Review Sách Nóng Giận Là Bản Năng, Tĩnh Lặng Là Bản Lĩnh - Tống Mặc

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Diệp Minh Châu, 16 Tháng mười một 2021.

  1. Diệp Minh Châu

    Bài viết:
    115
    Cuộc sống thường ngày đầy rẫy những nỗi lo toan vất vả, nỗi lo về cơm áo gạo tiền, về những mối quan hệ xung quanh.. Chúng ta sẽ khó tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực nếu không biết cách khống chế, điều khiển cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Đôi khi chỉ một lời nói hay một hành động vô tình từ người khác cũng khiến ta phải trăn trở, băn khoăn. Bản năng của con người là bộc lộ hết thảy mọi xúc cảm trước một vấn đề. Con người ta thường có xu hướng dùng một cái đầu nóng để giải quyết mọi chuyện. Và dĩ nhiên, điều đó chỉ làm mọi chuyện càng thêm rắc rối.

    Bạn đang tìm kiếm một giải pháp giúp bản thân bình tĩnh trước mọi vấn đề của cuộc sống?

    Bạn là một người nhạy cảm trước mọi sự tác động của thế giới xung quanh?

    Đến với cuốn sách "Nóng Giận Là Bản Năng, Tĩnh Lặng Là Bản Lĩnh", bạn sẽ học được một cách tư duy mới về cuộc sống của con người. Được trải nghiệm lối sống của một con người bản lĩnh thực sự.

    [​IMG]

    [​IMG]

    1. Tác Giả

    Cuốn sách được viết bởi nhà sư Tống Mặc – người đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, với mỗi biến cố khó khăn mà ngài gặp phải trong đời đều được nghiền ngẫm, suy tư rồi đúc kết thành kinh nghiệm bên trong cuốn sách. Là một người có tấm lòng nhân hậu, khoan dung độ lượng, Tống Mặc viết cuốn sách nhằm chia sẻ những hiểu biết của mình về cuộc sống, giúp cho bạn đọc chuẩn bị một tâm thế nhẹ nhàng, sẵn sàng đón nhận những mưa sa bão táp từ cuộc đời. Để rồi thay vì chúng ta nổi giận, phản ứng thật mãnh liệt với chúng thì ta sẽ nhận ra rằng "Bình tĩnh ôn hòa mới có được nội tâm mạnh mẽ".

    2. Tác Phẩm

    Cuốn sách gồm 258 trang được chia làm 9 phần. Với mỗi phần là một bài học, kinh nghiệm sống, những triết lí nhân sinh sâu sắc. Tóm tắt mỗi phần như sau:

    Phần 1: Từ bỏ ham muốn, tu một trái tim thanh tịnh: Từ bỏ "ham muốn" không có nghĩa là chúng ta bắt buộc phải "thanh tâm quả dục", vô cảm, lãnh đạm với mọi thứ ở đời. Mà ngược lại, chúng ta học được cách tiết chế, điều khiển những ham muốn của bản thân rồi dần dần loại bỏ những thứ không cần thiết trong cuộc sống. Chúng ta học được cách làm cho cuộc sống trở nên đơn giản hơn, dễ thở hơn khi mà bản thân không còn quá cố chấp với một vấn đề nào đó. Giữ cho mình một tâm thái vững vàng, bình tĩnh, tự do tự tại.

    Phần 2: Tiết kiệm thực phẩm, y phục là vì trân trọng không phải là vì tiếc của : Khi đọc đến phần này mình đã phải tự nhìn lại tủ quần áo của bản thân cũng như suy nghĩ lại về thái độ của mình đối với "đồ ăn". Mình nhận ra mình có quá nhiều quần áo mà chưa mặc lấy một lần và dường như mình vẫn thường để lại đồ ăn thừa. Lúc trước, mình cho rằng "điều đó là quá bình thường, đồ của mình, đối xử ra sao đó là việc của cá nhân". Nhưng không, xét trên phương diện cá nhân mình đã làm phí hoài đi những gì mà mình có, mình không trân trọng nó và mình nghĩ liệu sẽ có một ngày những gì mình có sẽ mất đi hay không? Vậy thì lúc đó mình còn lại điều gì đây? Các bạn thử hãy thử đọc và suy ngẫm xem có đang trong tình trạng như vậy hay không? Và bạn có giống như mình lựa chọn lối sống đẹp hơn như biết tôn trọng đồ ăn, mua những đồ mà mình thật sự cần thiết.. Hay vẫn muốn tiếp diễn cuộc sống như vậy?

