NỢ ÂM - MÓN NỢ ĐÁNH ĐỔI MẠNG SỐNG Dịch bởi: Vịt Om Măng Câu chuyện sắp được hé lộ sau đây có liên quan đến "nợ âm". Trước khi bước vào câu chuyện, tôi sẽ giải thích một chút để mọi người có thể hiểu hơn về định nghĩa này. Nợ âm được chia thành 3 loại. Loại thứ nhất được hiểu theo cách nói của Đạo gia, hay còn được gọi là nợ đầu thai, chính là số nợ khi con người đầu thai chuyển thế vay của những quan gia nơi địa phủ. Linh hồn thuộc về trời, thân xác là của đất. Sau khi c. Hết đi, xuống dưới âm phủ, nếu muốn được đầu thai làm người thì phải vay tiền của quan gia, cụ thể số tiền này được dùng vào mục đích gì? Có hai lập luận được dân chúng đưa ra: Một, dùng để mua thân xác sau khi đầu thai, vậy nên cũng có thể gọi là tiền nợ làm người. Hoặc cách thứ hai, vay số tiền này vừa để đầu thai vừa làm tấm đệm lót đường tiền tài khi bước sang kiếp mới. Và, cách nói này cũng được lưu truyền phổ biến hơn so với cách thứ nhất. Nếu số tiền có được ở kiếp mới đều là vay mượn mà nên, vậy thì tại sao vẫn xuất hiện sự phân biệt giàu nghèo? Theo Đạo giáo, sau khi vay nợ âm, sẽ có một số người không trả. Khi khoản nợ ấy cứ thế dồn lại và trải qua càng nhiều đời thì ắt sẽ gây ra không ít trắc trở trong tương lai. Vậy nên mới có những người cả đời nghèo đói, khổ sở, có người thì giàu có từ đời này qua đời khác. Cuốn "Linh Bảo Thiên Tôn Thuyết Khố Thụ Sinh Kinh" của Đạo giáo cũng có ghi chép về điều này. Nói một cách đơn giản, nếu bạn nợ tiền chốn âm phủ và không chịu trả, vậy thì các quan gia nơi đây sẽ dùng số tiền bạn kiếm được ở chốn dương gian để bù vào, từ đó dẫn đến việc cạn phúc, kiệt tài, sự nghiệp sa sút, công danh không thành. Thậm chí, không những phải hứng chịu vô vàn kiếp nạn lúc còn sống, mà khi c. Hết đi cũng sẽ không được siêu thoát, đời đời kiếp kiếp chịu phận súc sinh. Ngoài ra, còn có một cái cây quý được trồng ở giữa âm phủ, nghe nói nó có thể quan sát được thiện - ác nơi chúng sinh. Khi con người đầu thai chuyển kiếp, sẽ phải dùng cung tên bắn vào cái cây này, nếu trúng cành ở phía Đông, vậy thì kiếp sau sẽ được làm quan lớn, sống trong nhung lụa giàu sang; trúng cành phía Nam, kiếp sau sẽ khoẻ mạnh, sống lâu trăm tuổi; trúng cành phía Tây, an nhàn hưởng vinh hoa phú quý; tuy nhiên, nếu bắn trúng cành cây phía Bắc, vậy thì kiếp sau sẽ nghèo nàn, khổ sở, cả đời cũng không làm nên việc gì. Người có nợ âm mà không trả, dù có may mắn được đầu thai làm người, thì khi bắn cây quý cũng sẽ gặp quả báo mà bắn trúng cành cây ở phía Bắc, dẫn đến cả kiếp chỉ chìm trong nợ nần, tủi nhục, trắc trở. Còn những người đã trả hết nợ âm, sẽ được hưởng cuộc đời bình an, hạnh phúc, không phải trải qua khổ hạnh. Vậy làm thế nào để trả nợ âm? Theo "Thái Thượng Lão Quân Thuyết Đấu Kim Chương Thụ Sinh Kinh", để trả được nợ âm, thì vào đúng ngày sinh nhật của mình phải mời mấy vị đạo sĩ đến đạo quán hoặc chính nhà mình niệm "Ngũ Đấu Kim Chương Bảo Kinh", mỗi một lần niệm như thế có thể bớt được 10 nghìn quan tiền đã vay. Nhưng, những điều được nhắc đến bên trên đều là nói về cách thức trả nợ vay từ quan gia ở chốn địa phủ Tiếp theo đây sẽ là một loại nợ âm khác hẳn với những gì đã nói trước đó, khoản vay "không chính thống". Tuy rằng loại nợ âm này cũng là số tiền được vay từ các "thần", thế nhưng không phải từ "chính thần", mà lại là "ác