Bộ đề đọc hiểu: Thần thoại, Sử thi - Ngữ văn 10, Ngữ liệu ngoài SGK

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 21 Tháng năm 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 1

    Đọc hiểu văn bản: Ông Trời - Thần thoại Việt Nam

    Đọc truyện thần thoại sau:

    Ngày xưa, khi vạn vật còn chưa có, thế giới đã tồn tại ông Trời. Ông Trời có một quyền phép vô song, quyền phép tối cao nhất mà các vạn vật sau này không thể sánh bằng. Trời làm ra tất cả mọi thứ: Trái đất, núi non, sông, biển, mưa, nắng. Trời sinh ra tất cả: Loài người, cỏ cây, muông thú.. Từ mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao trên trời cho đến vạn vật ở mặt đất, tất cả đều do Trời tạo nên.

    Mắt của trời rất tinh tường, am hiểu và biết hết mọi sự xảy ra trên thế gian. Trời là cha đẻ muôn loài, xét đến muôn việc, thưởng phạt không bỏ ai. Do đó mà con người tin có đạo Trời, nhờ Trời, cho là Trời sinh, Trời dưỡng, và đến khi chết thì về chầu Trời.

    Trời cũng có vợ, gọi là bà Trời, và mỗi khi hai ông bà cãi mắng nhau là lúc trời vừa mưa vừa nắng. Mỗi lúc Trời giận loài người lầm lỗi ở thế gian thì giáng xuống thiên tai, bão táp, lụt lội, hạn hán..

    Giang sơn của Trời là từ mặt đất lên đến trên cao, có chín tầng trời, và chỗ giáp với đất gọi là chân trời. Trời vô hình, không nói, nhưng người ta tin là ở đâu đâu cũng có mặt của Trời, không một ai tránh khỏi lưới Trời, mọi việc đều do Trời định.

    Ông Trời của Việt Nam thời cổ cũng còn gọi là Ngọc Hoàng () Tương truyền rằng Ngọc Hoàng dùng đất sét nặn ra người xong, đem phơi nắng cho khô thì bỗng gặp một trận mưa to. Ngọc Hoàng vội vàng đem các tượng cất đi, song có vài tượng không lấy kịp, bị nước mưa làm hư. Các tượng hư hóa thành những người tàn tật ở trên mặt đất, còn những tượng kịp cất đi hóa thành những người lành lặn, đủ tay chân.

    Ngọc Hoàng ở trong một cung điện giống như cung điện nhà vua dưới trần. Ở cửa điện có một thần mặc áo giáp cầm gậy giữ cửa. Ngọc Hoàng họp các quan lại tại đây. Triều đình cũng không khác gì ở hạ giới (). Ngọc Hoàng luôn vận sắc phục đại triều, áo thêu rồng vàng, đầu đội mũ có tua đỏ dắt mười ba viên ngọc ngũ sắc, tay cầm hốt. Ngọc Hoàng thường ngự trên ngai chạm rồng mỗi lần thiết triều để xử việc trên trời hay ở thế gian. Bên tả và hữu của Ngọc Hoàng có các thần nhà trời chầu chực để Ngọc Hoàng sai khiến.

    Cõi trời chia ra chín tầng, có người nói là ba mươi ba tầng, các vị thần trời tùy theo chức tước cao thấp mà ở theo thứ tự mỗi tầng. Ngọc Hoàng là bậc tối cao, ở tầng thứ nhất.

    ( "Ông Trời", trích từ "Thần Thoại Việt Nam" – Thu Nga, Việt Dũng, Hoàng Minh, NXB Thanh Niên)​

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1.
    Chỉ ra yếu tố không gian, thời gian trong văn bản.

    Câu 2. Nhân vật chính trong truyện là ai? Mang những đặc điểm gì của nhân vật thần thoại?

    Câu 3. Nêu chủ đề chính của truyện Ông Trời.

    Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của 2 yếu tố kì ảo trong truyệnÔng Trời.

    Câu 5. Theo em có nên bỏ chi tiết "Tương truyền rằng Ngọc Hoàng dùng đất sét nặn ra người xong, đem phơi nắng cho khô thì bỗng gặp một trận mưa to. Ngọc Hoàng vội vàng đem các tượng cất đi, song có vài tượng không lấy kịp, bị nước mưa làm hư." không? Vì sao?

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1: Yếu tố không gian, thời gian trong văn bản:

    Không gian: Thế giới gồm trời, đất, sông, biển, núi non, từ mặt đất đến chín tầng trời, và cung điện của Ngọc Hoàng ở cõi trời.

    Thời gian: "Ngày xưa" – là một thời điểm không xác định, thể hiện thời kỳ xa xưa, khi mọi vật chưa được tạo thành và thế giới chỉ mới có ông Trời.

    Câu 2:

    - Nhân vật chính: Ông Trời (Ngọc Hoàng).

    - Đặc điểm thần thoại: Có quyền năng sáng tạo và điều khiển mọi sự vật trong thế giới: Tạo ra trái đất, muôn loài, con người, và quy luật thưởng phạt.

    Vô hình nhưng luôn hiện hữu, có sự hiểu biết vô biên và công minh trong việc xét xử con người.

    Thần thái quyền uy và sống trong cung điện tráng lệ, mang phẩm chất siêu nhiên.

    Là đấng tối cao, cư ngụ ở tầng trời cao nhất và cai quản cả cõi trời với hệ thống các thần linh dưới quyền.

    Câu 3: Chủ đề chính của truyện "Ông Trời" là sự tôn thờ quyền lực tối cao và niềm tin của con người vào một đấng sáng tạo và cai quản thế giới, có quyền lực vô hạn trong việc sinh ra, bảo vệ, và trừng phạt vạn vật, đồng thời giải thích một số hiện tượng tự nhiên như mưa nắng, thiên tai, và sự ra đời của con người.

    Câu 4: Chỉ ra và nêu tác dụng của 2 yếu tố kỳ ảo trong truyện "Ông Trời"

    - Yếu tố kỳ ảo 1: Ông Trời tạo ra thế giới và các hiện tượng tự nhiên như mưa, nắng, sông, biển, núi non.

    Tác dụng: Thể hiện niềm tin của con người vào quyền năng siêu việt của một đấng sáng tạo, lý giải cách mà vạn vật và tự nhiên hình thành qua sự điều khiển của Trời.

    - Yếu tố kỳ ảo 2: Ngọc Hoàng dùng đất sét nặn ra con người, nhưng một số tượng bị nước mưa làm hư hại và trở thành những người tàn tật.

    Tác dụng: Lý giải nguồn gốc của sự khác biệt giữa con người lành lặn và tàn tật, cho thấy sự lý giải mang tính thần thoại về những hiện tượng trong đời sống.

    Câu 5: Không nên bỏ chi tiết "Tương truyền rằng Ngọc Hoàng dùng đất sét nặn ra người xong, đem phơi nắng cho khô thì bỗng gặp một trận mưa to. Ngọc Hoàng vội vàng đem các tượng cất đi, song có vài tượng không lấy kịp, bị nước mưa làm hư.", vì:

    - Chi tiết này giúp lý giải nguồn gốc của sự tàn tật trong cộng đồng, mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc và thể hiện sự quan tâm của thần thoại trong việc lý giải các hiện tượng và sự khác biệt trong xã hội loài người.

    - Nó cũng là một yếu tố kỳ ảo đặc sắc, làm tăng tính hấp dẫn và sinh động cho câu chuyện thần thoại, đồng thời phản ánh cách nhìn của người xưa về sự tạo hóa và những điều bất ngờ trong quá trình tạo dựng con người.
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng mười một 2024
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 2

    Đọc hiểu văn bản: Thần Lửa A Nhi, Thần thoại Ấn Độ

    Đọc truyện thần thoại sau:

    Thần Lửa A Nhi (Agni) là một trong những vị thần lớn nhất và lâu đời nhất của Ấn Độ. Thần rất cao lớn, da thịt đỏ au, có bảy cánh tay màu sắc như cầu vồng, lưỡi dài và lanh lẹ lạ thường.

    Chính thần đã tung lên trời quả cầu lửa sưởi ấm chúng ta, nung chín cây, lúa, đỗ, ngày ngày soi sáng cho chúng ta làm ăn. Chính thần thắp các vì sao lên, nếu không đêm tối sẽ sâu thẳm và rùng rợn biết bao. Thần có phép phân thân nên thần ở khắp mọi nhà, vào bếp nấu thức ăn, đốt đèn rọi trang sách. Không có thần ở trong nhà, con người sẽ đói, rét, sợ sệt, sống không khác gì loài cầm thú.

