NLXH: Văn hóa ứng xử trên không gian mạng - Cát Miêu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cát Miêu, 23 Tháng một 2022.

  1. Cát Miêu

    Bài viết:
    99
    Bài dự thi Miss VNO 2021

    Vòng 3: Thách thức​

    Chủ đề: NLXH về văn hóa ứng xử trên không gian mạng.​

    Như mọi người đã biết, văn hóa ứng xử trên không gian mạng đã không còn xa lạ gì với mỗi người sử dụng mạng xã hội. Thế nhưng càng ngày nét văn hóa đó càng có những thay đổi, vừa có lợi vừa có hại. Hôm nay hãy cùng Miêu tìm hiểu để rõ hơn về nét văn hóa ứng xử trên không gian mạng nhé!

    #thách thức

    #MissVNO2021

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cuộc sống luôn luôn vận hành và phát triển. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội thì sự tiến bộ của công nghệ thông tin nói chung, sự phổ biến và tiện dụng của Internet và các trang mạng xã hội nói riêng đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống và sinh hoạt của con người. Trong thời đại mà mạng xã hội và Internet dường như chiếm lĩnh cuộc sống của con người, có lẽ chưa bao giờ cụm từ "văn hóa ứng xử trên không gian mạng" lại được nhắc đến nhiều như vậy. Nét văn hóa độc đáo này tuy mới mẻ nhưng không lạ lẫm, bởi nó vốn dĩ xuất phát từ nét văn hóa giao tiếp hằng ngày của con người. Thế nhưng, ảnh hưởng mà nó đem đến cho con người vừa có lợi nhưng cũng tồn tại mặt hạn chế, thậm chí ở thời đại 4.0 này, nét văn hóa ứng xử trên không gian mạng đang dần dần bị biến chất, trở nên lợi bất cập hại.

    Mạng xã hội chắc chắn đã không còn xa lạ gì với bất kỳ người nào sống trong thời đại phát triển của công nghệ, dù là người già hay người trẻ. Thật vậy, mạng xã hội trong thời đại Covid 19 là công cụ thiết yếu nhất kết nối con người với nhau, và dù cho ở thời bình thì nó cũng thực hiện nhiệm vụ gắn kết những tâm hồn đồng điệu với nhau trên phạm vi toàn thế giới. Nói một cách tuy thần kỳ nhưng rất chính xác, mạng xã hội có thể xóa bỏ khảng cách về không gian, thời gian, thậm chí dù khoảng cách địa lý có xa xôi đến mấy thì cũng được nó tái hiện được rõ ràng sống động như thật. Nó giúp con người chia sẻ với nhau những khoảnh khắc xinh đẹp, thiêng liêng và tràn đầy ý nghĩa, nhờ có nó mà con người có thể mở rộng kiến thức, kết nối được với những trái tim đồng điệu, cùng chia sẻ yêu thương và bắt nhịp cầu lan tỏa tình yêu thương.

    Mạng xã hội là kết tinh trí tuệ công nghệ của con người, việc đem đến cho cuộc sống con người sự thoải mái và tiện lợi chính là nhiệm vụ của nó. Trong suốt chiều dài sứ mệnh của mình, nó đã hoàn thành nhiệm vụ đó rất tốt, thế nhưng cũng không thể nào tránh khỏi bị biến chất bởi tác động của con người. Cũng không biết từ khi nào, mạng xã hội đã trở thành cái hộp chứa bị rỗng ruột, nuôi dưỡng một con sâu mọt độc hại là nét văn hóa ứng xử không lành mạnh. Văn hóa ứng xử trên không gian mạng ngày nay ngày càng trở nên biến chất, mất chuẩn mực và tràn đầy độc hại. Đương nhiên ở đây ta không nói tất cả mọi người đều cư xử vô văn hóa trên không gian mạng, nhưng một bộ phận rất lớn người sử dụng mạng xã hội hiện nay đang vướng phải điều này.