thần". Ác thần có rất nhiều loại, tuy rằng cũng được gọi là "thần", thế nhưng phần lớn đều là dân "đầu trâu mặt ngựa", như quỷ, quái, yêu, ma hay hồ ly đã tu luyện một số chính đạo và được người đời lập miếu thờ cúng, hưởng thụ hương hoa. Nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến "Ngũ Thông Thần". Ngũ Thông Thần còn có tên gọi khác là "Ngũ Hiển Thần" hay "Ngũ Xương (hung dữ) Thần". Dân gian tương truyền rằng Ngũ Thông Thần là bóng ma của Liễu Châu vào thời nhà Đường. Cũng có người nói, đó là vị ác thần do năm anh em nọ tu luyện mà thành. Trong số họ, chính - tà đều có, tuy rằng thường xuyên giáng tai họa xuống cho dân làng, nhưng một khi mọi người thành tâm cúng bái, họ sẽ ban phúc, hơn nữa còn linh nghiệm hơn những vị thần khác. Ở vùng Giang Nam, người ta đồn rằng, thờ Ngũ Thông Thần có thể thay đổi số mệnh, phát tài ngay sau một đêm. Cũng bởi lẽ đó, người xưa đã coi Ngũ Thông Thần như thần tài cầu vàng bạc phú quý và dựng miếu để thờ cúng. Thế nhưng, cho đến một ngày, mọi người mới vỡ lẽ, thì ra tài phúc cầu được từ chỗ Ngũ Thông Thần kia cũng chẳng phải là cho không, mà phải đánh đổi bằng một cái giá không hề rẻ chút nào. Xét cho cùng, tài lộc vay mượn, phú quý cầu xin mà có được, đều chẳng phải là của bạn. Nợ âm, đến cuối cùng rồi cũng vẫn sẽ phải trả. Đôi khi, cái giá phải trả thậm chí chính là tính mạng của cả gia đình và vận khí của con cháu. Thờ cúng ác thần, cầu xin ban phước, hứa sẽ trả đủ.. tất cả những việc làm như vậy, đều là vay nợ âm. Thời xưa, nợ âm vô cùng phổ biến, người ta thường xuyên lập miếu, dựng đền, đúc tượng ác thần, thờ cúng để cầu xin giàu sang phú quý. Và miếu thờ Ngũ Thông Thần cũng bởi vậy mà xuất hiện rải rác khắp nơi, trong đó, có một ngôi chùa trên núi Thương Phương ở Tô Châu lúc nào cũng hương hoa nghi ngút, tấp nập người đến kẻ đi. Tương truyền rằng, 17 tháng 8 âm lịch là ngày sinh của Ngũ Thông Thần. Mỗi năm, cứ đến ngày này lại có không ít người từ khắp mọi phương đổ đến đây cúng bái, vay nợ âm, cầu phú quý. Lý do đông như vậy là bởi họ nghe đồn rằng, chỉ cần vay được nợ âm, liền có thể giàu có ngay sau một đêm, tài vận không ngừng đổ vào nhà. Dân chúng thường chọn vay nợ âm vào ngày 18 tháng 8, là bởi đây là lúc Ngũ Thông Thần vừa mới qua sinh nhật, tâm trạng vẫn còn vui vẻ, thoải mái nên dễ vay nhất. Về công đoạn làm lễ vay nợ âm, trước tiên, phải dâng lễ vật trong đền chùa, rồi thắp hương cúng bái, niệm lời cầu xin: "Ngũ Thông Thần ban ơn để nhà con tiền tài như nước.. con hứa sẽ đáp trọng lễ", sau đó, hạ 5 thỏi vàng tượng trưng làm bằng giấy trên bàn thờ xuống, đi thẳng ra khỏi cửa và trở về nhà. Khi đem thỏi vàng vào, cần phải thắp sẵn hương nến, như vậy mới có thể đón được tiền tài vào nhà. Mấy ngày sau, nếu thỏi vàng bằng giấy không bị xẹp đi, đồng nghĩa với việc đã vay được nợ âm. Khi ấy, phải mời người đến vẽ tượng Ngũ Thông Thần để thờ cúng bên trong nhà. Ngày rằm tháng giêng âm lịch hàng năm sẽ phải thắp hương cúng bái. Nếu thật sự phát tài thì mỗi năm vào ngày 18 tháng 8 âm lịch phải lên núi Thương Phương đốt vàng mã, thắp hương, trả nợ cho Ngũ Thông Thần. Nếu người đi vay đã c. Hết, vậy thì con cháu đời sau sẽ phải tiếp tục trả, thế nên người xưa lưu truyền một câu nói: "Nợ âm vay trên núi Thương Phương, đời đời không trả nổi." Ngoài ra, còn một loại nợ âm