BÀI DỰ THI MISS VNO 2021 Vòng 3: Thách Thức Thí sinh: Dung0807 SBD: 010 Chủ Đề: Viết một bài văn nghị luận từ 1000 - 3000 chữ nói về văn hóa ứng xử trên không gian mạng. (Nguồn: Pinterest) "Thế hệ gen Z, drama, đú trend sống ảo, thủ lĩnh tinh thần, người dẫn dắt dư luận.." Là những cụm từ trôi nổi tràn ngập trên mạng xã hội mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng nghe thấy, thậm chí, nó còn quá quen thuộc đối với giới trẻ ngày nay. Xã hội ngày càng phát triển, đất nước hội nhập khắp năm châu bốn bể, thì chúng ta càng có cơ hội được kết bạn, giao lưu nhiều hơn. Mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến - nó chính là sản phẩm của hội nhập văn hóa. Nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc người dân tuân thủ quy tắc phòng dịch, thời gian ở nhà tăng lên thì việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội là điều khó tránh khỏi. Chúng ta không khó để thấy, mạng Internet vốn chính là một xã hội thu nhỏ, tại đây bao hàm mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh. Nhưng mối quan hệ đó liệu có đang thực sự phát triển theo hướng tích cực hay chỉ là những cái like vô cảm, những dòng trạng thái chẳng mấy ai quan tâm và những cuộc tranh cãi này lửa không phân biệt đúng sai? Vậy tất cả điều đó là từ đâu? Có một câu trả lời hoàn hảo nhất đó chính là do "văn hóa ứng xử trên không gian mạng" của một bộ phận dân cư. Vậy trước hết, ta phải hiểu văn hóa ứng xử là gì? "Văn hóa" là một phạm trù rộng lớn, nó bao gồm cả vật chất và tinh thần. Mỗi suy nghĩ, hành động của con người trong từng tình huống có phù hợp với chuẩn mực xã hội hay không đều thể hiện văn hóa ứng xử của người đó. Và, văn hóa ứng xử trên không gian mạng chính là ý thức sử dụng mạng xã hội của mọi người, là thái độ, hành động của chúng ta trước những sự việc trong thế giới thu nhỏ ấy. Có lẽ là quá khó để định nghĩa được hết cái gọi là "văn hóa ứng xử". Nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay, thực trạng về vấn đề này đang được phơi bày một cách rõ nét theo cả chiều hướng tích cực và cả tiêu cực. Mạng xã hội cho ta cơ hội kết bạn khắp mọi nơi trên thế giới, mở rộng mạng lưới quan hệ và làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của bản thân. Và cũng từ đây "văn hóa ứng xử trên không gian mạng" trở thành một chủ đề hot, được quan tâm hơn bao giờ hết. Mạng xã hội - "ảo mà thật' mỗi chúng ta đều có quyền lên tiếng, thể hiện thái độ, cảm xúc và hành động trước những tình huống khác nhau. Tuy nhiên, những cảm xúc, hành động đó phải phù hợp với khuôn mẫu của văn hóa ứng xử. Internet là một con dao hai lưỡi, nếu bạn là một người sử dụng thông minh thì nó sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn, như việc ở phía sau màn hình máy tính và giao tiếp có thể giúp bạn tự tin hơn, cải thiện kỹ năng giao tiếp và nâng cao tầm hiểu biết của bản thân. Nhất là đối với những người hướng nội hoặc những người luôn cảm thấy tự ti và mặc cảm về bản thân thì việc kết bạn qua mạng xã hội sẽ là một giải pháp tốt để cải thiện điều đó. (Nguồn: Pinterest) Nhưng sự thật đáng buồn hơn và đang diễn ra phổ biến chính là ý thức kém khi sử dụng mạng xã hội của một bộ phận người dân. Một số thì tự cho mình quyền phát biểu phía sau bàn phím, lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chuộc lợi. Họ có thể đưa ra vô vàn lời phán xét hay những câu chữ, lời nói tục tĩu, kém văn minh và thậm chí còn vi phạm tới chuẩn mực đạo đức! Hầu hết những người sử dụng các trang mạng xã hội hiện nay là giới trẻ, trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh và ngày càng khó kiểm soát, việc giới trẻ thiếu kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội đã gây ra những mâu thuẫn, những cuộc cãi vã và để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Những comment thiếu hiểu biết, những lời nói thô lỗ hay cách mà một bộ phận người lên án, xỉa xói người khác khi chưa có kết luận chính xác, tất cả đã biến chúng ta thành kẻ" vô văn hóa ". Một hồi chuông báo động đã vang lên, khi mới đây thôi Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng. Cái kém văn minh ấy không chỉ thể hiện ở những hành động, lời nói mà nó còn thể hiện ở thái độ của mỗi chúng