    Ta phải hiểu rằng, văn hóa ứng xử trên không gian mạng là những hành vi ứng xử, là phản ứng của mỗi người trước một vấn đề hay một sự kiện nào đó trên các nền tảng trực tuyến; và những ứng xử, phản ứng đó phải phù hợp với văn hóa, đạo đức xã hội. Văn hóa ứng xử là thước đo giá trị căn bản của mỗi con người, cho dù là trong lời ăn tiếng nói hay trong suy nghĩ, và trên mạng xã hội ngày nay cũng là như vậy. Ông cha ta từ xưa nay luôn giữ gìn nét đẹp của ngôn ngữ dân tộc, đề cao nét văn hóa ứng xử cao đẹp trong giao tiếp, xem đó là điểm làm nên sự đặc sắc và độc đáo của bản sắc dân tộc Việt Nam. Vậy mà giờ đây, thế hệ con cháu lại đang tâm đem thứ ngôn ngữ quý báu mà ông cha dùng xương máu bảo vệ, đem nét văn hóa ứng xử cao đẹp mà ông cha tận lực giữ gìn sử dụng một cách vô văn hóa, đánh mất đi bản sắc và sự tinh khiết của nét văn hóa ứng xử truyền thống của người Việt Nam. Giờ đây không chỉ trong giao tiếp hàng ngày mà ngay cả trên không gian mạng, văn hóa ứng xử ngày càng trở nên "xuống dốc" và "xấu xí". Mạng xã hội hiện nay cứ như một "nồi lẩu thập cẩm", nhận vào tất cả những nét ứng xử dù là văn minh hay thiếu lành mạnh, đảo trộn, sau đó biểu hiện ra cái "hỗn hợp nước lẩu" hỗn độn và bốc mùi, trực tiếp ảnh hưởng đến suy nghĩ và định hướng nét ứng xử trên không gian mạng cho nhiều thế hệ bạn trẻ non nớt. Văn hóa ứng xử trên không gian mạng của đại đa số thế hệ trẻ, và đương nhiên không chỉ người trẻ tuổi, ngay cả người lớn tuổi, đủ trưởng thành cũng không khá hơn là bao, thậm chí tôi còn thấy có những bạn nhỏ chỉ mới bảy, tám tuổi nhưng cả ngày đều kè kè chiếc điện thoại smartphone trong tay, truy cập mạng xã hội và có những phát ngôn, hành động ứng xử gây sốc.. Thực trạng đáng buồn này đã dấy lên hồi chuông báo động lớn, liệu con cháu đất nước Việt Nam nghìn năm văn hiến - dù trải qua bao nhiêu gian lao chồng chất vẫn giữ gìn được nét văn hóa ứng xử đẹp, bây giờ phải lụi tàn vì con sâu mọt đục khoét nét văn hóa ứng xử trên không gian mạng hay sao?

    Vậy nguyên cớ nào dẫn tới những hành vi ứng xử không lành mạnh và kém văn minh đó trên không gian mạng? Mạng xã hội là thế giới ảo mà ở đó có một viễn tưởng về một cuộc sống tươi đẹp, hấp dẫn, nó cám dỗ, kích thích lòng hơn thua và ganh đua sâu trong nội tâm con người, làm cho họ đua đòi sống ảo. Con người một khi chìm đắm trong đó sẽ yêu thích gây sự chú ý bởi họ muốn được tung hô, muốn được hư danh bao quanh. Để được như vậy, họ không tiếc gây ra những scandal chấn động và đầy tính hoang đường. Hiện nay có rất nhiều người nổi tiếng nổi lên nhờ những content, những phát ngôn thông điệp và hành động gây sốc, thu hút sự chú ý của dân cư sử dụng mạng xã hội. Họ lan truyền những tư tưởng lệch lạc, những suy nghĩ không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thậm chí là vi phạm thuần phong mỹ tục cho người xem. Cũng có nhiều người tìm mọi cách bấu víu với những người nổi tiếng gây ra những cuộc tranh cãi nổ lửa, những cuộc khẩu chiến và tranh chấp từ phía người hâm mộ các bên. Mức độ quan trọng và chính xác của các sự kiện nói trên không chắc chắn là đúng hoàn toàn nhưng độ nóng và quan tâm của người sử dụng mạng xã hội lại rất cao. Như vậy vừa đúng làm cho mạng xã hội càng trở nên hỗn độn và phức tạp. Càng có nhiều luồng ý kiến thì càng có nhiều bất đồng suy nghĩ, càng có nhiều tranh chấp và đỉnh cao là các cuộc khẩu chiến qua mạng của người sử dụng. Những anh hùng bàn phím nấp sau tấm màn hình lạnh lẽo ra sức gõ chữ, đưa ra lý lẽ của mình, lý lẽ dùng không được thì cãi chày cãi cối. Cuối cùng là tục tĩu mắng chửi nhau, lôi cả dòng họ tông ti ra, dùng những thứ ngôn ngữ dơ bẩn và nét ứng xử vô văn hóa nhất phơi bày trên mạng xã hội. Cũng có những người qua đường góp vui, đem sự khó chịu từ cuộc sống thật bên ngoài phát tiết, giải tỏa lên mạng xã hội "ảo", không ngần ngại văng tục và sỉ nhục người khác để thỏa mãn tức giận kềm nén của mình. Những chuyện như vậy, hầu như ngày nào truy cập mạng xã hội ta cũng đều có thể thấy được.

