NLXH về câu nói: Không bao giờ một ngọn lửa đã tắt có thể thắp sáng ngọn đèn khác

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Love cà phê sữa, 27 Tháng sáu 2020.

  1. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Đề bài: Suy nghĩ của em về câu nói sau "không bao giờ một ngọn lửa đã tắt có thể thắp sáng một ngọn đèn khác" (Tagore).

    Tác giả: Love cà phê sữa.


    Thế giới chúng ta đang sống thật muôn màu muôn vẻ, luôn tồn tại một quy luật tất yếu. Một bông hoa chớm nở, khoe sắc thắm rồi cũng đến lúc lụi tàn, cành lá xanh tươi rồi cũng héo úa. Và, trong dòng chảy bất di bất dịch ấy, con người cũng giống như vạn vật, sinh ra rồi sẽ biến mất. Đó là điều ta chẳng thể tránh khỏi, chẳng thể thay đổi. Nhưng, cái quan trọng là ta đã sống như thế nào để không uổng phí một đời. Sống mà như đã chết, vậy họ tồn tại để làm gì? Nói về vấn đề này, Tagore đã từng chiêm nghiệm "không bao giờ một ngọn lửa đã tắt có thể thắp sáng cho ngọn đèn khác".

    Trong cuộc sống thường nhật, ta bắt gặp không ít quy luật của cuộc sống. Xuân đến, trăm hoa đua nhau khoe sắc, xuân đi, muôn vàn loài hoa héo úa, lụi tàn. Mặt trời có lúc chiếu sáng, nhưng rồi cũng phải ẩn mình dưới màn đêm lạnh lẽo. Nhưng, bông hoa kia đã có lúc tươi đẹp nhất, mặt trời đã có lúc ban tỏa những tia nắng ấm áp nhất đến muôn loài. Đó là điều chúng ta cần quan tâm, chứ đừng chú ý đến sự sống chưa nảy nở đã úa tàn như ngọn lửa đã tắt không thể thắp sáng cho ngọn đèn khác. "Ngọn lửa" - ánh sáng diệu kì, tạo ra không gian sáng lạn giúp mọi vật nhìn rõ xung quanh. Ở đây, ngọn lửa của Tagore tượng trưng cho niềm tin, sức sống, cho ý chí, nghị lực, cho tình yêu thương giữa con người với con người. "Ngọn lửa đã tắt" đồng nghĩa với ánh sáng mất đi, sự sống đã mất, niềm tin không còn, vô cảm, thờ ơ, thiếu ý chí, nghị lực. Ước mơ, khát vọng xưa kia vụt bay đi đâu mất. Một con người một khi đã sống mà như chết, mất niềm tin vào chính mình thì không bao giờ khơi dậy được sự sống cho người khác, cũng như hình ảnh ngọn nến của Tagore. Qua đó, ta thấy được sự sâu sắc và triết lý ẩn sâu trong quan niệm của "vì sao vĩ đại nhất trên bầu trời phương Đông".

    Con người là kiệt tác vĩ đại nhất do Đấng sinh thành tạo nên. Hình hài, thể xác do Chúa ban tặng nhưng sức sống, tâm hồn lại từ chính con người gây dựng. Họ phải tự tạo cho mình niềm tin, tự tạo sức sống, tự tìm kiếm những giá trị tốt đẹp nhất để sống một cuộc đời ý nghĩa, không hoài, không phí. Vì sao vậy? Niềm tin- sức mạnh tinh thần ẩn sâu trong mỗi người, có niềm tin nghĩa là ta đã biết khả năng của bản thân, biết ưu, khuyết điểm, tự hiểu chính mình. Chính vì lý do đó mà người có niềm tin thường vượt qua được khó khăn, thử thách của cuộc sống. Một khi con người đánh mất niềm tin tức là họ đánh mất đi chính mình. Có thể kể đến nhà bác học nổi tiếng Edison sau bao lần thất bại trong thí nghiệm chế tạo bóng đèn, ông vẫn không đánh mất niềm tin vào bản thân. Cuối cùng, khi đã trải qua 1000 lần thất bại, Edison đã chế tạo thành công được bóng đèn và được toàn Thế giới vinh danh, công nhận là nhà bác học đại tài. Cũng nhờ vào "ngọn lửa" niềm tin mà ông đã thành công trong cuộc sống.

