản Bắt nạt bao gồm các phần:

    Trắc nghiệm bài Bắt nạt

    Đọc hiểu bài Bắt nạt


    Hệ thống câu hỏi luyện tập từ cấp độ nhận thức, thông hiểu đến những câu hỏi yêu cầu tư duy cao hơn.. giúp các em học sinh củng cố và khắc sâu kiến thức bài học, giúp giáo viên có thế kiểm tra được kiến thức tổng quát của học sinh.

    Các câu hỏi trong topic ôn tập này có thể được sử dụng để làm phiếu kiểm tra 15 phút, kiểm tra bài cũ, hoặc đưa vào các đề thi, kiểm tra giữa kì, cuối kì.

    Bài tập do tác giả biên soạn được đăng duy nhất trên dembuon.vn. Nếu xuất hiện ở những Web khác là sự sao chép mà chưa được cho phép.

    Trắc nghiệm bài Bắt nạt

    Câu 1. Bài thơ "Bắt nạt" của tác giả nào?

    A. Nguyễn Thế Hoàng Linh

    B. Lâm Thị Mỹ Dạ

    C. Tô Hoài

    D. Ta-go

    Câu 2. Bài thơ "Bắt nạt" nằm trong bài học nào sau đây trong sách giáo khoa Ngữ văn 6:

    A. Tôi và các bạn

    B. Gõ cửa trái tim

    C. Yêu thương và chia sẻ

    D. Quê hương yêu dấu

    Câu 3. Bài thơ "Bắt nạt" thuộc thể thơ gì?

    A. Thơ lục bát

    B. Thơ ngũ ngôn

    C. Thơ song thất lục bát

    D. Thơ thất ngôn bát cú

    Câu 4. Bài thơ "Bắt nạt" trích trong tập thơ nào của Nguyễn Thế Hoàng Linh?

    A. Mầm sống

    B. Bé tập tô

    C. Ra vườn nhặt nắng

    D. Mật thư

    Câu 5. Bài thơ "Bắt nạt" có bao nhiêu khổ?

    A. 5 khổ

    B. 6 khổ

    C. 7 khổ

    D. 8 khổ

    Câu 6. Cụm từ "đừng bắt nạt" xuất hiện bao nhiêu lần trong bài thơ?

    A. 5 lần

    B. 6 lần

    C. 7 lần

    D. 8 lần

    Câu 7. Tác dụng của việc lặp lại cụm từ "đừng bắt nạt" là gì?

    A. Việc lặp lại điệp từ này giúp các bạn nhỏ yêu thương, đoàn kết nhau hơn.

    B. Việc lặp lại điệp từ này giúp nhắc nhở các bạn nhỏ không nên bắt nạt những người yếu hơn mình vì đó là hành vi xấu.

    C. Việc lặp lại điệp từ này giúp các bạn có hành vi bắt nạt sẽ biết tự xấu hổ vì hành vi của mình.

    D. Việc lặp lại điệp từ này giúp các bạn bị bắt nạt được động viên, an ủi.

    Câu 8. Trong khổ 1, thái độ phê phán của nhân vật "tớ" đối với hành vi bắt nạt được thể hiện rõ nhất qua câu thơ nào?

    A. Bắt nạt là xấu lắm

    B. Đừng bắt nạt, bạn ơi

    C. Bất cứ ai trên đời

    D. Đều không cần bắt nạt.

    Câu 9. Trong bài thơ "Bắt nạt", nhân vật "tớ" đề xuất những việc làm tốt, những việc nhiều thử thách hơn bắt nạt là:

    A. Bắt nạt người lớn

    B. Học hát, nhảy híp-hóp, ăn mù tạt

    C. Bắt nạt mèo, chó

    D. Bắt nạt cái cây

    Câu 10. Nhận xét về các việc làm nhân vật "tớ" đề xuất ở câu 9.

    A. Những việc làm này vừa phù hợp với lứa tuổi trẻ em, lại vừa tạo ý vị đùa vui, hóm hỉnh..

    B. Những việc làm này chẳng có gì thú vị cả.

    C. Những việc làm này không phải ai cũng có năng khiếu để làm.

    D. Những việc làm này không thú vị, không "kích thích" bằng việc đi bắt nạt bạn khác.

    Câu 11. Trong bài thơ "Bắt nạt", nhân vật "tớ" nói cho các bạn nhỏ biết lí do không nên bắt nạt là gì?

    A. Không nên bắt nạt vì đây là hành vi hoang dã của loài vật.

    B. Không nên bắt nạt vì đây là hành vi độc ác, mất nhân tính.

    C. Không nên bắt nạt vì đây là hành vi xấu và những bạn nhút nhát thì đáng yêu giống thỏ non, không nên bắt nạt.

    D. Không nên bắt nạt vì bắt nạt gây hậu quả xấu sẽ phải chịu hình phạt của pháp luật.

    Câu 12. Nhân vật "tớ" đưa ra lời khuyên không nên bắt nạt những ai?

