Bài dự thi Miss VNO 2021 Vòng 3: Thách thức Thí sinh: Vuvu57649195 SBD: 012 Chủ đề: Viết một bài văn nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử trên không gian mạng Cùng với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, mạng xã hội đã dần trở thành một xu hướng, bắt đầu chiếm lĩnh các kênh thông tin, giải trí, giao lưu trên toàn cầu. Nó là nơi kết nối con người từ khắp mọi nơi, là nơi chúng ta thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Điều này mang đến rất nhiều lợi ích, nhưng cũng kèm theo không ít hệ lụy. Một trong những vấn đề được đưa ra tranh luận nhiều nhất chính là văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Khoảng hai mươi năm trở về trước, một ngày của tôi thường bắt đầu bằng tiếng đếm nhịp trong chương trình tập thể dục buổi sáng trên ti vi, đôi lúc là tiếng loa phát thanh vang lên ở phía xa xa: "Đây là Đài tiếng nói Việt Nam..", hay đơn giản là âm thanh lật báo giấy của bố. Còn bây giờ, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, những ký ức đó đã bị phủ một lớp bụi thật dày. Chiếc điện thoại thông minh dường như trở thành vật bất ly thân đối với tất cả mọi người. Đi học, đi làm, đi chơi, thậm chí đi tắm cũng phải mang theo. Bây giờ mỗi khi tỉnh dậy, việc đầu tiên chính là mò tìm điện thoại. Một báo cáo mới nhất được công bố cho biết, người Việt dùng 1/4 thời gian trên điện thoại để "lướt Facebook". Bắt nguồn từ những lợi ích mà mạng xã hội mang lại như cập nhật tin tức đời sống xã hội, kết nối các mối quan hệ, nâng cao kỹ năng sống và sự hiểu biết.. v. V.. thì có nhiều đối tượng có ý đồ xấu đã lợi dụng điều đó để truyền bá những hình ảnh, tin tức "đen" lên mạng xã hội. Và tất nhiên, dù bạn muốn hay không, chắc chắn bạn đã từng nhìn thấy những hình ảnh, tin tức đó. Giống như cuộc hành trình khi bạn rời xa mái trường, tạm xa gia đình để bước chân vào xã hội, thế giới bên ngoài rực rỡ sắc màu nhưng cũng đầy cám dỗ và những góc khuất. Tất cả các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, Weibo.. cũng là những thế giới như thế. Mỗi người sử dụng là một cư dân sinh sống trong đó. Đáng lẽ chúng ta phải cùng nhau xây dựng một thế giới văn minh, lành mạnh nhưng dường như càng sống lâu trong thế giới đó, chúng ta dần dần buông thả bản thân khi không bị trói buộc bởi luật pháp, bởi những chuẩn mực, hay ánh nhìn của những người xung quanh. Núp sau màn hình máy tính/điện thoại, dẫm lên bàn phím, giơ cao ngọn cờ tự do, chính nghĩa để che đậy bản chất xấu xa, ích kỷ của mình. Một điều mà hầu hết những người sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ chắc chắn đã làm, đó chính là lập cho mình ít nhất một nick ảo. Ngoài nick thật (hay nick chính) dùng để chia sẻ, trò chuyện với bạn bè trong cuộc sống thực, thì mọi người còn có riêng một nick "ảo" để đi hóng chuyện, comment "dạo", thậm chí là lừa đảo. Nếu như mục đích ban đầu của việc lập nick "ảo" là để dễ dàng "sống thật" hơn hay để bày tỏ những ý kiến quan điểm, những điều thầm kín mà bạn không thể nói trong cuộc sống thực, thì bây giờ nó trở thành công cụ để bạn quấy rối, công kích, phán xét người khác mà không lo bị "lật tẩy". Trong vòng 5 năm trở lại đây, có biết bao nhiêu