    Thần có tính nóng vội, lại phải ở khắp nơi, không coi xuể công việc, nên đôi lúc vô tình gây thiệt hại cho sinh linh và hoa cỏ.

    Một hôm, thần Lửa A Nhi giúp một người đốt cỏ dại ở ven rừng rồi để đó mải lo đi giúp nơi khác nữa, không về dập lửa kịp thời, lửa cháy vào rừng, lan rộng ra nhanh chóng. Trong rừng có năm mẹ con chim Đầu Rìu. Nhìn đám lứa cháy tới gần, chim mẹ kêu than: "Con mình chưa biết bay, phen này mẹ con chắc bị thiêu sống". Nhưng rồi chim nghĩ được một kế:

    – Các con ơi, đằng kia có cái hang chuột. Các con hãy vào đấy, mẹ sẽ khỏa cát lên lấp tạm, khi lửa tắt mẹ sẽ đến đón các con.

    – Nhưng mẹ ơi – một con chim thưa – con chuột to lắm, nó sẽ ăn thịt chúng con mất.

    – Không đâu, bé yêu ạ. Con chuột ở cái hang này đã bị diều hâu bắt rồi, chính mẹ trông thấy.

    – Còn có những con chuột khác, mẹ ạ – một chim con nữa nói – Bị chuột ăn thì đau đớn và nhục nhã quá, mẹ ơi, thà chết thiêu còn hơn.

    – Bị thiêu nóng lắm, các con ạ. Chỉ có một cách là mẹ xòe hai cánh ra ấp các con dưới bụng, che lửa cho các con. Mẹ sẽ chết cháy còn các con may chăng sống sót.

    – Không, không mẹ ơi! Không đời nào! – bốn chú chim con đồng thanh kêu lên. Rồi chú khôn nhất nói: "Nếu mẹ chết thì chúng con cũng sẽ chết đói, chết khát thôi. Và họ Đầu Rìu nhà ta sẽ tuyệt giống, tuyệt nòi. Mẹ còn trẻ lắm. Thoát nạn này, mẹ sinh một lũ em. Mẹ hãy bay đi, bay nhanh đi, lửa đến rồi. Chúng con van mẹ".

    – Mẹ trốn một mình sao đành chứ?

    – Trốn đi, trốn đi mẹ ơi! – Bốn chú chim con lại đồng thanh kêu lớn – Bay nhanh đi, nếu không chúng con đâm đầu vào lửa cho mà xem.

    Mấy con chim con vỗ lạch bạch những đôi cánh chưa có lông mao lông vũ và chực xông vào lửa. Chim mẹ hoảng quá, đành phải bay đi.

    Bấy giờ bốn anh em chụm đầu vào nhau kêu cầu thần Lửa.

    – Thần Lửa A Nhi quảng đại ôi! Chúng con hiện nay mất mẹ, lát nữa sẽ mất xác? Rồi mẹ chúng con sẽ vì xót xa mà chết héo chết khô. Chỉ có ngài là cứu được chúng con hỡi thần A Nhi nhân hậu.

    Bỗng có tiếng vang vọng từ xa:

    – Các con đừng lo sợ. Tai họa sắp qua rồi. Và mẹ các con sẽ về với các con.

    Đó là tiếng của Thần Lửa. Thần đã trở về và kịp nghe tiếng kêu thảm thiết của mấy chú chim con. Thần dập tắt ngay ngọn lửa hung dữ, liền đó chim Đầu Rìu mẹ cũng bay về.

    Từ đó, để cảm tạ thần A Nhi nhân hậu, năm mẹ con chim Đầu Rìu đã nhuộm đỏ chùm lông mũ của mình, ngụ ý thờ Thần Lửa trên đầu.

    ( "Thần Lửa A Nhi" – Thần thoại Ấn Độ, Huỳnh Lý kể. Nguồn: SGK Văn lớp 6, tập 1, 1989)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1.
    Thần Lửa A Nhi thuộc nhóm thần thoại suy nguyên hay thần thoại sáng tạo?

    Câu 2. Theo văn bản, ngoại hình Thần Lửa A Nhi được miêu tả như thế nào?

    Câu 3. Tình huống được kể trong truyện là tình huống gì? Tác dụng của tình huống?

    Câu 4. Nhận xét về cốt truyện của truyện Thần Lửa A Nhi.

    Câu 5. Theo em, ý nghĩa nhân văn của truyện là gì?

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1. Thần Lửa A Nhi thuộc nhóm thần thoại sáng tạo.

    Câu 2. Theo văn bản, ngoại hình Thần Lửa A Nhi được miêu tả là rất cao lớn, da thịt đỏ au, có bảy cánh tay màu sắc như cầu vồng, và lưỡi dài, lanh lẹ.

    Câu 3.

    - Tình huống trong truyện là việc thần Lửa A Nhi vô tình gây ra một đám cháy lớn, đe dọa đến tính mạng của năm mẹ con chim Đầu Rìu.

    - Tác dụng của tình huống này là khắc họa thêm về tính cách vừa nhân hậu vừa nóng vội của Thần Lửa, đồng thời tạo điều kiện để truyền tải thông điệp về tình yêu thương và sự hy sinh giữa mẹ con chim Đầu Rìu.

    Câu 4. Nhận xét về cốt truyện của truyện Thần Lửa A Nhi: Cốt truyện Thần Lửa A Nhi đơn giản nhưng giàu cảm xúc, kể về việc thần vô tình gây ra một tai họa và cuối cùng đã quay lại cứu giúp. Cốt truyện phát triển với tình huống nguy hiểm và kết thúc bằng sự giải cứu, làm nổi bật lòng nhân hậu của thần và tình yêu thương của mẹ con chim Đầu Rìu.

    Câu 5. Theo em, ý nghĩa nhân văn của truyện là: Ca ngợi lòng nhân hậu, sẵn sàng cứu giúp sinh linh của thần Lửa A Nhi, đồng thời tôn vinh tình mẫu tử thiêng liêng của chim mẹ Đầu Rìu. Qua đó, truyện gửi gắm thông điệp về lòng dũng cảm, đức hy sinh và sức mạnh của tình yêu thương, nhấn mạnh rằng ngay cả sức mạnh tự nhiên cũng có sự bao dung và nhân từ khi con người hay sinh vật nhỏ bé cần sự bảo vệ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng mười một 2024
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 3

    Đọc hiểu văn bản: Bà Tồ Cô

    Đọc văn bản sau:

    Thuở khai thiên lập địa, đất trời còn hỗn mang, thường có các vị thần khổng lồ xuất hiện giúp đỡ con người. Cả thần nam và thần nữ. Những vị thần này hay đi với nhau thành một cặp như ông Tứ Tượng – bà Nữ Oa, ông Đực – bà Cái, ông Đùng – bà Đà v. V.. Ở vùng Tiên Du có ông Lộc Cộc – bà Tồ Cô.

    Hai ông bà Lộc Cộc – Tồ Cô đều có thân hình cao lớn, đầu đội trời, vai chạm mây, chân đứng lún đá thủng đất. Mỗi bước đi của ông bà là từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Ông bà để lại giữa đồng ruộng, trên sườn đồi, trong ngõ làng những dấu chân khổng lồ đo vừa mười gang tay. Ở Sơn, ở Chè Dọc, ở Lim, ở Kẻ Đồng, ở Tiên Lát, ở Phật Tích.. đâu đâu cũng có dấu chân ông bà. Hai ông bà Lộc Cộc – Tồ Cô có khi đi thành đôi, người nọ tiếp người kia, có khi chỉ thấy một mình ông. Có khi lại thấy một mình bà. Hai người khổng lồ nhưng tính tình thật hồn hậu tự nhiên, thoắt vui thoắt buồn như những đứa trẻ ham chơi. Lúc tức giận, hai ông bà chớp mắt sáng lóe, tiếng nói ầm ầm như trống dội, hắt hơi thành giông gió, thở mạnh thành bão táp.. Khi vui, ông bà làm mưa gió tưới tắm cho cây cỏ tốt tươi.

    Hai ông bà Lộc Cộc – Tồ Cô đều to lớn như thế nên đều có sức khỏe dị thường. Ông bà thường đua nhau làm các việc lớn lao như đào sông, xây núi, lấp biển. Một cái sọt đất bỏ quên cũng thành cái gò. Đắp suốt một đêm thì được quả đồi. Một vết chân duỗi ra cũng khơi thành con suối. Đào suốt một ngày thì được con sông.. Nhờ ông bà dồn nước ra biển, tát khô đầm lầy mà đất đai đồng ruộng hiện ra, thành nơi cư trú làm ăn sinh sống cho con người.

