Nội dung giáo dục bài thơ U ốm - Phạm Hổ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Wall-E, 28 Tháng năm 2020.

  1. Wall-E

    Bài viết:
    595
    Thưở bé, đọc thuộc lòng bài thơ "Mẹ ốm" của nhà thơ Phạm Hổ, đến bây giờ vẫn còn nhớ như in. Ai trong chúng ta mà chẳng từng chứng kiến mẹ mình ốm? Bài thơ của ông thật tinh tế và cảm động. Dù ông là người Bình định, ông vẫn dùng từ "U" chứ không phải "Má". Tôi không gọi mẹ bằng "U" mà bằng "Bu" nhưng tôi thấy chữ "U" vẫn thiết tha như "Bu" chứ không có gì xa lạ. Bạn hãy đọc khổ thơ đầu:

    "U ốm nằm nhà

    Không ra đồng được

    U đắp kín chăn

    Mặt quay vào vách"

    Bạn thấy ngay hình ảnh một gia đình nông dân nghèo như 80% - 90 % dân số Việt nam là các gia đình nông dân khác. Hình ảnh "U đắp kín chăn, mặt quay vào vách" thật tinh tế. Tôi đã nhiều lần nhìn thấy mẹ tôi ốm, đắp chăn quay mặt vào vách, ngay cả khi mẹ tôi ốm ở Hà nội mấy năm gần đây.

    "Em vẫn đi học

    Trường xa càng xa

    Người em ở lớp

    Lòng em ở nhà"

    "Em vẫn đi học" – đây là chuyện bình thường. "Một buổi đi học bằng ba năm đi đi cày" là câu nói bố mẹ ở nông thôn vẫn dạy con, và khi bố mẹ ốm thì vẫn bắt con đi học. Đi học nhưng "Người em ở lớp, Lòng em ở nhà" thì rõ ràng đó là đứa con hiếu thảo, thương yêu bố mẹ lắm. Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, nếu hôm đó đứa bé không thuộc bài, không chú ý nghe giảng bị thầy cô phạt thì tội nó biết bao. Bởi đầu óc nó còn mải lo nghĩ:

    "U uống thuốc chưa?

    Hạ rồi cơn sốt?

    Vắng vẻ một mình

    U vui sao được?"

    Cái hành động này là tất yếu:

    "Buổi học dài quá

    Mãi mới trống về

    Em vội ra trước

    Bỏ cả bạn bè"

    Tôi không hỉểu thơ văn mấy nhưng – bằng lý trí khi đã lớn - tôi thấy hai câu:

    "Thiếu U trên đồng

    Nhiều người vẫn vắng"

    Là câu nói của nhà thơ mô tả tâm trạng của đứa bé chứ không phải tâm trạng, suy nghĩ thực sự của đứa bé như cả bài thơ. Đây là một điều đáng tiếc và tôi chỉ mong tôi đã sai. Dù vậy tôi thấy nó không sống sượng chút nào, mẹ ốm nằm nhà thì trên đồng có nhiều người đứa bé cũng không cảm thấy đông vui.

    Những câu thơ còn lại thì thật tuyệt:

    Mồ hôi ướt trán

    Em bước càng mau

    Bướm bay mặc bướm

    Em thèm bắt đâu!

    Em vừa đến cửa

    Đã gọi U ơi

    U cố quay lại

    Nhìn em mỉm cười.

    Hình ảnh đứa bé cố bước mau, có thể vấp lên, ngã xuống trợt móng chân, tứa máu vài ba bận, nó cũng không cảm thấy đau như lúc khác, vừa về đến cửa đã gọi "U ơi". Tình mẫu tử quả là mạnh mẽ. Hình ảnh người mẹ cố quay lại, nhìn con mỉm cười – dù trên đôi môi nhợt nhạt vì bệnh tật - mới đẹp đẽ, sống động làm sao. Hình ảnh đó đã làm đứa bé xua tan mọi lo lắng trong suốt buổi học và nó hạnh phúc khi được chăm sóc mẹ ốm:

    "Củi lửa nhen rồi

    Nấu nồi cháo trắng

    Đập trứng bỏ hành

    U ăn ngon lắm!"

