Tác phẩm: Nữ sinh Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh Thể loại: Truyện dài Số chương: 14 Giới thiệu tác phẩm "Nữ sinh" là tác phẩm truyện văn học mang đậm nét của tuổi học trò tinh nghịch. Chuyện bắt đầu với cuộc gặp gỡ của ba cô học trò tinh nghịch: Xuyến, Thục, Cúc Hương và anh chàng Gia ở quán chè cạnh trường. Câu chuyện cho ta cảm nhận được hết những tâm tình ngây ngô của những cô cậu mới lớn mơ mộng hồn nhiên trong sáng. Ta thấy được một phần mình trong đó, một chút dịu dàng của Thục, chút tinh quái, bướng bỉnh, chiêu trò của Xuyến, Cúc, Hương. Tất cả làm nên những kỉ niệm đáng nhớ của tuổi học trò hồn nhiên ấy. Nữ sinh là một cuốn sách vừa dễ thương vừa hóm hỉnh. Truyện mang lại những thoải mái, bình yên trong những ngày hối hả cuồng quay của cuộc sống.
Chương 1 Bấm để xem Quán nằm hơi chếch với cổng trường về mé phải, cách một con đường hẹp vừa đủ hai xe ô-tô đi lọt. Ở đây, người ta có bán cà phê nhưng chính là bán các loại chè, xi-rô và kem. Ngày hôm đầu tiên đặt chân vào quán, anh đã nhận thấy điều đó. Cũng chẳng có gì lạ bởi khách thường xuyên của quán là đám học sinh của ngôi trường cấp ba đối diện. Trước và nhất là sau giờ học, từng nhóm học sinh kéo nhau vào quán ăn chè, uống nước và đấu láo. Trống vừa đánh thùng thùng, học sinh đã ùa ra khỏi cổng trường, vội vã băng qua đường và kéo vào đầy quán. Những lúc ấy, chủ quán phải kê thêm chiếc ghế trước hiên, dưới bóng cây sứ xum xuê đằng trước. Chè ở đây ngon, thậm chí khá ngon. Ăn thử một ly, anh biết. Nhưng khách đến không chỉ để ăn chè mà còn để ngồi trò chuyện, thường là chuyện tầm phào, cà kê dê ngỗng. Cũng có khi khách bàn chuyện học tập. Thậm chí, có một lần, anh bắt gặp một học sinh ngồi ôn bài nơi góc quán. Chủ quán là một phụ nữ đẫy đà, khoảng năm mươi tuổi, tính tình vui vẻ, xuề xòa, coi chuyện học sinh vào quán ngồi tán láo hằng giờ hay ôn bài cả buổi là chuyện bình thường. Hai cô con gái giúp việc cũng đối xử với khách theo một phong cách cởi mở không kém. Tất cả những điều đó khiến anh có cảm giác nơi đây giống một câu lạc bộ hơn là quán nước. Anh thường đến quán vào sáng sớm, lúc giờ học chưa bắt đầu. Anh chọn một chỗ ngồi kín đáo nhưng không đến nỗi khuất tối lắm để có thể nhìn thấy ngôi trường bên kia đường và lắng nghe những tiếng rì rầm từ các lớp học vọng lại. Sau đó, anh kêu một ly cà phê đen, vừa nhâm nhi nhìn ngắm các khách hàng ôm cặp vào quán và lắng nghe họ trò chuyện. Những lúc ấy, anh thường mỉm cười vẩn vơ và lặng lẽ theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình. Đến ngày thứ ba thì Xuyến nhận ra sự khác thường. Nó khều Cúc Hương, giọng bí mật: - Có hiện tượng lạ, mày biết chưa? Cúc Hương rụt cổ: - Gì mà ghê gớm vậy? Đuôi sao chổi sắp quét trúng trường mình hả? Xuyến nhăn mặt: - Mày lúc nào cũng tếu được! Tao nói nghiêm chỉnh mà! Cúc Hương nheo mắt: - Nhưng mà chuyện gì nói đại ra cho rồi! Mày lúc nào cũng làm bộ bí mật. Theo dõi nét mặt mày còn mệt hơn theo dõi số phận nô tỳ Isaura. Xuyến nghiêm giọng: - Có một anh chàng.. * * * Từ trên trời rơi xuống? - Cúc Hưng chêm tiếp. - Cũng có thể! Không biết ở đâu rơi xuống ngay trước cổng trường mình. Ba ngày nay rồi. - Anh chàng bán kẹo kéo chứ gì? Xuyến phớt lờ sự pha trò của Cúc Hương. Nó cố giữ vẻ mặt nghiêm nghị: - Anh chàng ngồi bên quán cây Sứ. Cúc Hương chớp mắt: - Tao biết rồi. Chân đi săngđdan. Áo sơ mi bỏ vô thùng. - Ngay chóc! Xuyến reo lên. Đột nhiên nó nhìn sững Cúc Hương: - Chà, mày để ý kỹ quá hén! Cúc Hương cười: - Thấy người lạ mặt mình phải cảnh giác chứ! Xuyến hạ giọng: - Nhưng mày có nghi gì không? - Nghi gì? - Anh chàng đó. - Gián điệp chứ gì! - Hừm! Tao đoán anh chàng đang "trồng cây si" một đứa nào trong trường mình. - Đứa nào đó chắc là mày. Xuyến phát vào vai Cúc Hương: - Tao nói thật mà mày cứ giỡn hoài! Đúng lúc đó, Thục trờ tới. Cúc Hương nháy mắt với Thục: - Có một người đang tìm mày. Thục tròn mắt: - Thật không? - Thật. Tìm ba ngày nay rồi. Thục bán tín bán nghi: - Ai vậy? - Một anh chàng rất bảnh trai. Từ trên trời rơi xuống. Thục cười: - Mày lúc nào cũng pha trò được. Cúc Hương chỉ tay qua bên kia đường: - Tao đùa mày làm gì! Anh chàng đang ngồi đợi bên quán cây Sứ kia kìa! Thục nhìn theo tay chỉ của bạn: - Đâu? - Đó! Anh chàng đang ngồi tuốt bên trong đó! Thục nhún vai: - Tao không thấy gì hết! Xuyến chen vào: - Mày muốn thấy thì qua bên đó với tụi tao. Nói xong Xuyến cầm tay Thục kéo đi. Thục níu lại: - Thôi, tao không đi đâu! - Sao lại không đi? Thục nhăn mặt: - Không đi là không đi chứ sao! Mày với con Cúc Hương chỉ giỏi bịa! Cúc Hương hắng giọng: - Bịa đâu mà bịa! Qua bên đó, mày không hỏi thì tụi tao hỏi giùm cho. Vừa nói, Cúc Hương vừa đẩy Thục tới trước. Không biết làm sao, Thục đành phải bước theo hai bạn. Anh đang ngồi thì thấy ba cô gái bước vào quán và xăm xăm đi lại phía mình. Cô đi trước có vẻ bạo dạn, cô đi giữa khoan thai hơn còn cô đi sau cùng thì lộ vẻ rụt rè. Trong một thoáng, anh nhận ra ba cô gái này là khách thường xuyên của quán. Nhưng mọi hôm, ba cô thường ngồi ở chiếc bàn bên trái, sát cửa ra vào, không hiểu sao hôm nay họ lại kéo vao phía trong và lại có vẻ như muốn ngồi chung bàn với anh. Anh chưa kịp suy nghĩ thì các cô gái đã ngồi xuống những chiếc ghế trống bên cạnh. Tự nhiên anh có cảm giác mình bị bao vây. Ý nghĩ đó bất giác khiến anh bật cười. Anh cố nén mà không được. Nghe tiếng anh cười khẽ, Xuyên quay sang Cúc Hương: - Mặt tao có dính lọ nồi không? - Không! - Cúc Hương hùa theo. - Xuyến làm mặt tỉnh: - Không sao có người cười? Cúc Hương nhún vai: - Khi không mà cười mới giỏi chứ! Còn thọt lét mới cười thì ai cười chả được! Biết gặp thứ dữ, anh vội vàng nghiêm mặt và đưa mắt nhìn ra đường, ra vẻ như không quan tâm đến những vị khách ngồi cùng bàn. Thấy anh ngó lơ, Xuyến khều Thục: - Mày hỏi đi! - Hỏi gì? - Hỏi anh tìm tôi có chuyện gì không? Thục rụt cổ: - Thôi đi! Tụi mày chuyên môn phá người ta không hà! Xuyến trừng mắt: - Mày không hỏi tao hỏi à! Thục cười: - Mày ngon thì hỏi đi! - Đừng có thách! Nói xong, Xuyến đằng hắng một tiếng thật to. Thấy anh vẫn không động tĩnh, nói gọi giật: - Này, anh.. bạn! Anh quay mặt lại: - Cô gọi tôi? Xuyến chun mũi: - Không gọi anh thì gọi ai! Anh hỏi, giọng cảnh giác: - Cô gọi tôi có chuyện gì không? Xuyến chỉ Thục: - Nó đây nè! Anh ngơ ngác nhìn Thục. Nhưng Thục đã cúi mặt xuống, anh chỉ thấy cái "đuôi gà" vắt trên vai nó. Mãi một lúc sau, anh mới ấp úng hỏi lại: - Là sao? Tôi không hiểu. Xuyên nheo mắt: - Anh không hiểu thật à? - Thật. Xuyến nhún vai: - Thật thì thôi! - Rồi nó giả vờ chép miệng - Vậy mà tôi tưởng anh tìm nó. Anh nhìn về phía Thục: - Tìm cô này hả? Xuyến "sửa lưng" anh liền: - Anh đừng gọi nó là cô này! Nó tên Thục. Anh đỏ mặt: - Xin lỗi! Tại tôi không biết tên các cô. Xuyến cười: - Tên tụi này rất đẹp và dễ nhớ lắm. Nó là Thục. Tôi tên Xuyến. Còn con nhỏ này tên Cúc Hương. Anh gật gù: - Ừ, tên ai cũng đẹp. - Còn anh? - Cúc Hương im lặng từ nãy đến giờ, đột ngột lên tiếng hỏi. - Tôi sao? - Tên anh là gì? - À, tôi tên Gia. - Gia hay Da? - Gia. Cúc Hương gục gặc đầu: - Tên anh cũng đẹp. Nhưng không đẹp bằng tên tụi này. Anh cười: - Tôi cũng nghĩ vậy. - Anh nghĩ vậy thật à? - Thật. Tôi không biết nói dối. Xuyến reo lên: - Thế thì hay quá! Anh khai thật đi! Anh "kết môđen" cô nào ở trường này? - Đâu có! - Anh đáp, giọng bối rối. Thấy anh đỏ mặt, Cúc Hương động viên: - Anh cứ nói thật đi! Có gì tụi này hỗ trợ cho! Xuyến hùa theo: - Ừ, tôi sẽ làm "chú bé liên lạc" cho anh. Đảm bảo không đọc trộm thư! Anh nhăn nhó: - Các cô đoán trật rồi. Không hề có chuyện đó ở đây! Xuyến quắc mắt: - Có hề! Anh đừng chối! - Tôi không chối! - Anh thở dài, vẻ khổ sở. Thấy vậy Thục lên tiếng: - Người ta đã bảo không có, sao tụi bây cứ bắt ép hoài vậy! Xuyến nạt Thục: - Mày sao ngây thơ quá! Không có gì sao ngày nào cũng đến đây. Anh rên rỉ: - Tôi đến uống cà phê. - Uống cà phê mà ngồi từ sáng đến trưa. Anh nói dối! - Tôi đã nói rồi! Tôi không biết nói dối. Thấy anh khăng khăng, Xuyến hạ giọng nhỏ nhẹ: - Không nói dối thì anh khai thật đi! Anh chớp mắt: - Khai gì bây giờ? Xuyến tiếp tục dụ dỗ: - Khai tại sao anh ngồi uống cà phê cả buổi vậy. Anh tặc lưỡi: - Tại tôi không biết đi đâu. Thục chen vào: - Bộ anh không đi làm hả? - Không. - Vậy là anh thất nghiệp? - Ừ, thất nghiệp. Cúc Hương nhìn anh bằng ánh mắt nghi ngờ: - Thất nghiệp sao mà quần áo láng coóng vậy? Anh nhún vai: - Các cô không biết gì hết! Phải ăn mặc đàng hoàng thì mới dễ xin việc làm. Thấy không thể khai thác gì thêm được ở đối tượng khả nghi này, Xuyến hắng giọng tuyên bố: - Thôi được rồi, tạm thời tụi này tin anh! Nhưng tôi không hiểu.. Đang nói tự nhiên Xuyên ngừng lại. Anh nhìn nó, hồi hộp: - Không hiểu chuyện gì? Xuyến nháy mắt: - Anh bảo thất nghiệp sao lại có tiền uống cà phê? Anh cười: - Tưởng gì! Tiền cà phê đâu có bao nhiêu! Xuyến hỏi bằng giọng tinh quái: - Vậy tiền chè có "bao nhiêu" không? Anh ngớ người ra: - Cô nói gì tôi không hiểu. Cúc Hương cười cười giải thích: - Anh chậm hiểu quá! Ý nó muốn hỏi là anh có thể trả tiền ba ly chè của tụi này không. Anh cũng cười: - Được thôi! Để đó tôi trả cho! Thấy anh đồng ý ngay như vậy, Xuyến nhận xét: - Anh chỉ mắc tội chậm hiểu thôi. Nhưng khi hiểu ra, anh trả lời không đến nỗi chậm lắm! Ý nó khen anh là con người mau mắn. Và anh không biết mình có nên vui với lời khen đó hay không. Trước khi ba cô gái kéo ra khỏi quán, Cúc Hương còn quay lại buông thõng một câu: - Từ trước đến nay chưa có ai được vinh dự trả tiền cho bọn này như anh đâu! Nhìn ba cô gái vừa đi vừa đấm vai nhau và trong thoáng mắt mất hút sau cổng trường, anh bâng khuâng tự hỏi không biết cái "vinh dự" mà Cúc Hương gán cho anh sẽ còn lặp lại bao nhiêu lần nữa. Nghĩ đến tình cảnh vừa rồi, anh thấy mình giống hệt như một bị cáo ra trước vành móng ngựa, phải trả lời những câu chất vấn ngược ngạo của các quan tòa, bất giác anh mỉm cười.
