NLXH về một vấn đề liên quan đến tuổi vị thành niên

Thảo luận trong 'Cần Sửa Bài' bắt đầu bởi AiroiD, 29 Tháng tư 2024.

  1. AiroiD

    Bài viết:
    54
    Đề bài: Hãy nghị luận về những áp lực của tuổi vị thành niên

    Bài làm​

    • Khái niệm:

    Theo Tổ chức Y tế Thế Giới, độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam là 14-19 tuổi. Ở độ tuổi này, các bạn có vô vàn những biến động về mặt tâm lí. Vì ở độ tuổi này, ở các em bắt đầu xuất hiện những rung động đầu đời cùng những quyết định đóng vai trò to lớn cho tương lai sau này như việc thi cấp ba, thi đại học nên

    Việc xuất hiện áp lực là không thể tránh khỏi. Vậy áp lực (stress) là gì? Đây là phản ứng của cơ thể cho thấy hệ thần kinh đang ở trong tình trạng căng thẳng. Stress còn được hiểu là khi con người phải đối mặt với áp lực, căng thẳng mà sức chịu đựng không còn nữa, không còn khả năng giải quyết bất kỳ chuyện gì.

    • Biểu hiện:

    Khi áp lực tác động tiêu cực đến các bạn học sinh, học sinh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Các bạn khó tập trung trên lớp học, thuờng xuyên cảm thấy mệt mỏi, hay đau đầu dần dần quên đi nhiều thứ. Kết quả học tập và làm việc giảm sút một cách nhanh chóng khiến cho cảm xúc của họ thay đổi một cách thất thường dẫn đến cảm giác cô đơn hay vô dụng, có ý muốn tách rời khỏi xã hội, không thích đám đông. Và bạn cảm thấy như vậy là quá đủ ư? Đây mới chỉ là những bước khởi đầu mà thôi! Hầu hết nạn nhân của stress hay hoảng sợ, giật mình, cảm giác quá tải nặng nề và thậm chí có ý muốn tự sát. Hãy thử tưởng tượng, những mầm non tương lai của đất nước – đáng lẽ ra phải vui tươi tràn đầy sức sống nhưng tinh thần lại kiệt quệ thu hẹp mình chẳng muốn nói chuyện với ai. Quả là một cảnh tượng kinh khủng đến nhường nào.

    • Nguyên nhân:

    Nguyên nhân đầu tiên là sự tác động từ môi trường, ngoại cảnh bên ngoài:

    Xã hội vốn dĩ từ lâu đã đòi hỏi thanh niên Việt Nam phải biết ngoại ngữ, biết tin học, rồi phải đọc nhiều sách, học hỏi nhiều nguồn, nghiên cứu chuyên ngành.. Tức là thanh niên Việt Nam toàn phải là những người thành công và hoàn hảo. Phụ huynh hoảng hốt trước những đòi hỏi của xã hội đó và luôn mong ước con mình thành công (hay chỉ cần để sống tốt). Thế là phải "rèn" con từ nhỏ: Phải học trường chuyên, phải học thêm, phải biết ứng xử trong các tình huống..

    Về phía giáo viên, đáng lý ra trường học phải là nơi để giáo viên và học sinh cùng chia sẻ trò chuyện, nhưng thực tế không phải vậy. Giáo viên cũng cần có đủ tài chính để trang trải cuộc sống của mình. Họ muốn có học sinh giỏi, muốn hoàn tất chương trình giáo dục nặng nề này - một chuơng trình với bao nhiêu kiến thức nặng nề, xây dựng từ rất lâu, trở thành cũ kĩ và không hợp với thời đại.

    Chưa kể là thế, trong một phần không nhỏ số gia đình, bố mẹ phải làm việc ngày đêm để kiếm miếng cơm manh áo, trang trải cuộc sống cho gia đình và sự nghiệp học tập của con, nên họ cũng phần nào ít để tâm tới cảm giác của con cái. Bởi lẽ khi đã mệt mỏi cùng cực với những lo toan tất bật, con người ta chẳng còn muốn quan tâm đến bất cứ thứ gì khác nữa. Mỗi khi thấy kết quả học tập của con kém đi thì phụ huynh lại đem tất cả những cảm xúc tiêu cực ấy phát tiết lên con cái. Một phần nhỏ khác, chính là những người bố, người mẹ lại chẳng chịu trách nhiệm với đời sống của con cái chính mình sinh ra. Những trận đánh đập, mắng mỏ vì rượu chè, vì cờ bạc.. như bàn tay vô hình đẩy con vào con đường trầm cảm. Có lẽ, ngay bản thân của họ, họ cũng chẳng chăm sóc nổi, hay vì cuộc sống đã quá bộn bề, đã quá vất vả mà vô tình quên đi những cơ thể mà chính tay mình đã trao sự sống.