cuối cùng, có tên là nợ quỷ. Loại nợ này đáng sợ và gây ra tai hại khủng khiếp gấp nhiều lần so với hai loại trước. Đúng như tên gọi của nó, đây là món nợ với ma quỷ ở cõi âm. Người xưa có câu: "Diêm Vương dễ gặp, Tiểu Quỷ khó thoát", nợ tiền của các quan gia cõi âm còn dễ trả, chỉ cần tìm đạo sĩ về tụng kinh là được; mắc nợ ác thần cũng không phiền, chỉ cần nhớ mỗi năm đến cúng bái là xong, ác thần cũng sẽ không vô duyên vô cớ mà giáng tai họa xuống đầu, bởi vì dù gì, họ cũng mang một danh "thần". Nhưng, nếu đắc tội Tiểu Quỷ, vay nợ của quỷ, vậy thì chỉ có nước dùng mạng sống để đánh đổi. Mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều người đi vay nợ của quỷ, tất cả chỉ vì một chữ "tiền". Thế nhưng, đa số những người dám vay nợ quỷ này đều không phải dân thường làm ăn lương thiện, mà chủ yếu là những tên cờ bạc nợ nần chồng chất, bị dồn đến bước đường cùng. Tương truyền rằng, muốn vay nợ quỷ phải đợi đến tháng 7 âm lịch. Bởi, đây là tháng cô hồn, Quỷ Môn Quan lúc này mới mở, rất nhiều ma quỷ sẽ đến chốn dương gian tung hoành, rong chơi, hưởng hương hoa. Do đó, đây chính là thời cơ tốt nhất để thực hiện món nợ này. Vào đêm khuya ngày 15 tháng 7 âm lịch, đến nơi hoang vu hẻo lánh, đốt vàng mã và gọi quỷ, nếu bỗng nhiên thấy gió cuốn cát bụi xoay vòng, ánh lửa lập lòe, lúc sáng lúc tối, có nghĩa là đã có "người" đến. Lúc này, hãy đem khế ước có ghi rõ việc vay mượn và điều kiện trả nợ đã chuẩn bị từ trước ra, sau đó ấn dấu tay vào, cuối cùng đốt khế ước, đồng thời thắp một nén hương vay nợ. Nếu hương thuận lợi cháy hết, chứng tỏ thành công, còn khi hương mới đốt được một nửa đã chợt tắt, thì đồng nghĩa với việc "người ta" không đồng ý điều kiện trên khế ước và không muốn cho vay. Loại vay nợ quỷ này, nhìn thì có vẻ như con người mới ở thế chủ động, rất công bằng, nhưng trên thực tế lại không phải như vậy. Quỷ đã sống hàng ngàn năm, do đó nắm trong tay vô số kế sách, chẳng có gì đơn giản hơn trò lừa người. Chúng có thể dễ dàng tìm ra những lỗ hổng có trong khế ước, hoặc lợi dụng điểm yếu trong tính cách, đến cuối cùng sẽ khiến người vay tan cửa nát nhà, thậm chí mất cả mạng sống. Vậy nên, ký khế ước với quỷ, không khác gì so với việc chui đầu vào hang cọp. Thậm chí còn có những loại ác quỷ tự mình tìm đến, dụ dỗ người muốn vay nợ, từng bước từng bước dồn người đó vào cảnh đày đọa nơi địa ngục trần gian, muôn đời không quay đầu làm lại được. Và, vay nợ quỷ cũng chính là "nhân vật chính" của câu chuyện ngày hôm nay. Câu chuyện này bắt đầu từ cái c. Hết của một người tên Bàng Lão Tam, một trong những hộ gia đình giàu nức tiếng trong thôn tôi. Trong mắt dân làng, anh ta là một người không được tử tế cho lắm. Bố mẹ mất sớm, anh ta bỗng dưng trở thành cô nhi đáng thương, vậy nên được mọi người trong thôn đối xử rất tốt, không ngoa khi nói rằng Bàng Lão Tam là do một tay người dân trong thôn nuôi lớn. Nhưng về sau, khi lớn thêm chút nữa, anh ta lại không chịu học hành tử tế, đền đáp lại ơn đức của cả thôn, mà trở thành kẻ bợm rượu, suốt ngày la cà phố xá, mò hết từ nhà này sang nhà khác chén chú chén anh, không chịu tìm một công việc tử tế mà mưu sinh. Khi đó nhà anh ta vốn đã rất nghèo, giờ lại thêm cảnh lười biếng, không chịu trồng trọt gì, vậy nên đời sống vô cùng chật vật, nợ không ít của cải từ họ hàng. Thế