    A. Không nên bắt nạt thỏ non

    B. Không nên bắt nạt những bạn đáng yêu

    C. Không nên bắt nạt "tớ"

    D. Không nên bắt nạt người lớn, trẻ con, nước khác, mèo, chó, cái cây..

    Câu 13. Nhân vật "tớ" không thích bắt nạt vì:

    A. Bắt nạt rất hư

    B. Bắt nạt rất xoàng

    C. Bắt nạt rất hôi

    D. Bắt nạt rất đau.

    Câu 14. Cách nói của nhân vật "tớ" về lí do không thích bắt nạt ở câu 13 là cách nói như thế nào?

    A. Cách nói rất ngầu

    B. Cách nói hài hước

    C. Cách nói viển vông, khoác lác

    D. Cách nói hoa mỹ.

    Câu 15. Nhân vật "tớ" nói với những bạn nhỏ khi bị bắt nạt thì làm gì?

    A. Khi bị bắt nạt thì chống trả lại

    C. Khi bị bắt nạt thì im lặng chịu đòn

    C. Khi bị bắt nạt thì bỏ chạy

    D. Khi bị bắt nạt thì đưa ra "bài thơ này" và "đến gặp tớ".

    Câu 16. Thái độ của nhân vật "tớ" trong hai khổ thơ sau là gì?

    Bạn nào bắt nạt bạn
    Cứ đưa bài thơ này
    Bảo nếu cần bắt nạt
    Thì đến gặp tớ ngay.

    Cứ đến bắt nạt tớ
    Bị bắt nạt quen rồi
    Vẫn không thích bắt nạt
    Vì bắt nạt rất hôi.



    A. Phẫn nộ trước hành vi bắt nạt

    B. Phản kháng lại hành vi bắt nạt.

    C. Cam chịu khi bị bắt nạt.

    D. Bảo vệ những bạn bị bắt nạt.

    Câu 17. Nhân vật "tớ" trong bài thơ thể hiện thái độ như thế nào đối với những bạn có hành vi bắt nạt bạn khác?

    A. Nhân vật "tớ" bày tỏ thái độ không đồng tình với hành vi bắt nạt. Tuy nhiên, "tớ" không lên án gay gắt mà vẫn chọn cách nói điềm đạm, khuyên nhủ một cách gần gũi, thân thiện và rất hài hước.

    B. Nhân vật "tớ" bày tỏ thái độ lên án mạnh mẽ đối với hành vi bắt nạt. Thái độ đó được thể hiện qua cách nói gay gắt, không thiện cảm.

    C. Nhân vật "tớ" vô cùng bức xúc trước hành vi bắt nạt bạn, sẵn sàng "ra tay" bảo vệ nếu ai đó nhờ can thiệp giúp.

    D. Nhân vật "tớ" coi chuyện bắt nạt là thường tình, không có gì đáng để quan tâm. Chuyện đó đã có nhà trường, xã hội giải quyết.

    Câu 18. Nhân vật "tớ" trong bài thơ thể hiện thái độ như thế nào đối với những bạn bị bắt nạt?

    A. Nhân vật "tớ" không quan tâm đến những bạn bị bắt nạt vì chuyện của bạn không liên quan đến mình.

    B. Nhân vật "tớ" rất muốn bảo vệ những bạn bị bắt nạt nhưng không dám làm gì vì sợ trở thành nạn nhân của hành vi bắt nạt.

    C. Nhân vật "tớ" bày tỏ thái độ yêu thương, quý mến với những bạn bị bắt nạt. Không những thế, "tớ" còn sẵn sàng bênh vực, bảo vệ, thậm chí nếu có bị "bắt nạt" thay cũng không sợ.

    D. Nhân vật "tớ" sẵn sàng bảo vệ những bạn bị bắt nạt bằng cách bắt nạt ngược lại.

    Câu 19. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ sau là gì?

    Những bạn nào nhút nhát

    Thì là giống thỏ non

    A. Nhân hóa

    B. So sánh

    C. Điệp ngữ

    D. Ẩn dụ

    Câu 20. Nội dung bài thơ "Bắt nạt" là gì?

    A. Bài thơ giúp người đọc nhận ra rằng tính kiêu căng của tuổi trẻ có thể làm hại đến người khác, khiến người ta phải ân hận suốt đời. Từ đó, bài thơ khuyên mọi người cần sống thân ái đoàn kết với những người xung quanh.

    B. Bài thơ giúp ta cảm nhận được ý nghĩa của tình bạn, có ý thức và trách nhiệm với bạn bè, với những gì mình gắn bó, yêu thương.

    C. Bài thơ giúp người đọc hiểu rằng trẻ em là nhân vật trung tâm của gia đình và xã hội, vì thế các em cần được mọi người quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ.

    D. Bài thơ đề cập đến hiện tượng kẻ mạnh ỷ thế ức hiếp, bắt nạt kẻ yếu. Nhà thơ lên tiếng phê phán hành vi bắt nạt, bênh vực người bị bắt nạt và lên tiếng kêu gọi mọi người sống yêu thương, đoàn kết.

    Câu 21.Nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ "Bắt nạt" là gì?

    A. Phép điệp ngữ "Đừng bắt nạt"

    B. Phép liệt kê: người lớn, trẻ con, mèo, chó, cái cây.

    C. Sử dụng thể thơ 5 chữ.

    D. Thể thơ 5 chữ kết hợp các biện pháp tu từ: điệp ngữ, so sánh,... lối thơ trong trẻo, tươi vui, hóm hỉnh.

    Gợi ý đáp án:

    1A; 2A; 3B; 4C; 5D; 6C; 7B; 8A; 9B; 10A

    11C; 12D; 13C; 14B; 15D; 16A; 17A; 18C; 19B; 20D; 21D

    [​IMG]

    Đọc hiểu bài Bắt nạt

    Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

    Bắt nạt là xấu lắm
    Đừng bắt nạt, bạn ơi
    Bất cứ ai trên đời
    Đều không cần bắt nạt.

    Tại sao không học hát
    Nhảy híp - hóp cho hay?
    Thời gian trong một ngày
    Đâu để dành bắt nạt.

    Sao không ăn mù tạt
    Đối diện thử thách đi?
    Thử kẻ yếu làm gì
    Sao không trêu mù tạt?



    Câu 1. Đoạn thơ trên trích trong bài thơ nào? Tác giả của bài thơ đó là ai?

    Câu 2. Nội dung của đoạn thơ trên là gì?

    Câu 3. Trong đoạn thơ trên, nhân vật "tớ" đã đề xuất những việc làm gì đối với những bạn quen bắt nạt bạn khác? Vì sao nhân vật "tớ" lại đề xuất những việc làm đó?

    Câu 4. Em hãy nhận xét về giọng điệu của nhân vật "tớ" trong đoạn thơ trên. Giọng điệu đó có tác dụng như thế nào đối với việc biểu đạt nội dung đoạn thơ.

    Câu 5. Em hãy trích lại các câu thơ được viết dưới dạng câu hỏi. Tác dụng của việc sử dụng những câu hỏi đó là gì?

    Gợi ý trả lời:

    Câu 1. Đoạn thơ trên trích trong bài thơ "Bắt nạt". Tác giả của bài thơ: Nguyễn Thế Hoàng Linh.

    Câu 2. Nội dung của đoạn thơ trên là: Đoạn thơ trên bày tỏ thái độ của nhân vật "tớ" đối với hành vi bắt nạt, cho rằng đó là hành vi xấu và đề xuất những việc làm tốt hơn bắt nạt.

    Câu 3. Trong đoạn thơ trên, nhân vật "tớ" đã đề xuất những việc làm: Học hát, nhảy híp-hóp, ăn mù tạt, trêu mù tạt.

    Nhân vật "tớ" lại đề xuất những việc làm đó vì đó là những việc làm tốt, phù hợp với trẻ con (hát, nhảy), đó còn là những việc làm nhiều thử thách hơn bắt nạt (ăn, trêu mù tạt).

    Câu 4. Giọng điệu của nhân vật "tớ" trong đoạn thơ trên là giọng điệu phê phán nhẹ nhàng, có chút đùa vui hóm hỉnh.

    Nhờ giọng điệu này mà một vấn đề khá nghiêm trọng trong môi trường học đường, trong xã hội được đề cập đến một cách tự nhiên, thấm thía, không khiên cưỡng, gò ép. Giọng điệu này còn giúp những bạn có hành vi bắt nạt không cảm thấy khó chịu, tự ái khi tự nhìn nhận lại mình.

    Câu 5. Đoạn thơ có những câu thơ viết dưới dạng câu hỏi:

    - Tại sao không học hát

    Nhảy híp - hóp cho hay?

    - Sao không ăn mù tạt

    Đối diện thử thách đi?

    - Sao không trêu mù tạt?


    Tác dụng của việc sử dụng những câu hỏi đó là: Vừa tạo nên giọng điệu hóm hỉnh cho lời thơ, vừa khiến những bạn có hành vi bắt nạt phải băn khoăn suy nghĩ khi đối diện với những câu hỏi đó và nhìn nhận lại hành vi của mình để thay đổi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng mười hai 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...