vụ việc thương tâm được báo đài đưa tin vì nạn nhân bị bắt nạt qua mạng, nhất là thanh thiếu niên. Ngày 23/5/2020, nữ đô vật chuyên nghiệp, ngôi sao truyền hình thực tế nổi tiếng Hana Kimura tự vẫn khi vừa bước sang tuổi 22 đã gây chấn động Nhật Bản. Nguyên nhân của vụ việc bắt nguồn từ một tình huống gây tranh cãi diễn ra trong chương trình thực tế mà cô tham gia. Hana đã phải chịu đựng bạo lực mạng nghiêm trọng trong suốt 2 tháng trời. Sau gần 1 năm, một trong những kẻ gián tiếp gây ra cái chết cho cô mới bị kết án, nhưng lại là mức án "có như không" khi chỉ bị phạt số tiền 9, 000 yên~khoảng 1, 8 triệu VNĐ. Ở Hàn Quốc cũng có rất nhiều vụ việc tương tự. Hai nữ idol, diễn viên nổi tiếng là Goo Hara và Sulli cùng lựa chọn cái chết sau một thời gian dài điều trị chứng bệnh trầm cảm khi phải chịu đựng bạo lực mạng với những chỉ trích, bình luận cay độc về bê bối đời tư. Hay vụ việc một bé gái 13 tuổi sống ở Long An đã uống thuốc diệt cỏ để tự tử vào tháng 3/2021 vì có mâu thuẫn với một số bạn trong lớp mà dần dần bị tẩy chay, cô lập và bắt nạt hội đồng trên Facebook. Còn rất nhiều những trường hợp tương tự diễn ra mỗi ngày trên toàn thế giới. Bản thân tôi cũng là một người dùng mạng xã hội khá thường xuyên. Mỗi lần lướt Facebook, không khó để thấy những bài chia sẻ các clip về việc đánh ghen, bạo lực gia đình, bạo lực học đường.. hay những trang công động đăng tải các bài viết về scandal của các ngôi sao trong và ngoài nước. Đa số những bình luận bên dưới đều là những lời thóa mạ, chỉ trích rất nặng nề. Cư dân mạng còn "thần thông quảng đại" đến mức chỉ vài giờ sau đã có thể tìm ra nick, tên tuổi, thậm chí thông tin về gia đình của những đối tượng trên. Và thế là một đợt "thanh trừng" mới lại bắt đầu. Nguyên nhân dẫn đến sự "phẫn nộ" này tôi có thể hiểu đôi chút. Nhưng có những trường hợp chỉ đơn giản là không vừa mắt, tâm trạng đang không vui.. mà một người có thể dành hàng giờ để chửi bới trên mạng. Đây chính là thực trạng của văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đã có sự vào cuộc quyết liệt. Đặc biệt, ngày 17/6/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội gồm 5 Điều phân biệt theo từng đối tượng. Cá nhân tôi không quá mong chờ vào hiệu quả thực tế của Bộ quy tắc này, nhưng ít nhất đây cũng là một hành động thể hiện lập trường và quan điểm của Nhà nước về vấn đề văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Việt Nam chúng ta có rất nhiều câu nói hay về lời ăn tiếng nói. "Ăn có nhai, nói có nghĩ", trước khi nói bất cứ điều gì bạn nên dành thời gian suy nghĩ thật kỹ. "Lời nói, gói vàng", hãy coi trọng lời nói của bạn như một món đồ quý giá. "Lưỡi sắc hơn gươm", thanh gươm sắc bén nhất cũng không gây tổn thương bằng những lời nói cay độc của bạn. Vậy nên không phải pháp luật mà chính bản thân mỗi người chúng ta mới là nhân tố quan trọng nhất trong việc lan tỏa và hình thành chuẩn mực về văn hóa ứng xử trên không gian mạng, ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc xảy ra, góp phần xây dựng một cộng đồng mạng an toàn, lành mạnh. Hãy để mạng xã hội trở về đúng với ý nghĩa ban đầu của nó, đó là mang con người lại gần nhau hơn. Tôi có thể, bạn cũng thế!