nhưng, ít lâu sau đó, không rõ cớ vì sao mà bỗng dưng trở nên phát tài. Anh ta không những trả hết nợ, mà còn có tiền vốn làm ăn buôn bán. Mấy năm đó, vận may của anh ta cũng đột nhiên ập đến bất ngờ. Cùng một việc, người khác không làm ra tiền, nhưng anh ta thì lại kiếm được gấp bội, khiến nhiều người trong thôn không khỏi ngưỡng mộ. Họ đều nói, anh ta mệnh tài lộc đầy nhà, đến lúc thích hợp tiền sẽ tự động chảy vào túi. Sau khi phát tài, Bàng Lão Tam cực kỳ đắc ý, cưới được một cô vợ trẻ hơn mình những mười mấy tuổi, lại xây thêm nhà cao vườn rộng, nên cứ gặp ai là lại khoác lác khoe khoang mình giỏi giang thế này thế kia. Dần dà, trong thôn chẳng mấy ai ưa nổi anh ta. Hồi trước, Bàng Lão Tam từng đi gom cát ở một bãi đất trống gần đầu thôn, mấy năm gần đây, nguyên vật liệu xây dựng ngày một tăng giá, nên anh ta kiếm được một khoản không tồi. Nhưng rồi, đầu tháng 7 năm ngoái, anh ta nằm mơ thấy một giấc mộng vô cùng kỳ lạ. Trong mơ, anh thấy một người đàn ông mặc áo liệm đến đe dọa, đòi nợ. Thế nhưng, anh ta nghĩ ngợi một hồi, chẳng nhớ ra mình đã nợ nần gì ai, cho rằng do nghĩ ngợi nhiều, đầu óc không tỉnh táo nên mới mơ nhăng mơ cuội như vậy, kể lại chuyện này cho vợ, vợ anh cũng chẳng mấy quan tâm. Nhưng sau đó mấy ngày liền, anh đều mơ thấy người đàn ông kia đến đòi nợ, trông ông vô cùng tức giận. Điều này cũng khiến vợ anh dần cảm thấy có gì đó không ổn. Gần đây, cứ nửa đêm nửa hôm, anh ta thường xuyên chạy đến bãi tha ma cách nhà những 4, 5 cây số để đốt vàng mã, có gọi thế nào cũng không thưa, mặt còn lờ đờ chậm chạp, giống như đang mộng du vậy. Sang ngày hôm sau tỉnh dậy, hỏi thì lại chẳng nhớ gì nữa. Vả lại sức khoẻ anh ta cũng ngày một kém đi, cả ngày không ngừng ho sặc sụa, sắc mặt trắng bợt, trông ốm yếu thấy rõ, tưởng như già đi mấy chục tuổi vậy. Vợ Bàng Lão Tam thấy sự việc trở nên nghiêm trọng, nên sốt sắng đưa chồng đến chỗ một ông thầy mù họ Lưu hay xem chuyện âm dương cho người trong thôn, nhờ ông soi giúp gốc gác sự tình. Thầy mù họ Lưu đi nhiều biết rộng, vừa nghe đã biết đang xảy ra chuyện gì, thế nên lập tức hỏi Bàng Lão Tam đã từng vay nợ âm bao giờ chưa. Bàng Lão Tam lắc đầu, hỏi ngược lại ông mù vay nợ âm là gì? Ông mới giải thích cho anh rằng, nợ âm chính là vay tiền của quỷ. Một khi vay, quỷ chắc chắn sẽ đến tận nhà đòi nợ. Anh ta lắc đầu liên tục, nói, đến "nợ âm" là gì còn không biết, làm sao có thể vay cho được. Vả lại anh ta nhát gan như vậy, cũng chẳng dám đi vay tiền ma quỷ cho cam. Ông mù Lưu nhận thấy anh ta không hề nói dối, nên cảm thấy vô cùng kỳ quái, bảo anh ta nghĩ kỹ lại một lần nữa xem trước khi phát tài, có chuyện kỳ lạ gì xảy ra hay không? Hay, liệu có ai tự dưng cho anh ta vay tiền không? Nghĩ ngợi một hồi lâu, mặt Bàng Lão Tam bỗng nhiên tái nhợt, nói không thành lời, lắp bắp kể với ông thầy mù, anh lờ mờ nhớ rằng mấy năm trước quả thực có người đã cho mình vay tiền. Tại sao lại là lờ mờ? Bởi hôm đó anh ta cũng uống rượu say khướt như mọi ngày. Thời điểm ấy, anh ta vẫn còn nghèo rớt, trong túi không có nổi một đồng bạc, vì thế nên cuộc sống chẳng mấy vui vẻ. Ngày hôm đó vừa hay lại là 15 tháng 7 âm lịch, đồng thời cũng chính là ngày lễ Vu Lan. Tối hôm đó, khi đang hóa vàng cho bố mẹ, anh ta than thở, oán trách ông bà mất sớm, đã thế còn chẳng để lại cái gì, khiến cuộc