Review Sách Nỗi Buồn Chiến Tranh (Bảo Ninh) – Nỗi Buồn Của Người Lính Thời Hậu Chiến

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Land of Oblivion, 18 Tháng mười hai 2020.

  1. Land of Oblivion

    Bài viết:
    359
    Tác giả: Bảo Ninh – nhà văn Việt Nam viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng để lại dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc, điển hình là "nỗi buồn chiến tranh" được dịch sang nhiều thứ tiếng, "khắc dấu mạn thuyền" được chuyển thể thành phim.

    Số trang: 283.

    Nhà xuất bản: Hội nhà văn

    Ngày phát hành: 1990

    Những cuốn sách hay luôn là những người bạn tâm tình chia sẻ mọi buồn đau, niềm vui, hạnh phúc cũng như đắng cay với con người. Giữa cuộc đời với biết bao khó khăn, thử thách chất chứa đầy những đau đớn, đắng cay và tuyệt vọng, lần đầu tiên trong suốt hành trình đi tìm lẽ sống của đời mình, tôi lại cảm thấy trân trọng biết bao sự sống quý giá của bản thân. Và, trong chính khoảnh khắc gấp lại trang sách cuối cùng của cuốn tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh), bạn đọc chợt bắt gặp nỗi buồn của người lính, một nỗi buồn âm ỉ, não nề, ám ảnh và khổ đau.

    [​IMG]

    Cuốn tiểu thuyết là sự đan xen nhuần nhuyễn giữa hiện tại và quá khứ, giữa niềm hạnh phúc tột cùng của tình bạn, tình yêu với nỗi đau mất mát không gì có thể che lấp được. Xúc động, xao xuyến, nhói đau, ghê rợn có lẽ không đủ để nói về "nỗi buồn chiến tranh". Dư âm mà Bảo Ninh đem lại với bạn đọc là quá lớn, những cảm xúc hòa quyện tạo nên dư vị rất riêng của cuốn tiểu thuyết. Hơn thế nữa, ở cuốn sách còn có một cuộc chiến tranh khác mà bạn đọc chưa từng nghe đến, những câu chuyện chưa bao giờ được kể. Đó không phải là hình ảnh anh hùng với những chiến công cao cả làm rạng danh đất nước, mà chỉ đơn giản là cuộc chiến tâm tưởng với những ý nghĩ sâu xa của nhân vật Kiên- một trong những người lính trinh sát của tiểu đoàn 27 đã may mắn sống sót qua vòng binh lửa của chiến tranh.

    Bước chân vào Thế giới nội tâm và miền ký ức của nhân vật Kiên, bạn đọc không khỏi bị choáng ngợp trước bức tranh ảm đạm, tiều tụy và đìu hiu của miền hậu cứ cánh Bắc trong mùa khô đầu thời hậu chiến. Trong đó, hình ảnh Kiên là nổi bật hơn cả. Được may mắn trở về sau cuộc chiến ác liệt một mất một còn, Kiên cùng đồng đội đã cất công đi tìm hài cốt người lính "sống khổ chết đau, sinh tử đành nhẽ chung phận lính". Làn mưa mỏng dịu nhẹ nơi chiến trường xưa đã đem anh về với đồng đội, với những người con gái mà anh yêu. Mưa đã khơi dậy lại trong anh những mảnh ký ức tưởng chừng như vỡ vụn. Một hồi ức đau thương tràn ngập cả tâm hồn Kiên. Dường như, những năm tháng chiến đấu gian khổ cùng đồng đội đã hoàn toàn được thức tỉnh sau bấy nhiêu năm bị lụt chìm xuống. Cũng chính từ đây, Kiên quay trở lại với miền đất chết, được chứng kiến tận mắt thước phim ngắn về cuộc đời của chính mình.

    [​IMG]

    Những cái chết đau đớn, sự hi sinh cao cả của những con người vô tội khao khát được sống đến thiết tha, cháy bỏng là. Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, là thế giới thảm sầu vô cảm. Họ không có quyền quyết định sự sống của chính mình, ngay cả khi muốn chết cũng chẳng yên thân, họ sống trong cảnh địa ngục chiến hào, trong bóng đêm ken dày mang tên "chiến tranh". Vết thương lòng của Kiên bắt nguồn từ việc chứng kiến sự ra đi đột ngột của đồng đội, của người con gái anh yêu. Nhưng, đó chưa phải là tất cả, cảm giác buồn miên man và ghê rợn tột cùng bỗng được đẩy lên đỉnh điểm khi Kiên nhớ lại cảnh giết người bất nhân tính dưới bàn tay nhuốm máu mà anh đã gây ra. Phải chăng, chiến tranh là chốn băng hoại tình người? Có phải chính chiến tranh đã làm méo xệch tâm hồn và khơi dậy tâm lý thú rừng của người lính?

