Nỗi ám ảnh dai dẳng mang tên Chất Độc Da Cam

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Tiểu Kiwi2611, 4 Tháng tám 2022.

  1. Tiểu Kiwi2611 Tiểu Kiwi siêu cute

    Bài viết:
    13
    [​IMG]

    Có một thảm họa mà tác hại của nó đối với môi trường và sức khỏe con người không chỉ đo bằng những con số thống kê. Có một nỗi đau không chỉ đối với các nạn nhân mà còn là nỗi đau chung của cả dân tộc và nhân loại tiến bộ. Đó là thảm họa da cam, nỗi đau da cam - một thảm họa kinh hoàng, một nỗi đau xuyên thế kỷ.

    Nhân ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10 tháng 8 hằng năm), bạn – tôi hãy cùng tìm hiểu về nỗi ám ảnh dai dẳng mang tên Chất Độc Da Cam, cùng nhìn lại nỗi đau nó đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, cho nhân loại và cùng góp sức kề vai trong công cuộc đấu tranh vì quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam nhé.

    Chất độc màu da cam là gì?

    Chất độc da cam (tiếng Anh: Agent Orange - Tác nhân da cam), là tên gọi của một loại chất thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây được Quân đội Mỹ sử dụng như một phần của chiến tranh hóa học trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Chất này không có màu và được chứa trong các thùng đánh dấu màu da cam (do vậy nó được gọi là chất độc màu da cam).

    Chất độc da cam là tổng hợp 50/50 của hai loại thuốc diệt cỏ 2.4-D và 2, 4, 5-T. Mặc dù là tổng hợp của 2 loại chất diệt cỏ 2.4-D và 2, 4, 5-T, nhưng không thể gọi chất độc da cam là "chất diệt cỏ" hay "chất làm rụng lá" thông thường, vì trong quá trình tổng hợp 2 chất diệt cỏ nói trên, các nhà sản xuất đã tăng nhiệt lượng để rút ngắn thời gian sản xuất, làm phát sinh thêm thành phần dioxin. Chất độc màu da cam/dioxin là cụm từ chỉ các chất độc chứa dioxin, loại chất diệt cỏ được xếp vào nhóm độc tố nguy hiểm nhất thế giới, không chỉ bởi khả năng gieo rắc cái chết mà còn cả những di chứng để lại cho nhiều đời sau.

    Để che giấu dư luận, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dùng một biệt danh là Ranch Hand (Operation Ranch Hand) và phổ biến trong quân đội Mỹ và nhân dân rằng, các chất hóa học được dùng là những chất diệt cỏ, chất làm rụng lá thông thường; mục tiêu là để phát quang các nơi trú ẩn, đóng quân của đối phương, làm giảm thương vong cho quân đội Mỹ và đồng minh; các chất này không độc hại đối với sinh vật, không tác động đáng kể đến sức khỏe con người;

    Mỹ đã sử dụng bao nhiêu chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam?

    Bắt đầu từ "ngày thứ năm đen tối" ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ đã phun rải chất kịch độc, được ngụy trang bằng tên gọi "chất diệt cỏ, khai quang", xuống miền Nam Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất, độc ác và tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại.

    Theo thống kê, chỉ trong 10 năm (từ năm 1961 đến năm 1971) Quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 26.000 thôn, bản, với diện tích 3, 06 triệu ha, bằng gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam.

    Hậu quả của chất độc da cam.

    Việc sử dụng chất da cam/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, không chỉ huỷ hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn tác hại đến sức khỏe con người Việt Nam.

    Đã có gần 4 triệu người bị phơi nhiễm chất độc dioxin, trong đó gần 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân.

    Chất độc da cam có thể gây tổn thương đa dạng cho cơ thể, gây ung thư, đái tháo đường, thần kinh bại liệt..

    Ngoài hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng vì phơi nhiễm độc chất đáng sợ này, điều kinh khủng nhất là nó có thể di truyền qua nhiều thế hệ, con cháu của những người nhiễm độc da cam cũng phải vật lộn chống chọi với các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh..