sống anh ta giờ đây khốn khó muôn đường. Trong lúc ngà ngà say, Bàng Lão Tam ngồi kể khổ trước mộ bố mẹ, càng nói càng thấy tủi thân, rồi cứ vậy mà khóc lóc thảm thiết. Sau khi đốt xong vàng mã, cảm thấy buồn phiền nên anh ta đã mua một hũ rượu để giải sầu, vừa uống vừa lếch thếch đi về nhà. Rượu mạnh khiến anh ta vừa uống được mấy ngụm đã choáng váng đầu óc, trời cũng đã khuya, bóng tối bủa vây, không biết anh ta đã đi nhầm đường từ khi nào, đi mãi.. đi mãi.. đến tận bãi tha ma ở phía Tây của thôn. Vì đã ngấm rượu nên Bàng Lão Tam chẳng sợ hãi gì, ngồi hẳn lên một ngôi mộ hoang mà khóc. Khóc một hồi bỗng nhiên cảm thấy có ai đó đang vỗ vào vai mình, Lão Tam quay đầu lại nhìn thì thấy lờ mờ bóng dáng một người đàn ông trung niên. Say đến nỗi đầu óc mơ hồ nên anh không nhìn rõ mặt mũi người đàn ông trông ra sao, chỉ có cảm giác hình như trên mặt người này đang phủ một lớp sương mù, trông mờ ảo vô cùng. Người đó rất thân thiện hỏi thăm anh cơ làm sao mà phải ngồi đây khóc. Anh ta liền kể toàn bộ nỗi lòng cho người kia nghe. Sau khi nghe xong đầu đuôi câu chuyện, người đàn ông liền cười, nói rằng chẳng phải chỉ là vấn đề tiền nong thôi hay sao, ai mà chẳng có lúc khó khăn, cứ tưởng chuyện gì to tát lắm. Sau đó, ông ta liền rút ra một tập ngân phiếu xanh xanh đỏ đỏ nhét vào túi anh. Lúc đó, anh ta còn tưởng gặp được người tốt bụng, hào sảng, nên rối rít cảm ơn. Người đó nói không cần phải cảm ơn vội, số tiền này, không phải là tặng anh ta, mà là cho vay, đợi sau này có tiền rồi trả lại cũng được. Rượu ngày một ngấm, anh ta chẳng còn nhận thức để tò mò tại sao nửa đêm nửa hôm tự dưng lại có người đến cho vay tiền, mà chỉ quan tâm đến việc tiền từ trên trời rơi xuống, nên gật đầu lia lịa. Sau đó lại nghĩ, nếu đã là vay, chi bằng vay nhiều thêm một chút, nghĩ vậy, anh ta quay sang người đàn ông "đòi" thêm chút tiền rồi nhét hết vào trong túi. Người kia rút ra một tờ giấy màu vàng, trên đó viết mấy chữ loằng ngoằng như bùa quỷ, anh ta đọc không hiểu, người kia chỉ nói qua loa bảo đây là giấy ghi nợ, sau đó cầm tay anh nhúng xuống bùn, ấn vào tờ giấy, sau khi anh ta ấn xong thì người kia cũng biến mất. Sau khi người kia đi mất, Bàng Lão Tam mơ mơ màng màng nằm lăn ra mộ đánh một giấc. Ngày hôm sau, khi tỉnh dậy, nhớ về chuyện đã xảy ra, anh ta lục lại trong túi, nhận ra chẳng có cái gì, nên chỉ nghĩ mình uống say, mơ thấy bản thân phát tài mà thôi. Có điều, nửa đêm lại nằm ngủ giữa bãi tha ma như vậy, khiến anh ta không khỏi hoảng sợ, vậy nên nhớ mãi câu chuyện ngày hôm đó. Bây giờ ngẫm lại, quả thực từ sau hôm đó, Bàng Lão Tam đột nhiên phát tài và trở nên cực kỳ may mắn. Ông mù Lưu liền nói, vậy thì đúng rồi, anh trở nên giàu có như vậy là vì vay nợ âm của "người" kia, lại còn ký giấy vay nợ, đến dấu tay cũng đã ấn lên đó rồi. Chỉ có khế ước của người âm mới phải ấn dấu tay bùn, vậy nên càng có thể khẳng định anh đã vay phải quỷ, bây giờ người ta tìm đến, chính là để đòi nợ. Bàng Lão Tam hoảng sợ, vội vàng hỏi ông mù có cách gì hóa giải hay không. Ông mù Lưu đáp, bây giờ trong tay "người kia" có bản khế ước, vậy nên cũng chẳng thể kiện lên Thành Hoàng, không một cách nào có thể phá giải cả, giờ chỉ còn nước ngoan ngoãn trả nợ âm mà thôi. Vợ anh ta cuống cuồng, hỏi trả kiểu gì? Ông mù Lưu liền nói, còn phải xem đã nợ bao