    Khi con người đông đúc, ông Lộc Cộc vẫn về đổ giông, đổ sấm, vung chớp, tung gió bão; bà Tồ Cô vẫn về tung những đàn hươu nai, chim chóc đến cho con người săn bắt..

    Nhìn quang cảnh núi sông, đồng ruộng, cỏ cây, hoa lá bốn mùa kế tiếp nhau xanh tươi, bà Tồ Cô hài lòng lắm. Công việc tạm xong, lại đang có mang nên bà Tồ Cô nằm duỗi dài xuống bên dòng sông Đuống nghỉ ngơi. Tại đây, bà Tồ Cô đã đẻ ra một cái bọc. Từ cái bọc nở ra mười hai người con gái xinh đẹp. Các cô gái thay mẹ chia nhau đi khắp bốn phương dạy dân các nghề nghiệp, mỗi cô đều trở thành vua bà của mỗi vùng.

    ( "Bà Tồ Cô" – Thu Nga, Việt Dũng, Hoàng Minh sưu tầm và biên soạn, NXB Thanh Niên)​

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1: Không gian thời gian trong truyện mang những đặc điểm gì của không gian, thời gian thần thoại?

    Câu 2: Nhân vật chính trong truyện là ai? Mang những đặc điểm gì của nhân vật thần thoại?

    Câu 3: Chủ đề của truyện là gì?

    Câu 4: Chỉ ra và phân tích tác dụng của 2 yếu tố kì ảo trong truyện.

    Câu 5: Quá trình hai ông bà Lộc Cộc và Tồ Cô có những hành động để giúp đỡ, tạo điều kiện cho loài người làm ăn sinh sống gợi cho em suy nghĩ gì?

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1:
    Không gian, thời gian trong truyện có những đặc điểm của thần thoại, được diễn tả như thời điểm khởi nguyên, "thuở khai thiên lập địa", khi "đất trời còn hỗn mang". Không gian rộng lớn với các ngọn núi, đồi, sông, biển và các vùng rộng khắp. Đây là thời kỳ sơ khai khi các vị thần xuất hiện để tạo dựng thế giới, đặc trưng của không gian, thời gian thần thoại.

    Câu 2:

    - Nhân vật chính là hai vị thần khổng lồ Lộc Cộc và Tồ Cô.

    - Họ mang những đặc điểm của nhân vật thần thoại: Ngoại hình khổng lồ (cao lớn đến mức "đầu đội trời, vai chạm mây, chân đứng lún đá thủng đất"), có sức mạnh phi thường và khả năng siêu nhiên (làm ra sông suối, đồi núi chỉ bằng hành động đơn giản, khi vui buồn thì thời tiết thay đổi theo). Họ cũng có tâm tính hồn hậu, đôi khi ngây thơ như trẻ con, vừa gần gũi vừa quyền uy.

    Câu 3: Chủ đề của truyện là quá trình tạo dựng thế giới và cuộc sống cho con người của các vị thần khổng lồ. Truyện ca ngợi sức mạnh sáng tạo của các vị thần, cùng với tấm lòng nhân hậu và sự quan tâm của họ dành cho con người.

    Câu 4: Chỉ ra và phân tích tác dụng của 2 yếu tố kì ảo trong truyện:

    - Yếu tố kì ảo thứ nhất là kích thước khổng lồ của hai vị thần: "Đầu đội trời, vai chạm mây, chân đứng lún đá thủng đất". Điều này tạo nên sự kỳ vĩ và siêu nhiên, nhấn mạnh sức mạnh vĩ đại của các thần trong công cuộc sáng tạo.

    - Yếu tố kì ảo thứ hai là việc bà Tồ Cô đẻ ra một cái bọc, từ đó nở ra mười hai cô gái xinh đẹp. Đây là hình ảnh kỳ ảo mang ý nghĩa biểu tượng, thể hiện khả năng sinh thành độc đáo của các vị thần. Mười hai cô gái từ cái bọc được mẹ phái đi khắp nơi dạy dân nghề, biểu hiện cho sự phong phú và đa dạng của các hoạt động sản xuất trong cuộc sống con người.

    Câu 5: Quá trình hai ông bà Lộc Cộc và Tồ Cô có những hành động để giúp đỡ, tạo điều kiện cho loài người làm ăn sinh sống gợi cho em suy nghĩ về tinh thần trách nhiệm và tấm lòng yêu thương của ông bà Lộc Cộc, Tò Cô dành cho con người. Dù sở hữu sức mạnh lớn lao, họ không dùng để thống trị mà tận tâm kiến tạo môi trường sống thuận lợi cho loài người. Điều này gợi lên suy nghĩ về lòng bao dung và tình yêu thương từ những người lớn dành cho thế hệ sau. Qua đó, câu chuyện truyền tải ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhấn mạnh vai trò của sự hỗ trợ và tình yêu thương trong cuộc sống, đặc biệt là sự gắn bó và trách nhiệm của người đi trước với thế hệ tương lai.
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng mười một 2024
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 4

    Đọc hiểu văn bản: Thần thoại Mán

    Đọc văn bản sau:

    THẦN THOẠI MÁN


    Xưa kia, vua Lạc Long thuở hỗn mang chưa có gì được tạo lập chỉ mới có hai đấng cùng thành hình một lượt là Nhiêu Vương (tức Ngọc Hoàng) và Bàn Cồ. Nhiêu Vương có ba trăm sáu con mắt, Bàn Cồ có ba trăm sáu thân hình.

    Con mắt bên trái của Nhiêu Vương sinh ra mặt trời (dương), con mắt bên phải sinh ra mặt trăng (âm), đầu làm thành trời, chân làm thành đất. Còn loài người thì do tâm của Bàn Cồ mà sinh ra, trong đó có Bàn Vũ. Bàn Vũ đã giúp vua Trung Hoa dẹp giặc bằng cách hóa thành một con chó đi vào thành giặc, thừa lúc vua giặc đang say rượu, nằm ngủ, nhảy lại cắn chết, rồi chặt đầu mang về. Bàn Vũ được vua Trung Hoa trọng thưởng, cắt đất và gả công chúa thứ ba cho như đã hứa. Bàn Vũ và công chúa sinh ra được sáu trai và sáu gái thành tổ tiên người Mán. Hai vợ chồng Bàn Vũ về ở núi Cối-kê cai quản giang sơn, núi rừng của nhà vua đã cắt cho. Đến ngày nay người Mán vẫn nhớ mình là con cháu của Cẩu Long (chó rồng), kiêng ăn thịt vật tổ, quần áo phụ nữ thêu dệt các hình ảnh nhắc nhở đến vật tổ, và trong vài bộ lạc Mán, đàn ông còn giữ tục lệ mang tóc kết như đuôi chó để nhớ đến nguồn gốc của bộ tộc.

    (Thần thoại Việt Nam - Trung Hoa, Doãn Quốc Sỹ sưu tập và dịch thuật, NXB Sáng tạo, 1970)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1:
    Nêu 2 đặc điểm của thể loại thần thoại trong văn bản trên.

    Câu 2: Chỉ ra và phân tích tác dụng của 1 chi tiết kỳ ảo trong truyện.

    Câu 3: Truyện lý giải cho hiện tượng, tín ngưỡng gì?

    Câu 4: Nhận xét về vẻ đẹp của nhân vật: Bàn Vũ.

    Câu 5: Thông điệp từ câu chuyện có ý nghĩa gì với anh/chị?

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1: Nêu 2 đặc điểm của thể loại thần thoại trong văn bản trên.

    Đặc điểm 1: Thần thoại gắn liền với sự hình thành thế giới và nhân loại. Trong truyện, Nhiêu Vương và Bàn Cồ được xem là những đấng sáng tạo, tạo ra trời, đất, mặt trời, mặt trăng và loài người.

    Đặc điểm 2: Yếu tố kỳ ảo xuất hiện đậm nét. Các nhân vật thần thoại như Nhiêu Vương có ba trăm sáu con mắt, và Bàn Cồ có ba trăm sáu thân hình, điều này vượt qua khả năng thực tế, thể hiện trí tưởng tượng phong phú.

    Câu 2: Chỉ ra và phân tích tác dụng của 1 chi tiết kỳ ảo trong truyện.

    Chi tiết: Con mắt bên trái của Nhiêu Vương sinh ra mặt trời, còn con mắt bên phải sinh ra mặt trăng.

