R. Tago, nhà thơ Ấn Độ cho rằng: "Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy, còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông." Anh/ chị có suy nghĩ gì? Hướng dẫn chấm điểm. Bài làm tham khảo. Tình yêu từ xưa tới nay vẫn luôn được tôn thờ như thần thánh bởi nó đủ sức xua đi bóng đêm, hoàn lương ác thú và cảm hóa con người. Nếu như trong nền Văn học Việt Nam, nhà thơ Xuân Diệu trước tình yêu đã phải thốt lên: "Mau với chứ vội vàng lên với chứ Em ơi em, tình non sắp già rồi." Thì đến với nền văn học Ấn Độ, ta không chỉ được thấy một sự giục giã, bồi hồi mà còn là nỗi niềm dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu: "Nếu đời anh chỉ là viên ngọc Anh sẽ đập nó ra làm trăm Và xâu thành một chuỗi Quàng vào cổ em." Tôi thiết nghĩ, điều gì đã đủ sức thôi thúc để vị thi hào vĩ đại R. Tago hiến dâng một cách tận tụy đến quên mình như vậy? Tôi đã tìm, đã đọc và đã phát hiện ra mục đích sống, lý tưởng sống to lớn của con người ấy: "Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời lên rồi mất hết tinh nhụy, còn hơn giữ nguyên hình nụ trong sương lạnh vĩnh cửu của mủa đông." Có ai hiểu loài sen hơn chính những người dân Việt Nam ta. Bởi sen là quốc hoa, là biểu tượng cho đất nước 4000 năm yêu dấu của ta và nay ta càng tự hào hơn khi loài sen được hiện diện song hành cùng mặt trời chói lòa và vĩnh cửu trong lời giục giã của Tago: "Một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời lên". Đây quả là một thời điểm thích hợp. Bởi khi sen đã thấm đẫm hơi rét sương đêm, sen sẽ không ngần ngại vươn cao ngọn búp để đón nắng mặt trời ấm áp. Dẫu biết rằng sẽ chẳng còn lại chút tinh nhụy cuối cùng, sen vẫn say mê cùng ánh nắng, giao hòa cùng ánh nắng để rồi ánh nắng giúp sen xua đi giá lạnh, lưu hương sen còn mãi với đời. Phải chăng, sen cũng đã căm ghét tột cùng những vũng lầy tanh hôi, căm ghét việc phải thu mình và "nguyên hình nụ trong sương lạnh vĩnh cửu của mủa đông." Sen giờ đây không đơn thuần là sen nữa, mà sen còn mang trong mình tâm thế và bóng hình con người. Cũng như sen, con người sinh ra vốn từ nơi bể khổ cuộc đời và cũng như sen, con người có thể lựa chọn sẽ "ngủ yên" hay bùng lên chói lòa, mạnh mẽ. Thế nhưng với R. Tago, ông đưa ra cho mình một lựa chọn duy nhất: "Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời lên rồi mất hết tinh nhụy, còn hơn giữ nguyên hình nụ trong sương lạnh vĩnh cửu của mủa đông." Đó là một lẽ sống đẹp đẽ và đáng quý. R. Tago khao khát được làm một bông sen, được dâng hiến tất cả những gì tốt đẹp nhất của mình cho cuộc đời, cho con người; được sống một cách có ích, sống chói lọi cho dù sau đó có lụi tàn, hi sinh cũng chấp nhận mà không hối tiếc. Ông không bao giờ chấp nhận mình là một con người yếu đuối, hèn nhát, không chịu thoát khỏi hình hài "nụ búp" và cực kì phê phán lối sống thụ động, thiếu sức sống này. Qua cách nói mang tính so sánh, khẳng định, Tagore đã bày tỏ một quan niệm nhân sinh tích cực về cách sống, tâm thế sống: Sống hết mình, sống tận hiến còn hơn sống một cuộc đời mờ nhạt, thụ động, vô nghĩa không đóng góp được gì cho xã hội, cho cuộc đời. Dẫu biết sẽ tàn phai nhưng phù dung vẫn nở, dẫu biết sẽ chết đi nhưng con người vẫn lựa chọn trăm năm ngắn ngủi hiện diện trên đời. Thế nhưng trong một trăm năm ấy, rất nhiều người đã trở thành những bông sen, tỏa sáng mãnh liệt rồi hóa thành cát bụi để trường tồn cùng thiên nhiên sông núi. Đó là những con người với khao khát được tận hưởng và tận hiến. Ví như nhà thơ Thanh Hải, khi đã nằm trên giường bệnh trong những giây phút cuối đời, ông vẫn khát khao được sống và hiến dâng trọn vẹn: "Ta làm con chim hót Ta làm một nhành hoa Ta nhập vào hòa ca Một nốt trầm xao xuyến." Hay khi lội dòng lịch sự văn hiến nước nhà, ta bắt gặp rất nhiều những con người không ngần ngại hy sinh bản thân cho lý tưởng, cho cuộc đời. Đó là hàng ngàn, hàng vạn sĩ phu can trường sẵn sàng vùng lên đánh đuổi ánh đô hộ của Phương Bắc trong những năm đầu dựng nước, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, thời