Chương 2 Bấm để xem Ngày hôm sau anh không đến quán. Ngày hôm sau nữa cũng vậy. Cúc Hương ngó Xuyến: - Mày bắt nạt dữ quá, anh chàng chạy mất rồi. Xuyến cười: - Không phải đâu! Chắc anh chàng đang "trồng cây si" con nhỏ nào, bị tụi mình làm lộ bí mật nên anh ta trốn luôn. Thục cãi: - Anh ta đã bảo là không phải kia mà! Xuyến nhún vai: - Biết đâu được! Cúc Hương làm ra vẻ trầm ngâm: - Tao lại nghĩ khác. - Nghĩ sao? - Xuyến tò mò hỏi. - Tao nghĩ là anh chàng đang thất nghiệp lại bị ép trả tiền chè, sợ quá anh ta không dám bén mảng tới quán nữa. Lý do Cúc Hương đưa ra khiến cả ba cười khúc khích. Tự nhiên Thục nói: - Tao nghĩ là anh chàng sẽ trở lại. Xuyến nhìn Thục, mắt nheo nheo: - A, anh chàng có hẹn với mày phải không? Thục đỏ mặt: - Bậy! - Chứ sao mày biết anh ta sẽ trở lại? Thục ấp úng: - Tao đoán vậy thôi. - Mày đoán trật lất! Tao cả quyết anh chàng đi luôn. Xuyến nói như đinh đóng cột. Thoạt đầu, Thục tính cãi nhưng rồi nó làm thinh. Thật ra cũng chẳng có dấu hiệu gì chứng tỏ anh chàng tên Gia kia đi luôn hay sẽ quay trở lại. Nhưng không hiểu sao, Thục vẫn tin rằng anh sẽ xuất hiện trước cổng trường vào một ngày bất chợt nào đó. Về lý do biến mất của anh, Thục cũng không nghĩ như Cúc Hương và Xuyến. Thục tin rằng hai ngày nay anh không đến quán cây Sứ, chắc là anh đang lang thang tìm việc làm ở đâu đó. Có thể không nơi nào nhận anh và anh tiếp tục gò lưng trên xe đạp chạy từ đầu nọ đến đầu kia thành phố. Và nếu anh tìm được việc làm, chắc anh cũng chưa đi làm ngay. Anh phải có thời gian để chuẩn bị. Đằng nào anh cũng có thời giờ để ghé quán và ngồi vào chỗ quen thuộc của mình. Thục nghĩ như vậy nhưng không nói ra. Xuyến phát và lưng Cúc Hương: - Hôm trước tao quên hỏi anh chàng mấy tuổi. Cúc Hương nhăn mặt: - Ai lại con gái đi hỏi tuổi con trai! Xuyến khoát tay: - Nhằm nhòn gì! Tao hỏi tuốt! Lần sau nếu gặp mặt anh chàng mày nhớ nhắc tao! Cúc Hương nhìn trời: - Anh chàng hôm trước khoảng hăm hai, hăm ba tuổi. Hơn tụi mình bốn, năm tuổi gì đó. Xuyến xòe mấy ngón tay tính nhẩm một hồi rồi tuyên bố: - Như vậy anh ta tuổi con ngựa hay con dê gì đó. - Biết đâu anh ta tuổi con khỉ! - Thục nói. Xuyến lắc đầu: - Anh chàng này ngó bộ hiền khô, không thể tuổi con khỉ được. Ngừng một lát, Xuyến tiếp tục nhận xét: - Anh ta cũng không có vẻ gì là tuổi con dê. Cúc Hương liếc Xuyến: - Sao mày biết? Xuyến cười hì hì: - Tao dòm qua một cái là biết liền. Anh chàng này trông rất nhát gái. Khác hẳn Hùng quăn của mày. Cúc Hương giãy nảy: - Mày nói bậy không hà! Hùng quăn sao lại của tao! - Chứ gì nữa! Nó chẳng viết thư tỏ tình với mày là gì! - Kệ nó chứ! Viết thư là chuyện của nó chứ đâu phải chuyện của tao! Xuyến vẫn không tha: - Sao mày lại nhận? Cúc Hương nhăn nhó: - Tao đâu có nhận. Nó len lén bỏ thư vô ngăn bàn tao lúc nào không hay. - Nhưng ai bảo mày mở ra đọc? - Xuyến tiếp tục "truy". - Ngu gì không đọc! - Cúc Hương vênh mặt. Xuyến reo lên: - Vậy là mày chịu Hùng quăn rồi hén? Cúc Hương nhún vai: - Chịu cái mốc xì! Mày cũng đọc thư của nó vậy! - Nhưng tao đọc là đọc ké của mày. Đâu phải thư nó gởi cho tao. Cúc Hương khoát tay: - Thư là thư chung. Nếu Hùng quăn của tao thì cũng là của mày với con Thục luôn. Nghe đến tên mình, Thục giật thót: - Thôi, thôi, cho tao rút tên đi! Đừng có mà gán ghép bậy bạ! Xuyến cười khì: - Tao cũng rút tên luôn! Trả nó cho con Cúc Hương! Cúc Hương tặc lưỡi: - Tụi mày trả nó cho tao thì tao trả nó về cho.. ba má nó. Tao không nhận. Thục nhìn Cúc Hương: - Nó mà nghe mày nói vậy chắc nó khỏi nhìn mặt mày luôn. - Cho nó khỏi nhìn mặt! - Cúc Hương hất đầu - Học không lo học, bày đặt yêu với đương! Thục cười hí hí: - Mày nói y hệt mấy bà già. Cúc Hương đáp tỉnh: - Câu đó tao "thuổng" của má tao. Đột ngột Xuyến nói, giọng trầm ngâm: - Như vậy là anh chàng tuổi con ngựa. Cúc Hương trố mắt: - Anh chàng nào? - Anh chàng Gia chứ anh chàng nào. Cúc Hương "hừ" giọng: - Chưa thấy ai vô duyên như mày! Đang nói chuyện Hùng quăn tự nhiên chuyển qua anh chàng Gia! Xuyến nói, giọng dứt khoát: - "Số phận" của Hùng quăn coi như giải quyết xong rồi. Tao trở lại đề tài cũ. Cúc Hương khịt mũi: - Trở lại làm gì nữa. Anh chàng đã "tếch" mất tiêu rồi. - Ừ hén! - Nói xong, Xuyến thở dài - Tao nói anh chàng tuổi con ngựa đâu có sai. Hở ra một chút là chạy mất. Chỉ tiếc là.. - Tiếc là sao? - Thục tò mò. Xuyến tỏ vẻ rầu rĩ: - Tiếc là từ rày về sau mỗi khi ăn chè tụi mình phải tự trả tiền lấy. Tiếc đứt ruột! Nhưng anh không muốn để Xuyến phải "tiếc đứt ruột". Ngày kế tiếp anh lại xuất hiện. Cũng giống như mọi lần, anh đến quán vào lúc sáng sớm, dựng xe bên gốc sứ và tiến vào phía trong với một dáng điệu không thay đổi. Lần này, người đầu tiên nhìn thấy anh cũng là Xuyến. Nó bấm khẽ Cúc Hương: - Con Thục nói đúng mày ạ. Anh chàng lại xuất hiện. Cúc Hương đưa mắt nhìn vào quán và nó nhanh chóng nhận ra dáng ngồi lặng lẽ của anh. Anh đang nhìn lơ đãng đi đâu đó bên ngoài cửa sổ, những làn khói thuốc bay chập chờn trước mặt. Xuyến giật tay Cúc Hương: - Tụi mình vào đi! - Chờ con Thục với! Khi Thục tới, nó ngạc nhiên khi thấy Xuyến và Cúc Hương đang đứng lóng ngóng trước cổng trường. - Sao chưa vào lớp? - Thục hỏi: Xuyến cười: - Chờ mày. Thục nghi ngờ: - Tụi mày xạo! Khi không lại chờ tao trước cổng! - Sao lại khi không? - Xuyến làm ra vẻ quan trọng - Có chuyện tụi tao mới chờ chứ! - Chuyện gì? Bắt tao dẫn đi ăn bánh cuốn chứ gì! - Không phải! Bánh cuốn cũng hấp dẫn nhưng không hấp dẫn bằng chuyện này! Thục sốt ruột: - Nói hoài mà mày không bỏ cái tật ưa làm ra bộ bí mật. Cứ úp úp mở mở hoài! - Rồi Thục quay sang Cúc Hương - Chuyện gì vậy Cúc Hương? Cúc Hương nheo mắt: - Chuyện của mày. - Chuyện của tao? - Thục tròn mắt. Cúc Hương gật gù: - Ừ chuyện của mày. Anh chàng hôm trước lại đến. Thục đỏ mặt. Nó đấm thùm thụp vào lưng Cúc Hương: - Dẹp tụi mày đi! Tụi mày cứ gán ghép tầm bậy không hà! Tuy phản đối, Thục vẫn hồi hộp nhìn qua quán cây Sứ nhưng nó không thấy gì hết. Anh ngồi ở một chỗ nào đó, khuất lấp. Dù vậy, Thục vẫn có cảm giác về sự hiện diện của anh. Rõ ràng, đúng như nó nghĩ, anh đã trở lại. Xuyến giục: - Bây giờ thì mình kéo vào "quậy" anh chàng chứ? - Nhất định rồi! Cúc Hương hưởng ứng bằng một giọng hùng hổ như người lính hô "xung phong" trước khi xông lên đánh giáp lá cà. Vừa "hô" nó vừa cầm tay Thục kéo đi. Lần này, anh không còn ngạc nhiên trước sự xuất hiện đột ngột của ba cô gái. Trật tự hành quân vẫn không thay đổi: Xuyến đi trước, Cúc Hương đi giữa và Thục đi sau cùng. Nhưng hôm nay anh không còn hốt hoảng trước những bước chân hăm hở của Xuyến. Thậm chí anh còn đón họ bằng một nụ cười thân thiện. Vừa ngồi xuống ghế, Xuyến đã khen anh: - Hôm nay trông anh có vẻ biết điều hơn hôm trước. - Biết điều gì đâu? - Anh dè dặt hỏi lại. - Như vừa rồi đó! Anh biết cười. Anh cắn môi: - Hôm trước tôi cũng cười vậy! Xuyến nhún vai: - Hôm trước anh cười kiểu khác. Cười khi dể. Anh vội vàng thanh minh: - Đâu có! Làm sao tôi dám khi dể các cô. Xuyến làm mặt lạnh lùng: - Biết đâu được! Vẻ mặt của Xuyến khiến anh bối rối. Anh ấp úng: - Chắc Xuyến nghĩ sao đó chứ! Tôi đâu có ý khi dể ai! Xuyến reo lên, nó quên ngay chuyện "hỏi tội" đối phương: - A, té ra anh còn nhớ tên tôi! Hay quá hén! Anh mỉm cười: - Các cô chẳng bảo tên các cô vừa đẹp vừa dễ nhớ là gì! Xuyến chỉ Thục: - Vậy anh có nhớ tên con nhỏ này không? Anh gật đầu: - Nhớ. Đó là Thục. Còn đây là Cúc Hương. Cúc Hương gục gặc đầu: - Trí nhớ của anh đúng là tuyệt vời. Vậy anh có nhớ sau khi tụi này ăn chè xong, anh phải làm gì không? Thoạt đầu, anh ngớ người ra. Nhưng rồi anh chợt hiểu: - Tôi lại phải trả tiền cho mấy cô chứ gì? - Anh vừa nói vừa cười. Cúc Hương nhăn nhó: - Sại lại "lại phải"! Phải nói là "lại vinh dự trả tiền" mới đúng! - Ừ thì "lại vinh dự"! - Vậy là anh đồng ý rồi hén? Anh tặc lưỡi: - Được thôi! Chuyện đó đâu có khó gì! - Tốt lắm! - Cúc Hương khen - Hóa ra anh là một con người dũng cảm. Thế mà tụi này tưởng anh chạy trốn luôn rồi! Anh trố mắt: - Chạy trốn ai? - Thì chạy trốn tụi này chứ chạy trốn ai! Anh đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: - Tại sao tôi phải chạy trốn các cô? Cúc Hương cười: - Tại vì anh sợ.. trả tiền chè. Anh bật cười. Nhưng lần này anh không đáp. Thấy anh ngồi im lặng, Thục hỏi: - Hai ngày vừa rồi anh đi tìm việc làm phải không? Bị hỏi thình lình, anh ngơ ngác: - Việc làm gì? - Thì việc làm chứ việc làm gì! Anh thất nghiệp mà! - Ồ.. ừ.. Tôi đi tìm việc làm. Không để ý đến sự lúng túng của anh, Thục hỏi tiếp: - Anh tìm được chưa? Anh gật đầu: - Được rồi. - Chừng nào anh đi làm? - Khoảng một tháng nữa. Sau tết dương lịch. - Anh làm ở đâu? - Tôi chưa biết. - Sao kỳ vậy? Một tháng nữa đi làm mà bây giờ vẫn chưa biết làm ở đâu? - Ừ. Chưa biết. Xuyến đằng hắng một tiếng, nói: - Anh rắc rối quá! Nhưng điều này thì anh biết chứ? - Điều gì? - Sắp tới giờ vô học rồi. - Thì sao? - Thì tụi này bỏ anh ngồi lại một mình chứ sao? Anh mỉm cười: - Ừ, các cô đi đi! Để tiền chè tôi trả cho. Cúc Hương nháy mắt: - Nói vậy chứ anh để tụi này trả. Anh chỉ trả tiền cà phê của anh thôi. Hôm nào tụi này hết tiền thì anh trả luôn tiền chè. Đồng ý không? Anh chưa kịp trả lời thì Xuyến đã lên tiếng, giọng đầy quyền uy: - Còn mai mốt anh muốn vắng mặt thì phải xin phép tụi này. Không được tự ý đi lung tung như mấy ngày vừa rồi. Nhớ chưa? Trước những mệnh lệnh đanh thép và dồn dập như vậy, anh không kịp nghĩ ra câu trả lời, đành gật đầu đại. Tự nhiên anh nhớ đến câu "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" và anh nghĩ lẽ ra phải xếp học trò lên hàng thứ nhất mới đúng.