    Cuốn sách đã cho ta hiểu được thế nào là tình cảm đồng đội cao đẹp giữa khói lửa chiến tranh. Ký ức của Kiên luôn hiện rõ hình ảnh của những người bạn thân thương đã cùng anh chiến đấu, vượt qua gian khổ. Họ - những người lính trinh sát cũng có một thời trẻ trung, cái thời say sưa trải qua những cơn bồng bột mà tâm hồn và nhân dạng chưa bị chiến tranh tàn hoại. Bước chân vào cuộc chiến, họ coi nhau là tri kỷ. Người lính sẵn sàng ra đi để đồng đội được tiếp tục sống, họ coi cái chết là thứ vô vị tẻ nhạt nhất cõi đời. Họ trân trọng từng giây phút được bên cạnh đồng đội, được sẻ chia nỗi nhớ nhà da diết, được bộc lộ tâm tư cho thỏa nỗi lòng. Cái thèm khát tự do, những mong muốn của tuổi xuân bị vùi dập đã gắn kết những người lính. Một thứ tình cảm thiêng liêng và cao đẹp! Nhưng, đến cuối cùng, họ cũng phải chia ly bởi cuộc chiến tàn bạo. Để rồi, "dưới mồ sâu người không còn là người. Nhìn nhau, hiểu nhau mà không làm được gì cho nhau."

    [​IMG]

    "Nỗi buồn chiến tranh" còn cho ta hiểu được thế nào là một tình yêu thực sự. Trong dòng ký ức của Kiên, hình ảnh những người con gái mà anh yêu hiện lên thật đẹp với từng cung bậc cảm xúc riêng. Cho đến cuối cùng, họ cũng bỏ anh mà đi về Thế giới bên kia, người còn sống thì chẳng thể nối lại được tình cũ. Từ Hòa - cô giao liên xinh đẹp đã hi sinh thân mình để cứu anh cho đến Trang - chị hàng xóm trước khi anh tham gia chiến đấu, đến Lan - cô bé trên núi mà Kiên dường như đã quên và cả Hiền - cô gái mà anh gặp được trên chuyến tàu quay về mảnh đất hòa bình mà anh vẫn hằng mong mỏi.

    Quay trở về cuộc sống thực tại nhưng Kiên lại chìm đắm vào quá khứ mà anh đã gồng ép bản thân phải quên đi dù rằng rất khó. Cuộc đời anh như cheo leo trên bở vực của quá khứ lẫn hiện tại, giữa sự sống và cái chết. Từ hồi ức này đến hồi ức khác như gợi lại trong Kiên nỗi đau quặn xé, niềm tiếc nuối, nỗi ghê rợn không tài nào xua tan đi nổi. Chính quá khứ ấy đã nâng đỡ tâm hồn anh, là chỗ dựa tinh thần giúp Kiên vượt lên vô vàn những tấn trò đời của thực tại. Từng cảm xúc đó được anh gửi gắm vào tập bản thảo mang tên "nỗi buồn chiến tranh". Cuốn tiểu thuyết còn là những nỗi niềm, băn khoăn của Bảo Ninh trong quá trình sáng tác, trong hành trình tìm kiếm sắc thái nghệ thuật trong cuộc sống.

    [​IMG]

    Chiến tranh thật sự vô cùng não nề và đau buồn. Tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, những giấc mộng tuổi thanh xuân đều bị nó vùi lấp cả. Đọc xong cuốn tiểu thuyết ấy, ta thấy sự tồn tại của mình đáng quý biết bao. Và, cũng chính vì lí do đó, chúng ta hãy sống chứ đừng chỉ đơn giản là tồn tại. Những người lính đã vượt qua bao nhiêu gian khổ để có được hòa bình ngày hôm nay và chúng ta cũng sẽ đánh bại mọi thử thách, khó khăn để đạt được điều mình hằng mong muốn. Cảm ơn Bảo Ninh, cảm ơn "Nỗi buồn chiến tranh" đã đem đến cho tôi cũng như bạn đọc những khoảnh khắc kỳ diệu nhất của đời người!
     
    Last edited by a moderator: 14 Tháng tám 2020
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...