[NLXH] Văn Hóa Ứng Xử Trên Không Gian Mạng - Đặng Katerine

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Đặng Katerine, 23 Tháng một 2022.

  1. Đặng Katerine

    Bài viết:
    199
    Bài dự thi Miss VNO 2021

    Vòng 3: Thách thức



    Thí sinh: Đặng Katerine - 007


    Chủ đề: Viết một bài văn nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử trên không gian mạng


    [​IMG]

    Nguồn: Internet


    Năm 2021, là một năm vô cùng khó khăn khi loài người phải đối mặt với dịch bệnh Covid nhưng lại là cơ hội buộc con người phải cải tiến và phát triển công nghệ thông tin với mục đích giao tiếp, học tập, công việc, mở rộng mối quan hệ xã hội, gặp gỡ bạn bè.. Như luật bất thành văn, mạng xã hội phát triển cũng là lúc văn hóa ứng xử trên không gian mạng được chú ý và đề cao. Vậy văn hóa ứng xử trên không gian mạng là gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những văn hóa tốt đẹp khi sử dụng mạng xã hội.

    Văn hóa ứng xử là cách chúng ta thể hiện về thái độ, hành vi, cử chỉ đối với mọi người xung quanh hay có thể hiểu là cách chúng ta phản ứng trước một bối cảnh, sự kiện nào đó xảy ra. Vậy, văn hóa ứng xử trên không gian mạng là những thái độ, suy nghĩ và hành động thông qua biểu cảm, lời nói, chữ viết được ta biểu đạt trên mạng xã hội, nhằm bày tỏ, công kích hay đồng cảm trước một sự việc, vấn đề nào đó.

    Những ngày vừa qua, khi chỉ thị 16 được ban hành, là lúc chúng ta có nhiều thời gian giành cho gia đình, bạn bè và đặc biệt là mạng xã hội. Chúng ta lướt web để quên đi những đau thương hiện tại, "chat chít" để kết nối tình cảm bạn bè, hẹn hò online để thôi hững nhung nhớ và đọc tin tức để giải trí, nắm bắt xã hội. Ngay giữa trung tâm dịch bệnh, nơi những tấm lòng tương thân tương ái, cứu giúp nhau qua thời khắc khó khăn được mọi người biết đến nhiều hơn thông qua internet. Như "anh bán rau xăm trổ" đã tặng miễn phí rau trong thời gian dịch bệnh mà giá rau thì đắt đỏ hay tình cảm đồng bào cũng từ đây là keo sơn, khắn khít khi người dân miền Trung nhổ sạch rau của nhà mình để quyên góp và vận chuyển chúng vào cho đồng bào miền Nam. Không những thế, những hình ảnh trên đã truyền cảm hứng để những cái tốt được nối tiếp nhau và những cái xấu cũng theo đó mà bài trừ. Mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích là thế, cho đến khi những thông tin giả, thông tin tiêu cực, sai lệch sự thật ra đời. Với đặc thù là công cụ kết nối, chia sẻ thông tin cực nhanh mà dễ dàng, mạng xã hội trở thành một mối đe dọa nguy hại đến tinh thần, ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức và lối sống của từng cá nhân. Song, mạng xã hội luôn cung cấp thông tin tốt và xấu, nhưng tâm lý chung của con người là luôn hướng vào những thông tin tiêu cực, tin nóng, tin shock hay "bốc phốt" lẫn nhau mà đa số không ai quan tâm liệu thông tin đó có thật không. Nhận biết được tâm lý chung này, những con người xây dựng nội dung, truyền thông thường đánh vào nhằm tạo tiếng vang, có được sự chú ý của cư dân mạng, từ đó mang lại lợi ích cho bản thân mà bất chấp công lý, đúng sai. Đặc biệt, độ tuổi sử dụng mạng xã hội thường từ 15 đến 29 tuổi (theo Bộ Lao Động) khi mà các cô/cậu thanh thiếu niên chưa có nhận thức, suy nghĩ rõ ràng sẽ dễ ảnh hưởng đến hành động, tâm lí sau này. Chúng dễ dàng học theo mà không nhận định được tốt/xấu, đúng/sai, không những thế, một khi hành động sai và đăng lên mạng xã hội, chúng sẽ bị công kích, bôi nhọ hay dọa dẫm gây ra nhiều vụ việc đau lòng như năm 2013, một nữ sinh lớp 12 học tại trường THPT huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã tự tử khi bị bạn bè ghép ảnh để giễu cợt, miệt thị và bôi nhọ em (Báo Thanh Niên). Hay dạo gần đây, có rất nhiều vụ việc "bốc phốt" lẫn nhau và đăng lên mạng xã hội, người ngoài cuộc thì hóng hớt, bình luận "gió chiều nào thì theo chiều đó", người trong cuộc thì lại quên mất cách để giải quyết một hiểu lầm là cả hai cùng ngồi lại với nhau, để chia sẻ và thấu hiểu nhau. Từ đây ta có thể thấy, mạng xã hội dần là công cụ tạo sự nổi tiếng cho những con người mong cầu hư vinh, người sử dụng mạng xã hội thì biến chất, chửi bới, hành xử côn đồ, coi thường pháp luật, mất đi văn hóa trong sạch của một đất nước Lạc Hồng. Một câu chuyện dở khóc dở cười nhất là về cô nữ ca sĩ Bích Phương, trong một podcast của mình, cô chia sẻ rằng một hôm cô lướt newfeed và thấy một bài đăng "Theo bạn, ca sĩ Bích Phương sửa gì trên người", trong phần bình luận có rất nhiều bình luận suy đoán về rất nhiều bộ phân đã sửa của cô. Vì thế, chính cô cũng bình luận thông qua một tài khoản ảo để khẳng định "Thật ra Bích Phương chỉ sửa mỗi mũi với cằm thôi" thì ngay sau đó có nhiều người vào bình luận để phản đối, tranh luận, thậm chí là sử dụng từ ngữ thô tục để bảo vệ quan điểm của mình. Từ câu chuyện này, ta có thể thấy, sau mỗi tài khoản được sử dụng trên mạng xã hội chúng ta đều không thể biết chính xác đó là ai và họ có mục đích gì. Một nửa sự thật thì không thể nào là sự thật và ta không nên tin vào những bài đăng "vô thưởng vô phạt", không chính thống và bảo vệ nó vô điều kiện.