đại của các vị Vua Hùng để rồi truyền thống ấy tiếp tục được duy trì trong hai cuộc chiến tranh của nhân dân ta với thực dân Pháp và Mĩ. Đó là những con người đáng kính như Phan Đình Giót lấy thân mình bịt lỗ châu mai mà trong miệng vẫn hô to: "Quyết hy sinh.. Vì đảng.. Vì dân.", đó là anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn vào bánh pháo, là chàng trai trẻ Bế Văn Đàn dùng đôi vai gầy làm giá súng, là cô gái miền đất đỏ - Võ Thị Sáu dù bước lên pháp trường vẫn cất cao bài Quốc tế ca, và rất nhiều tấm gương khác nữa. Tất cả họ đều thấm nhuần tư tưởng của Tago: Hi sinh tất thảy vì cuộc đời, vì lý tưởng cao đẹp. Sinh ra ở trên đời là việc dễ, nhưng sống ở trên đời sao cho đúng cách mới là việc khó. Bởi thế nên cũng giống như nhan đề cuốn sách nổi tiếng của Robin Sharma "Đời ngắn đừng ngủ dài.", con người phải biết cách "thức dậy" đúng lúc. Nhưng tại sao ta phải làm vậy? Đức phật đã dạy rằng: "Nguồn cội của mọi khổ đau trên đời đều từ ba việc mà ra: Tham, sân, si." Tức là lòng tham, sự thù hận và thói ngu dốt. Vậy hãy thử nghĩ mà xem, nếu chúng ta không tham làm một trận cuồng phong để trở thành một cơn gió nhè nhẹ phiêu du, nếu chúng ta không oán trách con đường cát dài mà chọn cho mình một con lạc đà tốt, nếu chúng ta không si ngốc trong bóng tối mà tìm về nguồn sáng thì cuộc đời này sẽ tươi đẹp biết bao. Cuộc đời là hữu hạn và sống hết mình theo ý của Tago sẽ giúp con người tỏa sáng và biết cách tận hưởng cuộc sống này hơn. Cũng như một loài chim cất lên tiếng hót hay nhất khi lao mình vào bụi mận gai, hay Romeo và Juliet hiến xác mình cho tình yêu để triệt tiêu mối thù gia tộc, con người ta sẽ ngời sáng ngay từ khi bước vào một cuộc hành trình chứ không phải là khi đã đến đích. Biết cách tận hiến cho đời là khi ta biết tận hưởng những ngày vất vả trèo đèo hơn khi đã lên tới đỉnh núi, là khi ta nhận ra những nụ cười, những giọt nước mắt của người thân, bạn bè trong những phút khó khăn hơn là khi ta đã thành đạt. Đó còn là khi ta nhận ra những gì quý giá nhất với bản thân trên mỗi chặng đường và khi đó, sống cho bản thân không còn quan trọng nữa mà ta tự khắc sẽ thấu hiểu được vẻ đẹp của lối sống hết mình, sống vì người khác. Lối sống của Tago còn giúp ta tự khẳng định được sự tồn tại, năng lực, giá trị, bản sắc, cá tính của riêng mình để rồi tự tìm ra một nguồn động lực, một khát vọng vươn lên để đấu tranh với số phận và cuộc đời. Thành quả lớn nhất luôn dành cho những ai không bỏ cuộc và để luyện cho mình một lòng tin thép, để không bỏ cuộc thì sống hết mình là một điều tất yếu. Câu chuyện của Steve Jobs là một minh chứng tốt nhất cho điều này. Vì gia đình nghèo khó và không có bằng cấp Steve Jobs đã hình thành thói quen tự giáo dục bản thân và có khát khao thành công mãnh liệt. Sau bao nỗ lực không ngừng nghỉ với sự say mê, tìm tòi sáng tạo và tận hiến, ông đã trở thành một trong những vị CEO vĩ đại nhất mọi thời đại. Và điều tuyệt vời hơn khi ngày nay, phần lớn ta trẻ khao khát được sở hữu một chiếc ipod, iphone hay một chiếc máy tính Mac chính là vì hình tượng vĩ đại của ông. Rất nhiều người đã từ bỏ trước khó khăn, thử thách và buông những lời oán than rằng: "Tại sao những điều này lại xảy ra với tôi?" hay "Cuộc đời thật bất công." Thế nhưng họ luôn quên mất rằng, họ đã lựa chọn cuộc sống, thì phải chịu sự "bất công" của cuộc sống. Và giải pháp duy nhất cho vấn đề này, chính là sống hết mình. Bởi trước những khó khăn, ta phải dám hy sinh, dám đấu tranh thì những giá trị rất "người" mới được khẳng định và lan tỏa. Chỉ có trong hy sinh và đấu tranh, ta mới biết yêu thương, sống cho nhau, vì nhau và đem hết sức mình ra để cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng. Chính khi đó, sự tồn tại của mỗi cá nhận sẽ càng trở nên tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Đã từng có một thời kì đen tối trong lịch sử đất nước Singapo, không có bất kì nước nào đứng ra viện trợ, Singapo bị các đảng phái trong và ngoài nước không ngừng bạo loạn, đời sống chính trị, xã hội bất