    Phân tích: Chi tiết này mang tính kỳ ảo, giúp lý giải nguồn gốc của hai hiện tượng thiên nhiên quan trọng là mặt trời và mặt trăng. Đồng thời, nó thể hiện sự thần thánh hóa vai trò của các vị thần trong việc kiến tạo vũ trụ, tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện.

    Câu 3: Truyện lý giải cho hiện tượng, tín ngưỡng gì?

    Truyện lý giải nguồn gốc tổ tiên của người Mán, gắn với tín ngưỡng vật tổ (Cẩu Long). Đồng thời, câu chuyện cũng lý giải tập tục thờ cúng tổ tiên, kiêng ăn thịt chó và những biểu tượng văn hóa độc đáo trong trang phục, phong tục của người Mán.

    Câu 4: Nhận xét về vẻ đẹp của nhân vật: Bàn Vũ.

    Bàn Vũ thể hiện sự dũng cảm và mưu trí khi hóa thân thành chó để tiêu diệt vua giặc, giúp đỡ vua Trung Hoa. Nhân vật còn đại diện cho lòng trung thành và sự cống hiến hết mình vì lợi ích cộng đồng, góp phần xây dựng hình ảnh tổ tiên cao quý cho người Mán.

    Câu 5: Thông điệp từ câu chuyện có ý nghĩa gì với anh/chị?

    Câu chuyện nhắc nhở chúng ta về giá trị của cội nguồn, sự biết ơn tổ tiên và ý nghĩa của việc giữ gìn truyền thống văn hóa. Đồng thời, thông điệp cũng khuyến khích lòng dũng cảm và sự cống hiến trong việc bảo vệ cộng đồng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng mười một 2024
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 5:

    Đọc hiểu văn bản: Xing Nhã trả thù nhà

    Đọc văn bản sau:

    Mấy ngày sau, cây kơ-lơng mới đổ. Xing Nhã tiếp tục chặt cành. Một tháng, hai tháng, ba tháng. Xing Nhã mới làm xong chiếc khiên. Hàng trăm, hàng nghìn dân làng nhấc khiên không nổi. Xing Nhã bước tới, một tay nâng khiên, một tay giơ lên đầu, đội về buôn[1] . Về tới nhà, ở một ngày, nghỉ một tháng, Xing Nhã suy tính chuyện đi đòi xương cho cha, trả thù cho mẹ.

    [..] Bang Ra và Xing Yuê – Ta hãy lấy bảy ché rượu ngon, bảy con trâu đực trắng, cũng cho Trời, cho Đất phù hộ con trai ta khoẻ mạnh. Ta hãy lấy con gà cúng thần Nước, ta lấy con lợn cúng Y Rít phù hộ con trai ta khôn lớn, đừng đi chết bỏ xương nơi đất khác.

    (Đoạn dưới đây miêu tả cuộc chiến đấu cuối cùng của Xing Nhã với anh em Gia – rơ Bú)

    [..] Hai bên đánh nhau. Năm em trai của Gia-rơ Bú đã bỏ đầu tại gốc cây đa, bỏ thân tại núi lạ. Gia-rơ Bú bứt rứt, ngồi không yên, nằm không được, tay trái lấy chiếc khiên, tay phải nắm cán đao, Gia-rơ Bú đi vào rẫy của Hơ-bia Bơ-lao[2] .

    Xing Nhã – (Gặp Gia-rơ Bú) Ơ Gia-rơ Bú, ai chạy trước?

    Gia-rơ Bú - Hỡi con chim linh mọc chưa đủ lông cánh[3], hãy múa thử đi!

    Xing Nhã quay khiên múa. Đất bụi bay mù mịt như mây trời tháng Bảy. Xing Nhã nhảy qua trái núi, lượn qua con suối, phăng qua đầu đèo, nhanh hơn bầy chim diều chim ó.

    Gia-rơ Bú nhìn theo, tối mày tối mặt, không đoán được đường đao của Xing Nhã chĩa về hướng nào.

    Gia-rơ Bú – Được, bây giờ ta không giết được mày thì ta sẽ tìm cách phá sạch làng mày! Té ra đứa nào cũng là đầu đen máu đỏ[4] cả sao?

    Xing Nhã – (ngừng múa) Ơ Gia-rơ Bú! Ta đang đứng ở phái Mặt Trời mọc đây rồi. Bây giờ thì ngươi múa đi, ta đuổi theo.

    Gia-rơ Bú múa lúng túng, múa loanh quanh như con gà mắc tóc, như sao lạc đường. Dường đao chỉ đâm vào giữa trống không.

    Xing Nhã mới đi một bước, đã chém trúng ngay chân Gia-rơ Bú.

    Xing Nhã – Ơ Gia-rơ Bú, máu gì chảy ở chân đấy?

    Gia-rơ Bú – Máu con vắt ở núi Hơ-mũ cắn tao.

    Gia-rơ Bú múa tiếp, Xing Nhã chém luôn cánh tay phải, chiếc đao rơi "rỏn rẻn"..

    Xing Nhã – Tại sao khiên của ngươi rơi mất rồi?

    Gia-rơ Bú – Không phải! Đó là tiếng kêu của chiếc lục lạc cho trẻ con chơi, tiếng vù của con diều đói gió đấy!

    Gia-rơ Bú cố sức múa nữa, nhưng lần này chưa kịp trở tay thì chiếc khiên đã bị Xing Nhã đánh vỡ tung, rơi xuống đất.

    Cuối cùng đôi bên chỉ còn Pơ – rong Mưng[5] và Xing Nhã đánh nhau.

    [..] Trên trời, dưới đất, mây mưa mịt mù, gió bão ầm ầm, đổ cây lở núi. Hai bên đánh nhau từ khi trái khơ-la chín, đến mùa kê trổ, vẫn không phân thắng bại. Cả hai đều kiệt sức, ngã trước chòi của Hơ-bia Bơ-lao

    (Cuối cùng, nhờ sự giúp sức của Hơ-bia Bơ-lao, Xing Nhã giết chết Pơ-rong Mưng – người cuối cùng trong bảy anh em nhà Gia-rơ Bú, trả thù cho cha, cứu mẹ già thoát khỏi cuộc sống nô lệ)

    [1] Buôn: Giống như làng (người Việt), bản (người Thái, H'Mông) / [2] Hơ-bia Bơ-lao: Cô gái giữ rẫy cho Gia-rơ Bú và là người yêu của Pơrong Mưng.

    [3] Hỡi con chim linh mọc chưa đủ lông cánh: Cách nói hàm chứa sự coi thường của Gia-rơ Bú dành cho Xing Nhã

    [4] Đầu đen máu đỏ: Ý nói cúng đầu cứng cổ, gan góc, chẳng kiêng nể ai / [5] Pơ –rong Mưng: Em trai thứ bảy của Gia-rơ Bú.

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1: Xác định thời gian, không gian và các nhân vật chính trong truyện?

    Câu 2: Xing Nhã đã làm gì để trả thù cho cha và cứu mẹ?

    Câu 3: Xác định nội dung chính của truyện.

    Câu 4: Tìm 2 yếu tố kỳ ảo trong truyện và ý nghĩa của chúng.

    Câu 5: Ý nghĩa chiến thắng của Xing Nhã là gì?

    Câu 6: Nhận xét về đặc điểm ngôn ngữ của đoạn trích.

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1:


    Thời gian: Không xác định, thuộc thời kỳ thần thoại anh hùng.

    Không gian: Buôn làng của Xing Nhã, rẫy của Hơ-bia Bơ-lao, và những địa điểm chiến đấu như núi, suối, và đèo.

    Nhân vật chính: Xing Nhã, Gia-rơ Bú, Pơ-rong Mưng, Hơ-bia Bơ-lao.

    Câu 2:

    Xing Nhã dành nhiều tháng chế tạo chiếc khiên khổng lồ.

    Xing Nhã chiến đấu dũng cảm, lần lượt đánh bại Gia-rơ Bú và sáu người em của hắn, trong đó có Pơ-rong Mưng.

    Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của Hơ-bia Bơ-lao, Xing Nhã giết chết Pơ-rong Mưng và hoàn thành tâm nguyện trả thù.

    Câu 3:

    Truyện kể về hành trình trả thù nhà của Xing Nhã, một người anh hùng dũng cảm và thông minh. Qua đó, truyện ca ngợi tinh thần bất khuất, ý chí chiến đấu vì công lý và lòng hiếu thảo đối với cha mẹ.

    Câu 4:

    Chi tiết 1: Chiếc khiên khổng lồ mà chỉ Xing Nhã nhấc nổi.