    Nói đến văn hóa là nói đến phẩm chất và giá trị của từng con người, mọi lời nói, hành động dù thông qua bất kỳ hình thức nào cũng thể hiện được trình độ của người đó. Khi ứng xử trên không gian mạng, chúng ta rất khó để kiểm soát hành vi của mình, việc cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận và sự tôn trọng cá nhân là điều vô cùng khó khăn và cần thời gian trau đồi, hiểu rõ tác động của nó đến với người khác. Đặc biệt, vấn đề giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc trên không gian mạng là một vấn đề mà các cá nhân. Tổ chức cần đặt biệt quan tâm bởi nó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, danh tiếng và đạo đức của từng quốc gia đó. Vì lẽ đó, ngày 17/6/2021, Bộ thông tin và Truyền thông đã Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành "Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội" ra đời nhằm đưa ra một số giải pháp giúp người Việt giữ được văn hóa ứng xử trên không gian mạng như: Sử dụng tài khoản xác thực để tránh mất tài khoản đồng thời mỗi cá nhân sẽ có trách nhiệm với tài khoản mình sử dụng; chia sẻ thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có hành vi ứng xử phù hợp, có đạo đức và không sử dụng từ ngữ gây thì hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; khuyến khích sử dụng mạng xã hội với mục đích tuyên truyền, quảng bá đất nước-con người, văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam; giáo dục và bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.

    Việc sử dụng mạng xã hội một cách khéo léo, văn minh và văn hóa là một việc rất quan trọng, bởi nó không chỉ trực tiếp góp phần nuôi dưỡng, xây đắp cho con người mà còn gián tiếp phát triển một danh tiếng vô hình về đất nước và con người, khiến mọi quốc gia khác khi nhắc về đất nước Việt Nam là những từ hoa mỹ, tốt đẹp. Mỗi cá nhân chúng ta. Cần có thái độ tích cực, nhận và chia sẻ thông tin một cách chọn lọc, ứng xử văn hóa khi gặp bất kỳ tình huống nào trên không gian mạng, tuyên truyền những ý nghĩ cao cả và giáo dục con em mình về văn hóa khi sử dụng mạng xã hội. Cuối cùng, cũng như bao công dân đang sống và làm việc trên đất nước Việt Nam, tôi mong muốn chúng ta đoàn kết, xây dựng một môi trường mạng xã hội lành mạnh để khi trực tiếp sử dụng ta sẽ yên tâm về chất lượng thông tin đồng thời phát triển kinh tế, xã hội, dân giàu, nước mạnh.

     
  2. Vô Ky Cơ Tiện

    Bài viết:
    259
    Dẫn chúng pháp luật thuyết phục
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...