[NLXH] Văn hóa ứng xử trên không gian mạng - Haosamthi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi haosamthi, 23 Tháng một 2022.

  1. haosamthi Yewwww

    Bài viết:
    27
    Bài dự thi Miss VNO 2021

    Vòng 3: Thách thức

    Thí sinh: Haosamthi - 014​

    Chủ đề: Viết một bài văn nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

    Bài làm:

    "Lời nói hay thì cưa đứt được cả sắt"​

    Đây là một câu Ngạn ngữ nổi tiếng của Nga bàn về cách ứng xử giữa người với người. Theo cảm nhận của bản thân mình, câu ngạn ngữ trên hàm chứa bài học mà phần lớn cộng đồng mạng Việt Nam phải học hỏi và ứng dụng. Vào thời điểm dịch dã bùng phát khắp nơi, hầu hết chúng ta đều chỉ ru rú trong nhà vừa an toàn cho bản thân, vừa nêu cao tinh thần công dân trách nghiệm. Nhưng sẽ không tránh khỏi việc buồn chán. Nên vậy giải pháp tốt nhất để xóa tan sự chán nản chính là lên mạng. Tuy nhiên song hành với sự phát triển của đất nước thì văn hóa ứng xử trên môi trường mạng của một bộ phận giới trẻ Việt Nam ngày càng xuống dốc nghiêm trọng. Thích chạy theo lối sống mới, thích phá cách để thể hiện bản thân hoặc vì muốn nổi tiếng mà họ sẵn sàng trở nên phản cảm, thô lỗ, cục cằn, lan truyền những tư tưởng phản động, kém minh bạch. Vậy tại sao một bộ phận giới trẻ trên không gian mạng lại trở thành những "phần tử rác"? Để trả lời câu hỏi này, ngay bây giờ đây chúng ta hãy cùng bàn luận về văn hóa ứng xử trên không gian mạng của giới trẻ hiện nay.

    [​IMG]

    Nguồn: Internet

    Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng đã từng nghe qua câu "Lời chào cao hơn mâm cỗ", ngụ ý dạy dỗ chúng ta về phép lịch sự trong cách ứng xử, trong giao tiếp. Hay việc thường bắt gặp những cụm từ như "Văn hóa ứng xử" trong môn Đạo đức thời cấp 1. Vậy hiểu văn hóa ứng xử là gì? Dưới góc độ tâm lý học, Giáo sư- Tiến sĩ Đỗ Long đã đưa ra khái niệm: "Văn hóa ứng xử là hệ thống thái độ và hành vi được xác định để xử lý các mối quan hệ giữa người với người trên các căn cứ pháp lý và đạo lý nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển của cộng đồng, xã hội". Còn trên phương diện khác thì sao? Thật khó để đưa ra một định nghĩa hay khái niệm rõ ràng về văn hóa ứng xử. Nói nôm na thì văn hóa là một phạm trù rộng lớn, bao hàm cả vật chất lẫn tinh thần. Nó được hình thành bởi những chuẩn mực trong suy nghĩ, lối sống, tập tục mà con người đề ra trong chặng đường lịch sử. Là một nét đẹp biểu trưng cho một con người, một xã hội, một đất nước, được truyền thừa qua nhiều thế hệ. Còn ứng xử là cách chúng ta giao tiếp, trao đổi, trò chuyện với nhau, hay nó còn là cách chúng ta đối mặt, xử lí, dẫn dắt những tình huống giao tiếp trong cuộc sống. Và ứng xử cũng chính là một yếu tố quan trong cấu thành bản sắc văn hóa của một cộng đồng. Từ đó ta thấy rằng, văn hóa ứng xử là hệ thống thái độ và hành vi của cá nhân và cộng đồng người được xác định để xử lý một cách tối ưu các mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và với chính bản thân mình, dựa trên các chuẩn mực xã hội, được xây dựng nên từ lối sống, suy nghĩ, hiểu biết và trình độ nhận thức của mỗi người tại một thời điểm. Văn hóa ứng xử trên không gian mạng cũng tương tự như vậy, tuy nhiên khác ở chỗ là nó được thể hiện qua những bài đăng, dòng trạng thái, hình ảnh, bình luận mà ta chia sẻ trên không gian mạng.

    Có rất nhiều trang mạng phổ biến ở Việt Nam như Facebook, Zalo. Instagram, TikTok.. với hàng triệu lượt truy cập từ đủ mọi lứa tuổi. Mạng xã hội như một thế giới ảo khi chúng ta có thể giao tiếp, làm quen được với nhiều bạn bè. Không có khoảng cách địa lí, không có giới hạn biên giới lãnh thổ. Từ đó cũng hình thành nên nhiều cách ứng xử khác nhau như: Lịch sự, trang nhã, cả thô lỗ, cộc cằn.