ổn.. Vậy điều gì đã đưa Singapo thoát khỏi khủng hoảng và trở thành một trong nhưng đất nước giàu có nhất hiện nay? Đó là nhờ sự tận hiến đến quên mình của mỗi cá nhân, hi sinh lợi ích tức thời mà góp phần xây dựng một Singapo giàu mạnh và kết nối mọi đoàn thể. Điều đó thật đáng ngưỡng mộ, bởi trong hoàn cảnh khó khăn ấy, tinh thần dân tộc của Singapo được đẩy lên cao hơn bao giờ hết, chính những người dân nơi đây đã hy sinh bản thân mình để góp những mảnh ghép nhỏ bé cho sự phồn thịnh của đất nước mình. Lời nhận xét của Tago càng đúng đắn bao nhiêu thì ta càng nên phê phán "những bông sen giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông" bấy nhiêu. Mỗi con người đều cần phải sống, phải cống hiến chứ không thể mãi thu mình trong lớp vỏ bọc mà không chui ra. Một con bướm muốn bay thì phải chui ra khỏi kén, ấu trùng loài ve muốn râm ran gọi hè thì phải chui lên từ lòng đất.. Vậy thì tại sao hiện nay lại có quá nhiều con người chẳng chịu bước ra khỏi vùng an toàn của mình để thử sức với những điều mới mẻ mà cứ khư khư giữ mình, không hề có khát khao được vươn lên, được cống hiến. Đó là những kiếp đời mờ nhạt, vô ích, là các sống hèn nhát, sống thừa và sống thất bại. Điều đó mới đáng buồn làm sao! Chúng ta chỉ có một cuộc sống nhưng lại có vô vàn cách sống, vậy thì phải sống làm sao để không thấy phí cuộc đời mình, giống như nhà thơ Xuân Diệu đã từng răn dạy: "Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm" Thế nhưng, ta cũng phải để ý thật kỹ trong câu nói của Tago: "Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy, còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông." Tago có nhắc tới khoảng khắc "thấy mặt trời", đó là một dấu hiện mà Tago muốn nhắc khẽ, bởi lẽ sống đâu nhất thiết lúc nào cũng phải hết mình. Mà cái quan trọng là ta phải sống hết mình, sống tận tụy ngay khi "mặt trời lên", tức là phải đúng lúc và đúng địa điểm. Ta không thể cứ hừng hực khí thế mà lao đầu vào những công việc vô vọng vô nghĩa, ta không thể mãi tận hiến cho một đoàn thể không công nhận và trả công xứng đáng cho những nỗ lực của ta, ta không thể cứ mãi yêu thương với những con người chỉ coi ta là không khí. Vậy nên, đôi khi chúng ta cũng cần những quãng nghỉ, vì con người đâu phải là máy móc. Con người biết mệt mỏi và khi ấy, hãy chậm lại một giây để nhìn xem những gì mình đang làm có là điều xứng đáng, và hãy chắc chắn rằng ta sẽ cống hiến hết mình nhưng cũng không "mất hết tinh nhụy". Ta sẽ tỏa sáng và sự chói lòa của chúng ta cần được đảm bảo sẽ được lâu dài và bền bỉ chứ không phải như những chùm pháo hoa bùng lên trong thoáng chốc. Con dao nào cũng có hai lưỡi và dĩ nhiên, sống hết mình đôi khi cũng khiến ta có những suy nghĩ sai lệch về bản thân và sinh ra thói kiêu căng và ngạo mạn. Ta có đủ tư duy, năng lực và hoài bão nhưng chính điều đó cũng khiến ta quá tự tin vào những quyết định của mình mà không học hỏi hay xem xét ý kiến của người khác nữa. Vậy thì khi đó, lưỡi dao găm "sống hết mình" sẽ chính thức giết chết bản thân chúng ta và thậm chí là nhiều người khác nữa. Ta cần phân biệt thật rõ và kiểm soát lưỡi dao sắc này. Bản thân chúng ta sinh ra không hoàn hảo, nhưng bằng cách sống hết mình, chúng ta dần hoàn thiện bản thân mình hơn. Câu nói của Tago cho ta một bài học sâu sắc về thói sống và lẽ sống: Phải cống hiến hết mình, sống hết mình nhưng phải đúng lúc, đúng thời điểm; tuyệt đối không được hèn nhát, yếu mềm mà chọn kiếp đời vô nghĩa. Là một cánh chim non nớt chưa thể bay ra biển lớn, nhưng ít nhất tôi có thể tự tập bay trong những khu vực quen thuộc của mình và tôi cũng hy vọng vào một ngày không xa sẽ được ngắm nhìn cái rực rỡ của hoàng hôn trên biển như khi bông sen Tago được tận hưởng nét tươi mát của ngày mới vậy. Cuộc đời là ngắn ngủi, vậy nên ta đừng nên bỏ lỡ bất kì phút giây nào mà hãy rèn luyện và nâng cấp bản thân từng ngày và hãy luôn nhớ những lời Tago đã dạy: "Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy, còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông".