Ôn hsg phần nlxh

Thảo luận trong 'Cần Sửa Bài' bắt đầu bởi Hậu Minh, 1 Tháng mười hai 2022.

  1. Hậu Minh

    Bài viết:
    87
    Ba đề ôn học sinh giỏi phần Nghị luận xã hội

    ĐỀ 1: Trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến sau: "Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa" (Sách Dám thành công)

    Gợi ý làm bài:

    1. Giải thích câu nói:

    - Niềm tin vào bản thân: Đó là niềm tin vào chính mình, tin vào năng lực, trí tuệ, phẩm chất, giá trị của mình trong cuộc sống. Đó còn là mình hiểu mình và tự đánh giá được vị trí, vai trò của mình trong các mối quan hệ của cuộc sống.

    -. Khi đánh mất niềm tin là ta đánh mất tất cả. - đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác.

    À Câu nói là lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy có niềm tin vào bản thân. Đó cũng là bản lĩnh, là phẩm chất, là năng lực của mỗi người, là nền tảng của niềm yêu sống và mọi thành công.

    2. Phân tích, chứng minh:

    (Vì sao đánh mất niềm tin vào bản thân là sẽ đánh mất nhiều thứ quý giá khác)

    Ý 1: Niềm tin vào bản thân là niềm tin cần thiết nhất trong mọi niềm tin.

    - Niềm tin vào bản thân không chỉ đem lại niềm tin yêu cuộc sống, yêu con người, hi vọng vào những gì tốt đẹp mà còn là nền tảng của mọi thành công.

    - Để có được thành công, có cuộc sống tốt đẹp, con người phải biết dựa vào chính bản thân mình chứ không phải dựa vào ai khác, khách quan chỉ là điều kiện tác động, hỗ trợ chứ không phải là yếu tố quyết định thành công.

    Ý 2: Đánh mất niềm tin hoặc không tin vào chính khả năng của mình thì con người sẽ không có ý chí, nghị lực để vươn lên

    - "Thiếu tự tin là nguyên nhân của phần lớn thất bại" (Bovee). Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, đầy những dư vị đắng cay, ngọt ngào, hạnh phúc và bất hạnh, thành công và thất bại, và có những lúc sa ngã, yếu mềm.. Nếu con người không có ý chí, nghị lực, niềm tin vào bản thân sẽ không đủ bản lĩnh để vượt qua, không khẳng định được mình, mất tự chủ, dần buông xuôi, rồi dẫn đến đánh mất chính mình.

    - Khi đã đánh mất chính mình là đánh mất tất cả, trong đó có những thứ quý giá như: Tình yêu, hạnh phúc, cơ hội.. thậm chí cả sự sống của mình. Vì vậy, con người biết tin yêu vào cuộc sống, tin vào sức mạnh, khả năng của chính mình, biết đón nhận những thử thách để vượt qua, tất yếu sẽ đạt đến bến bờ của thành công và hạnh phúc.

    Ý3: Niềm tin vào bản thân giúp con người vượt lên mọi thử thách và trưởng thành:

    - Trong cuộc sống, có biết bao con người không may mắn, họ phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, bất hạnh. Nhưng càng khó khăn, bản lĩnh của họ càng vững vàng. Họ tin vào ý chí, nghị lực, khả năng của bản thân và họ đã vượt lên, chiến thắng tất cả.

    3. Đánh giá – mở rộng:

    - Ý kiến chứa đựng một triết lí nhân sinh sâu sắc, hướng con người biết nhận ra và có ý thức gìn giữ chân giá trị của cuộc sống

    - Phê phán: Trong thực tế cuộc sống, có những người mới va vấp, thất bại lần đầu nhưng không làm chủ được mình, không tin vào mình có thể gượng dậy mà từ đó dẫn đến thất bại:


    + Một học sinh nhút nhát, e sợ, không tin vào năng lực bản thân mình khi đi thi sẽ dẫn đến làm bài không tốt. Cũng có những học sinh thi trượt, tỏ ra chán nản, không còn niềm tin vào bản thân, dễ bỏ cuộc nên sẽ khó có được thành công.

    + Một người khi làm việc, không tự tin vào mình, không có chính kiến của mình mà phải thực hiện theo ý kiến tham khảo của nhiều người khác thì dẫn đến tình trạng "đẽo cày giữa đường", "lắm thầy thối ma".

    + Có những người từ nhỏ được sống trong nhung lụa, mọi việc đều có người giúp việc hoặc bố mẹ lo, khi gặp khó khăn họ có thể làm chủ được bản thân, tự mình độc lập để vượt qua?