    Hình ảnh nồi cháu trắng đập trứng bỏ hành làm tôi ứa nước mắt. Không biết bao lần bu tôi, thày tôi, chị em tui ốm, cũng chỉ có món này chớ làm gì có món khác. Sức mấy mà dám thịt gà, còn để bán đi đóng tiền học, đong gạo hay làm giỗ chạp và bao việc khác nữa.. Một năm ngoài ngày Tết, ngày giỗ thì chỉ được ăn thịt dăm bữa mà thôi. Có khách đến nhà cũng vẫn ăn rau, chỉ rán hoặc "bác" (nghĩa là chiên hay rang) thêm hai quả trứng. Cảm ơn Phạm Hổ, ông là người Bình định sống ở Hà nội mà ông thấu hiểu cuộc sống ở nhà quê chúng tôi.

    Nhìn thấy nụ cười của mẹ, được nấu cháo chăm sóc mẹ, tâm hồn đứa trẻ nhẹ nhõm và trở nên thật đẹp đẽ khi ngồi canh nồi cháo:

    "Ghét cái bệnh tật

    Làm u mệt người

    Đừng ai ốm cả

    Là vui nhất đời."

    Thật ra, khó có thể cắt nghĩa cái hay, cái đẹp của một bài thơ hay. Cái hay cái đẹp tự nó "tỏa hương" khi ta đọc nó.

    Cảm ơn Phạm Hổ. Gần bốn mươi năm qua, mỗi lần mẹ tôi ốm, dù tôi ở bên cạnh hoặc không thể ở cạnh, tôi vẫn luôn nhớ và thầm đọc bài thơ "Mẹ ốm" của ông. Bài thơ "Mẹ ốm" của ông đã làm tôi trở thành người tử tế hơn, kính yêu bố mẹ tôi hơn, thương yêu chị và các em tôi hơn, và cũng trở thành người sống có trách nhiệm hơn. Nếu cô, bác, bạn bè, xếp, nhân viên của tôi và những người khác có khen tôi là người tử tế thì cũng phần nào nhờ ở bài thơ của ông. Không biết "Mẹ ốm" và các bài thơ khác hiện nay còn trong SGK cải cách hay không. Tôi sẽ buồn lắm nếu con tôi và các trẻ em Việt nam khác không còn được học bài thơ "Mẹ ốm" và các bài thơ khác của ông.

    Sau này lớn lên, tôi không thấy ông ồn ào tranh dành địa vị hay danh hiệu như người khác. Thơ của ông không được đưa vào 100 bài thơ mà người ta gọi là "hay nhất thế kỷ" trong đó không ít bài không ai biết mà bây giờ có đọc liệu người đọc nhớ được mấy ngày? Đến khi ông mất, đọc tiểu sử ông, tôi mới biết ông đã đoạt giải thưởng Nhà nước về VHNT – nhưng tôi chắc ông không mấy quan tâm. Sinh tiền ông đã nói "Suốt đời tôi chỉ mơ được làm cho các em những bài thơ nho nhỏ - như những hòn bi xanh đỏ các em chơi.." Phần thưởng lớn nhất của ông, tôi nghĩ không mấy ai có được, là tình cảm của người đọc đối với thơ ông.

    Tâm hồn ông thật đẹp. Tâm hồn ông có đẹp, ông mới viết được những bài thơ hay và đẹp như thế cho trẻ em Việt nam chúng tôi. Xin cám ơn ông và mong ông yên nghỉ nơi vĩnh hằng.

    Đọc bài thơ:

    [Bài Thơ] U Ốm - Phạm Hổ

    [​IMG]
     
    Last edited by a moderator: 19 Tháng mười 2021
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...