nhiêu để còn đốt tiền âm phủ. Vợ anh ta vừa nghe thấy chỉ là đốt vàng mã liền thở phào nhẹ nhõm, nói mua vàng mã thì có mất bao nhiêu, đốt thì đốt thôi. Ông mù lắc đầu, nói: "Thứ con quỷ cho vay khi xưa không phải là tiền, tiền âm phủ bây giờ cũng chẳng phải là vàng mã đơn thuần, mà chính là tiền tài lợi lộc của cả nhà anh chị, đốt đi thì hai người cũng chẳng còn lại gì." Ông mù lại nói với Bàng Lão Tam rằng: "Anh đã vay nợ âm nhiều năm như vậy, tiền lãi bây giờ ắt hẳn đội lên tận trời, dù có đem tài lộc cả đời ra cũng không trả đủ. Hai người tưởng rằng dễ trả như vậy hay sao? Ngay từ đầu, đã không nên động vào nợ âm, bởi đây chính là cách quỷ tính kế với con người! Không trả được nợ âm, thì phải lấy mạng sống ra để đánh đổi, nó bắt anh đêm nào cũng đi đốt tiền âm phủ, không chỉ là để đòi nợ, mà còn là muốn lấy luôn cái mạng nhà anh đấy! Vậy nên sức khoẻ anh mới ngày một yếu đi như vậy." Bàng Lão Tam nghe thấy vậy bị dọa sợ suýt ngất, quỳ lạy ông mù, cầu xin ông ta cứu mình một mạng. Ông mù họ Lưu nói rằng, có nợ ắt phải trả, đây là lẽ hiển nhiên, người ta đến đòi nợ cũng chẳng có gì là sai, nhưng nếu đòi cả mạng thì có chút hơi quá, chuyện này là trái với lẽ trời, kiện lên chỗ Thành Hoàng nó cũng không cãi lại được. Ông bảo Bàng Lão Tam yên tâm, sẽ đích thân đi nói chuyện với con quỷ kia, chỉ cần nói rõ lý lẽ, nó cũng sẽ không dám hại người, chỉ có điều, nợ âm tất nhiên vẫn phải trả. Vợ Bàng Lão Tam vừa nghe thấy vậy, liền tỏ vẻ không vui ra mặt, trả xong nợ âm thì trong nhà còn tiền tài gì nữa, vậy sau này phải sống làm sao? Cô ta muốn ông Lưu nghĩ cách nào đó vừa có thể giữ được mạng sống, lại vừa có thể giữ được tiền tài. Ông Lưu lắc đầu, nói mình chẳng có cách gì, có nợ thì phải trả! Nhưng vợ Bàng Lão Tam cứ khóc lóc ỉ ôi liên hồi, nài nỉ không thôi. Rồi đến cả ông chồng Bàng Lão Tam cũng quỳ xuống cầu xin thảm thiết. Sau khi suy nghĩ hồi lâu, ông nói bản thân quả thật không có cách nào cả, nhưng ông biết một người có lẽ sẽ giúp được. Người đó là một đạo sĩ, đạo hạnh cao siêu, sống ở một đạo quán nhỏ trên núi ở phía Đông của thôn. "Đạo quán của ông ta có thần linh che chở, quỷ không dám bén mảng vào trong, nếu ông ta chịu để anh trốn trong đó cho đến hết tháng 7 âm lịch, khi Quỷ Môn Quan đóng lại, con quỷ kia ắt sẽ tự quay về, như vậy, anh có thể thuận lợi tránh được một kiếp nạn. Tuy nhiên, cách này chỉ hiệu quả trong một thời gian ngắn, không trốn được cả đời, trừ khi, tháng 7 âm năm nào anh cũng lên đạo quán đó ẩn dật may ra mới thoát được nó." Ông mù Lưu ngừng lại rồi nói tiếp: "Thế nhưng," có nợ thì phải trả ", tên đạo sĩ đó rất coi trọng lý lẽ này, tính khí hắn còn thất thường, nên có lẽ sẽ khó mà đồng ý giúp anh." Cảm thấy cũng chẳng còn cách nào khác, Bàng Lão Tam chỉ đành cắn răng thử một lần. Ông đạo sĩ ở trên núi danh tiếng một vùng nên anh ta cũng biết mặt. Người đó họ Tạ, tên tuổi cụ thể không ai hay biết, người sống xung quanh cũng chỉ gọi ông là đạo sĩ Tạ. Đạo sĩ Tạ quanh năm suốt tháng sống ẩn dật trong núi, rất ít khi xuống đến thôn làng. Một vài lần lên núi, Bàng Lão Tam cũng từng bắt gặp ông. Đạo sĩ Tạ tuy rằng ít cười ít nói, gặp ai cũng không chào hỏi gì, nhưng tướng mặt trông khá lương thiện, từ bi, có lẽ cũng không đến nỗi thấy c. Hết mà không cứu. Trước khi Bàng Lão Tam rời đi, ông mù dặn