    Ý nghĩa: Biểu tượng cho sức mạnh phi thường của người anh hùng, thể hiện sự quyết tâm vượt qua khó khăn.

    Chi tiết 2: Trận chiến kéo dài từ mùa khơ-la chín đến mùa kê trổ, kèm theo mây mưa mịt mù, gió bão dữ dội. Ý nghĩa: Tượng trưng cho sự khốc liệt của cuộc chiến, đồng thời thể hiện sức mạnh thần thánh của các nhân vật anh hùng.

    Câu 5: Ý nghĩa chiến thắng:

    - Khẳng định sức mạnh của chính nghĩa: Kẻ ác phải bị trừng phạt, người chính nghĩa chiến thắng

    - Thể hiện vẻ đẹp của người anh hùng lí tưởng trong mơ ước của cộng đồng.

    Câu 6:

    - Ngôn ngữ trong đoạn trích giàu nhịp điệu: Nhịp điệu được tạo nên bởi cách nói trùng điệp: Xing Nhã nhảy qua trái núi, lượn qua con suối, phăng qua đầu đèo/ lấy bảy ché rượu ngon, bảy con trâu đực/ lấy con gà cúng thần Nước, ta lấy con lợn cúng Y Rít..

    - Ngôn ngữ trang trọng, sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, phóng đại: Xing Nhã quay khiên múa. Đất bụi bay mù mịt như mây trời tháng Bảy. Xing Nhã nhảy qua trái núi, lượn qua con suối, phăng qua đầu đèo, nhanh hơn bầy chim diều chim ó.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười một 2024
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 6

    Đọc hiểu văn bản: THẦN BIỂN

    Đọc văn bản sau:

    Có sự tích kể thần Biển đội lốt một con rùa khổng lồ, ở ngoài khơi biển Đông, thường chỉ có công việc thở nước ra và hít nước vào để làm mức thủy triều lên xuống, ngày này qua ngày khác. Thỉnh thoảng thần làm sóng to nước lớn. Ấy là những lúc biển động, có những ngọn sóng cao như núi mà người miền biển vẫn gọi là sóng thần.

    Cũng có sự tích rất cảm động kể rằng trước khi làm thần Biển, nữ thần này là một thiếu nữ ở trên đảo, nổi tiếng là thương yêu anh em.

    Nàng có bốn người anh em đều là người chài lưới, quanh năm sống trên thuyền ở ngoài biển cả. Một hôm trong lúc bốn người anh em đi biển, cô gái tự nhiên chết giấc rất lâu. Người chung quanh tưởng là cô bị ngộ gió chết mới đổ thuốc cho tỉnh lại. Nhưng khi sống lại, cô trách sao lại gọi mình tỉnh dậy quá sớm.

    Sau đó, ba người anh kể lại rằng trong lúc đi biển, họ gặp phải một cơn bão lớn giữ dội, được cô em hiện hồn lên cứu họ thoát khỏi tai nạn hiểm nghèo. Người anh thứ tư đi trên một chiếc thuyền khác mất tích luôn, không thấy trở về, chỉ vì cô gái đã bị gọi khỏi cơn đồng thiếp trước khi cứu được anh.

    Sau việc lạ lùng đó ít lâu thì cô gái chết. Cô từng hiện ra nhiều lần cứu các thủy thủ bị nạn hoặc giúp bắt bọn cướp biển, cùng làm mưa cứu mùa màng bị hạn nắng. Ngọc Hoàng thấy thế mới phong cô làm thần Biển. Người ta hình dung thần là một người con gái ngồi trên đầu ngọn sóng, đầu đội mũ triều thiên, tay cầm hốt ngọc.

    (Trích Thần thoại Việt Nam)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1.
    Xác định thời gian, không gian, nhân vật trong truyện?

    Câu 2. Cô gái trong truyện trước khi làm thần biển, đã làm những việc gì?

    Câu 3. Xác định nội dung chính của truyện.

    Câu 4. Tìm 2 yếu tố kì ảo hoang đường trong truyện thần thoại trên, mỗi chi tiết kì ảo hoang đường trên có ý nghĩa gì đối với nhân dân thời đó

    Câu 5. Văn bản có đoạn: ".. Nhưng khi sống lại, cô trách sao lại gọi mình tỉnh dậy quá sớm", em rút ra bài học gì khi người dân cố giúp cô gái bằng cách gọi cô tỉnh dậy sớm?

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1: Xác định thời gian, không gian, nhân vật trong truyện.

    Thời gian: Không xác định, mang tính huyền thoại, thuộc thời kỳ sơ khai khi các vị thần được sáng tạo.

    Không gian: Ngoài khơi biển Đông và một hòn đảo nơi cô gái sống.

    Nhân vật: Thần Biển (cô gái trở thành nữ thần), bốn người anh em của cô, Ngọc Hoàng và những ngư dân liên quan.

    Câu 2: Cô gái trong truyện trước khi làm thần Biển, đã làm những việc gì?

    Cô đã cứu ba người anh em thoát khỏi cơn bão bằng cách hiện hồn giúp họ khi đang ở trạng thái đồng thiếp.

    Sau khi chết, cô hiện ra nhiều lần để cứu thủy thủ bị nạn, bắt bọn cướp biển và làm mưa cứu mùa màng bị hạn hán.

    Câu 3: Xác định nội dung chính của truyện.

    Câu chuyện kể về sự tích thần Biển, lý giải nguồn gốc của thần và sự tận tụy của nữ thần đối với nhân dân, thể hiện lòng yêu thương, hy sinh, và tinh thần bảo vệ những người sống trên biển.

    Câu 4: Tìm 2 yếu tố kỳ ảo hoang đường trong truyện thần thoại trên, mỗi chi tiết kỳ ảo hoang đường trên có ý nghĩa gì đối với nhân dân thời đó.

    - Chi tiết 1: Thần Biển thở nước ra và hít nước vào làm mức thủy triều lên xuống.

    Ý nghĩa: Lý giải hiện tượng tự nhiên về thủy triều một cách dễ hiểu cho người dân thời xưa.

    - Chi tiết 2: Cô gái hiện hồn cứu các anh em, bắt cướp biển, làm mưa và giúp đỡ dân làng sau khi chết.

    Ý nghĩa: Thể hiện lòng tin vào sức mạnh siêu nhiên, đề cao hình tượng nữ thần cứu giúp và che chở con người.

    Câu 5: Văn bản có đoạn: "Nhưng khi sống lại, cô trách sao lại gọi mình tỉnh dậy quá sớm", em rút ra bài học gì khi người dân cố giúp cô gái bằng cách gọi cô tỉnh dậy sớm?

    Bài học: Khi giúp đỡ người khác, cần hiểu đúng tình huống và tôn trọng quy luật tự nhiên, không nên hành động vội vàng, thiếu hiểu biết, vì đôi khi có thể cản trở những việc lớn lao hơn mà họ đang thực hiện.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng mười một 2024
  8. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 7:

    Đọc hiểu văn bản: Những bông hồng

    (Thần thoại Hy Lạp)

    Đọc văn bản sau:

    1. Truyện xảy ra trên một hòn cù lao suốt ngày đêm trôi bồng bềnh trên sóng biếc. Ở đó có một chú bé vừa ra đời, chưa được bao lâu thì mẹ chú chẳng may lâm bệnh, chết đột ngột. Thiếu sữa mẹ, chú bé khóc ròng rã. Tiếng khóc của chú vang đến tận trời cao, thấu tới tai thần Zeus là chúa tế của các vị thần.

    Thần Zeus thương tình bèn sai thần thợ rèn trộn đất và nước nặn thành một người đàn bà phúc hậu và đưa xuống trần để nuôi dưỡng chú bé mồ côi. Từ đó hai mẹ con sống trong một ngôi nhà lợp bằng rong biển và những cây mao sương yếu điệu. Ngày ngày, những con dê, sừng nhọn hoắt, thay nhau cho chú bé bú, cây rừng rung lá thành tiếng reo vi vu cho chú ngủ và ong từ các sườn núi lân cận đem mật tới cho chú. Chẳng bao lâu, chú đã lớn nhanh như thổi.

    Hàng ngày, chú cùng mẹ đi chơi, đi săn và hái quả trong rừng. Cuộc sống êm ả trôi đi, đến lúc chú bé trở thành một chàng trai khôi ngô, lực lưỡng thì chú để mẹ ở nhà nghỉ ngơi, một mình vào rừng săn bắn nuôi mẹ.