    Nhưng trên môi trường mạng Việt Nam hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều phần tử "rác". Những phần tử ấy hầu hết là anh hùng bàn phím, chúa tể của những cuộc cãi nhau "gây mất não", những "cái rốn của vũ trụ" phiên bản lỗi, hoặc cũng có thể là những "cô công chúa với lí lẽ phi lo-gic" và những bạn nam có "sở thích" mặc váy độc lạ. Không dừng lại ở đó, quần thể này còn có sự góp mặt của những "thiên tài" văng tục, những bạn nữ, bạn nam thích khoe những bộ phận nhạy cảm, chuyên gia săm soi và thích chê bai người khác. Văn hóa ứng xử của những phần tử này trên không gian mạng chỉ cần tóm gọn bằng một từ là đủ: "Rác". Vừa thô lỗ, cộc cằn, còn tục tĩu, chua ngoa, phản cảm. Không thể chấp nhận được. Bộ phận giới trẻ đó thường có cái nhìn phiến diện, hạn hẹp, suy nghĩ nông cạn, tiêu cực hóa và thích thể hiện bản thân.

    Chẳng hạn như chị A thích những nhóm nhạc Hàn Quốc, đăng hình thần tượng lên Facebook, chị B lại không thích mấy cái nhóm nhạc nhảy nhót, lòe loẹt này. Thấy hình của chị A đăng thì ngứa mắt, phải vào bình luận chửi bới chê bai mới chịu được. Thế là trận tranh cãi nảy lửa xảy ra, bên thì bảo vệ thần tượng của mình, bên thì bôi bác, xúc phạm người ta. Việc xúc phạm thần tượng của người khác xuất hiện tràn lan trên cả facebook, tiktok, youtube, hành động này thể hiện sự vô duyên của những người đó. Không thích thì có thể bỏ qua, coi như không thấy. Nhưng cố tình họ không làm như thế, cứ cố đi bình luận, đăng trạng thái chửi mắng người ta là "rác", "pê-đê". Phản cảm vô cùng. Ghép ảnh người ta với bãi rác chèn thêm mấy cái nhạc đinh tai nhức óc, hiệu ứng giật giật là tưởng mình theo thời đại, theo xung hướng, nghĩ mình hơn người, thượng đẳng. Không hề. Chỉ thấy mỗi sự vô duyên, rảnh rỗi, ghen tị thôi.

    Có người xúc phạm người khác rồi còn chống chế là quyền tự do ngôn luận, nói người ta mê trai, Mị Châu thời 4.0.. Có một số bạn hôm mộ ca sĩ thần tượng cũng không vừa, nói "thần tượng mình nổi tiếng khắp thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh có làm được như vậy không". Ngu ngục, vô văn hóa, kém hiểu biết, vô ơn, nông cạn là những từ dùng để khái quát những phần tử đó. Từ ấy lại sản sinh ra hàng loạt cuộc tranh luận không cần thiết và ảnh hưởng đến người xung quanh. Thế là trang mạng đấy trở thành cái chợ ô nhiễm. Lúc đầu còn tôn trọng nhau, càng sau lại càng tục tĩu, thô lỗ, phải đè ép nhau cho bằng được.

    [​IMG]

    Nguồn: Internet

    Hay trong thời điểm dịch dã này, nhiều người thích "đục nước béo cò", đăng thông tin sai sự thật về tinh hình dịch làm dư luận hoang mang. Ngay cả những người nổi tiếng cũng chia sẻ những bài viết về dịch bệnh không được xác thực. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí người dân, không những thế còn làm mất uy tín của Nhà nước, của Đảng. Chỉ vì muốn được chú ý, muốn nổi tiếng hoặc trêu đùa người khác mà tung tin bậy bạ, sai sự thật thực sự ảnh hưởng đến rất nhiều người. Nhưng có một số thành phần trên không gian mạng không ý thức được hoặc cố tình bỏ qua điều này. Không những lừa dối, làm giả thông tin tình hình dịch bệnh, một số đối tượng còn chuyên gia bình luận ở những bài viết có nhiều người chú ý với nội dung gồm họ tên, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, kể lể tình trạng khó khăn của bản thân, "bán thảm" đủ rồi thì xin mọi người quyên góp để giúp đỡ. Tới khi người ta gọi vào số điện thoại thì lại nghe được tin số điện thoại không tồn tại. Lợi dụng lòng cảm thông, lòng đoàn kết dân tộc để lừa tiền. Thật sự rất vô văn hóa, tham lam. Giờ thấy những bình luận kiểu thế chỉ thấy phản cảm chứ chẳng có một xu đồng tình. Thế là những người thực sự cần giúp đỡ bị "dính chưởng" từ hành vi dối trá này.