Chương 3 Bấm để xem Mặc dù Xuyến đã "ra lệnh" cho anh như vậy nhưng anh cũng chỉ đến quán vài ba ngày rồi lại bỗng nhiên biến mất. Xuyến tức điên lên: - Anh chàng này vô kỷ luật quá! Vắng mặt không có phép tắc gì hết! Thục tỏ vẻ lo lắng: - Biết đâu anh ta gặp chuyện gì! Xuyến "hừ" một tiếng: - Chuyện gì thì chuyện chứ! Ta đã dặn rồi. Muốn đi đâu phải xin phép, không có tự ý như vậy được! Thục nhăn mặt: - Mày làm như anh ta là học trò của mày không bằng! Cúc Hương lên tiếng: - Con Thục nói vậy không được. Hôm trước anh ta đã đồng ý như vậy rồi. Bây giờ anh ta phạm "nội qui", phải phạt! Xuyến reo lên: - Đúng rồi, phải phạt! - Rồi Xuyến ngó Cúc Hương - Nhưng phạt gì bây giờ? Cúc Hương cắn môi: - Để tao nghĩ coi! Cúc Hương nghĩ lâu thật lâu. Nhưng nó vẫn chưa tìm ra hình phạt thích hợp đối với anh chàng "vô kỷ luật" này. Xuyến giục: - Nghĩ ra chưa? - Chưa. - Sao lâu quá vậy? - Khó quá! Chờ tao chút xíu nữa đi! Thêm chút xíu nữa, Cúc Hương vẫn tắc tị. Thấy vậy, Xuyến nói: - Thôi đi ăn chè đi! Vừa ăn chè vừa nghĩ. Cả bọn kéo qua quán cây Sứ. Nhưng mỗi người ăn hết hai ly chè mà hình phạt dành cho anh vẫn chưa nghĩ ra. Thục chép miệng: - Hay là.. tha cho anh ta đi! Xuyến quắc mắt: - Tha sao được mà tha! Mày thì lúc nào cũng bênh anh chàng chằm chặp! Thục phản ứng: - Bênh đâu mà bênh! Tại tụi mày nghĩ hoài không ra thì tao nói vậy thôi. Xuyến khoát tay: - Không tha gì hết! Trước khi vô lớp phải nghĩ cho ra! - Đang nói, đột ngột Xuyến cười toe, mặt nó tươi hơn hớn - A, có cách rồi! Thục tò mò: - Cách gì? Xuyến làm bộ quan trọng: - Bây giờ tụi mình vào lớp. Thục ngơ ngác: - Thì ăn chè xong phải vào lớp chứ sao! - Thì vậy. - Vậy thì nói làm gì! - Nhưng tụi mình khỏi trả tiền chè. - Mình không trả thì ai trả? - Anh chàng Gia. - Anh ta ở đâu đây mà trả? Xuyến nhún vai: - Lo gì! Khi nào anh ta tới anh ta trả. Đó là hình phạt thích hợp nhất. Cúc Hương phân vân: - Chắc gì bà chủ quán chịu? - Chịu chứ sao không! Để tao nói! Nói xong, Xuyến bước lại chỗ quầy thu tiền, thì thầm gì đó với bà chủ quán. Thục thấy bà ta gật đầu lia lịa, miệng cười cười. Một lát, Xuyến đi ra, mặt mày tươi tỉnh, tuyên bố: - Xong rồi! Hôm nay, anh lại xuất hiện ở quán cây Sứ, cũng đột ngột như khi anh biến mất. Nhưng lần này, anh đến hơi trễ so với thường lệ. Lúc đó, khoảng mười giờ, các lớp đang vào học, cổng trường đóng im ỉm. Trong quán lác đác các học sinh nghỉ hai tiết sau. Khi anh ngồi vào ghế, mặt trời đã lên khá cao, không khí bắt đầu nóng bức và trước hiên cây sứ đang thu bóng lại. Theo thói quen, anh kêu một ly cà phê mặc dù sáng nay anh đã uống cà phê với mấy người bạn quen trước đây cùng học chung một lớp. Bà chủ quán đích thân mang cà phê ra cho anh. Đặt ly cà phê xuống bàn, bà chìa ra trước mặt anh một mảnh giấy nhỏ. Anh cầm lấy và đọc thấy trong đó dãy số tiền, bên cạnh là một hàng chữ trong ngoặc đơn chừng để chú thích. Hàng chữ ghi: "Tiền sáu ly chè". Anh lật tới lật lui tấm giấy rồi đưa mắt nhìn bà chủ quán: - Giấy gì đây bác? - Tiền chè của mấy cô đó! - Bà chủ quán giải thích. - Mấy cô nào? - Ba cô hay ngồi chung với cậu đó. Họ nói họ là bạn của cậu. Anh đoán ra ngay Xuyến, Thục và Cúc Hương. Nhưng anh cũng chưa hiểu họ định giở trò gì với anh. Anh lại hỏi: - Nhưng bác đưa tấm giấy này cho tôi làm gì? - Đây là tiền sáu ly chè mấy cô ăn hôm qua. Họ bảo để anh tới trả tiền. Tình huống bất ngờ khiến anh dở cười dở khóc. Anh móc túi trả tiền, bụng không biết cái "vinh dự" này còn đeo đuổi anh đến bao giờ. Buổi trưa, trường tan học. Trong đám học sinh đang chen chúc nhau ra cổng, anh nhìn thấy ba cô gái. Bọn họ đang cười nói ríu rít, hình như không ai thấy anh. Khi đi ngang qua quán, bất giác Thục quay đầu nhìn vào. Phát hiện ra anh, nó vội vã quay đi và lấy tay khều Xuyến và Cúc Hương. Trong thoáng mắt, cả ba ập vào quán. Như thường lệ, Xuyến đi đầu, hùng hùng hổ hổ. Lần này chưa kịp ngồi xuống ghế, Xuyến đã bô bô: - Chào ông anh! Mạnh khoẻ chứ? Anh mỉm cười: - Cũng bình thường. Xuyến hừ mũi: - Vậy hả? Vậy mà tụi này tưởng ông anh chẳng bình thường chút nào! Giọng lưỡi khiêu khích của Xuyến khiến anh ngạc nhiên. Nhưng anh chưa kịp nghĩ ngợi, nó đã "đốp" luôn: - Ông anh biết khuyết điểm của mình rồi chứ? Anh ngẩn người ra: - Khuyết điểm gì? Xuyến không trả lời. Nó quay qua Cúc Hương, chép miệng: - Hóa ra ông anh của mình quên sạch mọi thứ rồi! Cúc Hương nhún vai: - Một trí nhớ khủng khiếp! Xuyến bồi thêm: - Một tinh thần vô kỷ luật.. * * * Trong một bộ quần áo láng coóng! - Cúc Hương tiếp. Xuyến và Cúc Hương cứ kẻ tung người hứng khiến anh chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Trong ba cô gái, anh thấy Thục có vẻ dịu dàng, khác hẳn Xuyến và Cúc Hương. Thục không bao giờ nghịch phá anh, nó chỉ im lặng theo dõi trò đùa của hai bạn. Vì vậy, anh nhìn Thục, hỏi: - Chuyện gì vậy, Thục? Thục cười: - Chuyện anh không tới quán đó. Anh không tới quán mà không xin phép. Anh vẫn không hiểu: - Xin phép ai? Xuyến hắng giọng: - Xin phép tụi này chứ xin phép ai! Hôm trước tôi nói chuyện đó, anh đã gật đầu đồng ý rồi. Bây giờ anh lại giả bộ quên. Bây giờ anh mới chợt nhớ ra và anh cảm thấy mình đang rơi vào một tình thế khó khăn, hệt như con chim mắc bẫy. Tuy vậy anh vẫn gật gù thừa nhận: - Đúng rồi! Tôi nhớ rồi! Cúc Hương ngó anh chăm chăm: - Chứ không phải anh cố tình quên hả? - Đâu có! Tôi quên thật. Xuyến khoát tay: - Nếu quên thật thì thôi! Nhưng như vậy là anh thừa nhận mình có khuyết điểm rồi chứ? Anh tặc lưỡi: - Ừ, thừa nhận. Xuyến "cật vấn" tiếp: - Có khuyết điểm thì phải làm sao? - Phải sửa chữa! Anh đáp như cái máy. Xuyến gục gặc đầu: - Đúng rồi! Phải sửa chữa! - Nó ngừng một chút rồi nói tiếp, giọng chậm rãi - Nhưng trước khi sửa chữa thì phải kỷ luật. Anh giật thót: - Kỷ luật? Xuyến nhướng mắt: - Chứ gì nữa! Có khuyết điểm thì phải kỷ luật. Ai mà chẳng vậy. Anh đồng ý không? - Nhưng kỷ luật gì mới được chứ? Cúc Hương lên tiếng, giọng bí mật: - Gặp bà chủ quán anh sẽ biết. Nghe vậy, anh thở phào: - Nếu vậy thì tôi biết rồi! Vừa nói anh vừa cầm tờ giấy ghi tiền chè trên bàn và đưa cho Cúc Hương. Xuyến và Thục cùng chụm đầu vào xem. Đọc xong nội dung ghi trong tấm giấy, Thục cười khúc khích. Còn Cúc Hương thì xuýt xoa: - Tờ "quyết định kỷ luật" này cần được lưu giữ cho đời sau học tập! Xuyến thực tế hơn. Nó nhìn anh bằng ánh mắt ranh mãnh: - Nhưng mà anh đã thi hành kỷ luật chưa? Anh cười: - Rồi! Ngay từ khi nhận được "quyết định"! Nói xong, anh giật mình nhận ra anh đã nhiễm phải lối ăn nói tếu tếu của Cúc Hương. Xuyến khen anh: - Nhanh nhẹn như vậy là tốt! Nhưng đó mới chỉ là phần một. Còn phần hai.. Câu nói lấp lửng của Xuyến làm anh toát mồ hôi. Tưởng đâu thoát nạn, ai dè mới hết tập một. Không biết cái trò kỷ luật trời ơi này còn kéo dài bao nhiêu tập nữa. Thật ra, ngay cả Thục và Cúc Hương cũng ngơ ngác không biết Xuyến định dẫn dắt trò chơi này đến đâu. Cái vụ tập một, tập hai này là do Xuyến bịa ra chứ không có trong kế hoạch chung của cả bọn. - Gì nữa đây? Anh nhăn nhó hỏi. Xuyến tỉnh bơ: - Sắp tới tụi này than gia biểu diễn văn nghệ trong trường. - Chuyện đó liên quan gì đến tôi? - Có chứ sao không! Tụi này biễu diễn tiết mục múa "Bài ca trên sóng". - Thì sao? - Anh vẫn chưa hiểu Xuyến định giở trò gì. Nhưng Xuyến vẫn không trả lời thẳng câu hỏi của anh. Nó cứ nói vòng vo: - Trong tiết mục đó, con Cúc Hương và con Thục đóng vai người cá, còn tôi là anh chàng lính thủy. Anh sốt ruột: - Chắc Xuyến định nhờ tôi đóng vai lính thủy thế cho Xuyến phải không? - Xuyến lườm anh: - Tướng anh là tướng học trò, đóng vai lính thủy sao nổi. - Vậy thì chuyện lính thủy dính dáng gì ở đây? - Dính dáng chứ sao không! Bởi vì tôi đóng vai lính thủy nhưng không thể nào tìm ra một bộ đồ lính thủy. Anh nhìn nó: - Xuyến định nhờ tôi kiếm giùm chứ gì? Xuyến gật đầu, miệng nó cười toe. - Vậy thì nói ngay từ đầu cho rồi. Xuyến cứ nói vòng vòng, nghe phát mệt! Cúc Hương nói: - Anh thông cảm cho nó đi! Tật của nó trước nay là vậy. Tụi này can hoài mà nó hổng chịu bỏ, cứ giữ làm của. Xuyến cười hì hì: - Ngu sao bỏ! Rồi nó quay sang anh: - Như vậy là anh chịu rồi hén? Anh ấp úng: - Tôi không thể hứa chắc. Nhưng tôi sẽ cố gắng. Nghe anh trả lời vậy, Xuyến nghinh mặt: - Tôi không cần anh cố gắng. Tôi chỉ cần anh hứa chắc thôi. Thục liếc Xuyến: - Ai lại nói như mày! Xuyến nhướng mắt: - Kệ tao! Anh vuốt tóc: - Chuyện đó khó đấy! Tự nhiên Cúc Hương thấy tội nghiệp anh. Nó nói: - Đúng là khó thật! Trong chuyện này con Xuyến hơi xử ép. Xuyến nguýt Cúc Hương: - Ồ, mày hùa theo con Thục hén! Nếu ngon, sao mày không nhờ Hùng quăn kiếm giùm đi! Cúc Hương nhăn mặt: - Dẹp chuyện Hùng quăn đi! Mày lãng xẹt! Anh can: - Thôi các cô đừng cãi nhau nữa! Để tôi nghĩ coi! - Ừ, anh nghĩ đi! - Xuyến nói, vẻ khoái chí. Trầm ngâm một hồi, anh nói, giọng không được tự tin cho lắm: - Chỉ có cách đến Bộ Tư lệnh Hải quân hỏi mượn. Xuyến reo lên: - Vậy anh đến đó đi! Anh tặc lưỡi: - Dễ gì mà đến đó! Phải có giấy giới thiệu! - Thì anh làm giấy giới thiệu. - Giấy giới thiệu ở đâu mà làm. Xuyến lo lắng: - Phải tìm ra cách gì chứ? Chẳng lẽ anh chịu thua? Anh cúi đầu suy nghĩ: - Để tôi tính cách khác! - Chợt anh ngẩng lên, mắt long lanh - Ồ, được rồi! Tôi sẽ đến đoàn ca nhạc Hương Miền Nam. - Đoàn Hương Miền Nam? - Xuyến trố mắt. - Ừ. Cách đây mấy năm, đoàn này có một tiết mục múa về biển. Tôi nhớ họ có mặc đồ lính thủy. - Anh quen họ hả? - Cúc Hương hỏi. Anh lắc đầu: - Không quen. Nhưng tôi cứ đến hỏi đại. Biết đâu họ cho mượn. Xuyến gật đầu: - Ừ, sáng kiến hay đấy! Chiều nay anh đến đó đi! - Tối nay mới gặp họ được. Chiều tôi còn phải đi tìm tờ báo đọc xem tối nay họ diễn ở rạp nào. Có vậy mới biết đường mà tìm. - Vậy chừng nào anh đem đồ lính thủy đến cho tụi này? Anh nhíu mày: - Gấp không? - Rất gấp. - Khoảng ba ngày nữa được không? - Ba ngày thì được! Nhưng anh nhớ đúng hẹn nghen! - Ừ, đúng hẹn! Tuy nói như vậy, thật bụng anh không tin vào kết quả công việc bao nhiêu.