    Còn đối với học sinh thường xuyên bị bố mẹ ca thán về chuyện học tập với cụm từ mở đầu thường xuyên "Con nhà người ta.." thì sẽ dễ dẫn đến tâm lí tự ti không lạc quan, tin tưởng vào bản thân. Các bạn thuờng xuyên phải suy xét quá mức cẩn thận vào những bài kiểm tra, vào mối quan hệ trong gia đình, nhà trường. Những tính toán có phần tiêu cực, nhỏ nhặt ấy cũng chính là một trong những nguyên nhân gây nên tâm lí áp lực cho học sinh.

    • Tác hại:

    Được sống, được thở, được yêu thương, được học hành đã đơn giản là những điều hạnh phúc của các cô cậu học trò, nhưng đôi khi những điều ấy lại biến thành nỗi áp lực vô hình lớn lao, nuốt chửng lấy niềm vui và sự tự tin, yêu đời. Áp lực học tập khiến cho kết quả, điểm số cứ sụt giảm, dẫu có cố gắng đến đâu thì đáp trả lại vẫn chỉ là những bóng ma cuốn lấy tâm hồn trong sáng, non nớt của các bạn học sinh. Cứ như thế, như thế, dần dần nỗi tuyệt vọng và sự chán đời, muốn vứt bỏ cuộc sống cứ luẩn quẩn trong lòng họ, dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, rồi mệt mỏi, rồi bất an.. rồi cuối cùng là những căn bệnh về tâm lí, đặc biệt là trầm cảm. Nó là một can bệnh kinh hoàng của thời đại, trung bình mỗi năm đã gián tiếp giết chết tới một triệu người, và riêng học sinh, sinh viên đã lên tới con số gần 200.000 người. Căn bệnh này như con vi rút gặm nhấm tinh thần các cô cậu học trò, ép họ thu mình lại trong nỗi cô đơn và tuyệt vọng, rồi nhẫn tâm đẩy họ tới cánh cửa nơi thần chết đang đợi sẵn, như một sự giải tỏa, chạy trốn khỏi cuộc sống cùng cực. Ngoài ra, stress tác động lên các hệ thống chức năng tâm thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ cơ xương khớp.. toàn thân đều cảm thấy suy sụp, mệt mỏi, chán nản. Áp lực học tập càng lớn, khả năng bị bệnh lại càng cao, nâng tỉ lệ người chết do tự sát lên ngày càng cao.

    • Biện pháp:

    Áp lực từ học tập, từ điểm số khiến những bạn học sinh cảm thấy ngột ngạt, dẫn đến căng thẳng trong một thời gian dài. Điểm số thực sự không phải tất cả, học không chỉ là tiếp thu kiến thức mà quan trọng hơn là rèn luyện kỹ năng, phẩm chất thái độ. Học không chỉ để biết mà còn để làm, để cùng chung sống, để khẳng định mình. Vì vậy hãy học những điều thiết thực và học phải vận dụng được vào trong thực tiễn cuộc sống.

    Hơn nữa, gia đình và nhà trường phải biết cách chia sẻ và động viên, quan tâm tới học sinh, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để giải tỏa sự căng thẳng và mệt mỏi. Các bậc cha mẹ nên quan tâm tới con của mình, vừa là một người thầy và cũng đồng thời là một người bạn đồng hành với con. Hãy quan tâm tới con cái nhiều hơn, hãy hỏi ý kiến của con thay vì quyết định cho con một vấn đề nào đấy mà không thông qua con.

    Các cơ sở giáo dục cần thay đổi cách kiểm tra đánh giá, thi cử không chỉ kiểm tra kiến thức, mà còn kiểm tra cả năng lực phẩm chất hay coi trọng sản phẩm ứng dụng học sinh tạo ra hơn là con số trên giấy. Đơn vị tuyển dụng phải luôn đề cao kỹ năng kinh nghiệm lên trên bất cứ loại bằng cấp điểm số nào. Có vậy, chúng ta mới giải được bài toán mà cả xã hội đang loay hoay. Bản thân mỗi người hãy ghi dấu tên tuổi của mình vào cuộc đời bằng những hành động nhỏ bé thay vì cố gắng ghi tên vào một tấm bằng có dấu đỏ.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...