    Còn một vấn đề nhức nhối hơn, đó là những "hiện tượng mạng". Giới trẻ yêu quý, chạy theo, thần tượng những người đó. Nhưng những phần tử kia thì như thế nào? Toàn là đại ca giang hồ. Như khoảng năm 2018 nổi lên một cái tên "Khá Bảnh" với điệu múa quạt như lăng quăng. Những bạn trẻ lại "chết mê chết mệt", ngay cả những em bé năm, sáu tuổi cũng học theo. Nhưng Khá Bảnh thì sao? Văng tục, thô thiên, đánh bạc, "choảng" nhau.. tập hợp đủ loạt yếu tố cho một đại ca giang hồ chính gốc. Nhưng lại có cả dàn người chạy theo xe, hơn cả ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Năm đấy xuất hiện trào lưu "tóc Khá Bảnh", trên mạng đủ người nhận Khá Bảnh làm đại ca. Lại tiếp, sau khi Khá Bảnh bị đi "ăn cơm nhà nước" thì hàng loạt cái tên như Huấn Hoa Hồng lại nổi lên. Với hàng loạt câu "không làm mà đòi có ăn" trở thành trào lưu, tràn lan khắp mạng xã hội. Tục tĩu và làm mất nét đẹp văn hóa trong cách ứng xử, giao tiếp của Việt Nam. Nhưng các bạn trẻ hình như không nhận thức được điều đó. Lăng- xê những câu nói đó trên mọi mặt trận, cả ngoài đời lẫn trên mạng, ảnh hưởng tới những em bé cấp 1, cấp 2. Hay như rapper Chị Cả, sáng tác cái bài nhạc có nội dung về cuộc tình loạn luân giữa cha chồng và con dâu. Có một số thành phần lại nói "hay thì nghe thôi". Vô trách nghiệm. Truyền bá tư tưởng lệch lạc, khác với luân thường đạo lí, hủy hoại tam quan. Nhưng bài nhạc vẫn nổi tiếng như cồn, Chị Cả còn mang đi trình diễn trên các sân khấu lớn.. Hoặc như việc chia sẻ những đường link trong các hội nhóm trên mạng xã hội. Nào là đánh nhau, đánh ghen, lột quần áo, cả những video 18+. Làm môi trường mạng trở nên kém văn minh, bẩn thỉu và thô tục.

    [​IMG]

    Nguồn: Internet

    Vậy tại sao lại có nhiều phần tử "rác" trên mạng xã hội như thế? Hẳn là vì ý thức của mỗi cá nhân. Không đóng góp vì cộng đồng, không truyền bá những tư tưởng văn hóa, truyền thồng tốt đẹp của Việt Nam. Cơ bản vì bộ phận giới trẻ đó không hề có ý thức, trách nghiệm của bản thân trong việc giữ gìn không gian mạng văn mình. Họ không biết rằng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội chính là thước đo sự văn minh của một cộng đồng, một xã hội. Thích gì thì đăng, thích văng tục thì văng tục, chửi bới khiến mình vui vẻ, ngứa mắt thì đi săm soi, moi móc khuyết điểm của người ta. Một số thành phần khác, muốn gây tranh cãi trên các nền tảng mạng xã hội để nổi tiếng, được nhiều người theo dõi, chú ý. Cũng không ít những "hiện tượng mạng" nổi lên nhờ những tranh cãi, lùm xùm. Cứ có chút nhan sắc, khơi mào những trận "khẩu chiến", "phốt" về nhân cách, thái độ, ngoại hình hay chuyện tình cảm trên mạng xã hội là trở thành "người nổi tiếng" như bạn "trứng rán cần mỡ, bắp cần bơ" - Trần Thanh Tâm, "chúa tể" lè lưỡi, ăn mặc phản cảm Lê Bống..

    Không chỉ vậy, cũng có một số người muốn thể hiện bản thân, tỏ ra mình thượng đẳng hơn người. Nhưng những gì người đó biểu hiện ra chỉ là hành động, ngôn ngữ gây kính động, vô duyên, phản cảm. Đó là những thành phần độc hãi, là "trụ cột" của "băng đảng" ứng xử vô văn hóa trên môi trường mạng. Lại có nhiều bạn trẻ sống "hùa" nên không gian mạng ngày càng "ô nhiễm".