    4. Bài học:

    * Nhận thức:

    - Tự tin, khiêm tốn, cẩn trọng là những đức tính đáng quý của con người. Nó dẫn con người ta đến bến bờ thành công và được mọi người quý trọng.

    - Tuy nhiên, đừng quá tự tin vào bản thân mình mà dẫn đến chủ quan, đừng quá tự tin mà bước sang ranh giới của tự kiêu, tự phụ sẽ thất bại.

    * Hành động:

    - Học sinh, sinh viên, những người trẻ tuổi phải luôn tự đặt câu hỏi cho mình: Phải làm gì để xây dựng niềm tin trong cuộc sống?

    - Phải cố gắng học tập và rèn luyện tư cách đạo đức tốt. Việc học phải đi đôi với hành, dám nghĩ, dám làm, tự tin, yêu đời, yêu cuộc sống. Phải biết tránh xa các tệ nạn xã hội, phải luôn làm chủ bản thân.

    ĐỀ 2: Trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", tác giả Lưu Quang Vũ đã để nhân vật Trương Ba bày tỏ quan niệm sống của mình là: "Không thể bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo được". Anh / chị suy nghĩ như thế nào về quan niệm trên?

    Gợi ý làm bài:

    1. Giải thích:

    - Bên trong: Là thế giới nội tâm của con người (gồm nhận thức, tư tưởng, khát vọng). Đây là phần làm nên ý thức, chất người cao quý trong con người. Nếu thế giới bên trong đạt được sự toàn vẹn, hoàn thiện, con người sẽ có được những phẩm chất tốt đẹp, quý giá, sống một đời sống tinh thần phong phú, sâu sắc. Đây là phần mà người ta không nhìn thấy được chủ có thể cảm nhận qua tiếp xúc, tìm hiểu và gắn bó.

    - Bên ngoài: Là cái có thể quan sát, nhận biết bằng thị giác (gồm hình thức, hành vi, lời nói, việc làm).

    - Quan hệ giữa bên ngoài và bên trong: Thường là quan hệ thống nhất – cái bên ngoài là biểu hiện cụ thể của cái bên trong và ngược lại, cái bên ngoài cũng được cái bên trong quy định, chi phối.

    - Bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo: Không có sự hài hòa, thống nhất của bên ngoài và bên trong, tức là lời nói, việc làm không thống nhất với suy nghĩ, tình cảm, nhận thức. Sự không thống nhất này khiến con người rơi vào tình trạng sống giả tạo, trở nên lệch lạc, mất thăng bằng. Dù ở trường hợp nào cũng đều là bi kịch.

    È Ý nghĩa câu nói của Trương Ba: Thể hiện một quan niệm sống đúng đắn: Cần phấn đấu để đạt sự hài hòa, cân bằng giữa nhận thức, hành vi, giữa cái bên trong với cái bên ngoài. Mỗi người hãy sống là mình, luôn làm chủ bản thân cả về thể xác lẫn tìn thần. Đó là cách sống để con người đạt được sự thanh thản.

    2. Phân tích, chứng minh:

    Ý 1: Thực tế cuộc sống của Trương Ba:

    - Cái Bên trong: Gắn liền với phần hồn Trương Ba- một người làm vườn chăm chỉ, cần cù, tinh tế đã nâng niu chăm sóc vườn cây, một con người mẫu mực, sống đạo đức và giàu tình nghĩa với vợ con, với cháu nội, với láng giềng xung quanh. Đó là những phẩm chất quý giá khiến Trương Ba được mọi người nể trọng, quý mến.

    - Cái Bên ngoài: Gắn liền với xác hàng thịt – một con người thô bạo, tham lam, coi trọng sự hưởng thụ vật chất.

    - Vì một sự nhầm lẫn nên cả hai con người này đã bị đẩy vào một tình huống éo le: Hồn Trương Ba phải sống nhờ trong xác anh hàng thịt. Vấn đề là ở chỗ: Hồn Trương Ba vẫn có những nhu cầu về tinh thần song lại không thể điều khiển xác anh hàng thịt- tuy chỉ là xác thịt âm u đui mù song vẫn có tiếng nói riêng, vẫn đòi hỏi được thỏa mãn nhu cầu về vật chất. Cả nhu cầu về vật chất và nhu cầu về tinh thần đều tự nhiên, chính đáng song trong trường hợp này lại trở nên mâu thuẫn, không thể tồn tại.