    2. Thấy chàng trai đã trưởng thành, thần Zeus gọi người mẹ trở về đỉnh núi bất tử của các vị thần. Thế là một buổi chiều đi rừng về, chàng trai không thấy mẹ đâu, nhìn quanh quẩn chỉ thấy đôi cánh bướm dập dờn đang khuất dần về phía cánh rừng. Chàng trai vội vã đuổi theo. Chàng chạy trên các sườn núi dốc, giữa những hang động tối om và trên các bờ vực sâu thăm thẳm. Những hòn đá nhọn, những cây gai làm cho chân chàng bị thương. Máu chàng nhỏ xuống đất để lại dấu vết ở những nơi chàng đã đi qua nhưng chàng vẫn không tìm thấy mẹ, chàng đành buồn bã quay về.

    3. Từ trên trời cao, người mẹ rất đau khổ thấy con mình chiều chiều lại ngồi dưới chân núi nhìn dòng nước lặng lẽ trôi. Bà tha thiết xin thần Zeus cho người xuống làm bạn với chàng trai để chàng đỡ hiu quạnh.

    Thần Zeus rủ lòng thương, ưng thuận. Thế là trên bầu trời xanh biếc bỗng xuất hiện một con thiên nga trắng muốt bị một con chim ưng đuổi theo. Chàng trai vội vã giương cung nhưng chưa kịp bắn thì thiên nga đã rơi vào lòng chàng. Một bên cánh của thiên nga bị chim ưng cắn bị thương, máu nhỏ giọt thấm xuống đất.

    Khi chàng trai lau sạch máu ở cánh thiên nga thì con chim bỗng biến thành một cô gái vô cùng xinh đẹp. Đó là công chúa Thiên Nga, con gái thần Zeus, vì ưng thuận làm bạn với chàng trai nên để cho chim ưng đuổi bắt xuống trần gian. Và nàng đã sống cuộc đời hạnh phúc với chàng trai đến khi bạc đầu.

    Còn bên bờ sông ở những nơi mà máu của nàng công chúa rớt xuống cũng như ở trong rừng, nơi mà máu của chàng trai trong lúc đi tìm mẹ đã thấm vào đất thì nay mọc lên những bông hoa đỏ thắm, thơm dịu và đẹp như tình yêu con người. Nhân loại ngày nay gọi đó là hoa hồng và tôn là chúa tể các loài hoa.

    (Nguồn: Truyện đọc lớp 3, trang 17, NXB Giáo dục – 2001 )​

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1: Nêu 2 đặc điểm thể loại của văn bản trên.

    Câu 2: Nhân vật chính trong truyện là ai?

    Câu 3: Theo bạn, có thể lược bỏ được sự việc: người mẹ phải quay trở về đỉnh núi bất tử trong văn bản hay không? Vì sao?

    Câu 4: Qua chi tiết "Chàng chạy trên các sườn núi dốc, giữa những hang động tối om và trên các bờ vực sâu thăm thẳm. Những hòn đá nhọn, những cây gai làm cho chân chàng bị thương. Máu chàng nhỏ xuống đất để lại dấu vết ở những nơi chàng đã đi qua", em trình bày suy nghĩ về tính cách, phẩm chất của nhân vật.

    Câu 5: Từ chi tiết thần kì trong câu chuyện: Còn bên bờ sông ở những nơi mà máu của nàng công chúa rớt xuống cũng như ở trong rừng, nơi mà máu của chàng trai trong lúc đi tìm mẹ đã thấm vào đất thì nay mọc lên những bông hoa đỏ thắm, thơm dịu và đẹp như tình yêu con người, em hãy viết đoạn văn (từ 4-5 câu) để nói về vẻ đẹp của tình yêu thương.

    Gợi ý trả lời:

    Câu 1:

    + Thể loại: Thần thoại

    + Hai đặc điểm thể loại của văn bản:

    - Có yếu tố thần kỳ (sự xuất hiện của thần Zeus, người mẹ do thần thợ rèn nặn ra, công chúa Thiên Nga).

    - Lí giải sự hình thành của loài hoa hồng.

    Câu 2:

    Nhân vật chính trong truyện là chàng trai mồ côi được các vị thần chăm sóc và bảo vệ.

    Câu 3:

    Không thể lược bỏ sự việc người mẹ phải quay trở về đỉnh núi bất tử vì đây là tình tiết quan trọng, tạo nên cao trào cho câu chuyện. Sự xa cách với mẹ là động lực để chàng trai thể hiện lòng hiếu thảo và ý chí mạnh mẽ trong hành trình tìm kiếm mẹ, làm nổi bật phẩm chất tốt đẹp của nhân vật. Bỏ chi tiết này sẽ không thể hiện được tình yêu của người mẹ với chàng trai và của chàng trai đối với mẹ.

    Câu 4:

    Chi tiết trên cho thấy chàng trai là người hiếu thảo, yêu mẹ sâu sắc. Anh dũng cảm, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để tìm kiếm mẹ, sẵn sàng hy sinh vì tình yêu thương. Điều này thể hiện lòng quyết tâm, sức mạnh ý chí và sự gắn bó gia đình của nhân vật.

    Câu 5:

    Tình yêu thương là sức mạnh kỳ diệu giúp con người vượt qua khó khăn và đau khổ. Nó giống như những bông hoa hồng đỏ thắm, không chỉ tỏa hương sắc mà còn truyền cảm hứng và gắn kết mọi người. Tình yêu thương mang đến niềm tin, hy vọng và làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn, giống như câu chuyện về chàng trai và công chúa Thiên Nga, nơi tình yêu đã tạo nên kỳ tích và hạnh phúc vẹn tròn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười một 2024
  9. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 8:

    Đọc hiểu văn bản: Thời hồng hoang

    Đọc văn bản sau:

    Khởi thủy là một khối bầy nhầy, mờ mịt như một trái trứng khổng lồ chứa sẵn những mầm tự sinh. Rồi từ giữa khối hỗn độn mờ mịt ấy nảy sinh ra một chồi lau sậy linh thiêng. Chồi lau sậy trở thành đấng thần thông biến hóa, các vị thần phụ thuộc khác cũng lần lượt xuất hiện để rồi cùng tan biến đi. Như thế trải bảy thế hệ thần kì, cứ từng đôi trai gái xuất hiện rồi biến diệt. Đến thế hệ thứ tám, thế hệ ngắn ngủi mong manh, nhưng lại cực kì quan trọng, lần lượt nam thần Iganagi và nữ thần Iganami ra đời.

    Theo lệnh truyền của các vị thần kì cựu, Iganagi và Iganami cùng tiến qua chiếc cầu nổi nhà trời, lấy cây ngọc mâu linh thiêng khuấy động làn nước nhớt hỗn độn dưới cầu. Khi nước cô đọng dần rồi đặc lại, họ rút cây linh mâu lên, những giọt nước như chất tương muối rớt xuống mặt đại dương kết hợp thành hòn đảo Onogoro. Những con chim hải âu bắt đầu bay lượn nhịp nhàng quanh đảo.

    Iganagi và Iganami cùng đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp đó, lòng bâng khuâng tràn ngập một niềm vui khôn tả. Họ nhớ lời của các thiên thần kì cựu đã hứa, rồi đây sau khi họ đã thành đôi, họ sẽ có những đứa con thật khôi ngô, tuấn tú.

    Iganami ngắm nhìn Iganagi, ngắm đôi mắt long lanh của chàng, ngắm mái tóc dài của chàng, ngắm những cánh tay, những bắp chân và cả thân hình lực lưỡng cuồn cuộn bắp thịt của chàng. Trời! Sao lại có một thân hình nam giới đẹp đến thế! Nàng nói trước: Chúng ta kết đôi với nhau thành vợ chồng, chàng ưng chăng? Đôi bên nhìn nhau say đắm, cái nhìn của thuở ban đầu, miệng cùng mỉm cười âu yếm. Họ thành vợ chồng và đợi sinh hạ những người con khôi ngô, đĩnh ngộ như lời các vị thiên thần kì cựu đã hứa. Nhưng không, đứa con đầu tiên của cặp vợ chồng này là một quái vật, một đứa bé mang hình con đỉa lớn. Họ bèn bỏ Bé Đỉa lên một chiếc thuyền bằng sậy và thả theo dòng. Cặp vợ chồng hy vọng ở đứa con kế tiếp, thì đứa con này cũng kinh khủng không kém, mang hình một con sứa khổng lồ bập bềnh như một chiếc đảo bằng bọt biển. Vô cùng thất vọng, Iganagi và Iganami tìm gặp các vị thiên thần kì cựu, chất vấn vì sao mà họ không hề sinh hạ những đứa con tuấn tú như các vị thần đã hứa. Họ được các thiên thần kì cựu giải đáp: "Chính đàn ông phải hỏi xin cưới đàn bà mới đúng với ý trời". Iganagi và Iganami cúi đầu nhận lỗi. Họ trở lại đảo. Lần này Iganami e lệ, cúi đầu chờ đợi. Iganagi sung sướng và hãnh diện nhìn vẻ đẹp kiều diễm của Iganami. Chàng cất tiếng hỏi trước: Nàng có muốn thành vợ ta chăng? Nàng mỉm cười ưng thuận. Và cặp vợ chồng thiên thần trẻ măng này đã sinh hạ những đứa con đẹp làm sao, khôi ngô, tuấn tú làm sao! Đó là những hòn đảo Nhật Bản. Vâng, đó là những hòn đảo Nhật Bản xinh đẹp tuyệt vời, với núi, với sông, với rừng thông cao vút, với hoa anh đào đua nở, với người và vạn vật sinh sôi nảy nở phồn thịnh trên đó. Tất cả, vâng, tất cả đều là hậu duệ của Iganagi và Iganami.

