NƯƠNG TỰA Tác giả: Hứa Kỳ Thể loại: Truyện ngắn * * * Đó là một tác phẩm của họa sĩ người Pháp vẽ đôi vợ chồng già cùng cầm chung một chiếc ô, dìu nhau chầm chậm đi trên phố. Ở bất cứ xó xỉnh nào trên thế giới cũng có thể tìm thấy cái cảnh bình thường nhỏ nhặt này trên đường phố. Họa sĩ dùng lối vẽ của chủ nghĩa ấn tượng mới, không khắc họa tính cách của nhân vật mà chỉ miêu tả bối cảnh hai ông bà bị mưa mù che phủ, dáng vẻ tự nhiên đến xúc động. Một nỗi buồn đau mơ hồ xâm chiếm lòng tôi, không phải do kỹ thuật hội họa mà do chính bản thân đôi vợ chồng già ấy. Tôi nghĩ, nên đặt tên cho bức tranh là Nương tựa. Nương tựa. Nương tựa nhau để đi đến tuổi già, để đi vào cõi chết chẳng phải là việc dễ dàng. Có bao nhiêu đôi vợ chồng đã nương tựa vào nhau được đến cùng, đạt đến sự hòa đồng thực sự về tâm linh, động viên an ủi nhau, kẻ hô người ứng cùng nhau đi về nơi tịch diệt? Đối với thế giới phương Tây lại càng khó hơn, vì Nương tựa hình như là thứ tình người cao đẹp riêng có của phương Đông, của luân lý truyền thống cổ của nước ta mà thôi Khi trên phố trông thấy đôi vợ chồng già dìu nhau đi chầm chậm, tôi đã nhìn họ với con mắt kính nể, giống như đang cử hành một hôn lẽ thần thánh trang nghiêm, chân nhịp theo Hành khúc tang lễ của Beethoven. Tự nhiên sinh ra cảm giác thương đau vì thời gian đã mất, thứ thương đau thấm đẫm hạnh phúc! Một bà cụ vừa cười vừa giới thiệu với người khác về ông lão của mình: "Tôi là chiếc gậy sống của ông ấy!" Có đúng như vậy không? Thế thì cụ già là cái gì của cụ bà nào? Là cái trục cán mì chăng? Xin hãy đừng cười! Hai cụ ấy chẳng ai có thể lìa xa ai được cả. Nhưng thật không dễ dàng. Ông trời kia không muốn để cho nhân gian được vẹn toàn, để cho người ta được nương tựa vào nhau. Hoặc là cụ ông buông tay trước, hoặc là cụ bà vội vã xa rời trần thế. Ngay khi cả hai cùng còn tồn tại ỏ trên đời thì cũng mỗi người mỗi phương cứ như là người lạ gặp trên đường vậy; cũng có thể cùng ở một nhà, một phòng nhưng trong lòng lại có bức tường dày ngăn cách! Cuối đời thường sợ cô độc. Cảnh ngộ cô độc thật là bi thảm! Những điều bi thảm hơn lại chính là ngoài mặt tỏ ra nương tựa vào nhau mà trong lòng thì cô độc. Điều đó so với người cô độc lại càng cô độc hơn Từ khi mẹ tôi qua đời, chưa được hai năm mà bố tôi già đi trông thấy. Lưng còng xuống, tai nghễnh ngãng, bước đi lập cập. Vốn là mỗi ông lão lắm điều hiếu thắng, từ sáng đến tối chỉ bớt lông tìm vết mắng mỏ bà cụ, bây giờ mắng mỏ ai? Cho nên suốt ngày chẳng nói chẳng rằng, cứ như là bất chợt phát hiện ra cái dáng ông lão tám mươi vốn bị che dấu bấy lâu nay. Đúng như câu thường nói trong các truyện cổ: Từ từ lộ ra quang cảnh của kiếp sau. Một người hoàn toàn khỏe mạnh, không cần chiếc gậy chống trong lòng vẫn đứng vững được. Nhưng mà con người không có ai trọn vẹn cả. Bộ phận còn thiếu kia cần được bổ sung cho thăng bằng! Bố tôi là một ông già bình thường không có bất kỳ công lao to lớn nào. Nay không còn bạn đời để trò chuyện thấy cô đơn thất vọng. Ngày rồi lại đêm, im hơi lặng tiếng, rồi lại im hơi lặng tiếng. Ban ngày thì còn tạm được, nhưng làm sao chịu đựng nổi những đêm dài dằng dặc hay tỉnh giấc và ít ngủ? Vừa đặt lưng xuống giường đã thấy người đau như dần, các khớp xương nhức nhối. Gọi bà lão đến nắn nắn bóp bóp, dẫu rằng chẳng thực sự giải quyết được vấn đề thì cũng coi như thứ dầu xoa tinh thần bôi trơn tạm thời các bộ phận rệu rã của cơ thể! Ngay cả khi hoàn toàn khỏe khoắn, trong khoảnh khắc tạm ngừng tiếng ngáy lúc nửa đêm, nếu có bạn đời bên cạnh cũng cứ như mơ gọi tên tục của bà lão ra để đánh thức: "Này, x. X, bà đã tỉnh chưa đấy?" "Nghe thấy rồi, nghe thấy