    - Kết quả: Trong sự xung đột, nhu cầu thể xác lại có phần thắng thế và cái thể xác phàm tục kia lại có thể lên tiếng nhạo báng nhu cầu cao quý của linh hồn. Đây là một điều phi lí và đau lòng bởi phần xác đã xúc phạm, đã làm tổn thương đến phần hồn.

    Ý 2: Trong cuộc sống con người hiện nay:

    - Ở một số người có sự hòa hợp giữa bên trong và bên ngoài. Đó là khi cái bên trong – đời sống tinh thần – thật sự mạnh mẽ để tạo thành một bản lĩnh sống, bản lĩnh văn hóa để có thể chi phối, điều khiển lời nói, việc làm để cái bên ngoài thật sự là sự biểu hiện của cái bên trong. Khi ấy, con người được sống là mình, con người khẳng định được cái tôi của bản thân, đồng thời cũng tạo cho mình một khả năng để chinh phục, thu hút người khác, tức là không chỉ sống tốt mà còn được mọi người yêu mến.

    - Có một bộ phận không nhỏ những người không tạo được sự hài hòa giữa bên ngoài và bên trong:

    + Bên trong tốt đẹp, có nhân tính, có lương tâm, có khả năng nhận thức, hiểu biết nhưng không thắng được hoàn cảnh, bị hoàn cảnh xô đẩy đến chỗ có những hành vi trái với lương tâm, trái với chuẩn mực đạo đức. Đó là trường hợp con người phải sống kệch lạc, mất thăng bằng.

    + Bên trong kém cỏi, tầm thường song ở vào vị trí buộc mình phải tỏ ra có đạo đức, có hiểu biết, có tình cảm cao thượng. Đó là trường hợp con người phải sống giả tạo.

    3. Đánhgiá - mởrộng:

    - Vấn đề được Lưu Quang Vũ nêu ra có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, hướng con người vươn tới một lối sống nhân văn.

    - Cuộc sống đầy những khó khăn, phức tạp, đầy những cám dỗ, có khi người ta mắc phải những sai lầm, vấp ngã. Hãy dũng cảm đối diện với sự thật để vươn lên.

    - Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên, có sự hài hòa thể xác và tâm hồn. Con người phải biết đấu tranh với bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

    4. Bài học:

    * Nhận thức:

    - Mỗi người cần trang bị cho mình nhận thức, hiểu biết để có thể phân biệt đúng – sai, rèn luyện bản lĩnh để có thể tự kiểm soát mọi hành vi, để không chạy theo dục vọng tầm thường, không sa đà vào lối sống buông tuồng, dung tục. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến bản thân mình, quan tâm đến những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng dù là bình thường nhất để được sống một cách thoải mái, tự nhiên.

    * Hành động

    - Cố gắng tìm sự hài hòa giữa nhu cầu về tinh thần và nhu cầu về vật chất để tạo nên một cuộc sống cân bằng và nghiêm túc với bản thân mình, tạo cho mình quyền được hạnh phúc.

    - Hãy trung thực, thẳng thắn với bản thân, không "nói một đằng làm một nẻo", giả dối với mọi người và chính mình.

    - Hãy luôn cảnh giác với "kẻ thù của chính mình", vượt qua nó để chiến thắng hoàn cảnh, sống đúng là mình.

    Đề 3: Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến của A-mo-ni-mus: "Con đường gần nhất để ra khỏi gian nan là đi xuyên qua nó".

    Gợi ý làm bài:

    1. Giải thích:

    - "Con đường gần nhất để ra khỏi gian nan" : Ý nói đến cách tốt nhất, nhanh nhất để con người tháo gỡ những khó khăn, những thử thách trong cuộc sống.

    - "Đi xuyên qua nó" : Ý nói ta phải đối mặt, phải vượt qua, không né tránh.

    => Con người không nên có thái độ né tránh khi phải gặp khó khăn, gian nan trong học tập, lao động và trong cuộc sống; phải dũng cảm đối diện với gian nan, tìm ra bản chất của vấn đề để tìm cách khắc phục, giải quyết khó khăn..

    2. Phân tích – Chứng minh:

    Ý 1: Trong cuộc sống, ai cũng sẽ gặp ít nhiều khó khăn, thử thách

    - Con người sẽ mau chóng vượt qua gian nan, thử thách khi con người dũng cảm đối diện, tìm ra cách giải quyết hợp lí nhất.

    Ý 2: Dám nghĩ, dám hành động sẽ giúp con người vượt qua được gian nan

    - Dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, con người sẽ vững vàng, trưởng thành và thành công hơn trong học tập, lao động và cả trong cuộc sống thường nhật.