    (Thời Hồng Hoang, trích từ Thần thoại Nhật Bản, Doãn Quốc Sĩ sưu tầm và dịch, Nxb Sáng Tạo)

    Trả lời các câu hỏi sau:

    Câu 1. Theo quan niệm của người Nhật Bản, khởi thủy của vũ trụ là gì?

    Câu 2. Xác định không gian, thời gian trong truyện.

    Câu 3. Chỉ ra 2 đặc điểm của thể loại thần thoại trong văn bản.

    Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của 1 yếu tố kì ảo trong văn bản mà em ấn tượng nhất.

    Câu 5. Chi tiết Iganami ngỏ lời cầu hôn trước và sau đó hai vợ chồng chỉ sinh ra quái vật cho thấy quan niệm gì của người Nhật Bản?

    Câu 6. Bằng hiểu biết của mình, em hãy viết khoảng 5 – 7 dòng nhận xét về tính cách của con người Nhật Bản?

    Gợi ý trả lời:

    Câu 1:


    Theo quan niệm của người Nhật Bản, khởi thủy của vũ trụ là một khối hỗn độn, mờ mịt, giống như một quả trứng khổng lồ chứa đầy mầm tự sinh.

    Câu 2:

    - Không gian: Truyện diễn ra trên cây cầu nổi của trời, hòn đảo Onogoro, và vùng nước hỗn độn.

    - Thời gian: Thời kỳ hồng hoang, khi thế giới vừa mới hình thành.

    Câu 3:

    Hai đặc điểm của thể loại thần thoại trong văn bản:

    - Yếu tố thần kỳ: Sự xuất hiện của các vị thần, việc khuấy động nước để tạo thành đất, và việc sinh ra các hòn đảo Nhật Bản.

    - Giải thích nguồn gốc: Câu chuyện lý giải sự hình thành các hòn đảo Nhật Bản và nguồn gốc sự sống.

    Câu 4:

    - Yếu tố kỳ ảo: Việc Iganagi và Iganami dùng cây ngọc mâu khuấy nước tạo thành hòn đảo Onogoro.

    - Tác dụng: Thể hiện sức mạnh sáng tạo của các vị thần và biểu tượng hóa quá trình tạo dựng thế giới, mang đậm màu sắc thần thoại.

    Câu 5:

    Chi tiết Iganami ngỏ lời cầu hôn trước và sinh ra quái vật cho thấy quan niệm của người Nhật Bản về trật tự xã hội và vai trò giới tính. Nam giới được coi là người chủ động, phù hợp với ý trời, còn phụ nữ cần giữ sự e lệ và chờ đợi.

    Câu 6:

    Người Nhật Bản mang tính cách kiên trì, sáng tạo và có ý thức cao về trật tự và trách nhiệm. Họ tôn trọng truyền thống, đề cao vẻ đẹp tự nhiên và sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Đồng thời, tinh thần kỷ luật và cẩn trọng trong hành động là nét đặc trưng của họ, thể hiện qua mọi lĩnh vực từ văn hóa đến đời sống.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười một 2024
  10. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 9

    Đọc hiểu văn bản: Thần Nam, Thần Nữ - Thần thoại Việt Nam

    Ngày xưa, có hai thần đực và cái thân hình hết sức to lớn, thần đực gọi là Tứ Tượng hay Khổng lồ, thần cái gọi là Nữ Oa. Tứ Tượng muốn kết duyên với Nữ Oa, nữ thần bắt nam thần phải thi tài với mình, hẹn trong vòng ba ngày mỗi người xây một hòn núi thật cao, có thể đứng lên trên mà nhìn khắp cả mặt đất. Nếu núi của nam thần cao hơn thì nữ thần mới bằng lòng làm vợ chồng.

    Nam thần ở Bắc, nữ thần ở Nam, hai bên đua nhau đắp núi. Tứ Tượng có một đôi thúng vĩ đại, có thể chứa được hàng nghìn đồi đất. Một chuyến thần đang gánh, thúng đứt dây làm đất đổ xuống thành chín cái đồi lớn.

    Sau kỳ hạn làm xong, hai thần bèn trèo lên núi của nhau để xem núi nào cao hơn. Đứng trên núi của thần đực trông thấy được ra ngoài biển Đông xa đến các nước láng giềng. Còn đứng trên núi của thần cái, thì thấy rõ cả bốn phía chân trời. Nam thần thua cuộc, nữ thần bèn đạp đổ núi của Tứ Tượng xuống mà bảo hãy làm lại núi khác.

    Núi của nữ thần ngày nay tương truyền còn dấu tích là núi Nam Giới ở Hà Tĩnh.

    Thần đực lại ra sức đắp nhiều núi khác cho nữ thần bằng lòng. Do đó mà nhiều ngọn núi mọc lên từ Bắc chí Nam. Có những dấu chân lớn còn lưu lại trên đá ở vài núi miền Bắc và miền Trung mà về sau người ta cho đó là dấu chân của nam thần Khổng lồ.

    Trước sự theo đuổi chí tình của nam thần, rốt cuộc nữ thần cũng vui lòng kết hôn. [..]

    (Trích: Thần Nam, thần Nữ, trích từ Thần Thoại Việt Nam chọn lọc – Thu Nga, Việt Dũng, Hoàng Minh tuyển chọn, biên soạn, NXB Thanh Niên, Tp. HCM, 2018)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1.
    Xác định thời gian, không gian, nhân vật trong truyện? Ai là nhân vật chính?

    Câu 2. Xác định nội dung chính của truyện.

    Câu 3. Nêu 2 đặc điểm của nhân vật thần thoại trong văn bản.

    Câu 4. Truyện lí giải hiện tượng tự nhiên gì?

    Câu 5. Viết 5 - 7 dòng cảm nhận về nhân vật Thần Nam.

    Gợi ý trả lời:

    Câu 1:

    - Thời gian: Thời cổ đại (ngày xưa, mang tính chất thần thoại).

    - Không gian: Từ Bắc vào Nam, bao gồm các khu vực miền núi, đồng bằng, biển Đông và núi Nam Giới ở Hà Tĩnh.

    - Nhân vật:

    + Thần đực (Tứ Tượng/Khổng lồ).

    + Thần cái (Nữ Oa).

    - Nhân vật chính: Tứ Tượng và Nữ Oa.

    Câu 2:

    Nội dung chính:

    Truyện kể về cuộc thi tài đắp núi giữa hai vị thần Tứ Tượng và Nữ Oa nhằm thử thách sự kiên trì, sức mạnh và tình cảm của nam thần đối với nữ thần. Qua đó, câu chuyện lý giải sự hình thành các dãy núi trải dài từ Bắc vào Nam và truyền tải thông điệp về sự chinh phục, gắn kết trong tình yêu.

    Câu 3:

    Hai đặc điểm của nhân vật thần thoại trong văn bản:

    -, Sức mạnh siêu nhiên: Tứ Tượng có thể gánh hàng nghìn đồi đất trong một lần, trong khi Nữ Oa xây dựng núi cao nhìn khắp bốn phía chân trời.

    - Gắn với việc hình thành tự nhiên: Câu chuyện của họ lý giải sự hình thành các ngọn núi và dấu chân thần bí ở Bắc và Trung Việt Nam.

    Câu 4:

    Truyện lý giải hiện tượng tự nhiên:

    - Sự hình thành các dãy núi từ Bắc chí Nam.

    - Dấu chân lớn trên đá ở một số ngọn núi tại miền Bắc và miền Trung.