Chương 4 Bấm để xem Hẹn với Xuyến ba ngày nhưng mới đến ngày thứ hai, anh đã có mặt ở quán. Xuyến hỏi: - Đồ lính thủy đâu? Nhìn gương mặt rạng rỡ hy vọng của nó, anh áy náy kinh khủng. Sau một thoáng ngập ngừng, anh nói, giọng bối rối: - Không mượn được. Giọng Xuyến xìu hẳn đi: - Sao vậy? Anh có đến đoàn Hương Miền Nam không? Anh gật đầu: - Có. Nhưng họ bảo tiết mục đó lâu rồi không biểu diễn. Những bộ đồ lính thủy cũ hết rồi. Xuyến trách: - Anh thật cù lần. Cũ cũng mượn. Tụi này đâu có cần đồ mới. - Nhưng đồ đó cũ quá, họ đem làm giẻ lau hết rồi. Xuyến thở dài: - Vậy thì thôi. Cúc Hương và Thục ngồi bên cạnh cũng buồn xo. Anh cũng buồn. Không hiểu sao anh có cảm giác mọi chuyện đều do lỗi của mình. Anh liền lấy mấy tấm giấy màu xanh cắt sẵn trong túi xách ra, dè dặt nói: - Tôi cắt mấy tấm giấy này.. - Gì vậy? - Xuyến hỏi. - Giấy màu. Xuyến ngạc nhiên: - Anh cắt giấy màu làm gì? Tụi này lớn rồi, đâu có học môn thủ công. - Không phải! Cái này để làm đồ lính thủy. Trong khi Xuyến đang trố mắt thì Cúc Hương reo lên: - Tôi hiểu rồi. Anh định dán những đường sọc xanh lên áo trắng chứ gì? - Ừ. Chỉ có cách làm như vậy. Xuyến hiểu ra và nó nhìn anh bằng ánh mắt trìu mến. Lần đầu tiên nó nhìn anh như vậy. Và nó khen: - Anh thật thông minh. Ngập ngừng một chút, nó nói thêm: - Và thật tốt. Lời khen của Xuyến làm anh ngượng đỏ cả mặt. Cúc Hương cười cười nhìn anh: - Vậy là may cho anh đó. Nếu không có mấy tấm giấy này "cứu mạng", con Xuyến nó đã kỷ luật anh rồi. Xuyến nạt Cúc Hương: - Mày đừng có nói oan cho tao! Kỷ luật cũng tùy chuyện chứ! Nghe Xuyến nói, anh buồn cười nhưng cố nén. Nó làm như anh là học trò của nó, muốn phạt lúc nào thì phạt. Cúc Hương hỏi anh: - Tối mốt, anh có muốn đến xem tụi này biểu diễn văn nghệ không? Anh chưa kịp trả lời thì Thục can: - Thôi, anh đừng đi! Tụi này múa xấu hoắc à! Cúc Hương lườm Thục: - Xấu đâu mà xấu! Mày đừng có khiêm tốn mà mất uy tín của cả bọn. Tao thấy tụi mình múa không thua gì chương trình ca nhạc nước ngoài trên ti-vi. Xuyến khịt mũi: - Còn hơn nữa ấy chứ! Xuyến nói xong, cả bọn cười khúc khích. Anh cũng cảm thấy vui lây niềm vui hồn nhiên và nhí nhảnh của các cô gái. Cúc Hương lại hỏi: - Sao? Anh đi không? Anh ngập ngừng: - Tôi chưa thể nói trước. Cúc Hương nheo mắt: - Anh ngại phải không? - Không. Tôi có ngại gì đâu. Nhưng tối mốt có thể tôi bận. - Thôi, bây giờ như thế này. Tối mốt, nếu anh rảnh thì anh đến trước cổng trường lúc bảy giờ, tụi này sẽ đưa anh vào. Được không? - Còn nếu trễ thì tôi vào một mình? Cúc Hương nhún vai: - Sợ đi một mình anh không vào được. Ông bảo vệ sẽ đuổi anh ra liền. Phải có tụi này bảo lãnh mới được. Nhớ nghen, lúc bảy giờ. Anh gật đầu. Nhưng vào buổi tối liên hoan văn nghệ, Xuyến, Cúc Hương và Thục chờ mỏi con mắt vẫn không thấy anh tới. Đến bảy giờ, cả ba đành phải kéo vào hội trường. Mấy hôm sau, gặp anh, Xuyến hỏi: - Bảy giờ tối bữa đó sao anh không tới? - Tôi kẹt. Cúc Hương trách: - Tụi này chờ anh đến dài cả cổ luôn! Anh đùa: - Tôi thấy cổ của mấy cô đâu có dài. - Dài chứ! Hôm đó dài lắm. Bữa nay thụt lại rồi. Xuyến tỏ vẻ tiếc rẻ: - Tụi này múa đẹp quá trời mà anh không được xem, uổng thật! Thục chớp mắt: - Cái áo lính thủy trông giống lắm! Anh gật đầu: - Ừ, trông rất giống. Nhưng mấy cô dán không kỹ, Xuyến múa nửa chừng, một đường viền bị bong ra. Trông như cái đuôi diều. Xuyến trố mắt: - Ủa, sao anh biết? Rồi nó quay sang Thục: - Mày len lén mày kể phải không? Thục nhăn mặt: - Hỏi vô duyên! Anh cười: - Không phải Thục kể đâu! Hôm đó tôi có xem! Cúc Hương bán tín bán nghi: - Anh có xem? - Ừ. - Anh tới hồi nào? - Khoảng tám giờ. Tôi tới trễ. - Làm sao anh vô được? - Tôi.. đi vô. - Nhưng mà ai cho anh vô? - Thì bác bảo vệ. Cúc Hương nghi ngờ: - Bác bảo vệ mà để yên cho anh vô? Bác ta đuổi anh ra đấy chứ! - Bác ta không đuổi. Tôi nói: Bác cho cháu vào xem văn nghệ. Bác ta bảo: Vào đi! Chỉ có thế thôi! Cúc Hương khịt mũi: - Chỉ có thế thôi! Thật khó tin! Xuyến cũng đồng ý với Cúc Hương. Nó nói: - Quả là khó tin! Bác bảo vệ của tụi này rất khó tính. Không bao giờ bác ta cho kẻ lạ mặt vào trường xem văn nghệ. Tôi nghi là anh leo hàng rào! Thục phản đối: - Hàng rào trường mình toàn kẽm gai làm sao leo được? Xuyến hắng giọng: - Biết đâu được! Nếu không thì chắc anh năn nỉ ỉ ôi với bác bảo vệ. Không chừng anh hối lộ bác ta nữa! Anh nhún vai: - Tôi chẳng năn nỉ cũng chẳng hối lộ. Mấy cô không tin thì thôi! Bác ta chỉ nói: Vào đi! Thế là tôi vào! Kỳ công của anh khiến ba cô gái đều ngạc nhiên. Nhưng chỉ có Xuyến là nghi hoặc. Cúc Hương cười cười nhưng nó tin là anh nói thật. Còn Thục thì ngay từ đầu đã chẳng nghi ngờ gì. Nhưng nó chẳng hiểu anh làm cách nào mà lọt qua được bác bảo vệ vốn nổi tiếng là bảo thủ nhất trường. Hôm sau, anh còn làm ba cô gái ngạc nhiên hơn nữa khi anh đột nhiên hỏi Thục: - Thục giỏi văn nhất lớp phải không? Thục giật mình ấp úng: - Đâu có! Anh cười: - Thục đừng chối. Tôi biết hết. Còn Cúc Hương thì giỏi toán. Đúng không? Cúc Hương ngẩn người ra nhưng nó chưa kịp trả lời, Xuyến đã vọt miệng: - Còn tôi thì sao? Anh có biết gì về tôi không? - Xuyến hả? Xuyến thì giỏi đều các môn. Ngoài ra, Xuyến còn là lớp trưởng! Xuyến thè lưỡi: - Cha mẹ ơi! Thế này thì anh nhất định là công an rồi! - Không phải công an. Mà là thám tử! - Cúc Hương nhận xét. Và nó dòm anh, nói - Anh khai thật đi! Anh không phải tên Gia. Anh là Maigret hay Sherlock Holmes? Anh tròn mắt nhìn Cúc Hương: - Chà, Cúc Hương rành chuyện trinh thám quá hén! Cúc Hương vênh mặt: - Phải đọc truyện trinh thám để cảnh giác những kẻ khả nghi chứ! - Rồi nó cười tủm tỉm, nói - Như anh chẳng hạn. - Như tôi? - Ừ, như anh. Nhưng mà tôi nhớ ra rồi. Anh không phải là Maigret hay Sherlock Holmes. Anh là Arsène Lupin. Anh gật gù: - Tôi biết rồi. Đó là nhân vật của Maurice Leblanc. Nhưng tại sao Cúc Hương bảo tôi là Arsène Lupin? Cúc Hương nói mà mắt nhìn lên trần nhà: - Bởi vì Arsène Lupin cũng trẻ như anh. Cũng.. đẹp trai như anh. Lúc nào cũng ăn mặc láng coóng. Ngoài ra, Arsène Lupin lại rất láu cá và rất khoái "trồng cây si" các cô gái. - Nè, nè, Cúc Hương đừng có nói bậy! Tôi láu cá hồi nào? - Thì anh không láu cá. - Tôi cũng chẳng "trồng cây si" ai hết. Tôi đã nói rồi. Tôi đến đây chỉ để uống cà phê. - Thì anh không "trồng cây si" nhưng mà cây si trồng anh. Anh cau mặt: - Nếu mấy cô còn nghĩ như vậy thì tôi sẽ không đến đây nữa. Thấy anh có vẻ giận thật sự, cả bọn phát hoảng. Thục giảng hòa, vẻ lo lắng: - Con Cúc Hương nói đùa, anh giận làm chi! Cúc Hương cũng nhân nhượng: - Vậy thôi, tôi rút lời lại. Anh không láu cá, cũng không "trồng cây si". Chỉ còn mỗi khoản trẻ và đẹp trai thôi. Anh đồng ý chưa? Đang bực mình nhưng nghe giọng lưỡi của Cúc Hương, anh cũng phải phì cười: - Không đồng ý. Chỉ trẻ thôi. Nhưng không đẹp trai. Cúc Hương chép miệng: - Đẹp thật mà. Y chang thần Apollon trong thần thoại Hy Lạp. Xuyến gật đầu và nói bằng giọng tỉnh khô: - Con Cúc Hương nói đúng đó. Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi chưa từng thấy một người nào đẹp trai mà lại quí phái, sang trọng như anh. - Thôi đi mấy cô! - Anh xua tay - Mấy cô đừng có chọc quê tôi! Xuyến làm ra vẻ thật thà: - Chọc quê gì đâu! Không tin, anh hỏi con Thục coi! - Rồi nó quay sang Thục, hỏi - Phải không Thục? Anh nhìn Thục. Nhưng Thục đã ngó lơ chỗ khác. Xuyến hùng hồn: - Đó, anh thấy chưa! Con Thục ngó lơ tức là nó đồng ý rồi đó! Trước lối diễn giải ngang phè của Xuyến, anh chỉ biết mỉm cười. Anh biết có cãi nhau với Xuyến cũng vô ích, Xuyến sẽ át giọng anh. Vả lại, cũng không nên làm như vậy. Cô này mà làm lớp trưởng thì đáo để phải biết! Cả lớp nghe lời cứ là răm rắp! - Anh nghĩ thầm và khẽ ngước nhìn ba cô gái đang ngồi ríu rít trước mặt bằng ánh mắt trìu mến. Họ đều là những học sinh ưu tú. Chỉ có mỗi cái tội nghịch phá, trời cũng sợ! Và không hiểu ma xui quỉ khiến thế nào mà anh lại ngẫu nhiên trở thành nạn nhân khốn khổ của họ. Hôm đó, anh không phải trả tiền cà phê. Khi anh kêu tính tiền, bà chủ quán bảo Xuyến đã trả rồi. Anh đoán rằng đó là cách họ cảm ơn anh về chuyện chiếc áo lính thủy.
Chương 5 Bấm để xem Mặc dù rất cảm kích về chiếc áo lính thủy, Xuyến vẫn cảm thấy ấm ức về anh, nhất là về cái "thân thế và sự nghiệp" mơ hồ của anh. Cho đến nay, Xuyến, Thục và Cúc Hương chỉ mới biết đó là một anh chàng đẹp trai (chọc quê), tuổi con ngựa (đoán mò) và thất nghiệp (do anh chàng tự khai nhưng chắc gì đã đúng) Còn ngoài ra, không đứa nào biết gì thêm về anh cả. Trong khi đó, chẳng biết anh điều tra bằng con đường bí mật nào mà lại biết khá rõ về bọn họ. Càng nghĩ, Xuyến càng thắc mắc. Thắc mắc nhưng không giải đáp được, Xuyến đâm ra tức mình. Xuyến nói với Thục, giọng ấm ức: - Vậy là bọn mình đã thua 0 - 1. Thục không hiểu: - Làm gì mà thua? Mà thua ai? - Thua anh chàng Gia chứ thua ai! Thục ngây thơ: - Sao lại thua anh ta? Thua cái gì? Cúc Hương nhạy hơn Thục. Nó hiểu liền: - Anh ta biết rành về tụi mình, trong khi tụi mình mù tịt về anh ta, vậy là thua chứ là gì nữa! - Ừa hén! - Thục gật gù. Xuyến liếc xéo Thục: - Mày lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác, cứ như đang ở trên mây! Thục vùng vằng: - Thì tao ở trên mây, còn mày với con Cúc Hương ở dưới đất. Tụi mày muốn làm gì thì làm! Cúc Hương giảng hòa: - Thôi, đừng cãi nhau nữa! Nhiệm vụ hàng đầu của tụi mình bây giờ là phải xác định xem anh chàng.. Thục ngó Cúc Hương: - Xác định sao? Cúc Hương cười hì hì: - Xác định xem anh chàng đã có.. vợ chưa! - Dẹp mày đi! Giỡn hoài! Cúc Hương hít vào một hơi dài. Nó lấy bộ nghiêm chỉnh: - Nhiệm vụ hàng đầu của tụi mình là xác định xem anh chàng là người thế nào, học hành ra sao, biết đọc biết viết hay mù chữ.. Trong khi Cúc Hương đang hoa chân múa tay "thuyết minh" về "nhiệm vụ" thì Thục ôm bụng cười. Bao giờ cũng vậy, hễ Cúc Hương pha trò là Thục không nhịn được cười. Chỉ có Xuyến vẫn giữ được vẻ mặt nghiêm nghị. Nó coi những điều Cúc Hương đưa ra là hoàn toàn đứng đắn mặc dù chẳng bao giờ Cúc Hương nói về những điều đứng đắng bằng phong cách đứng đắng thật sự. Đợi Cúc Hương nói xong, Xuyến phát biểu: - Đúng là phải kiểm tra trình độ học vấn của anh chàng, xem anh ta có phải là người học hành đàng hoàng không. Nhưng làm thế nào để kiểm tra điều đó. Cúc Hương nhún vai: - Dễ ợt! Anh vẫn không hay biết gì về toan tính của ba cô nữ sinh tinh nghịch. Anh đang ngồi trong quán thì Xuyến, Thục và Cúc Hương kéo vào như thường lệ. Anh mỉm cười chào họ với vẻ thân mật như mọi ngày. Ánh mắt láu lỉnh của Xuyến và Cúc Hương không còn khiến anh phải cảnh giác. Bây giờ, phần nào anh đã làm quen với tính cách nghịch ngợm của hai cô. Như đã bàn tính, sau những câu chuyện trò vớ vẩn, Xuyến đột ngột hỏi anh: - Anh biết làm toán không? Anh giật mình: - Toán gì? - Thì toán chứ toán gì! Toán tụi này đang học đó! Có một bài toán khó quá, tụi này định nhờ anh giải giùm. Anh nhìn Xuyến bằng ánh mắt nghi hoặc: - Chắc các cô làm bộ chứ cả Xuyến lẫn Cúc Hương đều giỏi toán, lẽ nào làm không ra! Cúc Hương chép miệng: - Tụi này bí thật mà! Anh giải giùm đi! Hay là anh cũng bí! Anh tặc lưỡi: - Tôi cũng không biết nữa! Có thể tôi cũng giải không ra. Nhưng thôi, các cô cứ đưa đây tôi xem thử! Chỉ đợi có vậy, Xuyến rút cuốn tập trong cặp ra đặt lên bàn. Nó lật lật vài trang rồi chỉ vào bài toán "tụi này đang bí". Anh nhìn vào cuốn tập và bất giác buộc miệng khen: - Đẹp quá! Xuyến trố mắt: - Toán mà đẹp? Anh đính chính: - Không phải! Tôi không nói bài toán! - Chứ anh bảo cái gì đẹp? Cúc Hương vọt miệng trả lời thay: - Anh Gia khen bàn tay của mày đẹp đó! Cúc Hương vừa nói, Xuyến đã vội vã rụt tay về. Anh cười: - Cúc Hương chỉ giỏi xuyên tạc. Tôi khen là khen chữ viết. Chữ con gái mà viết đẹp, đều và mạnh mẽ không thua gì chữ con trai! Cúc Hương liếc Xuyến: - Thích nhé! Con gái mà như con trai! Anh nhìn Cúc Hương: - Cô lại xuyên tạc nữa rồi! Cúc Hương sợ anh nổi giận như bữa trước, liền thè lưỡi: - Thôi, thôi, tôi không "phụ đề việt ngữ" nữa đâu! Anh làm toán đi! Anh lại cúi nhìn vào bài tập. Bài toán Xuyến đưa chỉ là một bài toán về đại số véctơ. Bài toán không có gì là phức tạp lắm. Anh lấy cây viết trong túi áo ra và giải nhoáng một cái là xong. Giải xong, đẩy cuốn tập về phía Xuyến, anh nói: - Chắc các cô âm mưu chuyện gì chứ bài toán này các cô thừa sức giải. Xuyến cầm cuốn tập lên làm bộ săm soi, nói: - Tụi này bí thật mà! Thục nhìn anh bằng ánh mắt long lanh: - Anh giải lẹ ghê! Anh mà xin vô học chung lớp với tụi này, chắc là anh sẽ đứng nhất. Cúc Hương hùa vô: - Và tụi này sẽ cóp-pi bài của anh tha hồ. Anh xua tay: - Thôi, thôi, các cô đừng có mà bốc tôi lên mây! Cúc Hương nheo mắt: - Bộ anh không thích lên mây hả? Lên mây, anh sẽ được ở với con Thục! - Sao lại ở với Thục? - Bởi vì khi nãy con Xuyến bảo con Thục lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác, y như đang sống ở trên mây. Anh lên đó là gặp nó liền. Nhìn Thục đang ngồi sượng sùng, anh trách Cúc Hương: - Cô thì lúc nào cũng đùa được! - Thôi, tôi sẽ không đùa nữa! - Cúc Hương rụt cổ. Đột