    Chẳng có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người phụ nữ khi mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày lại phải chứng kiến giọt máu của mình sinh ra với những hình hài, trí óc không trọn vẹn, những đứa con tật nguyền vô phương cứu chữa. Những giọt nước mắt, nỗi đau ấy cứ kéo dài mãi mãi. Đó là những đứa trẻ thiếu hoặc thừa các bộ phận cơ thể, hoặc đủ, nhưng bị biến dạng, mất khả năng hoạt động: Tai không thể nghe, mắt không thể nhìn, miệng không thể nói, chân không thể nâng bước, tay không thể ôm ấp, não không thể tư duy.. Đó là những đứa trẻ câm, điếc, tâm thần, bại liệt, nhũn não, sống đời sống thực vật. Bao bà mẹ nuôi con mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm và lâu hơn thế, nhưng chưa một lần con biết nhìn mẹ, chưa một lần con cười, chưa một lần con cất tiếng gọi mẹ ơi!

    Thảm họa da cam đã cướp mất sự bình yên của hàng triệu gia đình người Việt, họ không có niềm vui, họ chẳng còn hy vọng, họ quên cả những nụ cười thường nhật, họ mất cả những háo hức khi cánh én báo mùa xuân về.. Nghẹn lòng làm sao tâm sự của những người làm cha làm mẹ: "Ngày qua ngày, năm qua năm, cơm tôi ăn có chan hòa nước mắt, nước tôi uống có chát mặn mồ hôi"; "Trên 30 năm trời, tôi mong các con cất lời gọi mẹ, gọi cha mà không có, thay vào dó là tiếng la hét, kêu khóc, gào rú"..

    Đời sống vật chất của các nạn nhân chất độc da cam cũng rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; nhiều nạn nhân là dân thường không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu. Đa số hộ nạn nhân chất độc da cam thuộc hộ nghèo (tỉ lệ hộ gia đình nạn nhân nghèo chiếm khoảng 50- 60%, ở vùng sâu vùng xa khoảng 70%). Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình. Có thể nói: "Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ".

    Tác hại đến môi trường – Những con số biết nói

    Khi được rải xuống một khu rừng, chất độc màu da cam tiêu diệt toàn bộ thảm thực vật bất kể loại nào. Phá hủy rễ cây, làm lá chết và rụng, biến một khu rừng rợp lá trở nên trơ trụi. Không chỉ vậy, chất độc màu da càm còn thấm vào đất, ngăn chặn sự phát triển của các loại cây sau này, phá hủy ngành nông nghiệp và gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

    Rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn bị chất độc hóa học hủy diệt trở nên hoang vắng, buồn tẻ, chết chóc: Không một cánh chim, không một cành lá, không cả tiếng côn trùng. Rừng bị hủy diệt đã tác động lên 28 lưu vực sông miền Trung Việt Nam. Có 16 lưu vực, trong đó rừng bị phá hủy chiếm 30% diện tích tự nhiên; 10 lưu vực mất 30- 50% diện tích và 2 lưu vực mất hơn 50% diện tích. Phần lớn các con sông này ngắn, chảy qua những địa hình phức tạp, có ảnh hưởng trực tiếp đến vùng hạ lưu. Rừng phòng hộ đầu nguồn của 28 hệ sông bị tàn phá, làm cho lũ lụt, hạn hán nặng nề trên lưu vực các sông: Hương, Thạch Hãn, Hàn, Thu Bồn, Trà Khúc, Vệ, Cầu, Ba.. Bởi vì có rừng, 95% nước mưa trở thành nước ngầm; không có rừng, 95% nước mưa chảy tràn trên mặt đất, gây xói mòn, lũ lụt.

    Thảm họa về môi trường và những mảnh đời bất hạnh đó vẫn đang hiện hữu trên đất nước Việt Nam thân yêu. Nhìn thẳng vào sự thật, nêu rõ sự thật đó không phải để kích động hận thù dân tộc, mà để chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm cho tương lai của nhân loại. Nỗi đau thế kỷ này chẳng thể cho phép sự vô cảm. Khắc phục hậu quả thảm họa chất độc da cam ở Việt Nam là lương tâm và trách nhiệm của nhân loại.
     
    Mạnh ThăngNevertalkname thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng tám 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...