Nỗi Lo Ngày Tết Tác giả: Phượng Chiếu Ngọc Thể loại: Tản văn Sau những ngày tháng xa quê, tôi phải tất bật sớm hôm để lo cuộc sống mưu sinh mà cũng chẳng dư giả gì qua mấy đồng lương công nhân ít ỏi, trang trải đủ thứ, loay hoay thì Tết sắp đến rồi, lại thêm một tuổi mới, một tuổi đời đầy gian truân vất vả. Tôi sửa soạn thu xếp hành trang để về quê đón Tết với bao nỗi lo toan ngổn ngang trong cuộc sống. Nhớ lúc tuổi thơ thì tôi trông đợi Tết đến để thêm được một tuổi lớn khôn, được mẹ may quần áo mới, được đi chợ Tết ngắm hoa, được lì xì và có quà bánh đủ thứ, được gặp gỡ người thân thật là vui, nhưng lúc ấy trông đợi mãi mà cái Tết sao thấy lâu đến quá nhỉ? Còn bây giờ thì.. không có trông đợi mà Tết lại đến nhanh như thế. Mỗi khi xuân về Tết đến, mang theo những niềm vui hi vọng và gặp gỡ người thân, đoàn tụ gia đình, được nhâm nhi ly trà cùng bánh mứt, hay bên mâm cơm ấm cúng cùng với gia đình, rồi cùng kể nhau nghe những chuyện vui buồn trong cuộc sống, nhưng cũng có lắm điều phải lo toan khi năm hết Tết đến. Nhìn lại chặng đường một năm trôi qua mình làm được những gì và tích lũy dư được bao nhiêu, làm thì có nhưng cũng gửi về quê trang trải cuộc sống gia đình hằng ngày, đến cuối năm thì nhìn lại chẳng còn được là bao. Rồi đây tôi về quê trong khi gia đình người thân đang trông chờ tôi với biết bao điều hi vọng, quà Tết, lì xì, mừng tuổi ông bà và còn nhiều thứ vật dụng trong nhà cần phải mua sắm sửa sang để mà đón Tết. Một người bạn thân cùng phòng trọ hỏi tôi rằng: - Tết đến bạn thấy có vui không? Tôi mỉm cười và trả lời: - Vui chứ, ngày Tết quê hương để được đoàn tụ gia đình mà, sao không vui! Tôi trả lời như thế nhưng thật ra trong tận đáy lòng còn biết bao nỗi niềm âu lo nặng trĩu. Có lẽ xuân về Tết đến là niềm vui của trẻ thơ và những người khá giả giàu có, còn đối với những người làm công nhân xa xứ như tôi thì ngày Tết lại mang một tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Chỉ có những người cùng chung hoàn cảnh mới thấu hiểu được người cùng cảnh ngộ. Ngày tháng qua mau, năm hết Tết đến, xuân đến xuân đi biết bao lần, để lại trong tôi nhiều điều suy ngẫm, đường xa thăm thẳm, hành lý trên vai, từ giã bạn cùng phòng rồi tôi lặng lẽ bước đi, giờ đây tôi sẽ rong ruổi trên quãng đường dài về quê với một tâm trạng buồn vui lẫn lộn, vui vì sắp gặp lại người thân, còn buồn là vì những đồng tiền ít ỏi trong tay có đủ trang trải cái Tết này không? Mong rằng năm sau, làm ăn khá hơn, để ngày Tết quê hương thêm tràn đầy niềm vui hạnh phúc bên gia đình và những người thân yêu. - Hết - T7 - 27 - 01 - 2024
Chào bạn, trước tiên xin chúc mừng bạn đã hoàn thành tuần thi thứ nhất, dù không đạt giải cao nhất, nhưng Ban tổ chức hy vọng sẽ tiếp tục theo dõi và đạt giải cao trong những tuần thi sau. Ngoài chấm điểm, Ban giám khảo còn có một vài nhận xét/góp ý về bài viết của bạn như sau: Giám khảo 1: Bài viết là lời tâm sự quá đỗi chân thật. Cách bạn dùng từ ngữ tuy mộc mạc nhưng gần gũi. Nhìn chung, đây là dạng bài tâm sự phổ biến. Nếu muốn nó hay hơn, bạn cần phải trao dồi thêm nhiều vốn từ. Tản văn nói khó viết thì không hẳn nhưng dễ viết thì chưa chắc. Vậy nên, khi cầm bút, trước hết xác định mình đang viết thể loại nào, nghiên cứu và đầu tư thêm cho nó tinh tế và sâu sắc hơn bạn nhé. Giám khảo 2: Trình bày gọn gàng, đẹp mắt, có hình ảnh minh họa, gắn hashtag đầy đủ, số từ không đạt theo yêu cầu của box truyện ngắn tản văn. Nội dung: Nội dung đáp ứng được chủ đề của cuộc thi, lời văn trong sáng tự nhiên, truyền tải cảm xúc chân chất, dễ dàng gây được sự thiện cảm. Cảm xúc đầu tiên khi đọc tản văn này là quen thuộc, giống ghê, mình cũng thế. Ngôn ngữ của bài viết không bóng bẩy hoa mỹ mà chân thật tự nhiên. Câu chuyện của nhân vật đồng thời cũng là câu chuyện của biết bao người khác, những khó khăn hay trăn trở của đại chúng đều khá tương đồng ở nhiều khía cạnh. Thái độ chung của mọi người đều là thích ứng với hoàn cảnh, nỗ lực vươn lên, hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn. Góp ý: Tản văn này mang đến cảm giác thư thái khi đọc, nội dung bình dị gần gũi nhưng cũng vì lẽ đó nên không tạo được điểm ấn tượng đặc biệt. Tết đã là chủ đề muôn thuở từ bấy lâu nay, bài viết của bạn cần một điểm nhấn khác biệt, có thể là hoàn cảnh, hoài bão, khiếm khuyết của nhân vật hoặc một trải nghiệm độc đáo mang tính chất cá nhân để câu chuyện không đi theo lối mòn, sáng tạo, mới mẻ hơn.