    "Ngọn lửa" đó, không chỉ là niềm tin mà còn là ý chí, nghị lực, bản lĩnh vượt khó vượt khổ, ý chí nghị lực. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ với vô vàn những gam màu khác nhau. Bên cạnh những con đường trải dài hoa hồng, thảm đỏ là hố sâu, vực thẳm và nó sẵn sàng làm gục ngã con người. Nếu không có ý chí, con người sẽ buông xuôi và ắt sẽ chuốc lấy thất bại, sống một cuộc đời vô nghĩa. Nhưng, nếu họ luôn nung nấu trong mình một nghị lực phi thường thì liệu rằng, khó khăn đó đủ để xô ngã họ, đủ để họ nản chí? Chính vì thế mà một con người khuyết tật như Nguyễn Ngọc Ký lại có thể viết chữ bằng chân mặc dù bị khuyết tật, một nhà văn nghiệp dư như J. Rowling lại trở thành bà hoàng trong giới tiểu thuyết với cuốn "Harry Potter lừng danh" và cũng chính nhờ ý chí mà đã biết bao nhiêu người từ nghèo khó trở nên giàu có. Vách ngăn cuộc đời mà họ tạo ra được chính là nhờ vào "ngọn lửa" ý chí luôn ấp ủ, nung nấu trong tâm trí họ, đến lúc nó bộc ra ắt sẽ đưa những con người ấy đến thành công. Có thể kể đến, Bác Hồ- vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, cuộc sống của Bác đủ điều gian khổ, từ cái ăn đến cái mặc. Nhưng, với bản lĩnh vững vàng, với ý chí, nghị lực phi thường, người cha già của dân tộc đã vượt qua tất cả để đem ánh sáng ấm áp của hòa bình đến với muôn dân.

    [​IMG]

    Hơn thế nữa, cũng có thể hiểu "ngọn lửa" là tượng trưng cho ước mơ, hoài bão, đam mê cháy bỏng. Có người đã từng nói "chúng ta là những con thuyền lênh đênh ngoài biển khơi bao la, ước mơ là ngọn hải đăng soi đường, nhờ ánh sáng của nó mà con thuyền có thể cập bến tới bờ mà không bị mất phương hướng". Quả thật, ai sinh ra đều có cho mình những ước mơ và khát vọng về một điều gì đó, dù nhỏ bé hay lớn lao, dù tầm thường hay cao cả. Ước mơ sẽ trở thành hiệ thực nếu họ có đam mê. Ước mơ là cầu nối vô hình dẫn con người ta đến với đỉnh cao của vinh quang. Sống mà không có hoài bão thì thật là uổng phí cho một đời người.

    Chưa dừng lại ở đó, "ngọn lửa" của Tagore còn gợi ta nhớ đến tình yêu thương. Ai đó đã từng nghe câu hát của Trịnh Công Sơn "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi.." Người với người sống là để yêu thương. Yêu thương là sợi dây hàn gắn con người với con người. Người biết lan tỏa tình yêu thương là người có lòng nhân hậu, vị tha, bao dung, rộng lượng. Mọi người sẽ yêu quý ta, thế giới lạnh lẽo sẽ không còn. Thứ tình cảm sâu nặng này giúp xã hội tốt đẹp hơn, mảnh đời nghèo khó, đau thương sẽ tan biến, thay vào đó sẽ là thế giới tràn ngập tình yêu. Biết chia sẻ, yêu thương nghĩa là ta tự cảm thấu mình, tự đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho tâm hồn. Chẳng phải thế mà hiện nay, bao người đã theo con đường xã hội học, biết bao chương trình về tình yêu thương đã được gây dựng như "mái ấm cho em", "cặp lá yêu thương".. Yêu thương chính là một cách chứng tỏ sự sống tồn tại trong mỗi con người.

    "Ngọn lửa" khi thắp sáng bao giờ cũng đẹp lung linh, lộng lẫy, bao giờ cũng soi sáng, sưởi ấm cho con người. Nhưng, một khi "ngọn đèn" đó đã tắt thì là cả khoảng không tối mịt, là sự lạnh lẽo đến ghê người. Ngọn lửa đã tắt đó tượng trưng cho con người. Đó là kẻ thiếu niềm tin, thiếu ý chí, nghị lực, buông xuôi, không ước mơ, khát vọng. Sống một cách vô cảm, thờ ơ với người, với đời. Họ sống mà như đã chết, cuộc đời của những kẻ đó thật vô vị, tẻ nhạt, hoài phí, họ như hạt cát tan biến lúc nào không biết, không để lại dấu ấn cho đời. Ngọn lửa đã mất, tức bóng tối sẽ đến, thất bại sẽ bủa vây, đẩy con người vào vực thẳm. Thử hỏi, họ sinh ra làm gì cho đời? Hay, chỉ là những kẻ ăm bám của xã hội, là cặn bã của cuộc đời. Trong cuộc sống, ta bắt gặp không ít những con người như vậy. Những đứa con ăn chơi lêu lổng, ăn bám cha mẹ. Hay, kẻ sống chưa quật mà ngã tay chèo, sống trong nghèo khổ nên mất niềm tin, mãi mãi chịu cảnh khốn cùng. Họ thật đáng lên án và phê phán!