nhiên, Xuyến lên tiếng: - Còn một bài nữa! Anh quay nhìn Xuyến: - Xuyến nói sao? Xuyến rút một cuốn tập khác trong cặp ra, nói: - Còn một bài toán khó nữa! Anh giải giùm đi! Anh giơ hai tay lên trời: - Trời ơi, cô làm như tôi là máy tính không bằng! Xuyến cười: - Anh còn giỏi hơn máy tính nữa ấy chứ! Bài này khó lắm, máy tính chưa chắc đã giải ra! Anh nheo mắt: - Khó bằng bài khi nãy chứ gì! - Khó hơn nhiều! Vừa nói Xuyến vừa đẩy cuốn tập tới trước mặt anh. Anh nhìn cuốn tập như nhìn một cái bẫy, không hiểu trong đó chứa những thách đố gì. Thấy vậy, Xuyến nói: - Làm gì anh dòm lom lom vậy! Không có gì nguy hiểm đâu! - Nguy hiểm hay không có trời mà biết! Nói vậy nhưng anh vẫn kéo cuốn tập lại gần, chăm chú đọc. Quả thật, đúng như Xuyến đã cảnh cáo trước, bài toán lần này là một bài giải tích khá rắc rối. Anh nhíu mày, cố nhớ lại những kiến thức về hàm số anh đã học qua trước đây. Anh lôi từ trong quá khứ đầy bụi ra những sin, arcsin, cos, arccos và tìm cách hệ thống lại một cách vất vả để cố vượt qua cuộc kiểm tra không được báo trước. Những đường đồ thị chạy ngoằn ngoèo trong óc anh như những tia chớp. Anh học môn văn là chủ yếu, từ lâu không còn đụng đến những con số rối rắm này nên phải mất một thời gian khá lâu anh mới giải xong bài toán. Anh thở phào, đưa trả cuốn tập cho Xuyến và nói: - Xuyến xem lại đi! Không biết tôi giải có sai chỗ nào không. Cả ba cô gái châu đầu dòm vô cuốn tập. Thục reo lên: - Đúng rồi! Xuyến gật gù: - Đúng là một "em" học sinh xuất sắc! Còn Cúc Hương thì nhìn anh, khen: - Anh có thể lên thẳng lớp mười hai được rồi. Khỏi phải lưu ban! Nghe khen, anh chẳng cảm thấy sung sướng một chút nào. Anh nhìn ba cô gái với vẻ băn khoăn: - Các cô định thử tôi chứ gì? Xuyến làm mặt tỉnh: - Thử gì đâu! Tụi này làm không ra, nhờ anh giải giùm vậy thôi! Anh thở dài: - Tôi không chuyên về toán. May mà tôi chưa quên hết mọi thứ. - Chứ anh chuyên môn gì? - Thục hỏi. - Tôi học văn. Cúc Hương nhướng mắt: - Vậy là anh hợp với con Thục rồi. Phớt lờ câu châm chọc của Cúc Hương, anh nói: - Xuyến và Cúc Hương cũng đâu có kém môn văn. Xuyến nhún vai: - Tôi với con Cúc Hương học dở ẹc! - Đó là Xuyến nói vậy thôi! Xuyến gục gặc đầu: - Con Xuyến nói thật đó. Tụi tôi học văn thua xa con Thục. Học truyện Kiều cả tháng trời mà tôi chỉ nhớ có mỗi một câu. Anh tò mò: - Câu gì? - "Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao". Nhờ gặp anh tôi mới nhớ, chứ nếu không tôi đã quên tuốt rồi! Câu Kiều mà Cúc Hương đọc là câu Nguyễn Du tả Mã Giám Sinh, một nhân vật bịp bợm. Ý nó muốn chọc anh. Nhưng anh không giận Cúc Hương, anh chỉ bẻ lại: - Nhưng Mã Giám Sinh trên bốn chục tuổi kia mà! Nguyễn Du đã viết là: "Quá niên trạc ngoại tứ tuần". - Anh nhớ lộn rồi! - Cúc Hương cãi - Nguyễn Du viết là "Quá niên trạc ngoại tứ tuần.. chia hai"! Nói xong, nó cười hích hích. Sau lần "kiểm tra" trình độ văn hóa của anh, ba cô gái đã không còn thắc mắc về "học lực" của anh nữa. Cả ba đều thống nhất ý kiến: Anh không mù chữ, học hành đàng hoàng, ít nhất cũng học hết bậc phổ thông trung học (mặc dù có thể sau đó đã thi rớt đại học và lâm vào tình trạng thất nghiệp). Những lần gặp gỡ sau đó, họ không còn nhờ anh giải "thử" nữa mà giải "thật" những bài làm khó, nhất là chẳng còn mấy ngày nữa họ phải thi kiểm tra học kỳ một. Thật ra, về các môn khoa học tự nhiên, Xuyến, Thục và Cúc Hương không hề ngán. Duy chỉ có môn văn, phân tích tới, phân tích lui rắc rối, ba cô hơi ngài ngại. Ngay cả Thục, giỏi văn nhất lớp, cũng luôn phải dè chừng các bài nghị luận. Phân tích một đoạn văn hay một đoạn thơ, Thục thừa sức làm. Nhưng khi đi vào giải thích và chứng minh các nhận định văn học, Thục thường cảm thấy lúng túng. Không phải bao giờ Thục cũng tìm ra những lập luận thuyết phục nhất. Đó là vấn đề của Thục, của Xuyến, của Cúc Hương. Và cả của anh, khi ba cô gái tin cậy hỏi: - Vậy ta phải làm sao? Anh cười: - Để giải quyết vấn đề này, trước tiên các cô phải giành lấy cái "vinh dự" của tôi. Mãi chú tâm vô bài học, không người nào trong ba cô gái nhớ lại những trò chơi quỉ quái của mình. Ba đôi mắt đều giương tròn nhìn anh, ngơ ngác. Cúc Hương hỏi: - Vinh dự gì? - Vinh dự trả tiền cà phê chứ vinh dự gì! Cúc Hương chun mũi: - Chà, anh thù dai quá hén! Anh đằng hắng: - Đây không phải là thù dai. Tôi chỉ lập lại những gì các cô đã làm. Xuyến bình luận: - Cái đó người ta gọi là hối lộ. Anh lắc đầu: - Chữ hối lộ ở đây không chính xác. Gọi là bồi dưỡng thì thích hợp hơn. Xuyến khịt mũi: - Thôi, anh muốn gọi là hối lộ hay bồi dưỡng gì kệ anh. Tụi này đồng ý tất. Miễn là anh chỉ cho tụi này một vài "bí quyết" để làm bài nghị luận. Anh mỉm cười: - Tôi nói đùa thôi chứ chẳng bắt các cô trả tiền cà phê đâu mà sợ. Còn về loại văn giải thích và chứng minh các nhận định văn học thực ra chẳng có bí quyết gì ghê gớm, cái chính là phải nắm được những ý tưởng chủ chốt trong nhận định, thông qua những khái niệm chính trong câu. Sau đó, thiết lập mối tương quan giữa nội dung nhận định và nội dung tác phẩm.. Sau đó, anh bắt đầu hướng dẫn cho các cô gái cách tiến hành một bài nghị luận văn học như thế nào cho khoa học, rõ ràng, xuất phát từ những điểm chú ý được xác định trước. Anh giảng giải tận tình, dễ hiểu, và với những cô gái thông minh như Xuyến, Thục và Cúc Hương thì sự tiếp thu không gặp phải khó khăn nào. Khi anh giảng xong, Xuyến gật gù: - Trình bày khúc chiết, mạch lạc, có đầu có đũa, xứng đáng được điểm mười. Thục khen: - Anh thi vào trường sư phạm coi bộ hợp lắm! Cúc Hương thì chọc: - Ý kiến con Thục hay đấy! Anh ráng chờ một, hai năm nữa, tụi này tốt nghiệp phổ thông xong, sẽ rủ anh đi thi đại học chung cho vui. Ba cô gái thi nhau nói, còn anh thì ngồi ngắm họ. Những gương mặt hồn nhiên, nghịch ngợm và ham học kia bao giờ cũng đem lại cho anh những ý nghĩ và những xúc cảm tốt đẹp. Cúc Hương cứ xuýt xoa luôn miệng: - Chà, chà, có một ông anh như anh kể cũng thú vị thật! Xuyến "kê" Cúc Hương: - Mới hôm trước mày còn bảo anh Gia láu cá như thằng cha Aresène Lupin gì đó, bữa nay mày lại trổ tài nịnh rồi. Cúc Hương chẳng hề bối rối, nó cười hì hì: - Thì con người ta phải biết phục thiện chứ! Tao đâu có ngoan cố như mày! Xuyến cự nự: - Tao làm gì mà ngoan cố? Cúc Hương nghinh mặt: - Chứ gì nữa! Anh Gia giảng toát mồ hôi, mày không nịnh được một câu mà còn bày đặt bắt bẻ tao. Xuyến bĩu môi: - Tao không quen nịnh! Tao hành động thực tế hơn! Cúc Hương ngạc nhiên: - Mày định làm gì? - Tao đi trả tiền cà phê. Vừa đáp, Xuyến vừa đứng lên khỏi ghế. Anh hốt hoảng: - Thôi, thôi, Xuyến đừng làm vậy! Kỳ lắm! - Có gì đâu mà kỳ! Hôm trước anh trả tiền chè cho tụi này thì bây giờ tụi này trả tiền cà phê cho anh. Coi như huề! Nói xong, không để anh kịp ngăn cản, Xuyến vội vã đi lại chỗ quầy thu tiền. Anh chỉ biết nhìn theo, lắc đầu.
Chương 6 Bấm để xem Có một điều mà Xuyến, Thục và Cúc Hương lấy làm lạ là cho đến hôm nay, sau gần một tháng trời quen biết, anh chưa một lần mở miệng rủ chúng nó đi chơi, dù là đi xem phim, xem diễn kịch hoặc xem ca nghe ca nhạc. Anh chỉ gặp gỡ và trò chuyện với các cô gái ở một địa điểm bất di bất dịch là quán cây Sứ. Và trong những lần gặp gỡ đó, anh luôn luôn đối xử với họ một cách đàng hoàng, tử tế, tất nhiên mỗi ngày một thân mật hơn, nhưng vẫn giữ một khoảng cách nhất định. Điều đó khiến ba cô gái ngày càng quí mến và tin cậy anh hơn. Trong bọn, Thục là đứa đa cảm và kín đáo nhất nên Xuyến và Cúc Hương không hề biết nó thường nghĩ ngợi vẩn vơ về anh, mặc dù thường ngày Xuyến và Cúc Hương vẫn hay gán ghép anh và Thục để đùa cợt. Thấy anh không bao giờ nói đến chuyện đi chơi, Xuyến kết luận: - Đây là một anh chàng cù lần! Cúc Hương lắc đầu: - Chưa chắc! Xuyến vẫn khăng khăng: - Chứ gì nữa! Chẳng bao giờ anh ta rủ bọn mình đi xem văn nghệ! Cúc Hương nhún vai: - Anh ta không rủ thì mình rủ. Biết đâu anh ta cũng thích rủ bọn mình đi chơi nhưng còn ngại nên chưa dám mở miệng. Xuyến trầm ngâm: - Nhưng đi chơi với anh ta, tụi mình phải đề cao cảnh giác. Cúc Hương cười: - Mày khéo lo! Anh chàng này không có vẻ gì nguy hiểm đâu! Chính mày chẳng nhận xét anh ta nhát gái là gì! Xuyến tặc lưỡi: - Ừ thì tao có bảo vậy. Nhưng ở đời chính những người bề ngoài không có vẻ gì nguy hiểm mới là những người nguy hiểm thật sự. Thục cười khúc khích: - Mày nói cứ như là lõi đời lắm vậy! Cúc Hương phẩy tay: - Ối, bọn mình ba đứa mà sợ gì! Ông bà ta đã dạy rồi! Ba người đánh một không chột cũng què! Thục lè lưỡi: - Tụi mày hung hăng quá hén! Dám đe dọa tính mạng anh ta một cách trắng trợn! Xuyến liếc Thục: - Mày hở ra là bênh anh chàng! Bàn định xong, ba cô gái đi gặp anh. Vừa giáp mặt anh, Xuyến đề nghị thẳng: - Tối nay anh đi xem văn nghệ với tụi này không? - Xem gì vậy? - Ca nhạc. - Đâu? - Nhà văn hóa quận ba. Hay lắm! Anh lắc đầu: - Tôi không thích xem ca nhạc ở các tụ điểm. Tối nay ở nhà hát thành phố có đoàn ca múa nhạc trung ương biểu diễn, sao các cô không đến đó xem? Xuyến nhăn mặt: - Đó khó mua vé thấy mồ! Đâu phải muốn đi xem lúc nào cũng được như anh tưởng! - Nếu các cô muốn đi, tôi mua vé giùm cho. Ba cô gái cùng reo lên: - Thật không? Cúc Hương hỏi: - Anh quen cô với cô nào trong đoàn ca nhạc phải không? - Không. Nhưng tôi có một anh bạn lam ở Công ty tổ chức biểu diễn. Tôi sẽ nhờ anh ta mua giùm. Thục băn khoăn: - Bây giờ chưa mua vé, làm sao tối nay đi coi kịp? - Kịp chứ! Lát nữa tôi đi lấy vé. - Nhưng làm sao anh đưa vé cho tụi này? Đưa vào lúc nào? - Xuyến hỏi. - Chiều nay đưa. - Đưa ở đâu? - Đây. Xuyến tặc lưỡi: - Buổi chiều tụi này đâu có đi học. - Vậy thì.. vậy thì.. - Anh lưỡng lự nói - Một ai đó trong các cô đến đây. Tôi sẽ đợi. - Mấy giờ? - Khoảng ba giờ. - Được rồi! Khoảng ba giờ, con Thục sẽ đến gặp anh! - Vừa nói, Xuyến vừa liếc Thục. Trước khi chia tay, Cúc Hương còn "dặn" : - Anh ráng đừng để lặp lại chuyện chiếc áo lính thủy nghen! Coi chừng con Xuyến nó sẽ "kỷ luật" anh đấy! - O O o - Đúng ba giờ, Xuyến, Thục và Cúc Hương đến quán đã thấy anh ngồi đợi ở đấy. Thấy ba cô gái cùng xuất hiện, anh ngạc nhiên hỏi: - Sao lại đến đông đủ thế này? Xuyến nhe răng cười: - Tụi này tính để con Thục đi, nhưng lại sợ anh bắt nạt nó nên phải đi theo bảo vệ. - Hừm! Các cô làm như tôi là.. là.. Anh chưa tìm ra từ thích hợp thì Xuyến đã cướp lời: * * * là Hùng quăn không bằng! Xuyến nói vừa dứt câu, Cúc Hương đã nhanh tay cấu nó một cái đau điếng khiến nó la lên oai oái. Anh nhìn Cúc Hương: - Hùng quăn nào vậy? Cúc Hương nhún vai: - Ối, hơi đâu anh nghe lời con Xuyến! Nó chuyên môn nói bậy không hà! Rồi như để cho anh không kịp "chất vấn" tiếp chuyện Hùng quăn, Cúc Hương chìa tay ra: - Vé đâu? Anh rút mấy chiếc vé trong túi áo ra đưa cho Cúc Hương. Nó lật tới lật lui mấy tấm vé rồi đột ngột kêu lên: - Ủa, sao chỉ có ba vé? - Thì ba vé chứ mấỷ Các cô chỉ có ba người kia mà! - Còn anh nữa chi! - Không, tôi không đi. Tôi xem đoàn này rồi. Cúc Hương thở dài thất vọng: - Vậy mà tụi này tưởng có anh cùng đi chứ! Cả Xuyến và Thục cũng nhìn anh với vẻ thắc mắc. Nhưng không để cho các cô gái kịp "hạch hỏi", anh vội vã cáo từ và lên xe phóng đi. Xuyến nheo mắt nhìn Cúc Hương, kết luận: - Mày nói đúng. Đối với anh chàng này, không cần phải cảnh giác! Cúc Hương gật gù, giọng thản nhiên: - Còn mày thì nói sai! Anh ta không phải tuổi con ngựa mà là tuổi con.. thỏ. Thục không nói gì. Nó chỉ thở dài một cách kín đáo. - O O o - Những lần sau cũng vậy. Anh thường mua giùm vé cho ba cô gái đi xem các chương trình văn nghệ nhưng chẳng bao giờ anh đi cùng. Mặc cho Xuyến và Cúc Hương giở đủ mọi lý lẽ, anh vẫn một mực thoái thác. Xuyến làm mặt giận: - Anh khi dể tụi này phải không? Anh nhăn nhó: - Đâu có! Xuyến đừng có nói oan cho tôi! - Chứ tại sao anh không chịu đi xem văn nghệ với tụi này? - Tôi bận. - Anh nói xạo. Bận gì mà bận hoài vậy? Anh chưa kịp trả lời, Cúc Hương đã hằm hè tuyên bố: - Nếu anh còn "làm cao", tụi này không nhờ anh mua vé nữa đâu! Anh gãi đầu: - Xuyến và Cúc Hương kỳ quá! Tôi đã nói tôi bận mà! Thục hỏi: - Anh chưa đi làm sao bận dữ vậy? Cúc Hương reo lên: - Đúng rồi! Thất nghiệp mà bận! Anh xạo! Anh cười khổ sở: - Tôi đã nói rồi. Các cô không tin thì thôi. Xuyến hắng giọng: - Thôi được rồi, tụi này tin anh. Nhưng với một điều kiện. Anh thấp thỏm: - Điều kiện gì? Xuyến nheo mắt: - Tụi này đến nhà anh kiểm tra xem có đúng là anh bận không. Anh lắc đầu ngầy nguậy: - Không được đâu! Xuyến nghinh mặt: - Sao không được? Anh chép miệng: - Nhà tôi xa lắm. - Xa thì xa! Tụi này không ngại thì thôi chứ mắc mớ gì đến anh! Cúc Hương "xí" một tiếng: - Anh nói sao mà khó tin quá! Nếu nhà xa sao anh không đi uống cà phê ở quán nào gần đó lại chạy tuốt đến đây ngồi? Lý lẽ Cúc Hương đưa ra khiến anh đớ lưỡi, không biết cách nào trả lời. Mãi một lúc, anh mới tìm ra cách giải thích: - Tại tôi thích quan này. Cà phê ở đây ngon. Xuyến "hừ" mũi: - Nói như anh, con nít cũng không tin nữa là tụi này! Nhưng mặc cho Xuyến và Cúc Hương khích bác, anh cứ ngồi cười trừ. Ba cô gái thấy chẳng lay chuyển anh được, liền giận dỗi bỏ đi.
