Thực tế cho thấy, có khoảng cách giữa nhận thức và hành vi của con người, có nhận thức đúng chưa chắc đã có hành vi đúng. Ví dụ: Nhiều người biết vứt rác bừa bãi, không phân loại rác chính là làm hại môi trường sống nhưng họ vẫn làm như thế, có những người biết lạm dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích trong trồng trọt là độc hại nhưng họ vẫn sử dụng nhiều trong trồng trọt và chăn nuôi. Có thể nói kĩ năng sống chính là những nhịp cầu giúp con người biến kiến thức thành thái độ, hành vi và thói quen tích cực, lành mạnh. Người có kĩ năng sống sẽ biết cách giao tiếp với mọi người xung quanh để duy trì các mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Bên cạnh đó, người có kĩ năng sống sẽ biết lựa chọn hành vi đúng sai và vượt qua khó khăn để thực hiện hành vi đó. Họ sẵn sàng đầu tư cho những lợi nhuận bền lâu chứ không bị cái lợi trước mắt làm lu mờ hành động của mình. Các cá nhân trong xã hội có kĩ năng sống đồng đều thì sẽ thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Người trẻ là đối tượng cần học tập và trau dồi kĩ năng sống nhất. Đây là độ tuổi đang trong hành trình định hướng những giá trị nhân cách và còn thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo, kích động.. Vì vậy, việc giáo dục kĩ năng sống song song với học văn hóa cho thế hệ trẻ là rất cần thiết, giúp các em rèn luyện hành vi có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng ; giúp các em có khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè, sống tích cực, chủ động, an toàn, hài hòa và lành mạnh.