    Ông cha ta có câu "ăn có nhai, nói có nghĩ", thế nhưng những lúc như vậy thì người sử dụng mạng xã hội hầu như đều quên, chỉ bất chấp tất cả mà giành lẽ đúng cho suy nghĩ của mình, cho dù ban đầu vốn dĩ họ đều là người qua đường trong câu chuyện của người khác. Cái đáng sợ nhất của nét văn hóa ứng xử không lành mạnh trên không gian mạng chính là như vậy. Nó có đủ khả năng cám dỗ con người sa vào, cũng có khả năng lôi kéo người không liên quan dính đến, móc hết tim hết phổi ra để chứng minh quan điểm của mình trong câu chuyện của người khác là đúng. Nghe thì rất hoang đường, thế nhưng đó chính là sự thật!

    Một nguyên nhân khác nữa của hành vi ứng xử không lành mạnh trên không gian mạng là yếu tố tâm lý của con người. Khi một người lẫn trong đám đông, cho dù lời của họ có khó nghe và sai trái đến mức nào, tuy nhiên nếu cả đám đông đều có ý nghĩ phiến diện như vậy thì họ lại chẳng thấy sợ hãi gì cả. Xu hướng đám đông khiến con người tự tin hơn, cũng giống như cái cách mà họ nấp sau tấm màn hình lạnh lẽo mà phán xét người khác, đưa ra những lời lẽ khắc nghiệt và cay độc nhất. Họ biết "lưỡi sắt hơn gươm", biết một lời nói cay nghiệt còn mang tính sát thương dữ dội lớn lao hơn cả dao gươm đâm vào da thịt, thế nhưng họ lại không nghĩ tới một lời nói cay độc của mình có thể sẽ đẩy người khác vào tuyệt lộ, sẽ khiến người khác tử vong. Họ nghĩ rằng cách một tấm màn hình thì có ai biết được mình thật sự là ai, huống chi còn có rất nhiều người khác cũng ở trên mạng xã hội làm như vậy. Chính như vậy, người A nghĩ mình không phải là người duy nhất có nét văn hóa ứng xử tệ trên mạng xã hội, còn có người B, người C.. trong khi người B, người C cũng nghĩ như vậy. Cả một cộng đồng người sử dụng mạng xã hội đều tin tưởng bản thân không phải là người cư xử tệ duy nhất. Cuối cùng hệ quả là hình thành một hệ thống mạng xã hội với nét ứng xử không chỉ vô văn hóa và không lành mạnh mà còn vô cùng xấu xí, biến chất vặn vẹo. Mà con người chúng ta lại vẫn cứ ngây thơ đâm đầu vào thứ chất độc vô hình này. Thật đáng buồn biết bao!