    Phần 3: Bình tĩnh ôn hòa mới có được nội tâm mạnh mẽ: Trong chương này, tác giả bàn về đức tính nhẫn nhịn. Như người Việt Nam mình vẫn luôn có câu "một điều nhịn chín điều lành", "nhẫn nhịn" giống như là một việc tu hành ở đời người. Với lời văn súc tích, dễ hiểu xen lẫn mỗi bài học là một câu chuyện, người đọc có thể thấy được tầm quan trọng của chữ "nhẫn" trong đời sống, càng thêm hiểu rằng thay vì cứ bon chen, giành giật lợi ích thì hãy biết cách bao dung cho người khác, không oán trách, không giận dữ để bản thân sống thật ung dung, tĩnh tại.

    Phần 4: Buông bỏ, buông bỏ, càng buông bỏ, càng vui vẻ: Có lẽ con người chúng ta sống trong thời đại này có quá nhiều thứ để theo đuổi. Tiền tài, danh lợi, sắc đẹp đều là ham muốn, khát vọng mà ai cũng có. Dường như chúng ta đang sống trong một trường đua, để xem ai có nhiều hơn, ai ở thứ bậc cao hơn. Dường như chúng ta đã mệt mỏi, kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể xác về những điều đó nhưng lại không dám nghỉ ngơi. Vì sao vậy? Vì sợ bị tuột lại phía sau. Chúng ta sợ nghèo hơn người khác, sợ xấu hơn người khác, sợ những lời đàm tiếu xung quanh, sợ.. Đến với phần này, chúng ta học được cách tập buông bỏ, buông bỏ ham muốn, gánh nặng làm cho tâm hồn ta thêm thư thái, nhẹ nhàng hơn. Bỏ đi "tham, sân, si" để tâm ta được cởi trói như Đại sư Hoằng Nhất đã chia sẻ: "Mọi thứ trong quá khứ đã chết theo ngày hôm qua, mọi thứ trong hiện tại được tái sinh ở ngày hôm nay."

    [​IMG]

    Phần 5 và Phần 6: Dạy con người ta cách tu tâm cho tốt để đời thong dong đồng thời coi nhẹ phiền nhiễu hồng trần, trong lòng tự tại thanh thản: Nếu như bạn là một mọt phim kiếm hiệp cổ trang về các môn phái trong giang hồ, có lẽ bạn cũng đã từng bắt gặp hình ảnh những chú tiểu quét rác trong sân chùa đúng không? Vậy có bao giờ bạn tự hỏi tại sao lại có cảnh đó không? Bởi trong Phật giáo, quét rác cũng là một loại tu hành. "Quét rác cũng là quét dọn nội tâm, tâm không trong sạch thì quét rác cũng vô ích. Nếu mọi người đều quét hết những tâm địa xấu xa, thì trên đời sẽ không còn nơi nào là không sạch sẽ cả." Khi bỏ hết những bụi trần trong tâm trí, thì trí tuệ sẽ được khai sáng. Những lúc rảnh rỗi thì hãy ngồi yên suy ngẫm về bản thân chứ đừng soi mói, bàn luận về người khác. Chúng ta không thể biết được nay mình bàn luận về người khác thì liệu ngày mai ta có phải là người trong câu chuyện cười của họ hay không? Thứ thật sự quan trọng với chúng ta chính là nội tâm thanh tịnh, có vậy lòng mới an nhiên, tâm trí vững vàng, vui vẻ trước cuộc đời, thản nhiên đón nhận tất thảy mọi thứ đến với mình một cách tự nhiên.


    Phần 7 và Phần 8: Khuyên con người ta từ bỏ sự cố chấp, mới có thể chờ hạnh phúc đến gõ cửa. Hơn nữa, phải tốt với người khác, tâm hồn mới an nhiên. Điều trọng tâm mà nhà sư muốn gửi gắm đến chúng ta thông qua cuốn sách "Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh" là sự buông bỏ. Bỏ đi những gì là mở mộng hão huyền, những suy tưởng viển vông, xa vời thực tại. Ngài hướng cái nhìn của chúng ta vào hiện thực, trân trọng những điều mà chúng ta đang có, rèn luyện cái tâm biết thỏa mãn bản thân. Có vậy chúng ta mới cảm thấy hạnh phúc thực sự. Ngoài ra, ngài có dạy chúng ta một đức tính khiêm tốn. Biết khiêm tốn là biết cách nhìn nhận bản thân, biết mình đang ở đâu trong cuộc đời này. Từ đó mà biết mưu cầu thích đáng cho bản thân.