    - Con đường đến thành công không trải đầy hoa hồng, "không có vết chết chân của người lười biếng" - những kẻ ngại khó, ngại khổ sẽ không thể có được thành công đích thực.

    - Điều này đã được chứng minh trong thực tiễn cuộc sống ở nhiều lĩnh vực, trong những hoàn cảnh khác nhau.

    * Thí sinh có thể lấy dẫn chứng trong thực tế cuộc sống để chứng minh.

    3. Đánh giá – mở rộng:

    - Ý kiến mang tính đúng đắn, sâu sắc, được rút ra từ sự trải nghiệm của con người trong quá trình sống. Ta có thể tìm thấy ở ý kiến trên ý nghĩa giáo dục, định hướng cho bản thân trong nhận thức, trong cách giải quyết khó khăn của cuộc sống.

    - Những con người luôn né tránh gian nan, đầu hàng khó khăn sẽ không bao giờ trưởng thành.

    - Cuộc sống hiện đại mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức, chúng ta cần chủ động vượt lên phía trước, năng động và sáng tạo để chinh phục những khó khăn, nắm bắt cơ hội. Đó là con đường gần nhất để đi đến thành công.

    4. Bài học:

    - Nhận thức: Dám đối mặt với khó khăn thử thách và biết cách chinh phục nó sẽ giúp ta rèn luyện bản lĩnh sống và ngày một trưởng thành.

    - Hành động: Rèn luyện đức tính kiên trì, bình tĩnh, tự tin, chủ động trong mọi hoàn cảnh khó khăn, lấy phương châm: "Việc gì cũng có cách giải quyết" trong ứng xử.

    Đề 4: Ngạn ngữ có câu: Cuộc đời ngắn ngủi không cho phép ta ước vọng quá nhiều. Thế nhưng nhà văn Nga M. Prisvin lại cho rằng: Phải ước mơ nhiều hơn nữa, phải ước mơ tha thiết hơn nữa để biến tương lai thành hiện tại. Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề đặt ra trong hai trích dẫn trên.

    DÀN Ý THAM KHẢO

    1. Giải thích:

    - Ý kiến 1: Cuộc sống ngắn ngủi, con người sẽ không đủ thời gian để thực hiện ước mơ, vì vậy không nên mơ ước quá nhiều, quá xa rời thực tại.

    Ý kiến 2: Con người cần mơ ước nhiều hơn, khát khao mãnh liệt hơn để đủ sức mạnh biến những điều mơ ước thành hiện thực.

    2. Phân tích- Chứng minh:

    Ý 1: Ước mơ và khát vọng sống làm nên vẻ đẹp cuộc sống:

    - Trong cuộc sống, nếu không có nhiều mơ ước, không có những ước mơ cao, xa, con người sẽ không thể vượt lên thực tại để thực hiện những điều tốt đẹp, kì diệu.

    Ý 2: Không nên ước mơ xa vời, viễn vông, ước mơ phải thiết thực

    - Không phải cứ ước mơ thật nhiều, khát khao mãnh liệt thì tất cả đều trở thành hiện thực.

    - Phải biết kết hợp giữa ước mơ và thực tại, ước mơ phải bắt nguồn từ cuộc sống. Phải theo đuổi ước mơ nhưng đừng mơ ước hão huyền.

    * Lưu ý: Học sinh cần lấy dẫn chứng trong thực tế cuộc sống để chứng minh.

    3. Đánh giá- mở rộng:

    - Hai ý kiến trên bổ sung cho nhau, có ý nghĩa hướng con người vươn tới lối sống đẹp, sống có ý nghĩa.

    - Phê phán những người không dám ước mơ và những kẻ mơ ước viễn vông.

    - Thời đại hôm nay mở ra nhiều cơ hội cho tuổi trẻ. Sống phải có khát vọng và biết cách giữ niềm tin ở bản thân để có thể vươn tới bao mục tiêu chờ ta chinh phục.

    4. Bài học:

    * Nhận thức:

    - Phải biết kết hợp ước mơ và thực tại, ước mơ phải bắt nguồn từ cuộc sống, phải có ước mơ, có những khao khát mãnh liệt, cháy bỏng nhưng đừng mơ ước hão huyền.

    * Hành động:

    - Phải vạch ra những kế hoạch để biến ước mơ thành hành động.

    - Phải trau dồi tri thức, phải rèn luyện ý chí, những kĩ năng sống, rèn đức luyện tài để có khả năng biến ước mơ thành hiện thực.
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng mười hai 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...