    Không chỉ là nét ứng xử trên không gian mạng không lành mạnh ở cách ứng xử và lời nói mà ở trong hành vi cũng vậy. Hiện nay chỉ cần truy cập một mạng xã hội bất kỳ ta đều có thể thấy những hình ảnh vi phạm thuần phong mỹ tục, không phù hợp với chuẩn mức đạo đức xã hội như tư tưởng phản động cách mạng, hình ảnh khiêu dâm, mua dâm trá hình dưới cái vỏ bọc baby - daddy.. hiển hiện đầy trời. Người lớn - người đủ trưởng thành, không chỉ không biết tiết chế và xây dựng hình ảnh tốt đẹp để giáo dục làm gương cho thế hệ trẻ mà còn góp phần lan truyền tư tưởng độc hại lên mạng xã hội. Đặc biệt là trong năm 2019 - 2020 đầy biến động vừa qua, không ít thành phần lợi dụng sự phụ thuộc của người dân vào mạng xã hội mà có ý đồ xấu, tung những tin đồn vô căn cứ quấy nhiễu ý chí và tin tưởng của người dân, khiến ai ai cũng trở nên hoang mang rối loạn. Trong thời dịch bệnh, con người phụ thuộc vào mạng xã hội hơn cả là vì chỉ có ở đó họ mới có được thông tin mình cần, mới có thể được an tâm mà đối phó dịch bệnh. Thế nhưng những kẻ xấu lại lợi dụng nó mà tung ra hàng loạt tin đồn nhảm, chẳng những làm lòng người hoảng loạn mà còn có ý đồ kích động bạo loạn nhân dân. Đồng ý là mạng xã hội tiện dụng, thế nhưng chỉ khi đối với nguồn thông tin chính xác và nét ứng xử đẹp thì mới như vậy. Nếu có kẻ dùng vào mục đích xấu thì nó chính là mũi tên gió gieo rắc tai ương lên cánh đồng mênh mông, nhanh chóng và vô cùng dễ dàng. Đến lúc này, chỉ có ý thức tự chủ tự giác của mỗi người mới có thể nhận định rõ ràng đúng sai. Thế nhưng đáng buồn là đại đa số người sử dụng mạng xã hội nước ta hiện nay đều dễ dàng bị kích động và tin theo những điều chưa rõ thực hư trên Internet, dẫn tới suy nghĩ lệch lạc và hành động ứng xử sai lầm. Mạng xã hội trở thành liều thuốc phiện, nó gây nghiện, và nét ứng xử không lành mạnh trên mạng xã hội còn khiến con người vừa nghiện vừa chết dần chết mòn. Một khi nghiện rồi thì con người sẽ bị các hành vi ứng xử trên mạng xã hội chi phối, càng ngày càng đâm đầu sâu vào. Các thế hệ trẻ tuổi, những mầm non tổ quốc hằng ngày tiếp xúc với nét văn hóa ứng xử không lành mạnh này cũng bị tiêm nhiễm, chúng sẽ học đòi bắt chước, học tập theo người lớn, bắt trend với những phát ngôn "thẳng" và "tục" của những idol mạng. Cứ như vậy, một thế hệ nối tiếp một thế hệ bị mạng xã hội và nét ứng xử không lành mạnh trên mạng xã hội đầu độc, trở nên lụi bại.

    D. Crai nói: "Hãy tin tưởng một nửa những gì bạn thấy tận mắt và đừng tin tưởng những gì bạn nghe được." Điều đó thực sự là giải pháp tốt để đối phó với tiêu cực đến từ nét văn hóa ứng xử kém văn minh và không lành mạnh trên không gian mạng. Mỗi chúng ta ai cũng đều biết, mạng xã hội là ảo, con người mới là thật, thế mà còn có "lưỡi không xương trăm đường lắt léo" thì huống hồ gì là cái mạng xã hội ảo chẳng có tí tính chắc chắn nào. Không tin tưởng hoàn toàn vào những biểu hiện trên mạng xã hội, càng không nên bị nét văn hóa ứng xử trên không gian mạng ảnh hưởng mới là tốt nhất.

    Biết chắc rằng mạng xã hội sẽ không thể nào tách rời khỏi con người và sự phát triển của khoa học công nghệ, thậm chí có còn có thể trở thành người bạn tinh thần của con người - thay thế cho sách. Thay vì xem mạng xã hội như một công cụ, một nơi để giải tỏa áp lực và thỏa mãn khát vọng giải trí mua vui của mình thì tại sao ta không thử tiếp nhận nó trên cương vị một người bạn? Một người bạn là "người" có thể giúp ta giải tỏa căng thẳng, cũng có thể cho ta kiến thức, cũng giúp đỡ được ta vượt qua những khó khăn. Và một "người bạn tốt" càng là một người mang đến cho ta những gì tích cực và tốt đẹp chứ không phải là tiêu cực và sai lầm. Và chúng ta cũng vậy, hãy đối xử với "người bạn tinh thần" của mình bằng một nét ứng xử hết sức thân thiện và dịu dàng như thể đối xử với con người bằng xương bằng thịt. Chọn cho mình một "người bạn tốt" và đối xử với nó bằng nét ứng xử thật văn minh, tin rằng điều đó không quá khó với mỗi người. Đừng để cho nét văn hóa ứng xử tiêu cực ảnh hưởng đến "người bạn tinh thần" của mình, và cũng đừng để những người bạn mạng xã hội giả tạo với nét ứng xử kém lành mạnh tiếp cận và làm ảnh hưởng đến mình nhé!

    Thời gian qua rất cảm ơn và cảm kích vì mọi người đã ủng hộ Miêu rất nhiều, mình xin cảm ơn vì tất cả và sẽ cố gắng thật nhiều để không làm mọi người thất vọng <3 Chúc mọi người một Tết Nguyên Đán 2022 thật vui vẻ và bình an!
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...