dò anh, nếu gặp được vị đạo sĩ đó, nhất định không được khai rằng do chính ông bày cách cho. Quan hệ giữa ông mù Lưu và vị đạo sĩ kia từ nhỏ đã chẳng mấy tốt đẹp gì, không nhắc đến thì thôi, nhắc đến thì sợ sau này chẳng dám đụng mặt nhau. Bàng Lão Tam gật đầu, nhanh nhảu đứng dậy, cùng vợ lên núi. Ngọn núi này không lớn, lại chỉ có một đạo quán nơi đạo sĩ Tạ tu luyện, vậy nên không khó tìm. Ngay khi đến cửa đạo quán, anh đã trông thấy đạo sĩ Tạ đang cúi người quét sân, ông mặc một bộ cà sa đã sờn vải, trông bình thường như bao người nông dân khác, không có chút gì toát lên vẻ đạo hạnh cao siêu. Đạo sĩ Tạ thấy anh ta tiến lại gần, ngẩng mặt nhìn nhưng chẳng bộc lộ chút biểu cảm nào. Bàng Lão Tam có chút ngại ngùng, không dám mở miệng bày tỏ nguyện vọng của mình. Nên cất bước, tiến vào đạo quán, thắp hương, cúng vái, hòng tạo ấn tượng tốt với đạo sĩ Tạ, sau đó mới quay ra kể chuyện, nhờ ông cứu giúp. Không ngờ, mới nói chưa dứt câu đã bị đạo sĩ Tạ đuổi ra khỏi đạo quán. Mặc kệ anh có quỳ lạy trước cửa thế nào, ông cũng không mảy may động lòng. Thấy vậy, Bàng Lão Tam có chút bực mình, nghĩ bụng, tên này quả thực rất khó nhờ vả, thôi thì cứ đứng trước cửa mắng mỏ thậm tệ xem lão tính sao. Thế là Bàng Lão Tam gân cổ lên chửi bới, trách rằng một người tu đạo như ông lại thấy c. Hết mà lại không cứu, trong thâm tâm không vương nổi chút từ bi, đây mà là tu hành cái quái gì cơ chứ? Đạo sĩ Tạ bị mắng cũng chẳng buồn tức giận, chỉ nói vọng ra: "Trốn con quỷ đó thì dễ, nhưng nợ âm khó trả. Mạng sống cứu được mà lòng tham khó bỏ. Ta có thể cứu vớt được sinh mạng cậu, nhưng chẳng thể cứu nổi trái tim tham lam kia. Giúp cậu một lúc, không giúp nổi một đời. Nhìn sắc mặt cậu, ấn đường đã đen, t. Ử khí xâm chiếm, không có loại thuốc nào cứu chữa nổi. Số cậu vốn không đến nỗi bi thảm như vậy, nhưng bởi tham lam, quá để tâm vào những vật chất ngoài thân, cố chấp bám víu lấy vinh hoa phú quý, như vậy ta làm sao có thể cứu rỗi. Nếu cậu có thể buông bỏ được chấp niệm trong tâm, ắt sẽ tự gặp dữ hóa lành, không cần ta phải ra tay cứu giúp." Lúc này, Bàng Lão Tam đâu còn tâm trí để ngộ ra lời đạo sĩ Tạ khuyên răn, chỉ một mực cho rằng ông không muốn cứu anh nên mới bịa ra, thế là lại chửi bới đạo sĩ Tạ một hồi rồi mới đưa vợ xuống núi. Nếu đạo sĩ đã không chịu giúp, vậy thì chỉ còn cách nhờ ông mù Lưu mà thôi. Biết được đạo sĩ Tạ không những không chịu giúp mà còn đuổi anh ta ra khỏi đạo quán, ông mù Lưu rất ngạc nhiên. Tuy không hiểu tính cách đạo sĩ Tạ nhưng ông vẫn nắm rõ bản chất, phẩm hạnh của đạo sĩ kia. Theo như ông biết, tuy rằng tính cách đạo sĩ Tạ có đôi phần kỳ quái, nhưng lại có cái tâm hướng thiện, cho dù không chịu giúp Bàng Lão Tam giữ lại gia tài, vậy cũng không đến mức gặp c. Hết mà không cứu, chắc hẳn vẫn còn ẩn tình đằng sau. Tuy vẫn còn nhiều thắc mắc, nhưng ông mù Lưu cũng không nghĩ ngợi gì thêm, nói với Bàng Lão Tam, nếu đạo sĩ Tạ không chịu giúp, vậy thì chỉ còn cách tự đi đàm phán với con quỷ, giữ lại mạng sống mà vứt bỏ tiền tài. Bàng Lão Tam tuy không nỡ nhìn công sức bao năm mình gầy dựng nay tan biến, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, đành đồng ý với ông mù Lưu. Vợ anh ta ngồi bên nghe vậy, không ngừng thở ngắn than dài. Đêm hôm đó, Bàng Lão Tam dẫn ông mù Lưu đến ngôi mộ hoang ở bãi tha ma