Chương 7 Bấm để xem Hùng quăn lại tiếp tục gởi thư cho Cúc Hương. Sáng sớm vừa vào lớp, thò tay vào ngăn bàn, Cúc Hương đã thấy một phong thư đặt sẵn ở đó rồi. Thư không ghi tên người gửi, chỉ đề tên người nhận nhưng chỉ nhìn thoáng qua nét chữ, Cúc Hương đã biết ngay "thủ phạm" là Hùng quăn. Hùng quăn đúng là kẻ si tình lì lợm. Những lá thư của nó trước đây không những không được Cúc Hương trả lời lấy một chữ, lại còn bị Xuyến thỉnh thoảng đem ra chọc quê, thế mà nó vẫn tiếp tục "theo" Cúc Hương đến cùng. Thực ra, Hùng quăn không phải là học sinh kém. Những năm lớp dưới, nó thuộc loại học sinh xuất sắc. Lên lớp mười một, ngay từ đầu năm học, nó học cũng rất khá. Và nó cũng chẳng hề yêu iếc gì lôi thôi. Chẳng hiểu sao hai, ba tháng trở lại đây, Hùng quăn học hành lơ là hẳn đi, lại sinh ra cái tật la cà, phá phách. Và cuối cùng, Hùng quăn quyết định chuyển mục tiêu cuộc sống từ học tập qua lãnh vực.. yêu đương. "Nạn nhân" đầu tiên của nó, khổ thay, lại là Cúc Hương. Cúc Hương từ lâu đã chán ngấy cái trò tỏ tình của Hùng quăn nên sáng nay thấy bức thư của Hùng quăn trong ngăn bàn, nó không thèm đụng tới. Đến giờ ra chơi, Cúc Hương cầm lá thư bước ra sân định ném vào sọt rác. Không ngờ Xuyến và Thục nhìn thấy, hỏi: - Mày cầm cái gì trên tay vậy? Cúc Hương nhăn mặt: - Lại nó nữa! Xuyến trố mắt: - Nó là cái gì? - "Tác phẩm" của Hùng quăn. - Mày đem đi đâu đó? - Ném sọt rác. Xuyến chìa tay ra: - Nè, đừng có mà lãng phí như vậy! Nếu là "tác phẩm" của Hùng quăn thì mày đưa tao "phân tích" thử coi! Thục cũng hùa vô: - Đúng rồi đó! Mở ra xem đi! Sau một thoáng lưỡng lự, Cúc Hương đưa lá thư cho Xuyến. Xuyến lật đật xé phong bì, rút lá thư ra. Cả ba cô gái chụm đầu vô xem. Vừa xem, Xuyến vừa bình luận: - Lá thư này ướt át hơn mấy lá thư trước nhiều! - Cúc Hương khịt mũi: - Chắc nó "thuổng" trong cuốn "Những bức thư tình". Thình lình Thục la lên: - Trời ơi, nó dọa kìa! Xuyến và Cúc Hương trố mắt: - Đâu? Chỗ nào đâu? Thục đưa tay chỉ vào những dòng chữ cuối thư: - Đây nè! Nó nói là nếu Cúc Hương không hồi âm, nó sẽ đi theo Cúc Hương đến tận.. chân trời góc biển. Cúc Hương cau mặt: - Đồ vô duyên! Xuyến ngó Cúc Hương, chọc: - Chắc nó định rủ mày đi hóng gió ở Vũng Tàu. Cúc Hương trợn mắt: - Mày đừng có nói bậy! Xuyến cười hí hí: - Tao nói bậy hồi nào! Đây là tao "phân tích tác phẩm". Nó bảo nó theo mày đến "góc biển", vậy không phải nó định rủ mày đi Vũng Tàu là gì! Cúc Hương gắt: - Dẹp mày đi! Xuyến tỉnh bơ: - Mày muốn dẹp thì dẹp Hùng quăn chứ sao lại dẹp tao! Đột nhiên, Thục lại gọi giật: - Tụi mày xem mấy dòng tái bút của nó nè! Xuyến và Cúc Hương lập tức thôi đấu khẩu, cả hai nhìn vào lá thư. Phần tái bút, Hùng quăn viết: "Tôi sẽ chờ Cúc Hương thêm một tuần nữa. Nếu sau thời hạn đó, Cúc Hương không trả lời, Cúc Hương sẽ ân hận". Phía dưới là một chữ ký dài thoòng, loăn quăn. Những lời lẽ hàm ý đe dọa này khiến Cúc Hương vừa lo vừa tức. Nó lầm bầm: - Đồ Mafia oắt con! Thục lo lắng ra mặt: - Phải làm sao bây giờ? Cúc Hương nổi cáu: - Chả làm sao sất! Kệ nó! Thục vẫn không yên tâm: - Sao kệ được? Nó nói sao nghe ớn quá! Cúc Hương bĩu môi: - Nó chẳng dám làm gì đâu! Nó chỉ giỏi tài dọa thôi! Xuyến giơ hai tay lên trời: - Thật tao chưa thấy ai như Hùng quăn. Nó yêu người ta mà cứ như bọn găng-tơ: "Giơ tay lên! Chọn một trong hai: Yêu hay là chết!". Rồi nó liếc Cúc Hương nói tiếp: - Thế là mày toi đời rồi nhé! Một tuần nữa mà mày không phúc đáp, thế là "đoàng"! Cúc Hương khịt mũi: - Cho nó "đoàng", đồ du côn! Tao cóc sợ! Nói xong, nó mím môi vò lá thư của Hùng quăn và cương quyết ném vào giỏ rác treo ở góc cây bên cạnh. Hùng quăn không biết chuyện đó. Hoặc cũng có thể nó biết chuyện nhưng làm lơ. Nó chỉ lặng lẽ và lầm lì thực hiện phương châm "đi tò tò theo Cúc Hương đến tận chân trời góc biển" một cách kiên trì. Liên tiếp ba ngày liền, Hùng quăn đeo dính Cúc Hương như một cái đuôi trên đường đi học cũng như trên đường về nhà. Còn trong giờ chơi, Cúc Hương đi đâu Hùng quăn đi đó. Thục đi bên cạnh Cúc Hương, thỉnh thoảng quay đầu dòm lại phía sau với tâm trạng phập phồng. Còn Xuyến thì che miệng cười khúc khích. Tiếng cười của Xuyến khiến Cúc Hương nổi quạu: - Vui vẻ gì mà cười! Xuyến ngoẹo cổ: - Vui chứ sao không vui! Tự nhiên lại có một chàng vệ sĩ lúc nào cũng đi theo sau lưng của tụi mình để bảo vệ mà không khoái sao được! Cúc Hương thở dài: - Tao không hiểu sao mày còn giỡn được! Thú thật tao ngán tận cổ cái trò này rồi! Xuyến nhún vai: - Thì mày viết thư từ chối thẳng. Thục can: - Không được đâu! Nếu con Cúc Hương từ chối thẳng, nó tự ái nó làm bậy thì khốn! Xuyến chép miệng: - Thì mình viết thế nào cho khéo khéo. Cúc Hương chớp mắt: - Viết khéo khéo là viết như thế nào? Xuyến và Thục bỗng ngớ người ra. Không đứa nào biết phải trả lời một lá thư tỏ tình như thế nào cho đúng "qui cách". Đó quả thật là chuyện mới mẻ và khó khăn vô cùng. Nghĩ ngợi một hồi, Thục buột miệng nói: - Hay là mình.. Thấy nó ngập ngừng, Cúc Hương hỏi: - Mình sao? - Mình hỏi ý kiến anh Gia. Cúc Hương reo lên: - Ừa hén! Thế mà nãy giờ mình không nghĩ tới. Bỗng nó tặc lưỡi, do dự: - Nhưng hỏi ý kiến anh ta về chuyện này tao thấy nó kỳ kỳ thế nào! Xuyến "xí" một tiếng: - Có gì đâu mà kỳ! - Kỳ chứ! Thục thuyết phục: - Đây không phải là chuyện tình cảm của mày. Trong chuyện này, mày chỉ là "nạn nhân" của người khác thôi! Xuyến gục gặc đầu: - Đúng rồi! Mày chỉ là "nạn nhân" của một "mối tình tướng cướp" thôi! Cúc Hương nheo mắt ngó Xuyến: - Chắc mày vừa xem vở cải lương "Tình yêu và tướng cướp"? Phớt lờ sự chế giễu của Cúc Hương, Xuyến nghiêm mặt nói tiếp: - Có thể coi đây như một tai nạn. Và anh chàng Gia sẽ đóng vai Quan Âm bồ tát cứu khổ cứu nạn cho mày! Không còn cách nào hơn, cuối cùng Cúc Hương đồng ý với Xuyến và Thục đi cầu cứu anh Gia. - O O o - Thấy ba cô gái kéo nhau vào quán với vẻ khác thường, mặt người nào người nấy lộ vẻ nghiêm trọng, anh lo lắng hỏi: - Có chuyện gì vậy? - Con Cúc Hương bị cọp rượt! Xuyến nói. - Cọp ở đâu? - Trong trường. Anh nhìn Thục: - Cọp nào vậy, Thục? Thục chớp mắt: - Hùng quăn đó. Anh gật gù: - Ồ, thì ra là anh chàng đó. Thục trố mắt: - Anh biết Hùng quăn hả? - Không biết! Nhưng hôm trước tôi có nghe các cô nhắc đến tên này một lần. Nhưng có chuyện gì vậy? Xuyến vọt miệng: - Nó viết thư cho Cúc Hương hăm dọa "xin tí huyết". Thục ngó Xuyến: - Mày đừng có bịa thêm. Làm gì có chuyện "xin tí huyết". Xuyến cười cười: - Thì cũng gần như vậy. Cúc Hương hắng giọng: - Thôi tụi mày đừng có nó lung tung nữa. Để tao kể đầu đuôi cho anh Gia nghe. Nói xong, Cúc Hương bắt đầu "tường thuật" lại quá trình diễn tiến mối tình đơn phương của Hùng quăn và cả những dòng tái bút mang tính chất "hăm dọa" của nó trong lá thư mới nhất. Anh lặng lẽ ngồi nghe, không ngắt lời cũng không hỏi lại. Giọng kể của Cúc Hương đều đều hệt như lời thú tội trong nhà thờ gây cho anh một cảm giác buồn cười. Cúc Hương nói xong, anh đằng hắng: - Vậy bây giờ Cúc Hương định làm thế nào? Cúc Hương chưa kịp đáp thì Xuyến đã lên tiếng: - Nếu biết làm thế nào thì tụi này đâu có đến gặp anh làm gì! Thục giải thích: - Con Cúc Hương định viết thư từ chối dứt khoát nhưng sợ Hùng quăn nổi khùng! Xuyến "thuyết minh" thêm: - Do đó tụi này mới đi cầu anh làm quân sư. Giống như Lưu Bị ngày trước cầu Gia Cát Lượng vậy. Anh cười: - Thôi, Xuyến đừng có cho tôi đi "tàu bay giấy"! Cúc Hương thấp thỏm hỏi: - Sao? Theo anh, tôi có nên viết thư không? Anh ngẫm nghĩ một hồi rồi tặc lưỡi nói: - Hùng quăn đã viết như vậy thì Cúc Hương nên trả lời. - Trả lời như thế nào? - Thì cứ trả lời thẳng! - Trả lời thẳng? - Chứ sao! Nội dung phải rõ ràng, dứt khoát để khi đọc, người ta hiểu ý mình liền nhưng về hình thức phải diễn đạt thật tế nhị, khéo léo để người ta khỏi tự ái. Xuyến "đía" vô: - Cũng giống như phân tích một đoạn văn vậy. Chia làm hai cột: Nội dung và hình thức! Cúc Hương chép miệng: - Phần nội dung thì rõ rồi. Tôi sẽ từ chối. Nhưng về hình thức thì phải viết như thế nào mới gọi là tế nhị? - Thì.. thì Cúc Hương cứ đưa ra một lý do chính đáng nào đó để giải thích việc từ chối của mình. Cốt để cho Hùng quăn hiểu rằng không phải tại bản thân anh ta mà tại một nguyên nhân nào đó khiến Cúc Hương không thể chấp nhận tình cảm của anh ta. Khi "đề xuất" cách giải quyết này, thật tình anh cũng chưa kịp nghĩ hộ cho Cúc Hương một lý do cụ thể, do đó anh chỉ có thể "tham mưu" một cách chung chung như vậy. Nhưng Cúc Hương dường như hài lòng với sự gợi ý của anh. Nó không hỏi mà chỉ gật đầu: - Được rồi! Tôi sẽ về nghĩ thêm! Anh nhìn ba cô gái kéo nhau ra về mà bụng không khỏi cười thầm mình. Tự nhiên anh lại trở thành chuyên gia "gỡ rối tơ lòng" đầy uy tín. Và anh cũng tự hỏi không biết Cúc Hương có sẽ tìm ra một lý do thích hợp cho việc từ chối.. tình yêu của Hùng quăn hay không. Cái lứa tuổi này thật rối rắm! - Anh thầm nhủ. Cho tới lúc đó anh không bao giờ nghĩ rằng Cúc Hương lại bạo gan đưa ra lý do "tôi đã có người yêu rồi" để mong chấm dứt sự tấn công không mệt mỏi của Hùng quăn. Đó cũng là nguyên nhân của sự rắc rối không được báo trước.