    Theo nguyên nhân khách quan thì tất cả những suy nghĩ này của phần lớn bạn trẻ trên không gian mạng hiện nay có thể bắt nguồn từ môi trường, hoàn cảnh sống. Chẳng mấy ai có được phẩm chất "trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" cả. Hoàn cảnh sống ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lí, nhân cách của một con người. Nên vậy, khi các bạn trẻ sống trong môi trường văng tục là câu cửa miệng, đánh nhau, thô lỗ, tục tĩu bao quanh thì việc sử dụng những yếu tố xung quanh trên mạng xã hội là điều không thể tránh khỏi. Thiếu phương pháp giáo dục hợp lí hoặc giáo dục không đến nơi đến chốn tạo nên một con người vô văn hóa, thiếu văn minh. Ngay cả trên mạng và ngoài đời. Tất cả gây nên một hậu quả khôn lường, như việc nhiều cuộc xung đột, tranh cãi xảy ra, ảnh hưởng tới cả ngoài đời thực. Bạn trẻ ngày càng "hùa" theo, ngày càng thiếu văn hóa. Không gian mạng sẽ bị ô nhiễm triệt để, gây những tác động không tốt cho những đối tượng cấp 1, cấp 2 đang sử dụng mạng xã hội. Bơm vào đầu các em nhỏ những tư tưởng không thích hợp.. sau tất cả, không gian mạng sẽ bị biến chất, không còn là không gian vui chơi, giải tỏa tâm trạng. Mà là nơi cội nguồn của những tranh cãi, thói hư, tật xấu.

    Có cách nào để thay đổi cục diện này không? Có chứ. Các bạn trẻ phải thay đổi suy nghĩ, có ý thức hơn trong cách ứng xử trên không gian mạng. Hãy "sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn", giữa người với người luôn có một sợi dây vô hình liên kết, chỉ cần thay đổi cách hành xử, giao tiếp thì mọi người sẽ hiểu nhau hơn, được yêu thương và quý trọng. Suy nghĩ trước khi nói, nhìn thoáng ra, học hỏi thêm nhiều điều tốt đẹp, đừng bó hẹp bản thân trong quan niệm, cách suy nghĩ của mình. Để thấy cuộc sống tươi đẹp hơn. Tránh xa những nguồn tin, những trang mạng độc hại, không hùa theo, hâm mộ, theo dõi, truyền bá những tư tưởng, câu nói, con người "nổi tiếng" nhưng thật ra lại rỗng tuếch, vô bổ, thô tục, không hợp với thuần phong mĩ tục của Việt Nam. Phải tìm hiểu kĩ càng về những nguồn gốc của thông tin, không bị dư luận dắt mũi, có chính kiến của bản thân. Trở nên hòa nhã hơn, kiềm chế tốt hơn, không thích thì cứ coi như không thấy, đừng lao vào chửi mắng, xúc phạm người khác để là mất cái duyên của mình. Nói tóm lại, những cùng nhau bài trừ những thông tin sai trái, thay đổi cách nhìn nhận của mình về mọi vấn đề để không gian mạng trở nên sạch sẽ hơn, bổ ích hơn. Để khi mọi người nói về văn hóa ứng xử của giới trẻ Việt Nam trên không gian mạng đều là thân thiện, dễ mến, văn minh, lịch sự. Không chỉ vậy, gia đình và nhà trường cũng phải hệ thống giáo dục bài bản, linh hoạt, vừa đáp ứng nhu cầu mở rộng văn hóa, vừa đảm bảo khuôn khổ chuẩn mực đạo đức. Giáo dục cho các bạn trẻ biết về văn hóa ứng xử đúng mực, lịch sự trong thực tế và cả trên môi trường mạng. Để giới trẻ biết rõ về tác hại, mặt tối của mạng xã hội, không bị dắt mũi, biết chọn lọc thông tin, có cách ứng xử thích hợp. Tất cả mọi người trong chúng ta đều phải thay đổi, nhìn nhận lại cách mà chúng ta đang sử dụng mạng xã hội để cách ứng xử trên không gian ấy có văn hóa hơn, sạch sẽ và truyền cảm hứng, chứ không phải văn hóa ứng xử thô lỗ, cộc cằn, tục tĩu.

    [​IMG]

    Nguồn: Internet

    Văn hóa ứng xử của mỗi người thể hiện trình độ tri thức của người đó. Điều này không hề sai. Nhưng đáng buồn rằng giới trẻ Việt Nam hiện nay lại không hiểu rõ điều đó, để không gian mạng trở thành "bãi chiến trường" của những cuộc tranh cãi, nơi "sản xuất" ra những thông tin sai sự thật, truyền tải những "đạo lí" vừa không có tính giáo dục vừa tục tĩu, thô thiển.. Không chỉ trên không gian mạng mà ngay cả trong thực tế, văn hóa ứng xử đều là một thước đo để đánh giá con người. Vậy nên tại sao chúng ta không cùng nhau cố gắng, cùng nhau "làm sạch" mạng xã hội? Hãy cố gắng thay đổi nhận thức, suy nghĩ của bản thân nhé! Để mỗi ngày trôi qua, chúng ta lại càng tốt đẹp và tỏa sáng rực rỡ hơn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...