khi xưa, ông bảo anh đứng đợi ở xa, còn mình ở lại, thắp một nén hương mời con quỷ đến. Bàng Lão Tam thấp thỏm không yên, thấy ông mù Lưu đi lại không ngừng, một lúc sau, lại cảm thấy dường như ông ta đang nói chuyện với ai đó, ngữ khí lúc nhẹ nhàng, lúc nghiêm nghị, có lúc lại như cãi nhau. Mãi một lúc sau, ông mù Lưu mới nói chuyện xong xuôi với "người" đó, quay ra thông báo với Bàng Lão Tam rằng, chỉ cần anh đốt tiền âm phủ liên tiếp 3 ngày là có thể trả xong nợ. Ông mù Lưu kể lại, ban đầu con quỷ không đồng ý, kiên quyết muốn lấy mạng Bàng Lão Tam, mãi cho đến khi ông dọa sẽ ra miếu Thành Hoàng đòi công lý, nó mới sợ, mà chấp thuận yêu cầu của ông. Bàng Lão Tam gật đầu, miệng nói cảm ơn nhưng vẻ mặt lại chẳng có chút gì là vui vẻ, tuy rằng giữ được cái mạng này, nhưng tiền trong nhà giờ đã mất trắng, cuộc sống sau này biết phải làm sao? Tuy không muốn, nhưng Bàng Lão Tam cũng không dám không nghe theo, dẫu sao mạng sống vẫn quan trọng hơn. Mấy ngày sau đó, anh ta đều đến bãi tha ma đốt vàng mã. Sau khi đốt xong, tối đến quả nhiên không còn thấy xảy ra chuyện gì kỳ quái nữa. Sức khoẻ cũng ngày một tốt lên, không lâu sau thì khoẻ mạnh hoàn toàn. Nhưng sự lo lắng trong anh ta vẫn còn đó, sợ rằng mình lại trở về cảnh nghèo hèn như trước. Rồi điều gì đến cũng phải đến, ít lâu sau, trong thôn bỗng mưa liên miên, kể cũng kỳ lạ, vốn chỉ là một cơn mưa nhỏ, thế mà ngày qua ngày, lại làm vỡ được cả một đoạn đê gần chỗ Bàng Lão Tam gom cát, khiến nước sông tràn vào, cuốn đống cát anh ta gom góp bao năm trôi đi khắp nơi. Chỗ đê bị vỡ đó rất nhanh đã được đắp lại, người dân trong thôn cũng chẳng có ai bị ảnh hưởng gì, chỉ có Bàng Lão Tam là chịu thiệt hại nặng nề. Lượng cát còn lại chẳng đáng là bao, anh ta khuynh gia bại sản, không những vậy còn nợ nần chồng chất, cuộc sống ngày càng khốn khó, chẳng khác khi xưa là bao. Kể từ đó, hai vợ chồng ngày nào cũng cãi nhau, không lâu sau thì ly hôn, khiến Bàng Lão Tam lại càng chán đời. Từ nghèo hóa giàu thì dễ, nhưng đang sung túc bỗng dưng mất hết thì quả thực khó mà chấp nhận. Vốn đã quen với cuộc sống giàu sang, làm sao có thể chịu được cảnh khổ cực như bây giờ? Nghĩ đến tương lai tiền tài cạn kiệt, cuộc sống cũng không dễ dàng gì, anh ta tuyệt vọng, chẳng bao lâu sau, bị cơm áo gạo tiền dồn đến chân tường, không c. Hết đói, c. Hết khát, thì cũng c. Hết vì bị người đời khinh thường, Bàng Lão Tam túng quẫn đến mức chạy lên bờ đê bị vỡ khi xưa rồi gieo mình xuống dòng sông và t. Ự vẫn. Ông mù Lưu nghe tin Bàng Lão Tam bỏ mạng, trong lòng không khỏi bàng hoàng. Mãi cho đến tận lúc này, ông cuối cùng mới hiểu những lời mà đạo sĩ Tạ từng khuyên răn Bàng Lão Tam. Ông ta nói mình có thể cứu được mạng của anh ta nhưng lại không cứu nổi trái tim tham lam kia, quả vậy, anh ta chất chứa lòng tham, một khi không cầu xin được tài phúc liền tìm đến cái c. Hết, ông làm sao cứu nổi? Ông mù họ Lưu thở dài, đạo hạnh của đạo sĩ Tạ quả thực luôn cao hơn ông bội phần, mới nghe vài câu đã có thể nhìn ra thâm tâm quỷ ác đang trú ngụ trong Bàng Lão Tam, không có nước cứu chữa, nên mới dứt khoát đuổi anh ta đi. Đến cuối cùng, chỉ có bản thân ông là người tốn công vô ích.. - HẾT -
Một câu truyện rất hay, đúng là con quỷ nào cũng không đáng sợ bằng con quỷ trong người mình. Sợ nhất là con Quỷ lười Haizz.