Chương 8 Bấm để xem Chừng hai hôm sau thì xảy ra cuộc gặp gỡ "định mệnh" đó. Anh đang chuẩn bị ra về thì Hùng quăn bước vào quán. Bằng trực giác, anh nhận ra nó ngay. Đó là một chàng trai mới lớn, ria mép lún phún, những nốt mụn trổ rải rác trên mặt, mái tóc xoăn tít ép sát vào da đầu. Cách ăn mặc của Hùng quăn trông có vẻ bụi đời, quần áo nhếch nhác, cổ không cài khuy. Nó bước thẳng lại chỗ anh ngồi, mặt mày lạnh lẽo. Không đợi mời, nó kéo ghế ngồi đối diện với anh và nhập đề ngay, không úp mở: - Tôi muốn nói chuyện với anh. Anh nhìn thẳng vào gương mặt ửng đỏ của Hùng quăn và chợt nhớ ra mình đã gặp gương mặt này một vài lần trong quán nhưng lúc đó anh chưa biết Hùng quăn là ai. Anh nói, giọng bình thản: - Anh cứ nói. Hùng quăn nhếch mép: - Anh làm gì ở đây? Cái kiểu chất vấn xấc xược của Hùng quăn khiến anh cảm thấy khó chịu. Anh cố trả lời bằng giọng kiềm chế: - Như anh thấy đấy, tôi đến đây uống cà phê. Hùng quăn nhún vai: - Uống cà phê chỉ là bề ngoài. Tôi muốn biết thực chất đằng sau chuyện cà phê cà pháo đó! Đến đây, anh bắt đầu hiểu ra Hùng quăn gặp anh với mục đích gì và anh cũng lờ mờ đoán ra mọi chuyện có lẽ bắt nguồn từ lá thư từ chối của Cúc Hương. Anh không biết Cúc Hương đã diễn đạt cái "ý định dứt khoát" của mình bằng những "lời lẽ tế nhị" như thế nào để đến nỗi Hùng quăn phải "chĩa mũi dùi" vào anh. Anh lắc đầu: - Chẳng có gì bí mật ở đây hết. Tôi đã nói rồi. Tôi đến đây đơn giản là để uống cà phê. Hùng quăn gằn giọng: - Không đúng! Anh nói dối! Anh quắt mắt: - Vậy theo anh, tôi đến đây để làm gì? Hùng quăn "đốp" ngay: - Để tán gái! Mặt anh lập tức sa sầm xuống và anh định phản ứng lại bằng một thái độ giận dữ. Nhưng anh chợt nhớ lại trước đây, Xuyến, Thục và Cúc Hương cũng từng có ý nghĩ anh đến đây là để "trồng cây si" một cô nào, vì vậy bỗng nhiên anh mỉm cười, hạ giọng: - Anh lầm rồi! Một người đàn ông đến uống cà phê trước một cổng trường không nhất thiết là để theo đuổi một người con gái. Những lời anh nói không thuyết phục được Hùng quăn. Nó vẫn tiếp tục theo đuổi những ý nghĩ của mình: - Tôi không tin. Tôi thấy anh thường xuyên gặp gỡ các cô gái ở trường này. - Đó là chuyện bình thường. Họ là bạn của tôi. - Hừ, bạn! - Hình như có một chút lưỡng lự thoáng qua trong mắt Hùng quăn, nhưng sau đó nó quyết định hỏi thẳng - Anh và Cúc Hương quan hệ với nhau như thế nào? Anh biết Hùng quăn đã đi vào mục tiêu chính của cuộc "viếng thăm". Nhưng lối ăn nói sỗ sàng và thái độ hỗn láo của nó khiến anh không kiềm được nỗi bực dọc. Anh nhìn thẳng vào mặt Hùng quăn bằng ánh mắt nghiêm khắc: - Anh lấy quyền gì mà tra hỏi tôi điều đó? - Quyền gì hả? Quyền.. quyền.. Hùng quăn lộ rõ vẻ lúng túng. Bất thần nó chồm người tới trước, hai tay tóm chặt cổ áo anh, siết mạnh, gầm ghè: - Quyền này nè! Hai khuôn mặt gần sát vào nhau và anh thấy rõ sự hung hãn ẩn hiện trong mắt kẻ đối diện. Anh vội vàng đưa tay lên bóp chặt hai cổ tay của Hùng quăn. Hai tay anh như hai gọng kềm sắt. Anh thấy Hùng quăn khẽ nhăn mặt vì đau. Nhưng anh không để ý đến điều đó, anh cố nhìn sâu vào đáy mắt của nó, trong một tâm trạng bàng hoàng, cố tìm hiểu xem điều gì đã khiến một học sinh có một hành động côn đồ như vậy. Tình yêu chăng? Lẽ nào một tình yêu vẩn vơ của tuổi học trò lại có thể dẫn đến một phản ứng tồi tệ như anh đang chứng kiến? Hay còn có một nguyên nhân nào khác mà anh không biết rõ? Cuối cùng, anh trầm giọng nói: - Hành động của anh là một sai lầm đáng trách. Thứ nhất, đó là một hành vi vô văn hóa. Thứ hai, không ai lại giải quyết vấn đề tình cảm bằng vũ lực. Thứ ba, quan hệ giữa tôi và Cúc Hương, cũng như với Xuyến và Thục, là hoàn toàn trong sáng. Vì vậy, tôi mong anh hãy xử sự bình tĩnh hơn. Nói xong, anh buông tay Hùng quăn ra. Biết không thể làm gì anh nổi, Hùng quăn lầm lũi bỏ đi. Trước khi ra khỏi quán, nó còn quay lại nhìn anh bằng đôi mắt long lanh phẫn nộ và nói rít qua kẽ răng: - Mày không được bén mảng đến cái quán này nữa! Nếu không, mày sẽ biết tay tao! Rõ ràng những điều anh nói với Hùng quăn không có một tác dụng gì. Không những không tiếp thu, Hùng quăn lại cảm thấy bị hạ nhục, vì vậy đâm ra căm giận anh hơn. Cách xưng hô chuyển "tông" thành "mày, tao" đã báo hiệu điều đó. Lời đe dọa của Hùng quăn không khiến anh sợ hãi hay lo âu. Ngược lại, nó làm anh buồn bã suốt ngày hôm đó. Anh chỉ thầm mong mẹ con bà chủ quán không kịp nhìn thấy những trò lố lăng diễn ra giữa anh và Hùng quăn trong khoảnh khắc đáng tiếc đó. Nói chung, anh không muốn Xuyến, Thục và Cúc Hương hay biết chuyện vừa xảy ra. - O O o - Đúng như anh mong mỏi, không ai nhìn thấy diễn tiến của "trận chiến" thầm lặng và chớp nhoáng đó. Sáng hôm sau, ba cô gái ùa vào quán với sự ồn ào vô tư như thường nhật. Vừa thấy mặt anh, Xuyến đã cười toe toét, khoe: - Thành công mỹ mãn! Con Cúc Hương "chặt đẹp", cái đuôi của nó đứt lìa, không kêu một tiếng. - Chặt cách sao? - Thì như anh bày đó! Nó viết thư cho Hùng quăn bảo "Đi chỗ khác chơi". Hùng quăn đi liền! Anh nhìn Cúc Hương: - Cúc Hương nêu lý do gì để từ chối? Cúc Hương cười: - Tôi nói là "tôi đã có người yêu rồi". Bất giác anh buộc miệng: - Hèn chi! Cúc Hương ngạc nhiên: - Hèn chi sao? Anh giật mình nói tránh: - Hèn chi.. Hùng quăn rút lui liền! Cúc Hương "hứ" một tiếng: - Nói vậy mà cũng nói! Anh cười hỏi: - Cúc Hương đưa thư cho Hùng quăn bằng cách nào? - Tôi nhờ con Xuyến đưa. Xuyến nói: - Khi nhận thư của con Cúc Hương, mặt anh chàng tươi hơn hớn. Đọc xong, anh chàng mới bật ngửa. - Hùng quăn có nói gì không? - Anh lại hỏi. Xuyến lắc đầu: - Không! Từ bữa ấy đến nay, anh chàng lặn luôn, không bám theo tụi này nữa. - Thế giờ ra chơi, Hùng quăn làm gì? Xuyến nhún vai: - Mấy hôm nay, Hùng quăn không đến lớp. Tự nhiên anh đâm ra lo lắng: - Anh ta định bỏ học luôn à? - Không có đâu! - Cúc Hương chép miệng - Thi cử xong rồi, bọn con trai hay "chuồn" đi chơi lắm! Nghe vậy, anh thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Anh không sợ những lời hăm dọa của Hùng quăn mà anh chỉ sợ những lời lẽ trong thư của Cúc Hương sẽ khiến cho Hùng quăn chán nản dẫn đến bỏ học. Nếu vậy, anh sẽ vô cùng áy náy bởi vì dù muốn dù không anh cũng đóng một vai trong vở bi hài kịch này, dẫu đó chỉ là một vai phụ, ngẫu nhiên và chỉ làm mỗi một nhiệm vụ là.. nhắc tuồng. Anh trầm ngâm một hồi rồi hỏi lãng sang chuyện khác: - Thi học kỳ một vừa rồi, mấy cô làm bài được không? Xuyến giơ một ngón tay lên: - Hết sẩy! Thục cười: - Nhờ anh đó! Anh trố mắt: - Nhờ tôi? - Ừ, - Thục đáp, mắt long lanh - Đề tập làm văn kỳ này bắt phải giải thích và chứng minh một nhận định của sách văn học lớp 11 về nội dung Truyện Kiều. Nhờ anh giảng hôm trước nên tụi này làm ngon lành. Xuyến liếc anh: - Tôi thấy anh có thể mở lớp dạy kèm được đó! Thấy anh cười không đáp, Xuyến nói tiếp: - Nếu anh mở lớp, tụi này kiếm học trò giùm cho! Anh vội vã xua tay: - Thôi, thôi, các cô đừng có xúi tôi! Cúc Hương "hừ" một tiếng: - Tụi này xúi khôn chứ có xúi dại đâu mà anh sợ! Trong khi đang thất nghiệp, mở lớp dạy kèm dể kiếm tiền sinh sống và.. trả tiền chè cho tụi này là thượng sách rồi chứ còn gì nữa! Thục lườm Cúc Hương: - Mày lúc nào cũng nghĩ đến chuyện "trấn lột" người khác! Cúc Hương cười hì hì: - Tao phải nói vậy để anh Gia thấy được "trách nhiệm" của mình mà lo kiếm công ăn việc làm chứ! Thấy Cúc Hương lên giọng "cha, chú", anh cười nói: - Chuyện đó thì Cúc Hương khỏi lo. Xuyến xen vào: - Anh cứ "lêu lổng" cà phê cà pháo hoài bảo tụi này không lo sao được! Anh nhắc: - Tôi đã nói sau Tết dương lịch tôi đi làm, các cô không nhớ sao? Xuyết rụt cổ: - Ừ hén! Vậy mà tụi này quên mất! Thục hỏi: - Anh biết được chỗ làm chưa? - Biết rồi. - -Đâu vậy? - Gần đây thôi! Cúc Hương bĩu môi: - Làm gì mà anh giấu giấu giếm giếm vậy? Anh chưa kịp đáp thì chợt nhìn thấy Hùng quăn bước vào quán. Anh liền hạ giọng, nói khẽ: - Anh ta đến đó. Cả ba cô gái đều quay lại nhìn. Hùng quăn kéo ghế ngồi sát cửa. Nó nhìn chăm chăm lại phía bàn của anh, mặt lầm lì. Xuyến liếc xéo Cúc Hương, nói: - Tính mạng của mày nguy tới nơi rồi! Cúc Hương nhún vai: - Tao cóc ngán. Thục lo lắng ra mặt: - Giờ phải tính sao chứ? Anh cười. Trong bọn, chỉ có anh biết những ánh mắt căm tức kia của Hùng quăn không phải dành cho Cúc Hương mà chính là dành cho anh. Anh bảo Thục: - Không có gì phải lo! Hùng quăn không làm gì các cô đâu! Thục vẫn chưa hết sợ hãi: - Sao nó nhìn thấy ghê quá! Anh tặc lưỡi: - Anh ta chỉ nhìn vậy thôi! Xuyến chép miệng: - Tưởng đứt cái đuôi rồi, ai ngờ nó lại thình lình mọc ra. Cúc Hương lườm Xuyến: - Tại mày hết đó! Xuyến trợn mắt: - Sao lại tại tao? - Chứ gì nữa! Mày làm lớp trưởng mà không biết "quản lý", để xảy ra đủ chuyện rắc rối! Xuyến hừ mũi: - Mày nói lạ! Tao chỉ "quản lý" chuyện học tập thôi chứ ba cái chuyện tình cảm làm sao tao "quản lý" nổi. May mà nó tỏ tình với mày chứ nó tỏ tình với tao, tao cũng chịu chết chứ biết làm sao! Đang trong tình huống gây cấn nhưng nghe Xuyến nói, Cúc Hương và Thục cũng không nhịn được cười. Tiếng cười khúc khích của Thục và Cúc Hương có lẽ làm Hùng quăn khó chịu. Chắc nó tưởng nó đang bị đem ra làm trò cười. Anh thấy mặt nó tím lại, đã lầm lì lại trông càng dữ tợn hơn. Thấy vậy, anh khoát tay, nói: - Thôi, các cô về đi! Ngồi đây lâu sợ xảy ra điều không hay! Thục nhìn anh: - Còn anh thì sao? Anh mỉm cười: - Tôi ngồi đây, lát về. Tôi thì có liên can gì đến anh ta! Khi ba cô gái đã ra về, Hùng quăn vẫn tiếp tục ngồi lại. Anh thản nhiên ra vẻ như không chú ý đến nó. Anh đốt một điếu thuốc, nhìn ra ngoài trời, chậm rãi nhả khói. Anh nghĩ chắc Hùng quăn sẽ bước lại "nói chuyện" với anh nhưng điều đó không xảy ra. Đến khi anh quyết định ra về, liếc lại chỗ Hùng quăn, anh ngạc nhiên thấy nó không còn ngồi ở đó nữa. Vừa dắt xe đạp ra, anh vừa tự dặn mình ngày mai phải tìm cách bắt chuyện với Hùng quăn và cố giúp nó vượt qua cú "sốc" tình cảm vừa rồi. Tuy nhiên, anh không biết liệu những điều anh sẽ nói với nó có thật sự đem lại kết quả nào không.