    Một điều tất yếu là những ngọn đèn đã tắt thì chẳng thể và không bao giờ thắp sáng cho ngọn đèn khác. Cũng như những kẻ sống mà như đã chết thì chẳng bao giờ khơi gợi sự sống, niềm tin, tình yêu thương và đam mê ở người khác. Họ đánh mất đi chính mình thì làm sao mà có thể giúp người. Nếu có thì chỉ là sự mù quáng, nhầm lẫn. Điều đó cho thấy sự quan trọng trong "ngọn lửa" của mỗi con người. Nếu ai ấp ủ được nó thì lại dễ dàng lan tỏa, trao đi. Như nhà văn Andecxen- người viết truyện cổ tích nổi tiếng bậc nhất thế giới từng được Pautopxki ca ngợi: "Andecxen đã lượm lặt hạt thơ trên luống đất của người dân cày, ấp ủ chúng nơi trái tim ông, từ đó gieo vào túp lều nhỏ, lớn lên thành bó hoa tươi đẹp, đồng cảm với những người cùng khổ". Andecxen đã biết ấp ủ "ngọn lửa" niềm tin, để từ đó gieo vào những tấm thân nghèo khổ giúp họ vượt lên số phận. Như vậy, ta có thể thấy được sức lan tỏa của ngọn lửa ấy là vô cùng lớn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng muôn trùng.

    Tuy nhiên, không phải "ngọn lửa đã tắt" sẽ tắt mãi, quan trọng là có khơi dậy được nó hay không? Cũng như mặt trời lặn rồi sẽ mọc, hoa héo tàn rồi sẽ đến đời hoa tiếp theo. Và, ta hoàn toàn có thể khơi sáng lại ngọn đèn đã tắt. Chính vì lí do đó mà đừng quá bi quan về bản thân, hãy lấy lại niềm tin, hãy vực dậy sau vấp ngã, hãy học cách yêu thương mọi người. Sống với đam mê, khát vọng, biết nuôi dưỡng những ước mơ từ nhỏ thành lớn. Chúng ta hãy giữ mãi ngọn lửa đó để biến thất bại thành thành công. Khi đó, ta sẽ làm ấm chính mình và người khác, truyền cho họ sự sống. Thế giới sẽ trở nên ấm áp hơn, tràn ngập màu sắc của yêu thương và hạnh phúc.

    Câu nói của Tagore quả thực là triết lý, là bài học sâu sắc cho những kẻ chỉ biết ăn bám xã hội, không ước mơ, khát vọng, vô cảm, thờ ơ. Và, đây cũng là bài học đắt giá cho tất cả mọi người: Biết khơi dậy ngọn lửa của chính mình và lan tỏa đến người khác. Sống một cuộc đời ý nghĩa, biết để lại dấu ấn trong tim người khác. "Sau cơn mưa trời lại sáng", hãy tin tưởng vào chính mình và thẳng bước trên con đường thành công.
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng tám 2021
  2. phunne1806 Tra Nữ

    Bài viết:
    41
    Hay lắm ạ
     
    THG NguyenLove cà phê sữa thích bài này.
  3. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Mong sẽ giúp ích dc cho bạn
     
    THG NguyenHà Khánh ly thích bài này.
  4. EC.Bắc.Hà

    Bài viết:
    62
    Đã "nhen lửa" cho mình!

    Bài viết rất hay, dẫn chứng nhiều, dễ áp dụng trong các đề tài tương tự. Cảm ơn bạn.
     
  5. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Mình rất vui khi đọc nhận xét của bạn.
     
    THG Nguyen thích bài này.
  6. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    Thích ông Tagore nên hâm mộ luôn Love cà phê sữa! ^^
     
    THG NguyenLove cà phê sữa thích bài này.
  7. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Hihi, cam on chi nhieu
     
    THG NguyenPhan Kim Tiên thích bài này.
  8. Hà Khánh ly

    Bài viết:
    7
    Một bai viết đủ nhen lửa cho thế hệ trẻ
     
    THG NguyenLove cà phê sữa thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...