ta." Văn hóa ứng xử "là thước đo đánh giá con người. Nhưng đáng buồn ở chỗ, dường như mức thang văn hóa đang ngày càng thấp đi mà con người lại như không nhìn thấy hệ lụy ở phía sau đó. Vậy nguyên nhân là do đâu? Câu hỏi này vừa rõ ràng, vừa trừu tượng, vừa khó lại vừa dễ để trả lời." Văn hóa ứng xử trên không gian mạng "ngày càng kém đi là do hai nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân chủ quan có thể do những kẻ ở phía sau tài khoản ảo trên mạng xã hội muốn thể hiện mình, họ khao khát quyền lực và lấy việc sỉ nhục người khác làm thú vui. Họ để cái tôi của bản thân cao hơn đầu, không chịu lắng nghe và thấu hiểu. Thế là mâu thuẫn đã nổ ra. Còn khách quan có thể là do ảnh hưởng từ môi trường sống, có thể họ bị khuyết thiếu tình cảm hay cha mẹ không đủ quan tâm? Họ tự xây dựng một thế giới biệt lập riêng trên các trang mạng để trút hết tất cả những phẫn nộ, những tâm sự hay cảm xúc tiêu cực vào đó. Ở cái nơi không phân biệt được thật giả ấy, họ không cần kiêng kị ngôn từ, bỏ qua cả chuẩn mực đạo đức. (Nguồn: Pinterest) Có thể những gì tôi nói ở trên chỉ là một khía cạnh, nhưng nó là nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến tình trạng ứng xử kém trên mạng xã hội ngày nay. Chúng ta không xa lạ gì với những group hay các diễn đàn được lập ra đầy rẫy, mối quan hệ giữa các member và admin, những cuộc nói chuyện cũng sẽ phần nào thể hiện được văn hóa ứng xử của mỗi người. Nếu không biết, bạn nên học hỏi bằng thái độ tích cực và lễ phép, chứ không phải dùng những câu nói trống không và thái độ như kẻ bề trên để giao tiếp. Điều này sẽ không khiến bạn trở nên thượng đẳng hay có địa vị cao hơn mà nó sẽ biến bạn trở nên" vô văn hóa "và mất điểm trong mắt người khác. Hậu quả là các trang mạng vốn được lập ra với mục đích tích cực như giao lưu kết bạn hay tìm kiếm thông tin lại trở thành nơi để những" bà hoàng phán xét "lên ngôi. Những cuộc cãi vã và thái độ xấc xược trong các bình luận vốn chỉ là một phần nổi của cả tảng băng chìm to lớn. Còn hệ lụy lớn nhất cho lối ứng xử xấu là" bạo lực mạng "! Khi bạn dùng những ngôn từ cay nghiệt, những kết luận vô căn cứ vu khống người khác chỉ để thỏa mãn thú vui hóng" drama "của mình, thì không chỉ các nạn nhân bị rơi vào tiêu cực, trầm cảm thậm chí dẫn đến cái chết, mà chính bạn cũng đang lãng phí thời gian của bản thân vào những việc vô ích. Đừng để cuộc sống của bạn bị thế giới ảo chiếm lấy và điều khiển! Những tác động tiêu cực của bạo lực mạng thật không thể kể xiết. Những câu nói đầy ác ý như muốn dồn con người ta vào bước đường cùng, hay những hành động dọa nạt, khủng bố đều là những biểu hiện đáng buồn của lối cư xử kém văn minh trên mạng xã hội. Vụ việc một nữ sinh lớp 9 trường THCS ở Đồng Nai tự tử vì không chịu nổi áp lực từ những bình luận ác ý của cư dân mạng khi đoạn video clip riêng tư của mình bị phát tán, như là một hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta. Những tác động tiêu cực vẫn luôn phơi bày ngoài ánh sáng. Mà mỗi chúng ta đều là một phần tử của xã hội, đều có trách nhiệm dựng xây đất nước phát triển, văn minh. Chúng ta hãy là một người sử dụng mạng xã hội thông minh và tỉnh táo, chọn lọc thông tin, có trách nhiệm với mỗi một lời nói và hành động của bản thân! Tôi từng nghe một câu nói của Jozesh Paiker rằng:" Đừng bao giờ ném bùn vào người khác. Bạn có thể ném trật và tay bạn chắc chắn bị bẩn. "Hãy sống thật tích cực và văn minh, đối xử hòa nhã với những mối quan hệ xung quanh. Rèn luyện đạo đức và nâng tầm hiểu biết của bản thân, nhất là trong môi trường không gian mạng. Ở phía sau một tài khoản ảo, mong rằng bạn sẽ không đánh mất đi bản ngã của mình! Trong cuộc sống ngày nay, thế giới mạng như tồn tại song song với thế giới thực tại, đó là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại mà không ai có thể bác bỏ. Chúng ta không thể phủ nhận những mặt tích cực của mạng xã hội. Chúng ta sử dụng và làm chủ nó, chỉ cần mỗi người đều kiểm soát được bản thân cho phù hợp với chuẩn mực của xã hội, để sau mỗi vụ việc ta không thẹn với lòng thì vấn đề" văn hóa ứng xử trên không gian mạng"khi được nhắc đến lại là một trang giấy mới, mà trên đó chỉ có những điều văn minh và lành mạnh!