Chương 9 Bấm để xem Thời còn đi học, anh cũng vậy. Cũng yêu vẩn vơ một cô bạn gái xinh đẹp cùng lớp, cũng lén bỏ thư vào trong ngăn bàn, có khi còn táo bạo hơn, nhân giờ ra chơi, lén mở cặp của cô ta nhét thư vào trong đó. Rồi hồi hộp đợi chờ. Rồi tha hồ tưởng tượng. Ðến khi cô bạn nói tiếng "không" lạnh lùng và kênh kiêu, anh cũng thấy tâm hồn "tan nát", cũng về nhà nằm "ốm tương tư". "Ốm tương tư" nhưng mà không bỏ học. Anh vẫn ôm cặp đến lớp, ngượng ngùng, mắc cỡ tránh nhìn mặt "đối phương" trong suốt một thời gian dài. Tình cờ bốn mắt gặp nhau, anh cảm thấy "quê quê", mặt đỏ tới mang tai.. Nhưng mọi chuyên chỉ đến thế thôi. Rồi anh lại "yêu" một cô gái khác, lại có dịp lén mở cặp cô ta và đợi đến khi cô ta thốt lên tiếng "không" tai họa kia thì lại về nhà năm "ốm tương tư" tiếp tục.. Vâng, chỉ thế thôi. Chẳng có chuyên đeo dai như đỉa. Chẳng có chuyên tái bút trong thư "rồi nhà ngươi sẽ ân hận". Chẳng có chuyên bỏ học. Chẳng có chuyên tìm đến một kẻ thứ ba để hăm he "mày không được đến quán này nữa".. Vì vậy, anh cảm thấy bối rối trước những biểu hiên của Hùng quăn. Anh cảm thấy buồn lòng vì không hiểu được nó. Và nó, nó cũng không hiểu được anh. Hiên nay, Hùng quăn vẫn coi anh là nguyên nhân của viêc Cúc Hương từ chối tình cảm của nó. Tất nhiên rồi anh sẽ gặp nó.. Khi nãy ở trong quán, anh định nói chuyên với nó thì nó đã lỉnh đâu mất. Anh vừa đạp xe vừa nghĩ ngợi. Trời càng về trưa càng nóng bức, anh như nghe những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán mình. Ði ngang qua một con hẻm nhỏ, thình lình một hòn đá bay vù ra, lao thẳng và mặt anh. Anh chỉ kịp nhìn thấy một bóng người thấp thoáng trong hẻm thì hòn đá đã đập mạnh vào trán anh làm anh té sấp xuống đường, máu loang đầy mặt. Những người đi đường la lên và xúm lại đỡ anh dậy. Họ dìu anh vào trạm y tế gần đó. - Ai chọi đá vô mặt anh phải không? - Một người nào đó hỏi. Anh uể oải lắc đầu: - Ðâu có! Tôi đang đạp xe, tự nhiên vấp phải cục đá, thế là tôi té xuống. Chẳng may đầu lại va phải đá. Người kia vẫn nằng nặc: - Tôi thấy có đứa chọi đá rõ ràng mà! Ðể tôi đi báo công an! Anh lắc đầu: - Khỏi! Thằng em tôi đó! Nhà tôi đánh nó, nó tức mình chạy ra đây chọi đá tôi. Thế thôi! Thấy anh muốn bỏ qua, không ai nói gì nữa. Vết thương trên trán anh rách một đường dài. Sau khi xức thuốc, người ta may lại cho anh, đau muốn thấu xương. Anh nằm cắn răng chịu đựng, không kêu một tiếng, trong đầu thấp thoáng khuôn mặt lầm lì của Hùng quăn. Hùng quăn hôm trước dọa anh "mày sẽ biết tay tao", tưởng nó làm gì, không dè nó giở trò ném đá y như trẻ con. Anh vừa giận vừa buồn cười. Nhưng anh không cười được. Những mũi kim trên trán cứ làm anh nhói từng cơn. Sau khi băng bó xong xuôi, anh được về nhà. Ðêm đó, anh lên cơn sốt. * * * Hai hôm liền, anh không đến quán. Cúc Hương nói với Xuyến và Thục: - Chẳng hiểu sao anh chàng Gia lại biến mất! Xuyến nhíu mày: - Chắc anh ta sợ. - Sợ gì? - Sợ Hùng quăn. Hôm trước Hùng quăn vô quán ngồi nhìn trừng trừng, chắc anh ta "rét", sợ bị vạ lây nên không dám bén mảng tới đây nữa. Thục lườm Xuyến: - Anh ta đâu có tê đến vậy! Mày nói quá! Xuyến nghinh mặt: - Chứ theo mày, tại sao hai bữa nay anh ta không xuất hiên? Thục ấp úng: - Tao không biết! Nhưng chắc chắn không phải vì sợ Hùng quăn! Như chẳng để ý đến Xuyến và Thục, Cúc Hương nói, giọng mơ màng: - Còn mấy bữa nữa tới tết rồi, không gặp được anh ta kể cũng tiếc! Xuyến hắng giọng: - Tết tây mà mày làm như Tết ta không bằng! Cúc Hương chép miêng: - Tết nào cũng là tết! Lẽ ra khi bước qua năm mới, tụi mình phải chúc anh ta điều gì đó. Trong thời gian qua, anh ta tỏ ra là một người bạn tốt. Nghe Cúc Hương nói, tự dưng Thục cảm thấy bùi ngùi. Nó nhìn bâng quơ ra sân trường. Những tia nắng rực rỡ đang nhảy múa lấp lánh trên hàng hiên và trên những bồn hoa tráng men. Nắng đỏ thắm, nắng tràn đầy, như muốn nói "mùa xuân sắp đến rồi". Thục như nghe những tiếng reo tở mở vang vọng trong không gian chung quanh Thục. Vậy mà anh lại biến mất giữa lúc này. Thật là lạ. Thục thấy buồn với ý nghĩ đó. Ðột nhiên Xuyến nói: - Thì tụi mình đi tìm anh ta! Cúc Hương tỏ vẻ nghi ngờ: - Biết anh ta ở đâu mà tìm! Xuyến nói, giọng thản nhiên: - Ðến nhà. Cúc Hương nheo mắt: - Nói nghe dễ! Mày biết nhà anh ta không? - Không! Nhưng tụi mình sẽ đi hỏi. - Hỏi ai? Xuyến hắng giọng: - Mày không nhớ gì hết! Hôm trước anh ta bảo anh ta có quen với một người làm ở Công ty tổ chức biểu diễn. Và anh ta thường xuyên nhờ người này mua vé hát cho tụi mình. Bây giờ tụi mình đến đó hỏi. Thục mở to mắt: - Nhưng tụi mình đâu có biết tên người đó? Xuyến khoát tay: - Thì mình hỏi hết người này đến người khác. Ðằng nào cũng gặp. Cúc Hương lẩm bẩm: - Sao tao thấy chuyên này giống đáy bể mò kim quá! Xuyến cười hì hì, lên lớp: - Thì mò kim chứ sao! Nhưng tục ngữ có câu "có công mài sắt có ngày nên kim". Mày cứ yên chí làm theo kế hoạch của tao. Cúc Hương cũng cười: - Tao sợ mài sắt mỏi tay không nên kim mà nên.. dùi đục thì phí công! Tuy vậy, ba cô gái vẫn chưa đi tìm anh ngay. Họ có ý đợi. Cho đến ngày hôm sau, suốt buổi sáng vẫn không thấy anh đến quán; trưa, Xuyến nói với Thục và Cúc Hương: - Như vậy là chiều nay tụi mình đến Công ty tổ chức biểu diễn. Thục hỏi: - Mày biết công ty đó nằm ở đâu không? - Không. Thục lộ vẻ thất vọng: - Vậy mà cũng nói! Xuyến cười, vỗ vai Thục: - Mình đến Hội sân khấu hỏi. Chỗ bữa trước anh Gia mua vé cho tụi mình tới xem vở kịch "Dư luận quần chúng" đó. - Đó họ biết không? - Có thể biết. Hội sân khấu với Công ty tổ chức biểu diễn chắc là có liên quan với nhau. Ăn cơm trưa xong, ba cô gái hẹn nhau đạp xe đến Hội sân khấu. Một giờ trưa, Hội sân khấu còn đóng cửa, bốn bề vắng ngắt. Ba cô gái ghé vào cái quán trước cổng ngồi uống nước một hồi rồi đi lòng vòng xem các tấm pa-nô quảng cáo các vở diễn mới treo dọc trên bức tường đằng trước. Gần hai giờ, Hội sân khấu mở cửa. Xuyến phân công Cúc Hương vào hỏi. Lát sau, nó chạy ra, mặt mày hớn hở: - Người ta bảo Công ty tổ chức biểu diễn nằm sau lưng nhà hát thành phố. Ba cô gái lại lên xe lục tục đạp xuống nhà hát thành phố. Ðến trước cổng công ty, cả ba xuống xe. Thục nhìn Xuyến: - Bây giờ sao? - Vào hỏi chứ sao! - Ai vào? - Mày chứ ai! Thục giãy nảy: - Thôi, thôi, tao không vào đâu! Tao ngại lắm! Xuyến lừ mắt nhìn Thục. - Ðồ chết nhát! Thấy vậy, Cúc Hương dắt xe lại chỗ Thục: - Mày giữ xe giùm đi! Ðể tao vào hỏi cho! Nhưng Cúc Hương vừa đặt chân qua khỏi cổng, người bảo vê đã gọi giật: - Nè, cô kia đi đâu đó? Cúc Hương, và cả Xuyến lẫn Thục đang đứng bên ngoài, đều giật mình. Cúc Hương líu ríu bước lại chỗ người bảo vê, giọng bối rối: - Dạ, tôi đi tìm.. tìm.. Thấy nó ngắc ngứ, người bảo vê sốt ruột: - Tìm ai? Cúc Hương nuốt nước bọt: - Dạ, tìm.. một người bạn. Người bảo vê lại hỏi: - Bạn cô tên gì? Cúc Hương lúng túng: - Tôi.. tôi.. không biết tên. Người bảo vê trợn mắt: - Bộ cô tính giỡn mặt với tôi hả! Bạn cô mà cô không biết tên? Cúc Hương gật đầu, miêng cười gượng gạo: - Dạ, tôi không biết thật mà! Người bảo vê đưa mắt quan sát Cúc Hương từ đầu xuống chân rồi.. từ chân lên đầu: - Cô này nói lạ! Không biết làm sao cô tìm? Cúc Hương đứng như chôn chân tại chỗ, mặt nó đỏ rần tới mang tai. Nó loay hoay không biết nên đi ra hay đi vào, điêu bộ trông khổ sở. Thấy vậy, Xuyến vội vàng bước lại chỗ ngườ i bảo vê "cứu bồ". Nó kêu: - Anh ơi, anh! Người bảo vê quay nhìn Xuyến: - Cô là bạn của cô này hả? Xuyến cười cầu tài: - Dạ, tụi này đi chung với nhau. Anh cho bạn tôi vô tìm người quen đi! Người bảo vê một mực lắc đầu: - Các cô đừng có lộn xộn! Người quen gì mà các cô không biết tên người ta! Tới phiên Xuyến bối rối. Nó ấp úng một hồi rồi thấy không có cách nào hơn là phải thú thật: - Nói thật với anh là tụi tôi có một anh bạn thân, nhưng tụi tôi không biết nhà. Mấy hôm nay không gặp anh ta, tụi tôi sợ anh ta đang gặp phải chuyên bất trắc gì đó. Mà anh ta lại có một anh bạn công tác ở đây, do đó tụi tôi đến hỏi thăm.. Sau khi nhẫn nại ngồi nghe xong "tâm sự" của Xuyến, người bảo vê gật gù: - Hóa ra là vậy! Sao các cô không nói ngay từ đầu? Rồi anh ta khoát tay, bảo Cúc Hương: - Thôi, cô vào đi! Như chim sổ lòng, Cúc Hương hấp tấp bước đi. Xuyến và Thục đợi lâu thật lâu. Chừng nửa tiếng đồng hồ, Cúc Hương thất thểu quay ra, mặt mày buồn xo. Thục hồi hộp hỏi: - Kết quả sao? Cúc Hương thở dài: - Chẳng ai biết anh Gia hết! Xuyến khịt mũi: - Vậy là công cốc! Thục chép miêng: - Lạ thật! Chính anh Gia bảo có người bạn làm ở đây mà! Hay là hôm nay anh ta không đi làm? Cúc Hương tặc lưỡi: - Có trời mà biết! Xuyến ngó Cúc Hương: - Giờ tính sao? Cúc Hương nhún vai: - Thì về chứ sao. Ba cô gái không nói không rằng, buồn bã dắt xe đi. Ðúng lúc đó, một anh thanh niên mặt mày trông sáng sủa không biết ở đâu chạy đến. Anh ta dừng xe trước cổng, tắt máy và sửa soạn dắt xe vào. Xuyến liếc Cúc Hương: - Hay là mày lại hỏi anh chàng này xem! Cúc Hương chán nản: - Mấy chục người trong kia còn không biết, anh chàng này thì ăn thua gì! Nói vậy nhưng Cúc Hương vẫn bước lại chỗ anh thanh niên mới đến. Anh ta chưa kịp dắt xe qua khỏi cổng đã nghe thấy tiếng kêu: - Anh ơi, cho tụi tôi hỏi thăm cái này chút xíu! Quay lại, nhìn thấy Cúc Hương, anh ta có vẻ ngạc nhiên: - Cô hỏi tôi? Cúc Hương rụt rè: - Dạ, anh cho hỏi anh có phải là bạn của anh Gia không ạ! Anh thanh niên nhíu mày: - Gia nào? Bị hỏi đột ngột, lại không chuẩn bị sẵn câu trả lời, Cúc Hương đứng ngẩn người ra. Khổ nỗi, trong bọn không ai biết một tí gì về anh để có thể trả lời đó là "Gia nào"! Cuối cùng, Cúc Hương đành phải mô tả về.. ngoại hình của đối tượng: - Anh Gia mà.. hay bỏ áo vô quần, chân đi săngđdan.. Mắt anh thanh niên sáng lên: - A, tôi biết rồi! Cúc Hương reo lên: - Anh biết hả? Vậy anh có biết địa chỉ của anh Gia không? Anh thanh niên gật đầu: - Biết. Rồi anh nhìn Cúc Hương với vẻ tò mò: - Cô và các cô kia là gì của anh Gia? - Tụi tôi là bạn. Anh ta thắc mắc: - Bạn mà không biết nhà! Cúc Hương hơi đỏ mặt: - Tụi tôi chưa bao giờ đến nhà anh Gia cả. Anh thanh niên không hỏi nữa. Anh ta rút sổ tay trong túi, xé một tờ giấy và ghi địa chỉ đưa cho Cúc Hương. Ðang định quay đi, chợt Cúc Hương dừng lại hỏi: - Anh có biết anh Gia hiên có ở nhà không? - Có đấy. Mấy hôm nay anh ta ốm nằm liêt giường. - Trời ơi! Sao vậy? - Cúc Hương hốt hoảng kêu lên. - Hình như có ai đó hành hung anh ta. Anh ta bị ném đá vỡ đầu và lên cơn sốt. Không hỏi thêm, cũng không kịp cám ơn anh thanh niên, Cúc Hương vội vã quay lại chỗ Xuyến và Thục: - Ði ngay! Tao có địa chỉ đây rồi! Xuyến nhăn mặt: - Từ từ đã! Mày làm gì như ăn cướp vậy! Cúc Hương phóng lên xe, nó vừa đạp vừa hổn hển nói: - Anh Gia bị người ta ném đá vỡ đầu, đang nằm ốm ở nhà! - Trời đất ơi! Sao có chuyên kỳ cục vậy? Cả Xuyến và Thục đều kêu lên. Cúc Hương nói, nó cắm cúi đạp xe không ngoảnh đầu lại: - Không biết! Nhưng tao nghi chuyên này chắc do Hùng quăn gây ra! Thục hồi hộp: - Chắc gì là Hùng quăn? - Chắc nó! - Cúc Hương chép miêng - Nó tưởng anh Gia là "người yêu" tao viết trong thư! Thục như hiểu ra, nó gật gù: - Ừ, dám lắm! Hèn gì hôm trước trong quán tao thấy cặp mắt của Hùng quăn dữ dữ thế nào! Nói xong, Thục lặng lẽ đạp xe đi. Nó không dám nghĩ tiếp. Bây giờ nó chỉ lo không biết tình trạng của anh như thế nào và bỗng nhiên nó cảm thấy xót xa trong lòng và cay cay nơi sóng mũi. Hình như có một hạt bụi nào đó vừa rơi vào mắt nó thì phải!