Đề bài: Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của sự thư thái tâm hồn. Bài làm Cuộc đời chúng ta là một khung vải rộng, với màu trắng cần được chính ta tô vẽ sắc màu. Đó có thể là sắc màu của tình yêu, hạnh phúc, có thể là màu sắc của niềm tin, sự sống.. và có lẽ không thể thiếu – đó là màu sắc của sự thư thái tâm hồn. Vậy ta có thể hiểu thư thái tâm hồn là gì? Có cần thiết trong cuộc sống mỗi người không? Vâng, thư thái tâm hồn là sự thong thả, dễ chịu, thoải mái, không có điều gì phải suy nghĩ căng thẳng. Người có tâm hồn thư thái là những người luôn vui vẻ, biết tìm niềm vui, niềm hạnh phúc cho cuộc sống, luôn yêu đời và thấy cuộc đời đáng sống. Không những vậy, họ còn là người sống có kế hoạch, mục tiêu, lí tưởng sống cho bản thân. Họ cũng là những người biết hài lòng về những gì bản thân mình đang có, cố gắng, nỗ lực vươn lên để bản thân ngày càng tốt đẹp hơn. Trước mỗi khó khăn thử thách, người có tinh thần thư tháiluôn giữ vững được tinh thần, tìm cách vượt qua một cách tốt nhất. Sự thư thái tâm hồn rất cần thiết đối với mỗi người, nhất là trong cuộc sống bộn bề chăm việc phải lo toan, phải suy nghĩ nhiều. Thư thái tâm hồn sẽ giúp cuộc sống mỗi người trở nên dễ chịu, thoải mái và nhẹ nhàng hơn. Nó còn giúp chính bản thân chúng ta cảm thấy an nhiên, vui vẻ, chẳng cần vướng bận điều gì. Hơn thế, thư thái tâm hồn giúp con người làm việc hiệu quả hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ và giải quyết được vấn đề một cách nhanh nhất. Có một tâm hồn thư thái rất có ích trong cuộc sống mỗi người, ấy vậy mà vẫn còn tồn tại một số người luôn trong trạng thái căng thẳng, cáu gắt, thù địch, thích gây sự với người khác một cách vô cớ. Nhất là một bộ phận giới trẻ hiện nay, có một số bạn đang mắc chứng "overthinking", tự suy diễn rồi suy nghĩ quá nhiều, dẫn đến âu lo, sợ hãi, suy sụp tinh thần và nặng hơn có thể bị trầm cảm.. Điều này cần bị xã hội lên án và phê phán. Để có tâm hồn thư thái rất dễ nhưng nó không phải tự nhiên sinh ra đã có, nó phải trải qua một thời gian rèn luyện. Trước hết, bản thân phải nhận thức được lợi ích của sự thư thái trong tâm hồn. Tiếp đến, chúng ta phải học được cách sống chậm để tâm hồn luôn ở trạng thái nhẹ nhàng, thoải mái nhất. Đặc biệt, chúng ta có thể thả hồn vào thiên nhiên giúp cho tâm hồn thư thái, dễ chịu. Như Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm cho mình một chốn "nhàn" : "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ - Người khôn người đến chốn lao xao" (Nhàn).