    Câu 5:

    Thần Nam (Tứ Tượng) hiện lên là hình ảnh đại diện cho sức mạnh, sự kiên trì và chân thành. Dù thất bại trong cuộc thi đầu tiên, ông không từ bỏ mà tiếp tục đắp thêm núi để chứng minh tình cảm với Nữ Oa. Điều đó thể hiện tinh thần bền bỉ, vượt khó, cũng như sự hết lòng theo đuổi mục tiêu. Thần Nam không chỉ là nhân vật mang tính biểu tượng mà còn truyền cảm hứng về sự nỗ lực và chân thành trong tình yêu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười một 2024
  11. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 10

    Đọc hiểu văn bản: Xing Chơ Niếp - Sử thi Việt Nam

    (Tóm tắt: Xing Chơ Niếp là tù trưởng của một buôn làng giàu mạnh. Chàng lấy vợ là Hbra Lơ Tang, sinh được một người con trai đẹp lạ thường, đặt tên là Chiêm Tơ Mun. Hai vợ chồng làm lễ thổi tai cho con rất linh đình, nhưng quên không mời anh em nhà Đăm Chút. Đăm Chút lấy làm tức giận, bèn cùng hai em trai của mình là Đăm San và Đăm Chét kéo đến đánh buôn làng Xing Chơ Niếp, giết chết Xing Chơ Niếp và người anh trai của Xing Chơ Niếp, bắt vợ của Xing Chơ Niếp về làm nô lệ. Chiêm Tơ Mun may nhờ sự che chở của ông Trời nên đã thoát nạn, được vợ chồng người em gái của Xing Chơ Niếp nuôi dưỡng. Khi đã lớn khôn, biết được mối thù năm xưa, Chiêm Tơ Mun đã tìm đến buôn làng của Đăm Chút để báo thù).

    Qua bảy ngày, bảy tháng, bảy năm đánh nhau, sức Đăm Chút đã tàn, lực hắn đã cạn, chân nặng như đeo chì, cột đá. Chiêm Tơ Mun dồn hắn vào núi lơtang, đẩy hắn sang núi jut, cuối cùng hắn ngã giúi, nằm ngả nghiêng.

    Đăm Chút: – Ơ làm sao đây? Ta đã hết sức mẹ cho, cha dưỡng rồi.

    Chiêm Tơ Mun giết chết Đăm Chút.

    Chiêm Tơ Mun: – Ơ Đăm San! Mày hãy ra ngoài đi, ta đánh nhau sớm trước lúc sương chưa lên trời. Ta chỉ đánh chơi một ngày, một buổi, một chút thôi..

    Đăm San: – Ơ Chiêm Tơ Mun! Gan mày lớn bằng nào, mặt mày to bằng nào mà dám gọi tao? Hai người cùng nhảy lên trời. Mỗi lần Chiêm Tơ Mun vây bên trái, Đăm Săn bay qua phải. Đăm San vọt bên phải, Chiêm Tơ Mun vẫn đứng yên tại chỗ. Dao chạm nhau chan chát, tóe lửa. Lửa bắn ra như tàn đuốc, như gió thổi đống tro tàn.

    Sau năm ngày, năm tháng, năm năm, Đăm San hết sức mẹ cho, cha dưỡng. Hắn vượt qua mười đồi, tám suối, chín khe. Chiêm Tơ Mun rượt theo, đuổi bắt. Đến đồi ole, Đăm San kiệt sức, tàn hơi. Hắn chết cứng đờ như cá horong gặp cạn, như con cọp đói mồi, không kịp nói chuyện với Chiêm Tơ Mun. Tới sân cây kơnia, Chiêm Tơ Mun hét vang, gọi đến Đăm Chét.

    Chiêm Tơ Mun: – Ơ Đăm Chét! Mày hãy lên đây..

    Đăm Chét: Cha mẹ tao sinh ra tao là con trai để đánh giặc, mày với tao đi một lần, sinh cùng một nhịp trống, sao tao lại không lên?

    Đăm Chét vừa nhảy lên trời, Chiêm Tơ Mun cũng nhảy theo ngay. Hắn muốn vượt cao hơn, nhưng Chiêm Tơ Mun cũng bay cao không kém. Hai bên xốc vào nhau, núi nhão ra, rừng tụm lại. Mưa giông ập tới. Dòng sông ngập nước. Cây cối gãy đôi. Cuối cùng Đăm Chét kéo đao chạy. Hắn chạy trốn vượt qua đồi jut, giẫm lên rừng le, nhào qua đầm lầy, chui qua lũng hẹp. Nhưng Chiêm Tơ Mun nắm được bả vai hắn, giật tóc, giúi hắn xuống đất, đẩy hắn xuống nước.

    Chiêm Tơ Mun: - Ơ Đăm Chét! Mày mau đi mà làm nhà với Đăm Chút và Đăm San ngoài rừng nhé.

    Không nghe thấy Đăm Chét trả lời, hắn đã chết từ lúc nào.

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1:
    Xác định không gian, thời gian trong văn bản.

    Câu 2: Ai là nhân vật chính trong văn bản? Chỉ ra 2 đặc điểm của nhân vật sử thi qua hình tượng nhân vật chính.

    Câu 3: Đoạn trích kể lại sự việc gì? Nguyên nhân dẫn đến sự việc đó?

    Câu 4: Nhận xét về hình tượng nhân vật Xing Chơ Niếp.

    Câu 5: Đoạn trích cho em hiểu điều gì về quan niệm người anh hùng của người Ê-đê.

    Gợi ý trả lời:

    Câu 1:

    Không gian: Diễn ra ở các buôn làng, núi lơtang, núi jut, đồi ole, rừng, và dòng sông.

    Thời gian: Không xác định rõ, nhưng kéo dài qua nhiều ngày, tháng, năm, mang tính chất thần thoại sử thi.

    Câu 2:

    Nhân vật chính: Chiêm Tơ Mun.

    Hai đặc điểm của nhân vật sử thi:

    - Sức mạnh phi thường: Chiêm Tơ Mun có sức mạnh siêu nhiên, vượt trội, đánh bại kẻ thù trong những trận chiến kéo dài qua nhiều năm.

    - Lý tưởng và ý chí kiên cường: Hành động của Chiêm Tơ Mun hướng tới việc bảo vệ danh dự, trả thù cho gia đình, khôi phục công lý.

    Câu 3:

    Sự việc: Chiêm Tơ Mun lần lượt đánh bại ba anh em Đăm Chút, Đăm San và Đăm Chét để báo thù cho cha mẹ.

    Nguyên nhân: Do Đăm Chút và hai em trai tấn công buôn làng của Xing Chơ Niếp, giết cha mẹ của Chiêm Tơ Mun, và gây nên mối hận thù sâu sắc.

    Câu 4:

    Chiêm Tơ Mun là hình tượng tiêu biểu của người anh hùng sử thi trong văn hóa Ê-đê, mang những phẩm chất nổi bật:

    - Sức mạnh phi thường: Chiêm Tơ Mun có khả năng chiến đấu dai dẳng, vượt qua mọi giới hạn con người, chiến thắng ba kẻ thù mạnh mẽ là Đăm Chút, Đăm San và Đăm Chét.

    - Ý chí kiên cường: Không khuất phục trước khó khăn, anh quyết tâm trả thù cho cha mẹ, bảo vệ danh dự và khôi phục công lý.

    - Lòng quả cảm và quyết đoán: Chiêm Tơ Mun chủ động thách đấu, thể hiện tinh thần dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy.

    - Biểu tượng của công lý: Hành động của anh không chỉ mang tính cá nhân mà còn đại diện cho khát vọng công bằng và trật tự xã hội.

    => Nhân vật Chiêm Tơ Mun thể hiện lý tưởng về một người anh hùng mạnh mẽ, kiên định, đồng thời phản ánh giá trị và niềm tự hào của người Ê-đê về tinh thần bất khuất và gắn bó với cộng đồng.

    Câu 5:

    Đoạn trích cho thấy quan niệm của người Ê-đê về người anh hùng:

    - Sức mạnh phi thường và tinh thần bất khuất: Người anh hùng phải có sức mạnh vượt trội, ý chí kiên cường, và không khuất phục trước khó khăn.

    - Trách nhiệm với cộng đồng và gia đình: Người anh hùng luôn chiến đấu vì danh dự, sự công bằng, và bảo vệ truyền thống, giá trị của buôn làng.

    - Sự gắn kết với thiên nhiên: Người anh hùng thường được miêu tả trong mối quan hệ gần gũi với trời, đất, núi rừng, thể hiện sự hòa hợp giữa con người và tự nhiên.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười một 2024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...