    [​IMG]

    Phần 9: Hoa xuân khắp nơi, trăng sáng vằng vặc: Ở phần cuối cùng của cuốn sách này, chúng ta sẽ có một cái nhìn thống suốt hơn, thấu đáo hơn về mọi sự khổ đau ở đời này. Dường như nó không quá nặng nề, quá khó khăn để vượt qua. Mọi giới hạn đều nằm ở tư duy của con người. Tư duy tích cực – cuộc sống của bạn sẽ an nhiên, hạnh phúc dù ngoài kia vẫn còn những sóng gió, gian nan. Hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng và đừng chạy theo hạnh phúc của người khác, phải biết mình có gì và cần gì, là chính mình thì bạn mới đạt được hạnh phúc đích thực mà bản thân mong muốn.

    [​IMG]

    3. Đánh giá và cảm nhận về cuốn sách.

    "Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh" thực sự là một cuốn sách hay và phù hợp với mọi lứa tuổi. Không bao giờ là quá muộn để nhìn nhận bản thân, thay đổi lối sống, tư duy. Cuốn sách mang đến cho các độc giả những bài học, kinh nghiệm về cuộc đời, quan điểm triết lí về hạnh phúc và tư duy. Hãy thử trải nghiệm cuốn sách để suy ngẫm lại về bản thân, từ đó góp phần giúp chính mình thay đổi cách nhìn nhận mọi vấn đề đã, đang và sắp xảy ra với bản thân cũng như những người xung quanh.

    4. Một số trích dẫn hay trong cuốn sách

    - "Điều quan trọng không phải ngày hôm qua, không phải tương lai mà là hiện tại. Tuy nhiên trong thực tế, mọi người luôn đắm chìm trong quá khứ và hướng tới tương lai, nhưng lại bỏ qua hiện tại." Trang 109, Hãy sống trọn những thời khắc quan trọng của cuộc đời, đừng bỏ lỡ cảnh đẹp trước mắt.

    - ".. Điều đáng sợ nhất trong cuộc đời không phải khó khăn, mà là làm trái lương tâm, phải chịu đựng sự cắn rứt trong tâm hồn." Trang 144, Tâm an là phúc.

    - "Một phần vô tình, có thể bớt việc


    Hai phần vô tình, có thể bớt lo

    Ba phần vô tình, có thể thanh tịnh

    Bốn phần vô tình, có thể giảm bớt ân oán tình thù

    Năm phần vô tình, có thể thật sự yêu thương người khác

    Sáu phần vô tình, người có tình yêu thương lẫn nhau

    Bảy phần vô tình, là đa tình

    Tám phần vô tình, là tuyệt tình

    Chín phần vô tình, là si tình

    Mười phần vô tình, có chân tình."

    Hãy thử đọc, cảm nhận và lí giải bạn nhé!

    Diệp Minh Châu
     
    Last edited by a moderator: 16 Tháng mười một 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Eve nguyễn create my own path

    Bài viết:
    180
    Hồi trước tui cũng tính mua, caia tui thấy có một cái bình luận nói quyển này phù hợp vs những người đã qua bớt bớt thời điểm tranh đời hơn, chớ tuổi trẻ đọc là dễ bị buông xuôi á.
     
  4. Diệp Minh Châu

    Bài viết:
    115
    Thật ra thì khi đọc cuốn này mình thấy là không hẳn là "dễ bị buông xuôi đâu". Đọc xong cảm giác thấy mình may mắn hơn người khác rất nhiều này, quyết tâm sống có ý nghĩa hơn. Còn nghĩ như thế nào thì cũng tùy vào cảm nhận và tư duy của mỗi người khi đọc sách. Với riêng mình thì thấy cuốn này cũng rất đáng đọc. Bạn có thể thử rồi cho mình biết cảm nhận nhé!
     
  5. Eve nguyễn create my own path

    Bài viết:
    180
    Okeeee, cảm ơn góp ý của cạu nhiềuuuuu
     
  6. Vô Ky Cơ Tiện

    Bài viết:
    259
    Nghe dồn đã lâu có dịp sẽ đọc
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...