rồi, tôi tỉnh dậy rồi, có việc gì vậy?" "Quái lạ, quái lạ, vừa mơ thấy bà cụ tôi.." "Dào ôi! Chuyện cũ rích, xương cốt bà cụ nhà ông đã nát từ lâu rồi..". "Này, bà thấy có lạ không cơ chứ? Thế nào mà bà cụ lại mua cho tôi cả một xâu mứt quả.." "Tôi thích ăn bánh nếp. Hồi tôi còn con gái.." Những thức thích ăn ngày trước ở nhà quê, trong một cái quán nào đó, trong một cửa hiệu nào đó, thêm một ít rau gì đấy. Càng nói càng hăng. Mạnh ai nấy nói, cứ như súng liên thanh nhưng vẫn luôn gật đầu tỏ ý đồng tình với người kia. Chỉ một quyển sách Đoán mộng nho nhỏ hoặc một tờ giấy thông quan cũng đủ để các cụ tranh luận đến nửa đêm! Tuy chẳng phải là cố ý nghe trộm, nhưng những tiếng thủ thỉ kia lọt vào tai khiến tôi phải cười thầm. Bị ru ngủ bởi những câu nói liến láu không dứt, rất trẻ con ngây thơ, những câu chuyện tâm đầu ý hợp mà vô nghĩa của các cụ khiến tôi lơ mơ ngủ đi lúc nào không biết. Tôi cứ ngỡ rằng đó là tiếng gù gù của một đôi chim bồ câu về những chuyện vụn vặt đã qua, rối như mớ bòng bong không sao gỡ nổi, hoặc cố ý làm lẫn lộn các đề mục. Bây giờ cụ ông tỉnh dậy có một mình thì sao? Lại buột miệng gọi ra tên cúng cơm của cụ bà: "Này, này, bà đã tỉnh chưa đấy?" Không có tiếng đáp lại. "Dậy đi bà! Ta nói chuyện phiếm nào! Sợ gì chuyện cãi vã, cãi vã cũng là một kiểu tâm sự mà!" Vẫn không có tiếng trả lời. Cụ ông đã quên là cụ bà không còn có thể trả lời được nữa. Chỉ thấy tối đen như trong mồ, tiếng đồng hồ tích tắc. Âm dương cách trở. Vì vậy mà đau khổ, nghẹn ngào, mà thở ngắn thở dài, đến thế là hết. Người già còn lấy đâu ra nước mặt nữa. Dẫu rằng là vĩ nhân, học giả, nhà tư tưởng, nhà văn đi nữa cũng chẳng thoát được, đúng không? Gần đây đọc hồi ký đồng chí Vị Nại về sự bình tĩnh khác thường của ông ngoại Du Bình Bá của mình sau khi bà cụ qua đời, cả ngày chẳng nói chẳng rằng. Đến khi canh khuya vắng vẻ mới nghe tiếng cụ lẩm bẩm như đang nói chuyện với cụ bà. Chính vì thế mà cảm thấy thê lương giống như là điện trường sinh ngày 7 tháng 7 vậy. Có một ông bí thư thành ủy nọ, ngay từ những năm 60 khi còn đang công tác, người ta đã có lúc thấy ông sánh vai cùng bà vợ nhà quê đi dạo. Bây giờ nghỉ hưu, thường cùng bà vợ chân đất ngồi hàng giờ trên chiếc ghế dài màu xanh trong công viên. Ông bí thư nọ tuy chẳng có thành tích gì thật nổi bật trong đời công tác của mình nhưng lại được nhân dân thành phố coi là một tấm gương sáng, ngợi ca truyền tụng: "Trông bí thư X đấy! Thật tuyệt vời! Đôi vợ chồng này.. chậc! Thật là một đôi hết ý!". Loại cán bộ bỏ vợ bỏ con kiểu Trần Thế Mỹ không được chấp nhận ở đất nước này. Thực ra làm một Trần Thế Mỹ, đổi lấy một bà vợ có văn hóa, có bản lĩnh xuất chúng thì ra sao nào? Có thể nương tựa vào nhau đến bạc đầu chăng? Trái lại, dở om thì có. Tôi từng biết hai vợ chồng già, trước mặt khách khứa và con cháu thì tỏ ra trọng nhau như khách, gọi nhau bằng ông bằng bà; lên xuống lầu cụ ông chẳng cần ra hiệu, chỉ cần khuỳnh tay ra là cụ bà đã chủ động luồn tay mình vào, có vẻ cực kỳ thân mật! Quan sát kỹ mới lộ rõ chỗ sơ hở. Tỉnh cảm giữa hai người hoàn toàn chẳng có, chỉ là những nghi thức mà thôi. Khi chỉ có hai người thì không đóng kịch nữa mà lộ rõ bộ mặt thật, hai người chán ghét nhau. Cụ ông thì vùi đầu vào việc thu thập các con tem bưu điện. Cụ bà thì xuống bếp lèm bà lèm bèm với con gái. Ban đêm mỗi người một chăn, chẳng dính dáng gì đến nhau.. Nương tựa vào nhau thật khó. Đời người cô độc! Trong cái cảnh cha già lủi thủi một mình, tôi lại thầm nghĩ đến ngày tàn của cuộc đời. Nhưng tôi vẫn cầu mong sâu sắc rằng người trong thiên hạ đều như con một nhà, nương tựa vào nhau một cách thủy chung. TRƯƠNG TƯ HIỀN dịch